Viết bài văn nghị luận: Văn học và tình thương

Bộ tài liệu Văn mẫu lớp 8 gồm 500 bài văn mẫu hay nhất, đầy đủ nhất. Dưới đây là bài văn mẫu Cảm nhận về bài:  Viết bài văn nghị luận: Văn học và tình thương  ngữ văn lớp 8 được biên soạn mới nhất giúp các bạn học sinh học tốt môn văn 8 hơn.

760
  Tải tài liệu

Viết bài văn nghị luận: Văn học và tình thương

Bài văn mẫu 1

   Nhà phê bình Hoài Thanh trong văn bản “Ý nghĩa văn chương” từng viết: “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có”. Nhận định ấy đã nêu lên những tác động cơ bản của văn học đối với tình cảm con người. Không dừng lại ở đó, giữa văn học và tình thương còn có những mối quan hệ sâu sắc.

    M.Gooc-ki đã nói “Văn học là nhân học”. Đối tượng mà văn học hướng đến là con người với “chữ người được viết hoa”. Có nghĩa là, văn học hướng về, đề cao, ca ngợi và bồi đắp “chữ người viết hoa” ấy mọi thời đại để nó ngày một đẹp hơn, hoàn thiện hơn. Và trong rất nhiều nét đẹp của chữ viết hoa ấy phải kể đến tình thương, lòng nhân ái. Bởi thế ta thấy có sự đồng nhất giữa văn học và tình thương. Tình thương vốn là một trong những đức tính của con người. Nó xuất phát từ tấm lòng, trái tim mỗi con người. Nó mang tính hướng thiện, nhân đạo và nhìn sự việc bằng sự gắn bó với những tư tưởng hay giá trị đạo đức được xã hội công nhận. Là cơ sở gắn kết những mối quan hệ xung quanh, làm cho khoảng cách giữa con người gần hơn. Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam ta luôn đề cao tư tưởng nhân ái, một đạo lí cao đẹp, truyền thống “lá lành đùm lá rách” cũng được phát huy qua nhiều thế hệ. Những tình cảm cao quý ấy được kết tinh, hội tụ và phản ánh qua những tác phẩm văn học dân tộc.

    Nói văn học luôn ca ngợi lòng nhân ái và tình yêu thương giữa người và người quả không sai. Từ xưa trong văn học dân gian các cụ đã đề cao tình yêu thương con người. Ai trong chúng ta cũng thuộc lòng những câu ca dao như:

   “Bầu ơi thương lấy bí cùng

   Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

   Hoặc câu:

   “Nhiễu điều phủ lấy giá gương

   Người trong một nước phải thương nhau cùng”

   Rồi truyền thuyết “con Rồng cháu Tiên” giúp ta hiểu rõ hơn về từ “đồng bào”. Mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân đã sinh ra một trăm trứng và nở ra trăm con, năm mươi người con xuống biển sau này trở thành người miền xuôi, còn năm mươi người con khác lên núi sau này trở thành các dân tộc miền núi. Trước khi đi, Lạc Long Quân có dặn Âu Cơ rằng: sau này có gì khó khăn thì giúp đỡ nhau. Điều đó, cho thấy người xưa còn nhắc nhở con cháu phải biết thương yêu, đoàn kết, tương trợ nhau. Ta còn bắt gặp rất nhiều những câu chuyện về lòng yêu thương, tư tưởng nhân đạo của dân tộc trong văn học dân gian qua hình ảnh chàng Thạch Sanh đại diện cho chính nghĩa, hiền hậu, vị tha, dũng cảm, sẵn sàng tha thứ cho mẹ con Lý Thông, người đã bao lần tìm cách hãm hại mình. Rồi khi mười tám nước chư hầu kéo quân sang đánh Thạch Sanh nhằm cướp lại công chúa, chàng đã sử dụng cây đàn thần của mình để thức tỉnh binh lính, làm cho binh lính lần lượt xếp giáp quy hàng mà không cần động đến đao binh. Chàng lại mang cơm thiết đãi họ trước khi rút về nước. Ta còn biết đến một cô út dũng cảm làm vợ chàng Sọ Dừa kì dị. Câu chuyện về bông cúc trắng, bông hoa của tình yêu thương mãnh liệt đã làm nên điều kì diệu trong cuộc sống. Còn biết bao câu ca, câu chuyện thấm đẫm tình thương trong văn học dân gian ta không thể nào kể hết.

