Giải Khoa học tự nhiên 7 (Kết nối tri thức) Bài 23: Một số yếu tố ảnh hưởng đến quang hợp
Hoidapvietjack.com trân trọng giới thiệu: lời giải bài tập Khoa học tự nhiên lớp 7 Bài 23: Một số yếu tố ảnh hưởng đến quang hợp sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi và làm bài tập KHTN 7 Bài 23.
Giải bài tập Khoa học tự nhiên 7 Bài 23: Một số yếu tố ảnh hưởng đến quang hợp
A/ Câu hỏi mở đầu
Mở đầu trang 104 Bài 23 Khoa học tự nhiên 7: Cây xanh có ý nghĩa rất lớn đối với sự sống trên Trái Đất. Vậy chúng ta cần trồng vào bảo vệ cây xanh như thế nào? Những yếu tố nào ảnh hưởng đến quá trình quang hợp ở cây xanh?
Trả lời:
- Biện pháp trồng và bảo vệ cây xanh:
+ Tích cực tổ chức các phong trào trồng và bảo vệ cây xanh xung quanh môi trường sống.
+ Tuyên truyền nâng cao ý thức của mọi người về trồng và bảo vệ cây xanh.
+ Khi phát hiện hành vi phá hoại rừng, cây xanh bừa bãi nên báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lí phù hợp.
- Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình quang hợp: Nước, ánh sáng, nhiệt độ, hàm lượng khí carbon dioxide.
B/ Câu hỏi giữa bài
I. MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUANG HỢP
Câu hỏi trang 104 Khoa học tự nhiên 7: Hãy kể tên những loài cây ưa bóng và ưa sáng mà em biết.
Trả lời:
- Một số cây ưa bóng (thường sống dưới tán cây khác hoặc những nơi có ánh sáng hạn chế): cây lưỡi hổ, cây lá lốt, cây phát lộc, cây lan ý, cây vạn niên thanh, cây tuyết tùng, cây trầu bà,…
- Một số cây ưa sáng (thường sống nơi quang đãng): cây bạch đàn, cây bàng, cây bưởi, cây táo, cây phượng vĩ, cây nhãn,…
Câu hỏi trang 105 Khoa học tự nhiên 7: Quan sát Hình 23.2 và cho biết ảnh hưởng của nồng độ khí CO2 đến quang hợp có giống nhau ở các loài cây không? Giải thích.
Trả lời:
Theo biểu đồ, ta thấy: Biểu đồ ảnh hưởng của nồng độ CO2 ngoài môi trường đến quang hợp của cây bí đỏ và cây đậu là hai đường đồ thị độc lập, cùng một nồng độ CO2 nhưng cường độ quang hợp của cây bí đỏ cao hơn cường độ quang hợp của cây đậu. Như vậy, có thể kết luận: Ảnh hưởng của nồng độ khí CO2 đến quang hợp không giống nhau ở các loài cây.
Hoạt động 1 trang 106 Khoa học tự nhiên 7: Đọc thông tin trong mục I, thảo luận nhóm và hoàn thành theo mẫu Bảng 23.1.
Bảng 23.1
Yếu tố |
Ảnh hưởng đến quang hợp |
Ánh sáng |
? |
Nước |
? |
Khí carbon dioxide |
? |
Nhiệt độ |
? |
Trả lời:
Hoàn thành theo mẫu Bảng 23.1:
Bảng 23.1
Yếu tố |
Ảnh hưởng đến quang hợp |
Ánh sáng |
- Trong giới hạn cho phép, khi cường độ ánh sáng tăng thì hiệu quả quang hợp sẽ tăng. Nhưng ánh sáng quá mạnh sẽ làm lá cây bị “đốt nóng”, làm giảm hiệu quả quang hợp. |
Nước |
- Nước vừa là nguyên liệu của quang hợp, vừa là yếu tố tham gia vào việc đóng, mở khí khổng, liên quan đến sự trao đổi khí. - Khi cây hấp thụ đủ nước, quang hợp diễn ra bình thường. Khi cây thiếu nước, khí khổng đóng lại, lượng khí CO2 khuếch tán vào lá cây giảm khiến quang hợp giảm. |
Khí carbon dioxide |
- Trong giới hạn cho phép, khi cường độ khí carbon dioxide tăng thì hiệu quả quang hợp sẽ tăng. - Khi hàm nồng độ khí carbon dioxide tăng quá cao (khoảng 0,2%) hoặc giảm xuống quá thấp (thấp hơn 0,008% - 0,01%), cây sẽ không quang hợp được. |
Nhiệt độ |
- Nhiệt độ thuận lợi nhất cho hầu hết các loài cây quang hợp là từ 25oC – 35oC. - Khi nhiệt độ giảm xuống quá thấp (thường dưới 10oC) hoặc tăng lên quá cao (trên 40oC) sẽ làm ức chế hoạt động của các enzyme quang hợp khiến quá trình quang hợp sẽ giảm dần, thậm trí là dừng hẳn. |
Hoạt động 2 trang 106 Khoa học tự nhiên 7: Giải thích vì sao nên trồng cây đúng thời vụ và đảm bảo mật độ phù hợp.
