Giải Khoa học tự nhiên 7 (Kết nối tri thức) Bài 42: Cơ thế sinh vật là một thể thống nhất
Hoidapvietjack.com trân trọng giới thiệu: lời giải bài tập Khoa học tự nhiên lớp 7 Bài 42: Cơ thế sinh vật là một thể thống nhất sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi và làm bài tập KHTN 7 Bài 42.
Giải bài tập Khoa học tự nhiên 7 Bài 42: Cơ thế sinh vật là một thể thống nhất
A/ Câu hỏi mở đầu
Mở đầu trang 173 Bài 42 Khoa học tự nhiên 7: Tế bào, cơ thể và môi trường có mối quan hệ tương tác qua lại, đảm bảo cho cơ thể thực hiện các hoạt động sống và tồn tại như một thể thống nhất. Sự thống nhất này được thể hiện như thế nào?
Trả lời:
Sự thống nhất giữa tế bào, cơ thể và môi trường được thể hiện như sau:
- Cơ thể lấy các chất dinh dưỡng, nước, chất khoáng và oxygen từ môi trường cung cấp cho tế bào thực hiện quá trình trao đổi chất để lớn lên, sinh sản và cảm ứng, từ đó giúp cơ thể thực hiện được các hoạt động sống.
- Các hoạt động sống như trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng, sinh trưởng và phát triển, sinh sản và cảm ứng có mối quan hệ qua lại mật thiết với nhau đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động của toàn bộ cơ thể như một thể thống nhất.
B/ Câu hỏi giữa bài
I. MỐI QUAN HỆ GIỮA TẾ BÀO, CƠ THỂ SINH VẬT VÀ MÔI TRƯỜNG
Câu hỏi 1 trang 173 Khoa học tự nhiên 7: Cho biết tế bào có các hoạt động sống nào? Khi tách tế bào ra khỏi cơ thể thì điều gì sẽ xảy ra.
Trả lời:
- Các hoạt động sống của tế bào: Cảm ứng, trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng, lớn lên, phân chia.
- Khi tách tế bào ra khỏi cơ thể thì tế bào đó sẽ chết vì mỗi tế bào trong cơ thể có mối quan hệ chặt chẽ với các tế bào khác và chính cơ thể đó, mất đi các mối quan hệ này tế bào sẽ không thể thực hiện các chức năng sống.
Câu hỏi 2 trang 173 Khoa học tự nhiên 7: Quan sát Hình 42.1, mô tả mối quan hệ giữa tế bào, cơ thể và môi trường?
Trả lời:
Mối quan hệ giữa tế bào, cơ thể và môi trường:
- Tế bào và cơ thể có mối quan hệ cấu trúc: Mọi cơ thể sống đều được cấu tạo từ tế bào.
- Tế bào, cơ thể và môi trường có mối quan hệ về chức năng: Nhờ cơ thể lấy chất dinh dưỡng, nước, chất khoáng và O2 từ môi trường mà tế bào thực hiện được thực hiện được quá trình trao đổi chất để lớn lên, sinh sản và cảm ứng, từ đó giúp cơ thể thực hiện được các hoạt động sống. Như vậy, các hoạt động sống ở cấp độ tế bào là cơ sở cho các hoạt động sống ở cấp độ cơ thể và các hoạt động sống ở cấp độ cơ thể lại điều khiển các hoạt động sống ở cấp độ tế bào.
II. MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁC HOẠT ĐỘNG SỐNG TRONG CƠ THỂ SINH VẬT
Câu hỏi 1 trang 174 Khoa học tự nhiên 7: Quan sát Hình 42.2, cho biết cơ thể có các hoạt động sống nào và nêu mối quan hệ giữa các hoạt động sống đó.
Trả lời:
- Cơ thể có các hoạt động sống là: trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng, sinh trưởng và phát triển, cảm ứng, sinh sản.
- Mối quan hệ giữa các hoạt động sống: Các hoạt động sống trong cơ thể có mối quan hệ qua lại chặt chẽ với nhau.
+ Quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng cung cấp vật chất và năng lượng đảm bảo cho cơ thể sinh trưởng và phát triển, sinh sản và cảm ứng.
+ Ngược lại, các quá trình sinh trưởng, phát triển, sinh sản và cảm ứng có tác động trở lại đối với quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong cơ thể sinh vật.
Câu hỏi 2 trang 174 Khoa học tự nhiên 7: Nếu quá trình trao đổi chất và năng lượng gặp trục trặc thì các hoạt động sống khác của cơ thể bị ảnh hưởng như thế nào?
Trả lời:
Các hoạt động sống trong cơ thể đều cần có vật chất và năng lượng được tạo ra bởi quá trình trao đổi chất và năng lượng. Như vậy, nếu quá trình trao đổi chất và năng lượng gặp trục trặc thì sự cung cấp vật chất và năng lượng cho các hoạt động sống khác của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí là ngưng trệ. Ví dụ: Khi vật nuôi thiếu protein, sự sinh trưởng và phát triển của vật nuôi chậm lại khiến cơ thể vật nuôi gầy yếu, còi cọc.