Lịch Sử 12 Bài 19: Bước phát triển của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1951-1953)

Lý thuyết tổng hợp Lịch Sử 12 Bài 19: Bước phát triển của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1951-1953) chọn lọc năm 2021 – 2022 mới nhất gồm tóm tắt lý thuyết và hơn 500 bài tập ôn luyện Sử 12. Hy vọng bộ tổng hợp lý thuyết Lịch sử lớp 12 sẽ giúp học sinh củng cố kiến thức, ôn tập và đạt điểm cao trong các bài thi trắc nghiệm môn Lịch sử 12.

966
  Tải tài liệu

Bài 19: BƯỚC PHÁT TRIỂN MỚI CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN TOÀN QUỐC CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1951 – 1953)

A. Lý thuyết

I. THỰC DÂN PHÁP ĐẨY MẠNH CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC ĐÔNG DƯƠNG

1. Mỹ can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh

- Từ tháng 5/1949, Mỹ can thiệp sâu vào chiến tranh xâm lược Đông Dương:

+ 23/12/1950, ký với Pháp Hiệp định phòng thủ chung Đông Dương, viện trợ quân sự, kinh tế - tài chính cho Pháp, từng bước thay Pháp ở Đông Dương.

+ Tháng 9/1951, ký với Bảo Đại “Hiệp ước hợp tác kinh tế Việt - Mỹ”.

- Viện trợ của Mỹ chiếm tỉ lệ ngày càng cao trong ngân sách chiến tranh Đông Dương.

- Các phái đoàn viện trợ kinh tế, cố vấn quân sự Mỹ đến Việt Nam ngày càng nhiều. Các trung tâm, trường huấn luyện Mỹ tuyển chọn người Việt Nam sang Mỹ học.

2. Kế hoạch Đờ Lát đơ Tát-xi-nhi

- 6/12/1950 dựa vào viện trợ Mỹ, Tướng Đờ Lát đờ Tát-xi-nhi (De Lattre de Tassiny), đề ra kế hoạch mới, mong kết thúc nhanh chiến tranh.

Lý thuyết Lịch Sử 12 Bài 19: Bước phát triển của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1951-1953) | Lý thuyết Lịch Sử lớp 12 đầy đủ nhất

Tướng Đờ Lát đờ Tát-xi-nhi

- Kế hoạch Đờ Lát đờ Tát-xi-nhi có 4 điểm chính:

+ Tập trung quân Âu - Phi xây dựng một lực lượng cơ động mạnh, phát triển nguỵ quân, xây dựng “quân đội quốc gia”.

+ Xây dựng phòng tuyến công sự xi măng cốt sắt (boong ke), lập “vành đai trắng” bao quanh trung du và đồng bằng Bắc Bộ nhằm ngăn chặn chủ lực ta và kiểm soát ta đưa nhân, tài, vật lực ra vùng tự do.

+ Tiến hành “chiến tranh tổng lực”, bình định vùng tạm chiếm, vơ vét sức người, sức của của nhân dân ta để tăng cường lực lượng của chúng.

+ Đánh phá hậu phương của ta bằng biệt kích, thổ phỉ, gián điệp, chiến tranh tâm lý kết hợp với chiến tranh kinh tế.

⇒ Làm cho cuộc đấu tranh của ta ở vùng sau lưng địch trở nên khó khăn, phức tạp.

II. ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ HAI CỦA ĐẢNG (2/1951)

a. Bối cảnh lịch sử:

- Từ sau chiến thắng Biên Giới thu – đông (1950), cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam có những bước phát triển mới.

- Mĩ can thiệp sâu vào chiến tranh Đông Dương, dựa vào viện trợ của Mĩ, Pháp đề ra kế hoạch Đờ Lát đờ Tát-xi-nhi => đưa cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lên quy mô lớn, làm cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam trở nên khó khăn, phức tạp.

⇒ Để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh kháng chiến thắng lợi, tháng 2/1951, Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng được triệu tập tại Chiêm Hóa (Tuyên Quang).

Lý thuyết Lịch Sử 12 Bài 19: Bước phát triển của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1951-1953) | Lý thuyết Lịch Sử lớp 12 đầy đủ nhất

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng

b. Những quyết định của Đại hội.

- Thông qua: “Báo cáo chính trị” và báo cáo “Bàn về cách mạng Việt Nam”.

- Thành lập ở mỗi nước Đông Dương một Đảng Mác – Lê-nin riêng. Ở Việt Nam, đưa Đảng ra hoạt động công khai, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam.

- Đề ra những chính sách cơ bản về: mở rộng khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế; phát triển kinh tế - tài chính, văn hóa – giáo dục,... để đẩy mạnh cuộc kháng chiến thắng lợi.

- Bầu Ban chấp hành Trung ương và Bộ chính trị.

c. Ý nghĩa:

- Đánh dấu bước phát triển của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng.

- Thúc đẩy cuộc kháng chiến chống Pháp phát triển => là “Đại hội kháng chiến thắng lợi”.

III. HẬU PHƯƠNG KHÁNG CHIẾN PHÁT TRIỂN MỌI MẶT

1. Chính trị

- Từ 3 đến 7/3/1951, Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh và Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt.

Lý thuyết Lịch Sử 12 Bài 19: Bước phát triển của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1951-1953) | Lý thuyết Lịch Sử lớp 12 đầy đủ nhất

Các đại biểu dự Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh – Liên Việt (1951)

- 11/03/1951, lập Liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào, tăng cường khối đoàn kết ba nước Đông Dương trong đấu tranh chống Pháp và can thiệp Mỹ.

- Ngày 01/5/1952, Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần I chọn 7 anh hùng: Cù Chính Lan, La Văn Cầu, Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Thị Chiên, Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh.

Lý thuyết Lịch Sử 12 Bài 19: Bước phát triển của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1951-1953) | Lý thuyết Lịch Sử lớp 12 đầy đủ nhất

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu phụ nữ tham dự

Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc (1952)

2. Kinh tế

- Nông nghiệp: năm 1952, Chính phủ vận động lao động sản xuất và tiết kiệm, lôi cuốn mọi giới tham gia. (Năm 1953 sản xuất 2,7 triệu tấn thóc, hơn 65 vạn tấn hoa màu.)

- Thủ công nghiệp và công nghiệp đáp ứng yêu cầu về công cụ sản xuất và thiết yếu của đời sống. Năm 1953, ta sản xuất được 3.500 tấn vũ khí đạn dược, cung cấp tạm đủ thuốc men, quân trang, quân dụng.

- Chấn chỉnh thuế khóa, xây dựng nền tài chính, ngân hàng, thương nghiệp.

- Bồi dưỡng sức dân và phát động giảm tô, cải cách ruộng đất.

3. Văn hóa, giáo dục, y tế

- Giáo dục: tiếp tục cải cách giáo dục với 3 phương châm “phục vụ kháng chiến, phục vụ dân sinh, phục vụ sản xuất”, nhà trường gắn với xã hội.

- Văn hóa: thực hiện “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”.

- Y tế: chăm lo sức khỏe, vận động phòng bệnh, xây dựng bệnh viện, bệnh xá, thực hiện đời sống mới, bài trừ mê tín dị đoan.

IV. NHỮNG CHIẾN DỊCH TIẾN CÔNG GIỮ VỮNG QUYỀN CHỦ ĐỘNG TRÊN CHIẾN TRƯỜNG

1.Các chiến dịch trung du và đồng bằng Bắc Bộ ( cuối 1950 đến giữa 1951)

- Cuối 1950 ta chủ động mở ba chiến dịch:

+ Chiến dịch Trần Hưng Đạo (Trung du).

+ Chiến dịch Hoàng Hoa Thám (Đường số 18).

+ Chiến dịch Quang Trung (Hà - Nam - Ninh)

- Đây là các chiến dịch tiến công có qui mô lớn, đánh vào vùng trung du và đồng bằng, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, nhưng kết quả hạn chế vì địa bàn có lợi cho địch.

2. Chiến dịch Hòa Bình đông - xuân 1951 – 1952

- Hòa Bình là cửa ngõ nối liền vùng tự do với vùng đồng bằng Bắc Bộ, mạch máu giao thông giữa Việt Bắc với Liên khu IV.

- Ngày 09.11.1951, Đơ Lát đơ Tát-xi-nhi tiến đánh Chợ Bến, Hòa Bình. => Ta mở chiến dịch phản công ở Hòa Bình nhằm tiêu diệt sinh lực địch, phá kế hoạch bình định của chúng và đẩy mạnh phong trào du kích.

- Kết quả: giải phóng khu vực Hòa Bình - sông Đà với 15 vạn dân, căn cứ du kích mở rộng từ Bắc Giang xuống Hòa Bình.

- Ý nghĩa: Là thắng lợi của nghệ thuật chỉ đạo chiến đấu phối hợp giữa chiến trường chính với chiến trường cả nước.

3. Chiến dịch Tây Bắc thu- đông 1952

- Tây Bắc là vùng chiến lược quan trọng, Pháp đã chiếm đóng, từ đó uy hiếp căn cứ Việt Bắc và che chở cho căn cứ Thượng Lào của chúng.

- Từ 14/10/1952 đến 10/12/1952, ta tiến công Mộc Châu, Thuận Châu, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái.

Lý thuyết Lịch Sử 12 Bài 19: Bước phát triển của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1951-1953) | Lý thuyết Lịch Sử lớp 12 đầy đủ nhất

Lược đồ chiến dịch Tây bắc

- Kết quả: ta giải phóng 28.000 km2 với 25 vạn dân gồm Nghĩa Lộ, Sơn la (trừ Nà sản), Yên Bái, 4 huyện ở Lai Châu, hai huyện ở Yên Bái; phá âm mưu lập “xứ Thái tự trị” của địch.

4. Chiến dịch Thượng Lào xuân hè năm 1953

- Thượng Lào là vùng chiến lược quan trọng, là hậu phương an toàn của địch.

- Đầu 1953, ta phối hợp với Pa thét Lào mở chiến dịch Thượng Lào nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, đẩy mạnh kháng chiến ở Lào.