    Đọc văn học trung đại ta lại thấy sự tiếp nối làm đẹp truyền thống đó. Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi với tư tưởng nhân đạo cao cả:

   “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn

   Lấy chí nhân để thay cường bạo”

   Chính là tư tưởng xuyên suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Chúng ta cũng từng đọc Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du và hẳn vẫn giữ Truyện Kiều trong đáy sâu thẳm tâm linh, để luôn tự mình được trăn trở, chiêm nghiệm. Truyện Kiều, không chỉ là bản cáo trạng tội ác của bọn quan lại phong kiến, còn là một quyển kinh về tình thương. Tình thương cha, tình thương mẹ, thương chị em ruột thịt, thương người... như thể thương thân của nàng Kiều, đã in dấu ấn rất rõ tình thương mênh mông... của thi hào Nguyễn Du với thân phận những người phụ nữ.

    Đến văn học hiện đại ta lại bắt gặp tình yêu thương rất con người đó. Hình ảnh cậu bé Hồng trong tác phẩm “Những ngày thơ ấu”, đã cho chúng ta thấy rằng: “tình mẫu tử là nguồn thiêng liêng và kì diệu, là mối dây bền chặt không gì chia cắt được”. Cậu bé Hồng phải sống trong cảnh mồ côi, chịu sự hành hạ của bà cô, cha mất, mẹ phải đi tha hương, ấy vậy mà cậu không hề oán giận mẹ mình, ngược lại vô cùng kính yêu, nhớ thương mẹ. Câu chuyện đã làm rung động biết bao trái tim của độc giả. Không chỉ phản ánh tình mẫu tử, văn học còn cho ta thấy một tình cảm vô cùng đẹp đẽ, sâu sắc không kém, đó là tình cảm vợ chồng. Tiểu thuyết “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố là minh chứng rõ nét nhất cho điều này. Nhân vật chị Dậu được tác giả khắc họa thành một người phụ nữ điển hình nhất trong văn học hiện thực Việt Nam. Chị là một người vợ thương chồng, yêu con, luôn ân cần, nhẹ nhàng chăm sóc cho chồng dù trong hoàn cảnh khó khăn, nguy khốn. Chị Dậu đã liều mình: đánh trả tên người nhà lí trưởng để bảo vệ cho chồng, một việc mà ngay cả đàn ông trong làng cũng chưa dám làm. Đọc truyện “Cuộc chia tay của những con búp bê” ta rưng rưng cảm động khi chứng kiến cảnh anh em Thành và Thủy chia tay nhau đầy nước mắt. Tác giả muốn gửi đến chúng ta thông điệp về tình cảm và sự gắn bó giữa anh em với nhau trong gia đình mà các cụ xưa đã từng đúc kết:

   “Anh em như thể tay chân

   Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”

