Giải Khoa học tự nhiên 7 (Kết nối tri thức) Bài 29: Vai trò của nước và chất dinh dưỡng đối với sinh vật
Hoidapvietjack.com trân trọng giới thiệu: lời giải bài tập Khoa học tự nhiên lớp 7 Bài 29: Vai trò của nước và chất dinh dưỡng đối với sinh vật sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi và làm bài tập KHTN 7 Bài 29.
Giải bài tập Khoa học tự nhiên 7 Bài 29: Vai trò của nước và chất dinh dưỡng đối với sinh vật
A/ Câu hỏi mở đầu
Mở đầu trang 122 Bài 29 Khoa học tự nhiên 7: Quan sát một cây trưởng thành to lớn được phát triển từ một hạt nhỏ xíu ban đầu, có bao giờ em tự hỏi: Nhờ đâu mà cây có thể lớn lên được? Nguyên liệu để tạo nên sự thay đổi kì diệu đó là gì?
Trả lời:
- Nhờ sự phân chia và lớn lên của các tế bào mà cây có thể lớn lên (gia tăng về kích thước và khối lượng).
- Nguyên liệu để tạo nên sự thay đổi về kích thước của cây là nước, các khoáng chất, khí carbon dioxide. Nhờ các nguyên liệu này, cây thực hiện quá trình quang hợp tổng hợp nên chất hữu cơ để xây dựng lên cơ thể.
B/ Câu hỏi giữa bài
I. THÀNH PHẦN HÓA HỌC, CẤU TRÚC VÀ TÍNH CHẤT CỦA NƯỚC
Câu hỏi trang 122 Khoa học tự nhiên 7: Quan sát Hình 29.1 và liên hệ kiến thức đã học để trả lời các câu hỏi sau:
2. Tính phân cực của phân tử nước được thể hiện như thế nào?
Trả lời:
1. Cấu tạo của phân tử nước: Phân tử nước được cấu tạo từ 2 nguyên tử hydrogen liên kết với 1 nguyên tử oxygen bằng liên kết cộng hóa trị.
2. Tính phân cực của phân tử nước: Cặp electron trong liên kết cộng hóa trị bị lệch về phía nguyên tử oxygen nên đầu mang nguyên tử oxygen của phân tử nước tích điện âm còn đầu mang nguyên tử hydrogen tích điện dương. Do tính chất phân cực nên các phân tử nước hút lẫn nhau và hút các phân tử phân cực khác, nhờ đó nước trở thành dung môi hòa tan nhiều chất.
II. VAI TRÒ CỦA NƯỚC ĐỐI VỚI SINH VẬT
Câu hỏi 1 trang 123 Khoa học tự nhiên 7: Nêu vai trò của nước đối với sinh vật. Điều gì xảy ra nếu sinh vật bị thiếu nước?
Trả lời:
- Vai trò của nước đối với sinh vật:
+ Là thành phần chủ yếu tham gia cấu tạo nên tế bào và cơ thể sinh vật.
+ Là nguyên liệu và môi trường của nhiều quá trình sống trong cơ thể như quá trình quang hợp, tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng,…
+ Góp phần vận chuyển các chất dinh dưỡng trong cơ thể.
+ Góp phần điều hòa nhiệt độ cơ thể.
- Nếu cơ thể bị thiếu nước thì quá trình sống cơ bản sẽ bị rối loạn và có thể bị chết.
Câu hỏi 2 trang 123 Khoa học tự nhiên 7: Hãy đề xuất cách tiến hành thí nghiệm chứng minh khẳng định “Nếu thiếu nước trong thời gian dài, cây sẽ bị héo, giảm sức sống và có thể chết”.
Trả lời:
Cách tiến hành thí nghiệm chứng minh khẳng định “Nếu thiếu nước trong thời gian dài, cây sẽ bị héo, giảm sức sống và có thể chết”:
- Bước 1: Chuẩn bị 2 chậu cây giống nhau (cùng loài và tương đồng về kích thước).
- Bước 2: Cung cấp cho 2 chậu cây đầy đủ các yếu tố ánh sáng, nhiệt độ, chất dinh dưỡng thích hợp giống nhau nhưng 1 chậu cây thường xuyên tưới nước còn một cây thì không tưới nước.
- Bước 3: Quan sát sự phát triển của 2 cây để rút ra kết luận về vai trò của nước đối với sự phát triển cả cây.
Câu hỏi 3 trang 123 Khoa học tự nhiên 7: Khi bị nôn, sốt cao hoặc tiêu chảy, cơ thể bị mất rất nhiều nước. Trong trường hợp đó, em cần làm gì?
Trả lời:
Khi bị nôn, sốt cao hoặc tiêu chảy, chúng ta cần:
- Thực hiện các biện pháp tích cực để giảm nôn, sốt cao hoặc tiêu chảy.
- Thực hiện các biện pháp để bù nước cho cơ thể: uống nhiều nước, bù điện giải bằng oresol,…
III. VAI TRÒ CỦA CHẤT DINH DƯỠNG ĐỐI VỚI SINH VẬT
1. Vai trò của chất dinh dưỡng đối với thực vật
Câu hỏi 1 trang 124 Khoa học tự nhiên 7: Chất dinh dưỡng có vai trò gì đối với thực vật? Nêu một số biểu hiện ở thực vật khi thiếu hoặc thừa chất dinh dưỡng.
Trả lời:
- Đối với thực vật, chất dinh dưỡng có vai trò cung cấp nguyên liệu và năng lượng cho các quá trình sống ở cơ thể:
+ Tham gia cấu tạo nên cơ thể.
+ Là nguyên liệu để thực vật tổng hợp nên các chất hữu cơ trong cơ thể.
+ Tham gia điều tiết quá trình trao đổi chất trong cơ thể.