Lý thuyết Lịch Sử 12 Bài 19: Bước phát triển của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1951-1953) | Lý thuyết Lịch Sử lớp 12 đầy đủ nhất

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với Hoàng thân Xuphanuvong

Họp bàn kế hoạch mở chiến dịch Thượng Lào

- Kết quả: giải phóng Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Phong Xa-lì với trên 30 vạn dân.

Hỏi đáp VietJack

B.Bài tập tự luyện

Câu 1: Tháng 9-1951, Mĩ đã kí với Bảo Đại hiệp ước gì để trực tiếp ràng buộc chính phủ Bảo Đại vào Mĩ?

A. Hiệp ước phòng thủ chung Đông Dương

B. Hiệp ước kinh tế Việt- Mĩ

C. Hiệp ước hợp tác kinh tế Việt- Mĩ 

D. Hiệp ước hợp tác Việt- Mĩ

Lời giải: 

Tháng 9 -1951, Mĩ đã kí với Bảo Đại Hiệp ước hợp tác kinh tế Việt- Mĩ nhằm trực tiếp ràng buộc chính phủ Bảo Đại vào Mĩ.

Đáp án cần chọn là: C

Câu 2: “Tiến hành “chiến tranh tổng lực”, bình định vùng tạm chiếm, vơ vét sức người, sức của của nhân dân ta để tăng cường lực lượng cho chúng” là một trong những nội dung cơ bản của kế hoạch quân sự nào?

A. Kế hoạch Valuy

B. Kế hoạch Rơve

C. Kế hoạch Đờ lát đơ Tátxinhi

D. Kế hoạch Nava

Lời giải: 

Dựa vào viện trợ Mĩ, cuối năm 1950, Pháp đề ra và thực hiện kế hoạch Đờlátđơ Tátxinhi, mong muốn kết thúc nhanh chiến tranh. Kế hoạch gồm 4 điểm:

- Gấp rút tập trung quân Âu - Phi xây dựng một lực lượng cơ động mạnh, phát triển nguỵ quân, xây dựng “quân đội quốc gia”.

- Xây dựng phòng tuyến công sự xi măng cốt sắt (boong ke), lập “vành đai trắng” bao quanh trung du và đồng bằng Bắc Bộ nhằm ngăn chặn chủ lực ta và kiểm soát ta đưa nhân, tài, vật lực ra vùng tự do.

- Tiến hành “chiến tranh tổng lực”, bình định vùng tạm chiếm, vơ vét sức người, sức của của nhân dân ta để tăng cường lực lượng của chúng.

- Đánh phá hậu phương của ta (biệt kích, thổ phỉ, gián điệp, chiến tranh tâm lý, chiến tranh kinh tế).

Đáp án cần chọn là: C

Câu 3: Việc Pháp - Mĩ đề ra và thực hiện kế hoạch Đờlát đơ Tátxinhi có tác động như thế nào đến cuộc chiến kháng chiến của nhân dân Việt Nam?

A. Hậu phương của Việt Nam bị đánh phá, sự liên lạc giữa các căn cứ bị cắt đứt

B. Việt Nam bị mất đất, mất dân, vùng kiểm soát bị thu hẹp

C. Quân chủ lực của Việt Nam bị phân tán dễ dẫn đến thất bại.

D. Chiến tranh Đông Dương phát triển lên quy mô lớn, vùng sau lưng địch gặp nhiều khó khăn

Lời giải: 

Kế hoạch Đờlát đơ Tátxinhi của Pháp- Mĩ đã đưa cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương lên quy mô lớn, làm cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta, nhất là ở vùng sau lưng địch trở nên khó khăn, phức tạp.

Đáp án cần chọn là: D

Câu 4: Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng (2 – 1951) đã quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai lấy tên mới là

A. Đảng Cộng sản Đông Dương

B. Đảng Lao động Việt Nam

C. Đảng Lao động Đông Dương

D. Đảng Cộng sản Việt Nam

Lời giải: 

Tại Đại hội đại biểu lần thứ II (1951) đã quyết định tách Đảng Cộng sản Đông Dương để thành lập ở một nước Việt Nam, Lào, Campuchia một Đảng Mác - Lênin riêng. Ở Việt Nam, Đại hội quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 5: Đâu không phải là nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam được nêu trong báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng (1951)?

A. Đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, giành độc lập, thống nhất hoàn toàn cho dân tộc

B. Xóa bỏ chế độ phong kiến, nửa phong kiến

C. Thực hiện người cày có ruộng

D. Phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Lời giải: 

Trong nội dung báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam nêu rõ là xóa bỏ những tàn tích phong kiến và nửa phong kiến, thực hiện người cày có ruộng, chứ không phải là xóa bỏ chế độ phong kiến, nửa phong kiến. Vì chế độ phong kiến ở Việt Nam đã bị lật đổ sau thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945

Đáp án cần chọn là: B

Câu 6: Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam được đề ra tại Đại hội đại biểu của Đảng lần thứ II (2/1951) không bao gồm

A. Giành độc lập và thống nhất.

B. Xóa bỏ những tàn tích phong kiến.

C. Gây dựng cơ sở cho chủ nghĩa xã hội.

D. Bắt đầu xây dựng chế độ dân chủ nhân dân.

Lời giải: 

Báo cáo “Bàn về cách mạng Việt Nam” của đồng chí Trường Chinh đã trình bày rõ nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam gồm:

- Đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, giành độc lập và thống nhất hoàn toàn cho dân tộc.

- Xóa bỏ những tàn tích phong kiến và nửa phong kiến, thực hiện “người cày có ruộng”.

Phát triển chế độ dân chủ nhân dân (không phải bắt đầu xây dựng), gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Đáp án cần chọn là: D

Câu 7: “Tổng kết kinh nghiệm đấu tranh của Đảng qua các chặng đường lịch sử đấu tranh oanh liệt kể từ ngày ra đời, khẳng định đường lối kháng chiến chống Pháp của Đảng” là nội dung của báo cáo nào được trình bày tại Đại hội Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng (1951)?

A. Báo cáo chính trị của Hồ Chí Minh

B. Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam của Trường Chinh

C. Bản đề cương văn hóa của Trường Chinh

D. Báo cáo chính trị của Lê Duẩn

Lời giải: 

Báo cáo chính trị do Hồ Chí Minh trình bày đã tổng kết kinh nghiệm đấu tranh của Đảng qua các chặng đường lịch sử đấu tranh oanh liệt kể từ ngày ra đời, khẳng định đường lối kháng chiến chống Pháp của Đảng.

Đáp án cần chọn là: A

Câu 8: Mặt trận nào là biểu tượng của khối đoàn kết 3 nước Đông Dương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)

A. Liên minh nhân dân Đông Dương 

B. Liên minh nhân dân Việt- Miên- Lào 

C. Liên minh Việt- Miên- Lào

D. Mặt trận nhân dân Việt- Miên- Lào

Lời giải: 

Ngày 11-3-1951, Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Khơme Ítxrắc, Mặt trận Lào Ítxala họp hội nghị đại biểu để thành lập Liên minh nhân dân Việt- Miên- Lào. Liên minh thành lập đã tăng cường khối đoàn kết ba nước trong đấu tranh chống kẻ thù chung là thực dân Pháp và can thiệp Mĩ.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 9: Đâu không phải là phương châm giáo dục được thực hiện trong công cuộc cải cách giáo dục ở Việt Nam từ năm 1950?

A. Phục vụ kháng chiến

B. Phục vụ dân sinh

C. Phục vụ sản xuất

D. Phục vụ dân tộc

Lời giải: 

Công cuộc cải cách giáo dục ở Việt Nam từ năm 1950 được thực hiện theo ba phương châm: “Phục vụ kháng chiến, phục vụ dân sinh, phục vụ sản xuất”.

Đáp án cần chọn là: D

Câu 10: Một trong ba phương châm của công cuộc cải cách giáo dục phổ thông ở Việt Nam trong những năm 1950-1953 là

A. “Đại chúng hóa”

B. “Phục vụ chiến đấu”

C. “Phát triển xã hội”

D. “Phục vụ sản xuất”

Lời giải: 

Phương châm của công cuộc cải cách giáo dục phổ thông ở Việt Nam trong những năm 1950 – 1953 là: “phục vụ kháng chiến, phục vụ dân sinh, phục vụ sản xuất”.

Đáp án cần chọn là: D

Câu 11: Cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Việt Nam là tờ báo nào?

A. Báo Tanh niên

B. Báo Búa liềm

C. Báo Nhân dân

D. Báo Tiền phong

Lời giải: 

Đại hội Đại biểu lần II của Đảng (1951) quyết định xuất bản báo Nhân dân làm cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng.

Đáp án cần chọn là: C

Câu 12: Để bồi dưỡng sức dân trước hết là nông dân, đầu 1953 Đảng và Chính phủ đã có chủ trương gì?

A. Chấn chỉnh chế độ thuế khoá 

B. Cuộc vận động lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm

C. Xây dựng nền tài chính, ngân hàng, thương nghiệp 

D. Phát động quần chúng triệt đề giám tô và cải cách ruộng đất

Lời giải: 

Để bồi dưỡng sức dân, nhất là nông dân, đầu năm 1953, Đảng và Chính phủ quyết định phát động quần chúng triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất. Từ tháng 4-1953 đến tháng 7-1954, ta đã thực hiện 5 đợt giảm tô và 1 đợt cải cách ruộng đất tại 53 xã thuộc vùng tự do Thái Nguyên, Thanh Hóa

Đáp án cần chọn là: D

Câu 13: Đại hội đại biểu nào của Đảng được coi là “Đại hội Kháng chiến thắng lợi”?

A. Đại hội đại biểu lần thứ I (1935)

B. Đại hội đại biểu lần thứ II (1951)

C. Đại hội đại biểu lần thứ III (1960)

D. Đại hội đại biểu lần thứ IV (1976)

Lời giải: 

Đại hội đại biểu lần thứ II (1951) đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình trưởng thành và lãnh đạo cách mạng của Đảng ta, là “Đại hội Kháng chiến thắng lợi”.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 14: Kế hoạch Đờ lát đơ Tátxinhi được Pháp - Mĩ đề ra và thực hiện trong bối cảnh lịch sử như thế nào?