    Bên cạnh việc ca ngợi những con người “thương người như thể thương thân”, văn học cũng phê phán những kẻ ích kỉ, vô lương tâm. Trong truyện cổ tích “Tấm Cám”, chúng ta sẽ thấy được thái độ căm ghét của mọi người đối với mẹ con Cám. Cái chết ở cuối câu chuyện đã lên án gay gắt: những kẻ ác phải bị trừng phạt. Đáng ghê sợ hơn nữa là những người cạn tình máu mủ. Điển hình là nhân vật bà cô trong truyện “Những ngày thơ ấu”, một người độc ác, nham hiểm “giết người không dao”. Bà ta nói xấu, sỉ nhục mẹ bé Hồng trước mặt bé, đứa cháu ruột của mình, đứa cháu mồ côi tội nghiệp lẽ ra bà phải yêu thương để bù đắp lại những mất mát mà bé phải hứng chịu. Hay trong tiểu thuyết “Tắt đèn”, nhà văn Ngô Tất Tố đã cho chúng ta thấy sự tàn ác, bất nhân của tên cai lệ và người nhà lí trưởng. Chúng thẳng tay đánh đập những người thiếu sưu, đến những người phụ nữ chân yếu tay mềm như chị Dậu mà chúng cũng không tha. Rồi ông quan trong “Sống chết mặc bay” tiêu biểu cho tầng lớp thống trị, quan lại ngày xưa. Trong cảnh nguy cấp, nhân dân đội gió, tắm mưa cứu đê thì quan lại ngồi ung dung đánh tổ tôm. Ngay cả khi có người vào báo đê vỡ hắn vẫn thét lính đuổi ra và khi quan lớn ù ván bài to thì cũng là lúc cả làng ngập nước, nhà cửa lúa má bị cuốn trôi hết, tình cảnh thật thảm sầu. Chính sự việc cao trào đó đã lên án gay gắt tên quan hộ đê, hay chính là đại diện cho tầng lớp thống trị, dửng dưng trước sinh mạng của biết bao người. Văn học không chỉ viết về tình thương, ca ngợi tình thương. Văn học còn khơi dậy tình thương trong lòng chúng ta, muốn chúng ta sẻ chia, cảm thông với những con người bất hạnh. Không ai dửng dưng, cầm lòng khi đọc truyện “Cô bé bán diêm” tội nghiệp và cảnh cô bé chết trong đêm giao thừa lòng thầm hỏi trong cuộc sống này còn bao người sẽ chết như thế trước sự thờ ơ đến vô cảm của người đời? Cũng bao lần ta nhỏ lệ khi đọc đoạn trích “Một cảnh mua bán” trong Tắt đèn khi Ngô Tất Tố kể về cái Tí với bát cơm thừa của chó nhà Nghị Quế. Ta cũng chẳng thể dửng dưng trước nỗi truân chuyên của người con gái tài sắc Thuý Kiều mà Nguyễn Du đã bao lần nhỏ lệ khóc thương trong tác phẩm của mình. Rồi cảnh anh em Thành Thuỷ chia tay cùng những con búp bê làm lòng ta nhói đau khi chứng kiến những bất hạnh của tuổi thơ và nỗi bất hạnh mà các em phải gánh chịu quá sớm. Từ việc khơi dậy tình yêu thương ấy, văn học gửi đến chúng ta thông điệp: Hãy dâng tặng tình yêu thương cho mọi người, ta lại cũng được đón nhận nó.

    Văn nghị luận: Văn học và tình thương luôn đồng hành tạo nên giá trị đích thực cho mỗi tác phẩm đồng thời giúp con người vươn tới chân - thiện - mĩ, hoàn thiện nhân phẩm và nhân cách con người. Và ở bất kì thời đại nào, giá trị lớn lao nhất của văn chương vẫn là “gây cho ta những tình cảm ta chưa có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có”.

Bài văn mẫu 2

   Ai-mai-tốp đã từng nhận xét rằng: “Nhà văn phải biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác; cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp” . Văn chương có những ý nghĩa, vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi con người, có những tác động sâu sắc đến đời sống tình cảm của mỗi chúng ta. Giữa văn học và tình thương có mối quan hệ gắn bó khăng khít.

   Văn học là một khái niệm rộng lớn, bao gồm thơ ca, truyện, kịch, hò, vè,… phản ánh đời sống hiện thực, tâm tư, tình cảm của con người. Không chỉ phản ánh, mà văn chương còn đem đến cho ta những bài học ý nghĩa trong cuộc sống, giúp ta biết nâng, niu trân trọng những tình cảm đẹp đẽ.

   Nhân dân ta có một kho tàng ca dao hết sức phong phú, phản ánh nhiều phương diện trong cuộc sống như: tình cảm gia đình, sự đoàn kết tình yêu thương và không thể không nhắc đến những bài ca dao ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước:

   “Đường vô xứ Huế quanh quanh

   Non xanh nước biếc như tranh họa đồ

   Ai vô xứ Huế thì vô”

   Hay:

   Bắc Kan có suối đãi vàng

   Có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh

   Khung cảnh thiên nhiên hiện lên thật đẹp đẽ, qua đó bộc lộ được tình yêu quê hương đất nước nồng nàn tha thiết của ông cha ta xưa với những nơi mình được sinh ra.