- Một số biểu hiện ở thực vật khi thiếu hoặc thừa chất dinh dưỡng:
+ Thiếu đạm (N), cây sinh trưởng kém, lá non mỏng màu xanh nhạt, các lá già chuyển vàng và rụng sớm, kích thước lá bị nhỏ đi, đẻ nhánh và phân cành kém.
+ Thiếu lân (P), lá bị nhỏ lại và bản lá bị hẹp và có xu hướng dựng đứng; lá bị tối lại so với cây có đủ lân; cây sinh trưởng chậm lại và quá trình chín cũng bị kéo dài.
+ Thiếu K, các lá già trở nên vàng sớm và bắt đầu từ bìa lá sau đó bìa lá và đầu lá có thể trở nên đốm vàng hoặc bạc, bìa lá chết và bị hủy hoại và lá có biểu hiện như bị rách.
+ Thiếu Ca: Các lá non của cây mới trồng bị biến dạng và có màu xanh lụa sẫm không bình thường, thiếu nặng cành non bị chết; lá có hình đài hoa và quăn; đôi khi trái bị nứt, vị đắng, trái không bảo quản được lâu.
+ Thiếu sắt: Thiếu sắt gây ra hiện tượng màu xanh lá cây nhợt nhạt (bạc lá) với sự phân biệt rõ ràng giữa những gân lá màu xanh và khoảng giữa màu vàng. Thiếu sắt nặng có thể chuyển toàn bộ cây thành màu vàng tới trắng lợt.
Câu hỏi 2 trang 124 Khoa học tự nhiên 7: Giải thích tại sao trong trồng trọt, người ta thường trồng thay đổi các loài cây khác nhau trên cùng một diện tích đất trồng ở các mùa vụ khác nhau trong một năm.
Trả lời:
Trồng thay đổi các loài cây khác nhau trên cùng một diện tích đất trồng ở các mùa vụ khác nhau trong một năm đem lại nhiều lợi ích:
- Giúp tận dụng tối đa nguồn nước, các chất dinh dưỡng khác nhau có trong đất.
- Giúp đảm bảo điều kiện khí hậu tốt nhất cho sự sinh trưởng và phát triển của cây.
- Giúp hạn chế sự phát triển liên tục của sâu bệnh và cỏ dại đặc thù.
→ Những lợi ích này giúp người trồng trọt bớt được công chăm sóc, chi phí phân bón mà vẫn thu được hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, trong trồng trọt, người ta thường trồng thay đổi các loài cây khác nhau trên cùng một đơn vị diện tích đất trồng ở các mùa vụ khác nhau trong một năm.
2. Vai trò của chất dinh dưỡng đối với động vật
Hoạt động trang 125 Khoa học tự nhiên 7: Quan sát Hình 29.6 và liên hệ với các kiến thức đã học, thảo luận nhóm để hoàn thành thông tin theo mẫu Bảng 29.1:
Trả lời:
Chất dinh dưỡng |
Vai trò chính đối với cơ thể |
Thức ăn chứa nhiều chất dinh dưỡng |
Một số biểu hiện của cơ thể khi bị thiếu hoặc thừa chất dinh dưỡng |
Protein |
- Cấu tạo tế bào và cơ thể - Giúp các quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng diễn ra thuận lợi hơn |
Thịt gà, thịt bò, cá ngừ, cá chép, trứng, sữa, đậu tương,.. |
- Thiếu protein: cơ thể sẽ gầy, yếu, chậm lớn,… - Thừa protein: gây bệnh béo phì, bệnh tim mạch, táo bón, hôi miệng, bệnh gout,… |
Carbohydrate |
- Nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu |
- Lúa, ngô, khoai, sắn, khoai tây,… |
- Thiếu carbohydrate: mệt mỏi, thiếu tập trung, giảm trí nhớ,… - Thừa carbohydrate: béo phì, đường huyết tăng, tăng nguy cơ mắc đái tháo đường,… |
Lipid |
- Dự trữ năng lượng - Chống mất nhiệt - Là dung môi hòa tan một số loại vitamin giúp cơ thể hấp thụ được |
- Dầu, mỡ, bơ, đầu nành, đậu lạc, vừng,… |
- Thiếu lipid: luôn cảm thấy lạnh, rối loạn nhịp tim, khả năng tình dục giảm, khó tập trung, da kém mịn màng,… - Thừa lipid: béo phì, xơ vữa động mạch, gan nhiễm mỡ, viêm tụy cấp,… |
Vitamin và chất khoáng |
- Tham gia cấu tạo enzyme, xương, răng,… - Tham gia các hoạt động trao đổi chất của cơ thể |
- Các loại quả, các loại rau xanh,… |
- Thiếu vitamin: dễ mắc các bệnh liên quan đến chuyển hóa, rụng tóc, sưng lợi, chảy máu, khô mắt, mệt mỏi,… - Thừa vitamin: ngộ độc, tiêu chảy, sỏi thận, gây dị tật thai nhi, giảm khả năng đông máu,… |
Bài viết liên quan
- Giải Khoa học tự nhiên 7 (Kết nối tri thức) Bài 27: Thực hành: Hô hấp ở thực vật
- Giải Khoa học tự nhiên 7 (Kết nối tri thức) Bài 28: Trao đổi khí ở sinh vật
- Giải Khoa học tự nhiên 7 (Kết nối tri thức) Bài 30: Trao đổi nước và chất dinh dưỡng ở thực vật
- Giải Khoa học tự nhiên 7 (Kết nối tri thức) Bài 31: Trao đổi nước và chất dinh dưỡng ở động vật
- Giải Khoa học tự nhiên 7 (Kết nối tri thức) Bài 32: Thực hành: Chứng minh thân vận chuyển nước và lá thoát hơi nước