A. Quân Pháp mất quyền chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ

B. Phạm vị chiếm đóng của quân Pháp bị thu hẹp

C. Ngân sách cho chiến tranh Đông Dương bị cắt giảm

D. Kế hoạch “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” bị phá sản

Lời giải: 

Sau chiến dịch Biên giới thu - đông năm 1950, quân Pháp mất quyền chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ. Do đó kế hoạch Đờ lát đơ Tátxinhi được Pháp - Mĩ đề ra và thực hiện nhằm xoay chuyển cục diện, nhanh chóng kết thúc chiến tranh.

Đáp án cần chọn là: A

Câu 15: Vì sao Đại hội Đại biểu toàn quốc lần II (1951) lại quyết định tách Đảng Cộng sản Đông Dương và thành lập ở 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia một Đảng Mác- Lênin riêng?

A. Do mỗi nước có một đặc điểm lịch sử riêng

B. Do sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản

C. Do nguyện vọng của nhân dân 3 nước

D. Do xu thế phát triển của thế giới

Lời giải: 

Ở Đông Dương có 3 quốc gia - dân tộc cùng đoàn kết với nhau để chống lại thực dân Pháp, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Tuy nhiên, do mỗi nước lại có một đặc điểm lịch sử riêng, nên cần phải giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ Đông Dương. Do vậy, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần II (1951) đã quyết định tách Đảng Cộng sản Đông Dương và thành lập ở 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia một Đảng Mác- Lênin riêng.

Đáp án cần chọn là: A

Câu 16: Vì sao Đại hội Đại biểu lần II của Đảng (1951) lại đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình lãnh đạo và trưởng thành của Đảng ta?

A. Đảng vẫn tiếp tục nắm quyền lãnh đạo cách mạng 

B. Đã hoàn thiện được đường lối đấu tranh, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng với cuộc kháng chiến

C. Đã giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước Đông Dương

D. Đã đưa Đảng ra hoạt động công khai, tiếp tục nắm quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam

Lời giải: 

Đại hội Đại biểu lần II của Đảng (1951) lại đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình lãnh đạo và trưởng thành của Đảng ta vì đại hội đã hoàn thiện được đường lối đấu tranh, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng với cuộc kháng chiến trong bối cảnh lịch sử mới.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 17: Nhiệm vụ tập hợp, xây dựng lực lượng khối đoàn kết dân tộc ở Việt Nam từ năm 1951 đến năm 1954 do mặt trận nào đảm nhiệm

A. Mặt trận Việt Minh

B. Hội Liên Việt 

C. Liên minh nhân dân Việt- Miên- Lào

D. Mặt trận Liên Việt

Lời giải: 

Từ ngày 3 đến 7-3-1951, Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt thành một mặt trận duy nhất, lấy tên là Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Mặt trận Liên Việt), đảm nhận nhiệm vụ tập hợp, xây dựng lực lượng khối đoàn kết dân tộc từ năm 1951 đến năm 1954

Đáp án cần chọn là: D

Câu 18: Sự phát triển của hậu phương từ sau chiến thắng Biên giới thu - đông năm 1950 đến trước đông - xuân 1953-1954 có tác động như thế nào đến cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân Việt Nam?

A. Tạo cơ sở để xây dựng chế độ mới sau này

B. Tạo điều kiện về vật chất, tinh thần để cuộc kháng chiến nhanh chóng đi đến thắng lợi hoàn toàn

C. Tạo bước ngoặt của cho cuộc kháng chiến chống Pháp

D. Cho thấy sự ủng hộ của nhân dân đối với cuộc kháng chiến do Đảng lãnh đạo

Lời giải: 

Sự phát triển của hậu phương từ sau chiến thắng Biên giới thu - đông năm 1950 đến trước đông - xuân 1953-1954 đã tạo điều kiện về vật chất, tinh thần để cuộc kháng chiến của quân và dân ta nhanh chóng đi đến thắng lợi hoàn toàn

Đáp án cần chọn là: B

Câu 19: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc triệu tập Đại hội Đại biểu lần II của Đảng (1951) là

A. Đã hơn 15 năm Đảng vẫn chưa Đại hội để kiện toàn lại tổ chức

B. Do cần phải đưa Đảng ra hoạt động công khai, tránh sự nghi kị của quốc tế

C. Do cần phải giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước Đông Dương

D. Do cuộc kháng chiến có bước phát triển, cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng

Lời giải: 

Sau chiến thắng Biên giới 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp của quân dân Việt Nam có bước phát triển mới đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng để đưa cuộc kháng chiến nhanh chóng đi đến thắng lợi. Đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc triệu tập Đại hội Đại biểu lần II của Đảng (1951).

Đáp án cần chọn là: D

Câu 20: Những thắng lợi của quân dân Việt Nam trên tất cả các mặt quân sự- chính trị- kinh tế- văn hóa…trong những năm 1950-1953 đã cho thấy sự đúng đắn của Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong việc thực hiện đường lối nào?

A. Độc lập dân tộc- chủ nghĩa xã hội 

B. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến bảo vệ tổ quốc 

C. Kháng chiến - kiến quốc

D. Dựng nước đi đôi với giữ nước

Lời giải: 

Ngày 25-11-1945, Ban thường vụ Trung ương Đảng đã ra chỉ thị Kháng chiến - kiến quốc. Thực hiện chỉ thị đó, đến những năm 1950 - 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn và toàn diện trên tất cả các mặt quân sự - chính trị - kinh tế - văn hóa

Đáp án cần chọn là: C

Câu 21: Nội dung nào sau đây không phải là điểm tương đồng giữa kế hoạch Đờlát đơ Tátxinhi với kế hoạch Rơve của Pháp – Mĩ?

A. Cục diện chiến trường Đông Dương

B. Mục tiêu chiến tranh 

C. Lực lượng hỗ trợ chiến tranh

D. Kết quả của kế hoạch

Lời giải: 

Cục diện chiến trường Đông Dương không phải là điểm giống nhau giữa kế hoạch Đờlát đơ Tátxinhi với kế hoạch Rơve. Vì kế hoạch Đờlát đơ Tátxinhi được đề ra trong bối cảnh Pháp đang ở trong thế thua. Còn kế hoạch Rơve được đề ra khi Pháp đang ở trong thế mạnh, nắm được quyền chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ.

Đáp án cần chọn là: A

Câu 22: Kế hoạch Rơve (1949) và kế hoạch Đờlát đơ Tatxinhi (1950) chứng tỏ

A.  Mĩ từng bước can thiệp vào chiến tranh Đông Dương. 

B. Pháp quyết tâm tiến công và tiêu diệt căn cứ địa Việt Bắc.

C. Tình thế sa lầy và thất bại trong cuộc chiến tranh Đông Dương của Pháp.

D. Pháp muốn kéo dài và mở rộng chiến tranh Đông Dương.

Lời giải: 

- sgk 12 trang 136: Bắt đầu từ kế hoạch Rơve (1949), Mĩ từng bước can thiệp sâu và dính líu vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Mĩ công nhận chính phủ Bảo Đại và đồng ý viện trợ kinh tế và quân sự cho Pháp để từng bước nắm quyền điều khiển trực tiếp chiến tranh Đông Dương.

- sgk 12 trang 139: Mĩ tiếp tục viện trợ cho Pháp, nhằm từng bước thay chân Pháp ở Đông Dương. Dựa vào nguồn viện trợ này, Pháp đề ra kế hoạch Đờ lát đơ Tatxinhi, mong muốn kết thúc chiến tranh.

=> Như vậy, với kế hoạch Rơ-ve (1949) và kế hoạch Đờ lát đơ Tatxinhi (1950) đã chứng tỏ Mĩ đã từng bước can thiệp vào chiến tranh Đông Dương.

Đáp án cần chọn là: A

Câu 23:  Ý nào sau đây là điểm chung của kế hoạch Rơ-ve (1949) và kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi (1950)?

A. Thể hiện sức mạnh, tiềm lực kinh tế.

B. Thể hiện sức mạnh kinh tế, quân sự.

C. Nhanh chóng kết thúc chiến tranh.

D. Thể hiện sức mạnh, tiềm lực quân sự.

Lời giải: 

- (sgk 12 trang 136): Ngày 13-5-1949, với sự đồng ý của Mỹ, Chính phủ Pháp đề ra kế hoạch Rơve. Pháp chuẩn bị một kế hoạch tiến công quy mô lớn lên Việt Nam lần thứ hai, mong giành thắng lợi nhanh chóng để kết thúc chiến tranh.

- (sgk 12 trang139): dựa vào viện trợ của Mĩ, cuối năm 1950, Pháp đề ra kế hoạch Đờ Lát đơ Tát xinhi, mong muốn nhanh chóng kết thúc chiến tranh.

Đáp án cần chọn là: C

Câu 24: Kế hoạch Đờlát đơ Tátxinhi do Pháp - Mĩ đề ra và thực hiện đã khai thác triệt để chiến thuật gì?

A. Khóa then cửa

B. Dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh

C. Tập kích bất ngờ, ồ ạt

D. Tằm ăn lá

Lời giải: 

Căn cứ vào các nội dung như phát triển ngụy quân, tiến hành “chiến tranh tổng lực”, bình định vùng tạm chiếm, đánh phá hậu phương của Việt Minh bằng thổ phỉ, gián điệp…có thể thấy kế hoạch Đờ lát đơ Tátxinhi do Pháp - Mĩ đề ra và thực hiện đã khai thác triệt để chiến thuật “Dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 25: Nội dung nào dưới đây thể hiện điểm hạn chế của kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi (1950)

A. Vừa củng cố vừa mở rộng lực lượng

B. Vừa tập trung vừa phân tán lực lượng

C. Vừa phân tán lực lượng vừa chiếm các vị trí quan trọng

D. Vừa tập trung lực lượng vừa phát triển đội quân nòng cốt

Lời giải: 

Do kế hoạch Đờ Lát đờ Tátxinhi đề ra khi Pháp đang gặp khó khăn, thực dân Pháp bị thất bại trong chiến dịch biên giới thu đông năm 1950, ta chủ động tấn công Pháp -> Pháp lâm vào thế bị động trên chiến trường chính Bắc Bộ, bị sa lầy ở chiến tranh Đông Dương và ngày càng phụ thuộc vào Mĩ.