   Đến với văn học hiện đại, mỗi tác phẩm lại đem đến cho người đọc những tình cảm, cảm xúc riêng. Là tình cảm mẫu tử thiêng liêng, bât diệt của cậu bé Hồng với người mẹ đáng thương của mình. Bố mất, mẹ bỏ đi, để lại Hồng sống cùng với bà cô nanh nọc, độc ác, luôn tìm cách đay nghiến, chì chiết mẹ cậu để cậu ghét bỏ mẹ. Nhưng bằng một tình yêu thương sắt đá Hồng không để những ý nghĩ rắp tâm ấy làm vấy bẩn hình ảnh mẹ trong lòng mình. Giây phút hai mẹ con gặp lại nhau gây niềm xúc động to lớn đối với người đọc. Hồng nằm gọn trong lòng mẹ, ôm ấp và cảm nhận hơi thở ấm áp, thơm tho mùi trẩu phả ra từ khuôn miêng xinh xắn của mẹ.

   Với Cuộc chia tay của những con búp bê, chúng ta lại nghẹn ngào xúc động về tình cảm anh em thắm thiết sâu nặng giữa Thành và Thủy. Vì cha mẹ không thể sống được cùng nhau mà buộc hai anh em phải mỗi người phải chia lìa đôi ngả. Những giọt nước mắt nghẹn ngào khi Thủy bước lên xe, còn Thành ở lại, làm ta không khỏi rưng rưng xúc động. Đọc đến cuối tác phẩm ta càng trân trọng và có ý thức giữ gìn hơn nữa tổ ấm, hạnh phúc gia đình.

   Bạn đến chơi nhà lại đem đến cho người đọc một cảm xúc khác về ý nghĩa của tình bạn. Nguyễn Khuyến tiếp đãi bạn thật nhiều điều thú vị, bất ngờ, tưởng là có mà hóa ra lại không có gì. Nhưng để từ chỗ không ấy, Nguyễn Khuyến đã đưa ra một kết luận đầy bất ngờ:

   Bác đến chơi đây ta với ta

   Câu thơ đề cao tình bạn chân thành, không màng danh lợi, vật chất tầm thường. Cụm từ ta với ta cho thấy sự hòa quyện, hai mà là một. Đây mới chính là một tình bạn đẹp đẽ, cao cả mà bất cứ ai cũng cần hướng đến.

   Ngoài ra, các tác phẩm văn chương còn khơi dậy tình làng nghĩa xóm đậm đà, thắm thiết. Ông cha ta vẫn thường có câu:

   Bán anh em xa mua láng giềng gần

   Để nói lên ý nghĩa tầm quan trọng của tình làng nghĩa xóm trong đời sống con người. Bà cụ trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ chẳng phải là minh chứng tiêu biểu nhất đó sao. Gia cảnh khốn cùng của chị Dậu khiến bà không khỏi thương cảm, xót xa, ngay khi thấy anh Dậu về đã cho nắm gạo để nấu cháo, rồi còn bày cách để trốn lũ tay sai. Rồi đến ông giáo trong tác phẩm Lão Hạc, người bạn, người hàng xóm thân thiết của lão Hạc. Ông là người để lão Hạc phơi trải mọi nỗi lòng, tâm sự, cũng như gửi gắm những gì quý giá nhất của mình để lại cho con trai. Nếu không có ông giáo cuộc đời lão Hạc sẽ cô đơn và lẻ loi biết bao.

   Chỉ với những phân tích hết sức ngắn gọn ta cũng có thể thấy mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa văn học và tình thương. Văn học giúp con người sống Người hơn, nhân văn hơn, biết yêu thương và quý trọng những người xung quanh, biết sống chân thành, không vụ lợi, giả dối. Mục đích lớn nhất của văn chương chính là giúp con người hướng thiện, hướng con người đến cái đích chân – thiện – mĩ.

Bài viết liên quan

760
  Tải tài liệu