Trả lời:
- Mỗi loài cây khác nhau lại thích nghi với những điều kiện khí hậu (nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm,…) khác nhau, điều kiện khí hậu không thích hợp sẽ khiến hoạt động quang hợp của cây bị ức chế làm cây không thể sinh trưởng và phát triển bình thường. Do đó, phải trồng cây đúng thời vụ để có khí hậu phù hợp nhất đối với sự sinh trưởng và phát triển cả cây.
- Mật độ cây trồng quá dày sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nước, ánh sáng, các nguyên tố dinh dưỡng khoáng thiết yếu,… Điều này khiến quá trình quang hợp tích lũy vật chất của các cây bị hạn chế. Do đó, cây trồng với mật độ quá dày thường còi cọc, năng suất thấp. Ngược lại, cây trồng quá thưa sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí các nguồn sống được cung cấp khiến hiệu quả kinh tế thu được không cao. Từ những phân tích này cho thấy nên trồng cây với mật độ thích hợp để đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hoạt động 3 trang 106 Khoa học tự nhiên 7: Ở những khu công nghiệp hay nơi có nhiều nhà máy, nồng độ khí carbon dioxide thường tăng cao. Quang hợp của cây trồng tại đó bị ảnh hưởng như thế nào?
Trả lời:
Ở những khu công nghiệp hay nơi có nhiều nhà máy, nồng độ khí carbon dioxide thường tăng cao. Nếu nồng độ khí carbon dioxide tăng quá cao, hiệu quả quang hợp của cây trồng tại đó thường giảm đi.
Hoạt động 4 trang 106 Khoa học tự nhiên 7: Vào những ngày nắng nóng hoặc trời rét đậm, người làm vườn thường che nắng hoặc chống rét (ủ ấm gốc) cho cây. Em hãy giải thích ý nghĩa của việc làm đó.
Trả lời:
- Vào những ngày nắng nóng, người làm vườn thường che nắng để tránh hiện tượng cường độ ánh sáng quá mạnh gây tổn hại cho cấu tạo và hoạt động sinh lí (quang hợp, thoát hơi nước,…) của cây trồng.
- Vào những ngày trời rét đậm, người làm vườn thường chống rét (ủ ấm gốc) cho cây để tránh hiện tượng nhiệt độ quá thấp ảnh hưởng đến các hoạt động sinh lí của cây trồng đặc biệt là hoạt động quang hợp (khi nhiệt độ quá thấp, quang hợp bị giảm hoặc thậm chí là ngưng trệ).
II. VẬN DỤNG NHỮNG HIỂU BIẾT VỀ QUANG HỢP TRONG VIỆC TRỒNG VÀ BẢO VỆ CÂY XANH
Câu hỏi 1 trang 106 Khoa học tự nhiên 7: Trình bày biện pháp bảo vệ cây xanh trong trường học của em.
Trả lời:
Biện pháp bảo vệ cây xanh trong trường học:
- Thường xuyên tưới nước, bón phân, nhổ sạch cỏ dại cho cây cho cây.
- Quét vôi quanh phần gốc thân cho cây giúp cây đỡ tránh được nhiệt độ cao từ ánh sáng mặt trời và phòng ngừa sâu bệnh cho cây.
- Nghiêm cấm mọi người có hành vi gây tổn hại đến cây trồng như bẻ cành, bứt lá bừa bãi,…
Câu hỏi 2 trang 106 Khoa học tự nhiên 7: Tại sao ở các thành phố hoặc nơi đông dân cư sinh sống lại cần trồng nhiều cây xanh?
Trả lời:
Việc trồng cây xanh ở các thành phố hoặc nơi đông dân cư sinh sống đem lại nhiều lợi ích:
- Điều hòa lượng khí CO2 và O2 trong không khí.
- Góp phần làm sạch không khí: Tán cây giúp cản bụi bẩn, có thể có khả năng hấp thụ một số khí độc.
- Góp phần ổn định nhiệt độ môi trường: Cây có quá trình thoát hơi nước giúp điều hòa nhiệt độ không khí.
- Góp phần giảm ô nhiễm tiếng ồn.
- Giúp tạo cảnh quan giúp con người thư giãn.
→ Từ các lợi ích trên cho thấy, ở các thành phố hoặc nơi đông dân cư sinh sống cần trồng nhiều cây xanh.
Bài viết liên quan
- Giải Khoa học tự nhiên 7 (Kết nối tri thức) Bài 21: Khái quát về trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng
- Giải Khoa học tự nhiên 7 (Kết nối tri thức) Bài 22: Quang hợp ở thực vật
- Giải Khoa học tự nhiên 7 (Kết nối tri thức) Bài 24: Thực hành: Chứng minh quang hợp ở cây xanh
- Giải Khoa học tự nhiên 7 (Kết nối tri thức) Bài 25: Hô hấp tế bào
- Giải Khoa học tự nhiên 7 (Kết nối tri thức) Bài 26: Một số yếu tố ảnh hưởng đến hô hấp tế bào