Trong khi đó, nội dung của kế hoạch Đờ Lát đờ Tátxinhi là: xây đựng đội quân cơ động chiến lược mạnh, phát triển ngụy quân, tiến hành chiến tranh tổng lực nên cần mở rộng lực lượng.

=> Vừa củng cố và mở rộng lực lượng là điểm hạn chế của kế hoạch Đờ Lát đờ Tátxinhi.

Đáp án cần chọn là: A

Câu 26: Đâu là điểm khác biệt cơ bản giữa Đảng Lao động Việt Nam và Đảng cộng sản Đông Dương thời kì 1930-1945?

A. Nhiệm vụ - mục tiêu

B. Tính chất và hình thức hoạt động 

C. Động lực cách mạng 

D. Mối quan hệ quốc tế

Lời giải: 

Điểm khác biệt cơ bản giữa Đảng Lao động Việt Nam và Đảng cộng sản Đông Dương thời kì 1930-1945 là về tính chất và hình thức hoạt động.

Đảng Lao động Việt Nam đã trở thành đảng cầm quyền, hoạt động công khai, hợp pháp.

Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ là đảng lãnh đạo và phải hoạt động bí mật, bất hợp pháp.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 27: Nội dung nào trong Đại hội Toàn quốc lần II (2/1951) là sự vận dụng đúng đắn những luận điểm đúng đắn, sáng tạo của Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng?

A. Đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam.

B. Thông qua Tuyên ngôn, Chính cương, Điều lệ mới của Đảng. Xuất bản báo Nhân dân là cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng.

C. Tách Đảng Cộng sản Đông Dương để thành lập ở mỗi nước một Đảng Mác - Lênin riêng, có cương lĩnh phù hợp với đặc điểm phát triển của từng dân tộc.

D. Thông qua các văn kiện quan trọng là Báo cáo chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bàn về cách mạng Việt Nam của Tổng Bí thư Trường Chinh, với những điểm cơ bản nhất về nhiệm vụ, đường lối cách mạng Việt Nam.

Lời giải: 

Sự vận dụng đúng đắn những luận điểm đúng đắn, sáng tạo của Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng trong Đại hội Toàn quốc lần II (2/1951) là việc quyết định tách Đảng Cộng sản Đông Dương để thành lập ở mỗi nước một Đảng Mác - Lênin riêng, có cương lĩnh phù hợp với đặc điểm phát triển của từng dân tộc.

- Đáp án A: Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng không nên quan điểm này. Việc Đảng hoạt động công khai hay bí mật phụ thuộc vào tình hình cách mạng lúc bấy giờ.

- Đáp án B, D: Thông qua Tuyên ngôn, Chính cương, Điều lệ mới của Đảng. Xuất bản báo Nhân dân là cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng là nội dung cơ bản, không thể hiện tính đúng đắn, sáng tạo.

Đáp án cần chọn là: C

Câu 28: Anh hùng lao động nào được vinh danh tại Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất được mệnh danh là “cha đẻ” của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam?

A. Ngô Gia Khảm 

B. Hoàng Hanh

C. Trần Đại Nghĩa

D. Cù Chính Lan

Lời giải: 

Anh hùng lao động nào được vinh danh tại Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất được mệnh danh là “cha đẻ” của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam là Trần Đại Nghĩa. Ông là người đã phát minh ra súng Bazoka, loại súng bắn xe tăng đầu tiên do Việt Nam chế tạo, súng không giật SKZ…

Đáp án cần chọn là: C

Câu 29: Trong 7 anh hùng được chọn để biểu dương trong phong trào thi đua ái quốc (1- 5- 1952), có anh hùng nào tham gia trong chiến dịch Biên Giới thu - đông 1950?

A. Nguyễn Thị Chiên

B. Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh

C. La Văn Cầu

D. Nguyễn Quốc Trị

Lời giải: 

Trong Trận Đông Khê thuộc Chiến dịch biên giới năm 1950, La Văn Cầu là chỉ huy tổ bộc phá hàng rào để đơn vị phía sau tiến công đồn. Ông Cầu bị trúng đạn dập nát một phần cánh tay phải. La Văn Cầu đã nghiến răng nhờ đồng đội dùng lưỡi lê chặt đứt cánh tay bị thương và tiếp tục chiến đấu. Ông dùng tay trái ôm bọc phá đánh mở đường, tạo thời cơ cho các lực lượng khác tiếp đánh chiếm đồn quân đối phương.

Đáp án cần chọn là: C

Câu 30: Trong giai đoạn 1951 - 1953, sự kiện chính trị nào có tác dụng đưa cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp tiến lên?

A. Đại hội toàn quốc thống nhất Mặt trận Việt Minh và Liên Việt.

B. Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất.

C. Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương.

D. Liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào được thành lập.

Lời giải: 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2-1951) đã đánh dấu bước phát triển mới của Đảng (Đảng tăng cường vai trò của mình khi quyết định ra hoạt động công khai) => Đây là điều kiện chính trị quan trọng có tác dụng đưa cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp tiến lên một bước mới.

Đáp án cần chọn là: C

Câu 31: Sự kiện nào dưới đây được đánh giá là có ý nghĩa góp phần quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) đến thắng lợi?

A. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương.

B. Đại hội chiến sĩ thu đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất.

C. Thành lập Mặt trận Liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào.

D. Thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt.

Lời giải:

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương được đánh giá là có ý nghĩa góp phần quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) đến thắng lợi.

- Đại hội đã quyết định tách Đảng Cộng sản Đông Dương để thành lập ở mỗi nước Việt Nam, Lào, Campuchia một Đảng Mác - Lênin riêng, có cương lĩnh phù hợp với đặc điểm phát triển của từng dân tộc. Ở Việt Nam, Đại hội quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi là Đảng Lao động Việt Nam;

- Đại hội đã thông qua Tuyên ngôn, Chính cương điều lệ mới, quyết định xuất bản báo Nhân dân - cơ quan ngôn luận của Đảng; Đại hội bầu ra BCH Trung ương Đảng và Bộ Chính trị.

=> Đại hội đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình trưởng thành và lãnh đạo cách mạng của Đảng.

Đáp án cần chọn là: A

Câu 32: Từ việc thành lập Mặt trận Liên Việt (3-1951) Việt Nam có thể rút ra bài học kinh nghiệm gì về xây dựng mặt trận hiện nay?

A. Xây dựng khối liên minh công - nông.

B. Xây dựng khối đoàn kết dân tộc.

C.  Đoàn kết các tôn giáo.

D. Đoàn kết các dân tộc.

Lời giải: 

Do yêu cầu của cuộc kháng chiến phải tăng cường hơn nữa khối đoàn kết dân tộc. Ngày 3/3/1951 Đảng đã thống nhất hai hình thức Mặt trận Việt Minh và Hội liên hiệp quốc dân thành một mặt trận chung gọi là Mặt trận Liên Việt. Nhờ đó khối đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường rõ rệt.

=> Bài học: phải xây dựng khối đoàn kết dân tộc.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 33: Mặt trận dân chủ Đông Dương (1938), Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng minh (1941), Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (1951) có điểm chung nào sau đây?

A. Tập hợp dân tộc Việt Nam chống đế quốc và phong kiến.

B. Đều có liên minh công - nông - trí thức làm nòng cốt.

C. Đều nhằm tập hợp lực lượng để thực hiện nhiệm vụ cách mạng.

D. Tập hợp các lực lượng để đấu tranh đòi quyền tự do, dân chủ.

Lời giải: 

- Đáp án A loại vì sau cách mạng tháng Tám năm 1945 thì chế độ phong kiến đã sụp đổ hoàn toàn nên sau năm 1945 không còn chống phong kiến mà mặt trận Liên Việt được thành lập năm 1951 => vấn đề chống phong kiến không phải là điểm giống nhau về vai trò của 3 mặt trận trên.

- Đáp án B loại chỉ có liên minh công – nông là nòng cốt.

- Đáp án C lựa chọn vì cả 3 mặt trận đều tập hợp lực lượng để thực hiện nhiệm vụ cách mạng.

- Đáp án D loại vì loại vì chỉ có giai đoạn 1936 – 1939 ta mới đấu tranh đòi tự do, dân chủ còn giai đoạn 1939 – 1945 ta đấu tranh giành độc lập.

Đáp án cần chọn là: C

Câu 34: Một quyết định khác biệt của Đại hội đại biểu lần thứ II (2/1951) của Đảng Cộng sản Đông Dương so với Đại hội đại biểu lần thứ I (3/1935) là

A. Đưa Đảng ra hoạt động công khai. 

B. Thông qua các báo cáo chính trị quan trọng. 

C. Thông qua Tuyên ngôn, Chính cương, Điều lệ của Đảng. 

D. Bầu Ban Chấp hành Trung Ương Đảng và Bộ Chính trị.

Lời giải: 

- Nếu như trong Đại hội đại biểu lần thứ nhất (3/1935) đã đánh một dấu mốc quan trọng: Đảng đã được khôi phục được hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương, cũng như khôi phục được các tổ chức quần chúng. Đảng vẫn chưa thể ra hoạt động công khai.

- Đến Đại hội đại biểu lần thứ hai (2/1951) khi cuộc kháng chiến của ta có bước phát triển mới, ta giành được thế chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ => Đại hội quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên mới là Đảng Lao động Việt Nam.

Đáp án cần chọn là: A

Câu 35: Sự kiện nào sau đây thể hiện liên minh đoàn kết chiến đấu của ba nước Đông Dương trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)?

