Giải Khoa học tự nhiên 7 (Kết nối tri thức) Bài 20: Chế tạo nam châm điện đơn giản
Hoidapvietjack.com trân trọng giới thiệu: lời giải bài tập Khoa học tự nhiên lớp 7 Bài 20: Chế tạo nam châm điện đơn giản sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi và làm bài tập KHTN 7 Bài 20.
Giải bài tập Khoa học tự nhiên 7 Bài 20: Chế tạo nam châm điện đơn giản
A/ Câu hỏi đầu bài
Mở đầu trang 96 Bài 20 Khoa học tự nhiên 7:
Hình trên là nam châm của cần cẩu dọn rác kim loại. Nhờ nam châm này cần cẩu có thể lấy rác kim loại là hợp kim của sắt, ở đống rác và di chuyển đến các thùng xe chở rác rồi thả xuống. Nhiều khi rác là những tấm kim loại lớn, nặng hàng trăm kilôgam. Nam châm ở cần cẩu có phải là loại nam châm vĩnh cửu mà ta đã học không? Tại sao?
Trả lời:
Nam châm ở cần cẩu là loại nam châm điện vì cấu tạo của nó gồm ống dây dẫn, một thỏi sắt non trong lòng ống dây, hai đầu ống dây nối với 2 cực của nguồn điện.
B/ Câu hỏi giữa bài
I. Nam châm điện
Câu hỏi trang 96 Khoa học tự nhiên 7: Làm cách nào biết ống dây đã trở thành nam châm điện?
Trả lời:
Ta đưa các vật liệu từ lại gần ống dây, nếu ông dây hút chúng thì ống dây đã trở thành nam châm điện.
II. Chế tạo nam châm điện đơn giản
Hoạt động 1 trang 97 Khoa học tự nhiên 7:
Cách làm:
Dùng một đoạn dây đồng quấn xung quanh một ống nhựa, luồn vào trong một chiếc đinh sắt dài, nối hai đầu dây với nguồn điện (pin) qua một công tắc điện như Hình 20.2.
Tiến hành thí nghiệm:
Lần lượt thực hiện các động tác:
- Đóng công tắc điện; kiểm tra xem xung quanh nam châm điện có từ trường không?
- Ngắt công tắc điện; kiểm tra xung quanh nam châm còn từ trường không?
- Thay đổi nguồn điện (bằng cách tăng số pin), đóng công tắc điện; dùng các ghim giấy bằng sắt để kiểm tra xem lực từ của nam châm thay đổi như thế nào (nếu nam châm hút được nhiều ghim giấy bằng sắt hơn thì lực từ mạnh hơn).
- Thay đổi cực của nguồn điện; dùng kim nam châm thử để kiểm tra xem chiều từ trường có thay đổi không?
Trả lời:
- Đóng công tắc điện, xung quanh nam châm điện có từ trường.
- Ngắt công tắc điện, xung quanh nam châm không còn từ trường.
- Thay đổi nguồn điện (bằng cách tăng số pin), đóng công tắc điện; dùng các ghim giấy bằng sắt nếu nam châm hút được nhiều ghim giấy bằng sắt hơn thì lực từ mạnh hơn.
- Thay đổi cực của nguồn điện; dùng kim nam châm thử để kiểm tra xem chiều từ trường có thay đổi.
Câu hỏi 1 trang 97 Khoa học tự nhiên 7: Từ kết quả thí nghiệm rút ra kết luận gì về từ trường của nam châm điện?
Trả lời:
Từ trường của nam châm điện chỉ tồn tại trong thời gian dòng điện chạy trong ống dây, dòng điện thay đổi thì từ trường của nam châm điện thay đổi.
Em có thể 1 trang 98 Khoa học tự nhiên 7: Tạo được một nam châm điện bằng những vật liệu thông dụng.
Trả lời:
Khi chế tạo nam châm điện đơn giản, ta nên chọn vật liệu bằng sắt như (đinh sắt, thanh sắt) để làm lõi của nam châm điện. Dùng dây đồng quấn quanh vật sắt, nối hai đầu dây đồng thừa ra vào hai cực của pin.
Em có thể 2 trang 98 Khoa học tự nhiên 7: Trình bày được một số ứng dụng của nam châm điện trong đời sống, chẳng hạn vì sao nam châm của cần cẩu dọn rác là nam châm điện.
Trả lời:
Nam châm điện được dùng ở cần cẩu dọn rác, nâng nhấc các vật nặng do nó có lực từ rất mạnh.