A. Thành lập Mặt trận Liên Việt.

B. Thành lập Liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào. 

C. Thành lập Liên minh chiến đấu Việt - Miên - Lào.

D. Thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh.

Lời giải: 

Ngày 11/3/1951 Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Khơ me Ít-xa-rắc, Mặt trận Lào Ít-xa-la họp Hội nghị đại biểu để thành lập Liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào

=> Đây là liên minh đoàn kết chiến đấu của 3 nước Đông Dương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954). Liên minh thành lập đã tăng cường khối đoàn kết 3 nước Đông Dương trong đấu tranh chống kẻ thù chung là thực dân Pháp và can thiệp Mĩ.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 36: Điểm mới trong Đai hội Đại biểu lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương (2 - 1951) là

A. Thông qua Báo cáo chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

B. Thông qua Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam của đồng chí Trường Chinh.

C. Đổi tên Đảng thành Đảng Lao động Việt Nam và đưa Đảng ra hoạt động công khai.

D. Tổng kết kinh nghiệm đấu tranh của Đảng qua các chặng đường lịch sử.

Lời giải: 

Trong Đại hội Đại biểu lần thứ hai của Đảng Cộng sản Đông Dương (2/1951) có điểm mới đó là Đại hội quyết định đua Đảng ra hoạt động công khai với tên là Đảng Lao động Việt Nam tiếp tục đảm nhận sứ mệnh lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.

Đáp án cần chọn là: C

Câu 37: Sự kiện đánh dấu thắng lợi quan trọng nhất về mặt chính trị mà ta đạt được trong năm 1951 là

A. Hội Liên Việt mở rộng cơ sở trong quần chúng.

B. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II.

C. Hội nghị đại biểu thành lập Liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào.

D. Đại hội thống nhất Hội Liên Việt và Mặt trận Việt Minh.

Lời giải: 

Thắng lợi quan trọng nhất về mặt chính trị mà ta đạt được năm 1951 là đại hôi đại biểu toàn quốc lần thứ II, do:

- Đại hội đã tổng kết được kinh nghiệm đấu tranh của Đảng qua các chặng đường lịch sử.

- Đưa ra nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam giai đoạn này.

- Tách Đảng Cộng sản Đông Dương ra thành lập ở mỗi nước, ở Việt Nam đảng ra hoạt động công khai với tên gọi là Đảng Lao động Việt Nam.

- Thông qua Tuyên ngôn, chính cương, điều lệ mới, xuất bản báo Nhân dân làm cơ quan ngôn luận cua Đảng.

- Bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 38: Sự kiện nào sau đây có ý nghĩa quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi?

A. Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước xã hội chủ nghĩa (1950).

B. Đại hội đại biểu lần thứ II Đảng cộng sản Đông Dương (2/1951).

C. Đảng chủ trương mở Chiến dịch Biến giới (1950).

D. Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh và Liên Việt (3/1951).

Lời giải: 

Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương (2-1951) là sự kiện chính trị có ý nghĩa quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) của nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi do:

- Đại hội thông qua hai báo cáo quan trọng:

+ Báo cáo chính trị do Hồ Chủ tịch trình bày tổng kết kinh nghiệm đấu tranh của Đảng qua các thời kỳ, khẳng định đường lối kháng chiến chống Pháp của Đảng.

+ Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày, nêu rõ nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi đế quốc, tay sai, giành độc lập và thống nhất hoàn toàn, thực hiện “Người cày có ruộng” phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây dựng cơ sở cho chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

- Tách Đảng Cộng sản Đông Dương, thành lập ở Việt Nam, Lào, Campuchia mỗi nước một Đảng Mác-Lênin riêng phù hợp với từng dân tộc.

- Đặc biệt, ở Việt Nam, lập Đảng Lao động Việt Nam và đưa Đảng hoạt động công khai, ngày càng phát huy vai trò trong sự nghiệp cách mạng.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 39: Trong các sự kiện chính trị sau đây, sự kiện nào có tính chất quyết định nhất có tác dụng đưa cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược tiến lên; chứng tỏ quá trình trưởng thành và lãnh đạo cách mạng của Đảng ta?

A. Đại hội đại biểu lần II của Đảng cộng sản Đông Dương (2/1951)

B. Đại hội thống nhất mặt trận Việt Minh và hội Liên Việt (3/1951)

C. Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc (5/1952)

D. Hội nghị thành lập Liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào.

Lời giải: 

Đại hội lần thứ II của Đảng (2/1951) đã thông qua hai bản báo cáo quan trọng tổng kết kinh nghiệm đấu tranh của Đảng qua các thời kì lịch sử, trình bày nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt là tách Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập ở mỗi nước một đảng Mác - Lê-nin riêng. Đối với Việt Nam, đảng ra hoạt động công khai với tên gọi mới là Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội II này đã đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình trưởng thành và lãnh đạo cách mạng của Đảng ta.Sau đó, đảng đã có những chủ trương và biện pháp thích hợp để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

=> Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng là sự kiện chính trị có tính chất quyết định thúc đẩy cuộc khang chiến chống Pháp (1945 – 1954) của nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi.

Đáp án cần chọn là: A

Câu 40: Nội dung nào sau đây không đúng khi nhận xét về cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 của quân đội ta?

A. Tạo điều kiện thuận lợi cho đợt tấn công quyết định vào Điện Biên Phủ.

B. Ta đã giam chân địch tại vùng rừng núi rất bất lợi cho chúng.

C. Là cuộc tiến công đã làm phá sản hoàn toàn kế hoạch Nava.

D. Ta đã tiến lên giữ thế chủ động trên toàn chiến trường Đông Dương.

Lời giải: 

- Nội dung các đáp án A, B, D phản ánh đúng về cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 của quân đội ta. Cụ thể:

+ Tạo điều kiện thuận lợi cho đợt tấn công quyết định vào Điện Biên Phủ.

+ Ta đã giam chân địch tại vùng rừng núi rất bất lợi cho chúng.

+ Từ giữ thế chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ, ta đã tiến lên giữ thế chủ động trên toàn chiến trường Đông Dương.

- Đáp án C không phản ánh đúng vì kế hoạch Nava hoàn toàn bị phá sản phải là sự kết hợp thắng lợi của cuộc Tiến công chiến lược Đông – Xuân 1953 – 1954 và thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đáp án cần chọn là: C

C.Bài tập trắc nghiệm

Câu 1. Mục đích chủ yếu của Pháp khi tập trung quân Âu-Phi trong kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi (1950) là

A. bình định các vùng tạm chiếm của Pháp.

B. tiến hành chiến tranh toàn diện, tổng lực.

C. xây dựng lực lượng cơ động chiến lược mạnh.

D. càn quét vào các căn cứ địa của quân dân ta.

Đáp án

Đáp án: C

Giải thích: Mục đích chủ yếu của Pháp khi tập trung quân Âu-Phi trong kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi (1950) là xây dựng lực lượng cơ động chiến lược mạnh.

Câu 2. Mục tiêu trước mắt của việc phát triển ngụy quân trong kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi (1950) là

A. xây dựng quân đội quốc gia mạnh.

B. giúp cho nguỵ quyền lớn mạnh.

C. tăng cường lực lượng cho quân Pháp.

D. đánh phá vùng nông thôn của ta.

Đáp án

Đáp án: A

Giải thích: Mục tiêu trước mắt của việc phát triển ngụy quân trong kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi (1950) là xây dựng quân đội quốc gia mạnh, từ đó tăng cường lực lượng cho các cuộc đánh phá và giúp củng cố chính quyền tay sai.

Câu 3. Đế quốc Mĩ bắt đầu can thiệp vào chiến tranh Đông Dương từ khi nào?

A. Năm 1945.        B. Năm 1946.

C. Năm 1949         D. Năm 1950.

Đáp án

Đáp án: D

Giải thích: Năm 1949, đế quốc Mĩ bắt đầu can thiệp vào chiến tranh Đông Dương bằng việc viện trợ cho Pháp thực hiện kế hoạch Rơve.

Câu 4. Biện pháp nào dưới đây được đề ra trong kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi (1950)?

A. Xây dựng thêm hệ thống đồn bốt ở Trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

B. Thiết lập vành đai trắng bao quanh Trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

C. Thiết lập hệ thống giao thông hào ở Trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

D. Tăng cường lực lượng quân viễn chinh ở Trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

Đáp án

Đáp án: B

Giải thích: Một trong những biện pháp được đề ra trong kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi (1950) là thiết lập vành đai trắng bao quanh Trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

Câu 5. Văn bản nào sau đây được kí kết giữa Mĩ với chính phủ Bảo Đại vào tháng 9-1951?

A. Hiệp ước hợp tác kinh tế Việt-Mĩ.

B. Hiệp định phòng thủ chung Đông Dương.

C. Hiệp ước tương trợ Việt-Mĩ.

D. Hiệp định không xâm phạm lẫn nhau.

Đáp án

Đáp án: A

Giải thích: Tháng 9-1951, Mĩ kí với chính phủ Bảo Đại bản Hiệp ước hợp tác kinh tế Việt-Mĩ nhằm trực tiếp ràng buộc Chính phủ Bảo Đại vào Mĩ.

Câu 6. Tháng 2-1951, tại Vinh Quang (Chiêm Hóa-Tuyên Quang) đã diễn ra sự kiện nào dưới đây?

A. Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần I.

B. Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt.

C. Hội nghị đại biểu để thành lập Liên minh nhân Việt-Minh-Lào.

D. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Đáp án

Đáp án: D

Giải thích: Tháng 2-1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại xã tại Vinh Quang (Chiêm Hóa-Tuyên Quang).

Câu 7. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (2-1951) đã quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi

A. Đảng Cộng sản Đông Dương.

B. Đảng Cộng sản Việt Nam.

C. Đảng Lao động Việt Nam.

D. Đảng Lao động Đông Dương.

Đáp án

Đáp án: C

Giải thích: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (2-1951) đã quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam.

Câu 8. Tháng 12-1950, Mĩ và Pháp đã kí kết

A. Hiệp ước hợp tác kinh tế Mĩ-Pháp.

B. Hiệp định không xâm phạm lẫn nhau.

C. Hiệp ước tương trợ Mĩ-Pháp.

D. Hiệp định phòng thủ chung Đông Dương .

Đáp án

Đáp án: D

Giải thích: Tháng 12-1950, Mĩ và Pháp đã kí kết Hiệp định phòng thủ chung Đông Dương. Với hiệp định này, Mĩ từng bước thay chân Pháp ở Đông Dương.

Câu 9. Thực dân Pháp đã thực hiện kế hoạch nào sau đây ở Đông Dương vào cuối năm 1950?

A. Kế hoạch Nava.

B. Kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi.

C. Kế hoạch Rơve.

D. Kế hoạch Bôlae.

Đáp án

Đáp án: B

Giải thích: Cuối năm 1950, thực dân Pháp thực hiện kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi ở Đông Dương với mong muốn nhanh chóng kết thúc chiến tranh.

Câu 10. Đại hội nào dưới đây của Đảng được xem là “Đại hội kháng chiến thắng lợi”?

A. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I (3-1935).

B. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (2-1951).

C. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (9-1960).

D. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (12-1976).

Đáp án

Đáp án: B

Giải thích: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2-1951) được xem là “Đại hội kháng chiến thắng lợi” vì diễn ra khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở giai đoạn ác liệt, đặc biệt là Đảng đã có nhiều chủ trương nhằm thúc đẩy cuộc kháng chiến tiến lên.

Câu 11. Kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi (1950) của Pháp được xây dựng dựa trên cơ sở

A. viện trợ của Mĩ.

B. tiềm lực kinh tế Pháp.

C. nguỵ quân ngày càng lớn mạnh.

D. kinh nghiệm chỉ huy của Tátxinhi.

Đáp án

Đáp án: A

Giải thích: Kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi (1950) của Pháp được xây dựng dựa trên cơ sở viện trợ của Mĩ.

Câu 12. Mục tiêu chủ yếu của Pháp khi thực hiện kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi (1950) là

A. tiêu diệt nhanh chóng quân chủ lực của ta.

B. nhanh chóng kết thúc chiến tranh ở Đông Dương.

C. củng cố cho chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương.

D. giữ vững thế chủ động của Pháp trên chiến trường Đông Dương.

Đáp án

Đáp án: B

Giải thích: Mục tiêu chủ yếu của Pháp khi thực hiện kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi (1950) là nhanh chóng kết thúc chiến tranh ở Đông Dương.

Câu 13. Tháng 12/1950, Mĩ kí với Pháp Hiệp định phòng thủ chung Đông Dương chủ yếu vì

A. muốn từng bước thay chân Pháp ở Đông Dương.

B. muốn giúp Pháp rút ngắn cuộc chiến ở Đông Dương.

C. muốn mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Mĩ ở Đông Dương.

D. muốn tăng cường sức mạnh cho mình ở Đông Dương.

Đáp án

Đáp án: A

Giải thích: Tháng 12/1950, Mĩ kí với Pháp Hiệp định phòng thủ chung Đông Dương chủ yếu vì muốn từng bước thay chân Pháp ở Đông Dương.

Câu 14. Nội dung nào không phản ánh đúng mục đích của Mĩ khi can thiệp vào cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương của Pháp?

A. Giúp Pháp kép dài cuộc chiến tranh.

B. Tìm cách để thay chân Pháp ở Đông Dương.

C. Tiêu diệt ảnh hưởng của Chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á.

D. Giúp Pháp giành thắng lợi trong trong danh dự.

Đáp án

Đáp án: D

Giải thích: Mĩ can thiệp vào cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương của Pháp chủ yếu nhằm tìm cách thay thế Pháp ở Đông Dương, không phải là giúp Pháp giành thắng lợi trong trong danh dự.

Câu 15. Nhận định nào là đúng về kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi của thực dân Pháp?

A. Là kế hoạch quân sự phản ánh sự nỗ lực cao nhất của Pháp và Mĩ nhằm kết thúc chiến tranh ở Đông Dương.

B. Là kế hoạch quân sự đánh dấu sự lệ thuộc hoàn toàn của Pháp vào Mĩ để tiếp tục cuộc chiến tranh ở Đông Dương.

C. Là kế hoạch phản ánh sự nỗ lực cao của Pháp dưới sự hỗ trợ tích cực của Mĩ nhằm kết thúc sớm cuộc chiến tranh.

D. Là kế hoạch quân sự phản ánh thế thua không gì cứu vãn nổi của Pháp trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương.

Đáp án

Đáp án: C

Giải thích: Kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi là kế hoạch phản ánh sự nỗ lực cao của Pháp dưới sự hỗ trợ tích cực của Mĩ nhằm kết thúc sớm cuộc chiến tranh.

Câu 16. Cuối năm 1950, tướng Pháp nào được cử làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương?

A. Lơ-cơ-léc.

B. Na-va.

C. Đờ-Lát đơ Tát-xi-nhi.

D. Đác-giăng-li-ơ.

Đáp án

Đáp án: C

Giải thích: Cuối năm 1950, Đờ Lát-đơ Tát-xi-nhi được cử làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương và đã đề ra kế hoạch quân sự mang tên mình nhằm mục đích đưa cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương lên quy mô lớn.

Câu 17. Sự kiện đánh dấu Mĩ đã can thiệp sâu và từng bước thay chân Pháp ở Đông Dương là

A. Pháp đề kế hoạch Rơ-ve dưới sự đồng ý của Mĩ (1949).

B. Mĩ chính thức công nhận Chính phủ Bảo Đại do Pháp lập nên (1950).

C. Mĩ đặt phái đoàn cố vấn quân sự đặc biệt MAAG ở Việt Nam (1950).

D. Mĩ kí với Pháp Hiệp định phòng thủ chung Đông Dương (1950).

Đáp án

Đáp án: D

Giải thích: Sự kiện đánh dấu Mĩ đã can thiệp sâu và từng bước thay chân Pháp ở Đông Dương là Mĩ kí với Pháp Hiệp định phòng thủ chung Đông Dương (1950). Hiệp định này đánh dấu Mĩ từng bước thay chân Pháp ở Đông Dương.

Câu 18. Viện trợ của Mĩ cho Pháp trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương năm 1954 chiếm bao nhiêu phần trăm ngân sách chiến phí?

A. 54%.             B. 73%.            C. 65% .            D. 60% .

Đáp án

Đáp án: B

Giải thích: Viện trợ của Mĩ cho Pháp trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương năm 1954 là 555 tỉ phrăng, chiếm 73% ngân sách chiến phí.

Câu 19. Viện trợ của Mĩ cho Pháp trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương năm 1950 chiếm bao nhiêu phần trăm ngân sách chiến phí?

A. 19%.             B. 35%.            C. 73% .            D. 90% .

Đáp án

Đáp án: A

Giải thích: Viện trợ của Mĩ cho Pháp trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương năm 1954 là 52 tỉ phrăng, chiếm 19% ngân sách chiến phí.

Câu 20. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II họp vào

A. tháng 2/1951, tại Chiêm Hóa – Tuyên Quang.

B. tháng 12/1951, tại Chiêm Hóa – Tuyên Quang.

C. tháng 12/1951, tại Vinh Hóa – Tuyên Quang.

D. tháng 2/1950, tại Chiêm Hóa – Tuyên Quang.

Đáp án

Đáp án: A

Giải thích: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II họp vào tháng 2/1951, tại Chiêm Hóa – Tuyên Quang.

Câu 21.Báo Nhân dân trở thành cơ quan ngôn luận của Đảng vào thời gian nào?

A. Năm 1930         B. Năm 1931

C. Năm 1951         D. Năm 1952

Đáp án

Đáp án: C

Giải thích: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II (2/1951) đã quyết định xuất bản báo Nhân dân làm cơ quan ngôn luận của Đảng.

Câu 22. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2/1951) đã quyết định

A. thành lập mặt trận giải phóng dân tộc riêng để lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng ở mỗi nước Đông Dương.

B. thành lập Liên minh nhân dân Việt – Miên – Lào để đoàn kết nhân dân ba nước đấu tranh.

C. tách Đảng Cộng sản Đông Dương thành ba đảng riêng để chỉ đạo cách mạng ở mỗi nước Đông Dương.

D. xây dựng ở mỗi nước Đông Dương một Chính phủ riêng phù hợp với điều kiện của từng nước.

Đáp án

Đáp án: C

Giải thích: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2/1951) đã quyết định tách Đảng Cộng sản Đông Dương thành ba đảng riêng để chỉ đạo cách mạng ở mỗi nước Đông Dương.

Câu 23. Năm 1951, ai được bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam?

A. Nguyễn Văn Cừ.

B. Hồ Chí Minh.

C. Trường Chinh.

D. Lê Duẩn.

Đáp án

Đáp án: C

Giải thích: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai (2/1951), Trường Chinh được bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Câu 24. Mật trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam được thành lập dựa trên cơ sở hợp nhất hai tổ chức nào ?

A. Hội Liên Việt và Mặt trận Thống nhất dân tộc giải phóng Đông Dương.

B. Hội Liên Việt và Mặt trận Đông Dương độc lập đồng minh.

C. Hội Liên Việt và Mặt trận Việt Minh.

D. Liên minh Việt – Miên - Lào và Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh.

Đáp án

Đáp án: C

Giải thích: Mật trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam được thành lập dựa trên cơ sở hợp nhất hai tổ chức Hội Liên Việt và Mặt trận Việt Minh.

Câu 25. Đại hội Chiến sĩ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất (1/5/1952) đã bầu được bao nhiêu anh hùng?

A. 5 anh hùng.           B. 6 anh hùng.

C. 7 anh hùng.           D. 8 anh hùng.

Đáp án

Đáp án: C

Giải thích: Đại hội Chiến sĩ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất (1/5/1952) đã bầu được 7 anh hùng, đó là Cù Chính Lan, La Văn Cầu, Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Thị Chiên, Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh.

Câu 26. Để bồi dưỡng sức dân, đặc biệt là nông, năm 1953, Đảng và Chính phủ đã

A. mở cuộc vận động lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm.

B. tiếp tục tiến hành cải cách giáo dục.

C. phát động phong trào: “Kháng chiến văn hóa, văn hóa kháng chiến”.

D. phát động triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất.

Đáp án

Đáp án: D

Giải thích: Để bồi dưỡng sức dân, đặc biệt là nông, năm 1953, Đảng và Chính phủ đã phát động triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất.

Câu 27. Cuộc cải cách ruộng đất đợt một (1953) được tiến hành ở

A. 50 xã thuộc các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An.

B. 52 xã thuộc các tỉnh Thanh Hoá, Thái Bình.

C. 53 xã thuộc các tỉnh Thanh Hoá, Thái Nguyên.

D. 51 xã thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Nghệ An.

Đáp án

Đáp án: C

Giải thích: Cuộc cải cách ruộng đất đợt một (1953) được tiến hành ở53 xã thuộc các tỉnh Thanh Hoá, Thái Nguyên.

Câu 28. Năm 1952, phong trào Bình dân học vụ đã

A. giúp 10 triệu người thoát nạn mù chữ.

B. giúp 12 triệu người thoát nạn mù chữ.

C. giúp 14 triệu người thoát nạn mù chữ.

D. giúp 15 triệu người thoát nạn mù chữ.

Đáp án

Đáp án: C

Giải thích: Năm 1952, phong trào Bình dân học vụ đã giúp 14 triệu người thoát nạn mù chữ.

Câu 29. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đã xác định nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng Việt Nam là

A. đánh đổ đế quốc, tư sản mại bản, giành độc lập cho dân tộc.

B. đánh đổ Pháp và bọn phong kiến tay sai, giành độc lập thống nhất hoàn toàn.

C. đánh bại thực dân Pháp và bọn can thiệp Mĩ, giành thống nhất, độc lập hoàn toàn.

D. đánh bại thực dân Pháp và bọn tay sai, giành chính quyền về tay nhân dân.

Đáp án

Đáp án: C

Giải thích: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đã xác định nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng Việt Nam là đánh bại thực dân Pháp và bọn can thiệp Mĩ, giành thống nhất, độc lập hoàn toàn.

Câu 30. Trong các chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung (cuối năm 1950 – giữa năm 1951), ta không đạt được mọi mục tiêu chiến lược đã đề ra vì

A. quân ta chưa đủ năng lực để đánh vận động chiến.

B. ta chọn hướng tiến công không có lợi cho ta mà có lợi cho địch.

C. quân ta chưa đủ mạnh tiến hành các chiến dịch lớn và dài ngày.

D. tương quan lực lượng ta và địch chưa có sự thay đổi có tính đột phá.

Đáp án

Đáp án: B

Giải thích: Trong các chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung (cuối năm 1950 – giữa năm 1951), ta không đạt được mọi mục tiêu chiến lược đã đề ra vì ta chọn hướng tiến công không có lợi cho ta mà có lợi cho địch.

Câu 31. Sau thất bại ở Biên giới-thu đông năm 1950, thực dân Pháp đã

A. nhờ Mĩ can thiệp vào Đông Dương.

B. thực hiện kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi.

C. rút quân đội khỏi Đông Dương.

D. tiếp tục đánh lên Việt Bắc.

Đáp án

Đáp án: B

Giải thích: Sau thất bại ở Biên giới-thu đông năm 1950, thực dân Pháp đã thực hiện kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi.

Câu 32. Đại hội đại biểu toàn quốc lần II (2-1951) quyết định thành lập ở mỗi nước Việt Nam, Lào, Campuchia một Đảng riêng để

A. phù hợp với đặc điểm phát triển của mỗi nước.

B. tạo thuận lợi cho cách mạng Đông Dương phát triển.

C. phù hợp với xu hướng phát triển của cách mạng Đông Dương.

D. nhanh chóng đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.

Đáp án

Đáp án: A

Giải thích: Đại hội đại biểu toàn quốc lần II (2-1951) quyết định thành lập ở mỗi nước Việt Nam, Lào, Campuchia một Đảng riêng để phù hợp với đặc điểm phát triển của mỗi nước.

Câu 33. Năm 1953, Đảng và Chính phủ quyết định phát động quần chúng triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất nhằm

A. đẩy mạnh tăng gia sản xuất trong nông nghiệp.

B. bồi dưỡng sức dân, nhất là nông dân.

C. nhanh chóng khôi phục lại nông nghiệp.

D. đáp ứng nhu cầu lương thực phục vụ cho chiến trường.

Đáp án

Đáp án: B

Giải thích: Năm 1953, Đảng và Chính phủ quyết định phát động quần chúng triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất nhằm bồi dưỡng sức dân, nhất là nông dân.

Câu 34. Mục đích chính của Pháp khi thiết lập vành đai trắng bao quanh Trung du và đồng bằng Bắc bộ trong kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi (1950) là

A. vơ vét sức người sức của phục vụ cho chiến tranh.

B. tăng cường kiểm soát nhân ta.

C. chuẩn bị tấn công lên Việt Bắc.

D. ngăn chặn quân chủ lực của ta.

Đáp án

Đáp án: D

Giải thích: Mục đích chính của Pháp khi thiết lập vành đai trắng bao quanh Trung du và đồng bằng Bắc bộ trong kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi (1950) là ngăn chặn quân chủ lực của ta.

Câu 35. Hướng tiến công của quân ta trong chiến dịch Quang Trung (1951) là

A. Nam Hà, Nam Định, Thái Bình.

B. Nam Hà, Nam Định, Ninh Bình.

C. Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

D. Thái Bình, Nam Định, Hà Nam.

Đáp án

Đáp án: C

Giải thích: Hướng tiến công của quân ta trong chiến dịch Quang Trung (1951) là Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

Câu 36. Chiến thắng của quân ta trong các chiến dịch Hoà Bình, Tây Bắc, Thượng Lào (1951 – 1953) chứng tỏ

A. ta đã giành được thế chủ động chiến lược trên chiến trường Bắc Đông Dương.

B. ta đã giành được thế chủ động chiến lược trên toàn chiến trường Đông Dương.

C. ta vẫn giữ vững và phát huy được thế chủ động trên chiến trường Bắc Bộ.

D. ta đã giành được thắng lợi quyết định, buộc Pháp phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt chiến tranh.

Đáp án

Đáp án: C

Giải thích: Chiến thắng của quân ta trong các chiến dịch Hoà Bình, Tây Bắc, Thượng Lào (1951 – 1953) chứng tỏ ta vẫn giữ vững và phát huy được thế chủ động trên chiến trường Bắc Bộ.

Câu 37. Việc Pháp thực hiện kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi (1950) đã tác động gì đến cuộc kháng chiến chống Pháp của ta?

A. Làm cho quân ta mất thế chủ động trên chiến trường.

B. Làm cho cuộc kháng chiến trở nên khó khăn, phức tạp.

C. Hạn chế sự chi viện từ các nước xã hội chủ nghĩa.

D. Uy hiếp căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc.

Đáp án

Đáp án: B

Giải thích: Việc Pháp thực hiện kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi (1950) đã làm cho cuộc kháng chiến chống Pháp của ta trở nên khó khăn, phức tạp.

Câu 38. Kế hoạch Rơve năm 1949 và kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi năm 1950 của thực dân Pháp đều nhằm

A. bảo vệ chính quyền tay sai do Pháp lập ra.

B. xoay chuyển cục diện chiến tranh.

C. nhanh chóng kết thúc chiến tranh.

D. kết thúc chiến tranh trong danh dự.

Đáp án

Đáp án: C

Giải thích: Kế hoạch Rơve năm 1949 và kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi năm 1950 của thực dân Pháp đều nhằm nhanh chóng kết thúc chiến tranh.

Câu 39. Mục tiêu bao trùm của công cuộc cải cách giáo dục năm 1950 ở Việt Nam là

A. thực hiện khẩu hiệu “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”.

B. phục vụ kháng chiến, phục vụ dân sinh, phục vụ sản xuất.

C. đẩy lùi nạn thất học, mù chữ trong nhân dân.

D. đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng.

Đáp án

Đáp án: B

Giải thích: Mục tiêu bao trùm của công cuộc cải cách giáo dục năm 1950 ở Việt Nam là phục vụ kháng chiến, phục vụ dân sinh, phục vụ sản xuất.

Câu 40. Năm 1951, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt được thống nhất thành

A. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

B. Liên minh nhân dân Việt – Miên – Lào.

C. Mặt trận Giải phóng miền Nam.

D. Mặt trận Liên Việt.

Đáp án

Đáp án: D

Giải thích: Năm 1951, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt được thống nhất thành Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Mặt trận Liên Việt).

Câu 41. Liên minh đoàn kết nhân dân ba nước Đông Dương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) có tên gọi là

A. Mặt trận Liên Việt.

B. Liên minh nhân dân Việt-Miên-Lào.

C. Mặt trận Phản đế Đông Dương.

D. Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh.

Đáp án

Đáp án: B

Giải thích: Liên minh đoàn kết nhân dân ba nước Đông Dương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) có tên gọi là Liên minh nhân dân Việt-Miên-Lào.

Câu 42. So với kế hoạch Rơve, điểm khác biệt về bối cảnh Pháp thực hiện kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi là

A. tiến hành trong thế bị động trên chiến trường.

B. Việt Nam chưa nhận được viện trợ quốc tế.

C. Pháp đang giành thế chủ động trên chiến trường.

D. Mĩ bắt đầu can thiệp vào chiến tranh Đông Dương.

Đáp án

Đáp án: A

Giải thích: Kế hoạch Rơve được Pháp thực hiện khi quân Pháp đang nắm thế chủ động trên chiến trường, còn kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi được thực hiện khi Pháp rơi vào thế bị động trên chiến trường.

Câu 43. Mục tiêu chủ yếu của Mĩ khi tiến hành can thiệp sâu vào chiến tranh Đông Dương là

A. thúc đẩy tự do dân chủ ở Đông Nam Á.

B. ngăn chặn và đẩy lùi chủ nghĩa xã hội.

C. mở rộng đồng minh ở Đông Nam Á.

D. ngăn chặn các cuộc chiến tranh cục bộ ở Đông Nam Á.

Đáp án

Đáp án: B

Giải thích: Một trong ba mục tiêu của chiến lược toàn cầu của Mĩ và ngăn chặn và tiến tới xóa bỏ chủ nghĩa xã hội trên thế giới. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến Mĩ can thiệp sâu vào chiến tranh Đông Dương, vì nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa.

Câu 44. Bước sang giai đoạn từ 1951 – 1953, cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương của Pháp nhận được sự giúp đỡ chủ yếu của

A. Mĩ.

B. Anh.

C. Nhật.

D. Đức.

Đáp án

Đáp án: A

Giải thích: Bước sang giai đoạn từ 1951 – 1953, cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương của Pháp nhận được sự giúp đỡ chủ yếu của Mĩ.

Câu 45. Thực dân Pháp đề ra kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi vào thời gian nào?

A. Cuối năm 1949.

B. Cuối năm 1950.

C. Cuối năm 1951.

D. Cuối năm 1953.

Đáp án

Đáp án: B

Giải thích: Thực dân Pháp đề ra kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi cuối năm 1950.

Câu 46. Từ tháng 4-1953 đến tháng 7-1954, Đảng và Chính phủ đã tiến hành mấy đợt cải cách ruộng đất?

A. Một đợt.

B. Hai đợt.

C. Ba đợt.

D. Bốn đợt.

Đáp án

Đáp án: A

Giải thích: Từ tháng 4-1953 đến tháng 7-1954, Đảng và Chính phủ đã tiến hành một đợt cải cách ruộng đất.

Câu 47. Đại hội đại biểu lần thứ hai của Đảng (2/1951) đã bầu ai làm Chủ tịch Đảng?

A. Hồ Chí Minh.

B. Phạm Văn Đồng.

C. Trường Chinh.

D. Trần Phú.

Đáp án

Đáp án: A

Giải thích: Đại hội đại biểu lần thứ hai của Đảng (2/1951) đã bầu Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng.

Câu 48. "Gấp rút tập trung quân Âu - Phi, xây dựng lực lượng cơ động chiến lược mạnh, ra sức phát triển ngụy quân" là một trong bốn điểm chính của kế hoạch

A. Rơ-ve.

B. Na-va.

C. Đờ Lát-đơ Tát-xi-nhi.

D. Đờ Cax-tơ-ri.

Đáp án

Đáp án: C

Giải thích: "Gấp rút tập trung quân Âu - Phi, xây dựng lực lượng cơ động chiến lược mạnh, ra sức phát triển ngụy quân" là một trong bốn điểm chính của kế hoạch Đờ Lát đơ Tát-xi-nhi (1950) của thực dân Pháp.

Câu 49. Đại hội đại biểu toàn quốc lần II của Đảng (2/1951) họp ở

A. Pác Bó (Cao Bằng).

B. Hà Nội.

C. Tân Trào (Tuyên Quang).

D. Chiêm Hoá (Tuyên Quang).

Đáp án

Đáp án: D

Giải thích: Đại hội đại biểu toàn quốc lần II của Đảng (2/1951) họp ở xã Quang Vinh, Chiêm Hóa, Tuyên Quang.

Câu 50. Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng (1951) đã quyết định xuất bản tờ báo nào sau đây làm cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng?

A. Nhân dân.         B. Lao động.

C. Sự thật.         D. Thanh niên.

Đáp án

Đáp án: A

Giải thích: Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng (1951) đã quyết định xuất bản báo Nhân dân làm cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng.

Câu 51. Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần II (2/1951) quyết định đổi tên Đảng thành:

A. Đảng Cộng sản Đông Dương.

B. Đảng Lao động Việt Nam.

C. Đảng Cộng sản Việt Nam.

D. Đông Dương Cộng sản Đảng.

Đáp án

Đáp án: B

Giải thích: Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần II (2/1951) quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Lao động Việt Nam.

Câu 52. Đại hội đại biểu lần thứ II (2/1951) đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình lãnh đạo và trưởng thành của Đảng ta vì đã

A. Đưa Đảng tiếp tục hoạt động cách mạng.

B. khẳng định Đảng tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam.

C. đưa đảng vào hoạt động bí mật để lãnh đạo cách mạng.

D. Đưa Đảng ra hoạt động công khai và đổi tên Đảng thành Đảng Lao động Việt Nam.

Đáp án

Đáp án: D

Giải thích: Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng (2/1951) đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình lãnh đạo và trưởng thành của Đảng ta vì đã đưa Đảng ra hoạt động công khai và đổi tên Đảng thành Đảng Lao động Việt Nam.

Câu 53. Mặt trận Liên Việt ra đời vào thời gian nào?

A. Năm 1950.

B. Năm 1951.

C. Năm 1952.

D. Năm 1953.

Đáp án

Đáp án: B

Giải thích: Tháng 3/1951, Đại hội toàn quốc đã thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt.

Câu 54. Để thực hiện bồi dưỡng sức dân, nhất là nông dân, năm 1953, Đảng và Chính phủ đã

A. triệt để giảm tô và thực hiện cải cách ruộng đất.

B. thực hiện khai hoang với khẩu hiệu "Tấc đất tấc vàng".

C. thực hành tiết kiệm.

D. đẩy mạnh sản xuất.

Đáp án

Đáp án: A

Giải thích: Để thực hiện bồi dưỡng sức dân, nhất là nông dân, năm 1953, Đảng và Chính phủ đã phát động triệt để giảm tô và thực hiện cải cách ruộng đất.

Câu 55. Nội dung nào không phản ánh mục tiêu của Đảng khi mở chiến dịch Hòa Bình đông – xuân 1951 – 1952?

A. Tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch.

B. Phá tan kế hoạch bình định của địch ở đồng bằng Bắc Bộ.

C. Đẩy mạnh chiến tranh du kích.

D. Giành thế chủ động trên chiến trường Bắc Bộ.

Đáp án

Đáp án: D

Giải thích: Mục tiêu của Đảng khi mở chiến dịch Hòa Bình đông – xuân 1951 – 1952 là tiêu diệt sinh lực địch ở đấy, phá tan kế hoạch bình định của địch ở đồng bằng Bắc Bộ và đẩy mạnh chiến tranh du kích.

Câu 56. Mục đích chủ yếu của Đảng khi mở những chiến dịch Hòa Bình đông – xuân 1951 – 1952, Tây Bắc thu – đông 1952 và Thượng Lào xuân hè 1953 là

A. giành lại thế chủ động trên chiến trường.

B. giữ vững quyền chủ động đánh địch trên chiến trường.

C. buộc Pháp phải tuyên bố chấm dứt chiến tranh.

D. làm thất bại kế hoạch can thiệp của Mĩ vào chiến tranh Đông Dương.

Đáp án

Đáp án: B

Giải thích: Mục đích chủ yếu của Đảng khi mở những chiến dịch Hòa Bình đông – xuân 1951 – 1952, Tây Bắc thu – đông 1952 và Thượng Lào xuân hè 1953 là giữ vững quyền chủ động đánh địch trên chiến trường.

Câu 57. Chiến dịch nào sau đây diễn ra khi quân ta chưa giành được thế chủ động trên chiến trường?

A. Chiến dịch Hòa Bình đông – xuân 1951 – 1952.

B. Chiến dịch Tây Bắc thu – đông 1952.

C. Chiến dịch Việt Bắc thu – đông 1947.

D. Chiến dịch Thượng Lào xuân hè 1953.

Đáp án

Đáp án: C

Giải thích: Chiến dịch Việt Bắc thu – đông 1947 diễn ra khi quân ta chưa giành được thế chủ động trên chiến trường.

Câu 58.Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng (2/1951) đã thông qua hai văn kiện quan trọng là

A. Cương lĩnh chính trị của Nguyễn Ái Quốc và Luận cương chính trị của Trần Phú.

B. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và Báo cáo chính trị của Hồ Chí Minh.

C. Báo cáo chính trị của Hồ Chí Minh và Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam của Trường Chinh.

D. Kháng chiến nhất định thắng lợi và Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam của Trường Chinh.

Đáp án

Đáp án: C

Giải thích: Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng (2/1951) đã thông qua hai văn kiện quan trọng là Báo cáo chính trị của Hồ Chí Minh và Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam của Trường Chinh.

Câu 59. Nội dung nào sau đây không thuộc nhiệm vụ cách mạng Việt Nam được đưa ta trong Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam của Trường Chinh?

A. Phát triển chế độ dân chủ nhân dân.

B. Đánh đuổi đế quốc Pháp – Nhật.

C. Xóa bỏ tàn dư phong kiến và nửa phong kiến.

D. Giành độc lập và thống nhất hoàn toàn cho dân tộc.

Đáp án

Đáp án: B

Giải thích: Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam của Trường Chinh đã nêu rõ nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược (Pháp và can thiệp Mĩ), trừ diệt bọn phản quốc, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất, xóa bỏ di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Câu 60. Để phát triển hậu phương trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), Đảng và Chính phủ đã

A. tiến hành công nghiệp hóa.

B. thực hiện hiện đại hóa.

C. tiến hành tổng khởi nghĩa.

D. đẩy mạnh sản xuất.

Đáp án

Đáp án: D

Giải thích: Để phát triển hậu phương trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), Đảng và Chính phủ đã đẩy mạnh sản xuất.

Câu 61. Thắng lợi của chiến dịch nào dưới đây đã giúp quân ta giành được thế chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ?

A. Chiến dịch Việt Bắc 1947.

B. Chiến dịch Biên giới 1950.

C. Chiến dịch Tây Bắc 1952.

D. Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.

Đáp án

Đáp án: B

Giải thích: Thắng lợi của chiến dịch Biên giới thu – đông năm 1950 giúp quân ta giành được thế chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ.

Câu 62. Sau thất bại trong chiến dịch Biên giới, Pháp có âm mưu gì mới?

A. Nhận thêm viện trợ của Mĩ, tăng viện binh.

B. Đẩy mạnh chiến tranh, giành lại quyền chủ động chiến lược đã mất.

C. Bình định mở rộng địa bàn chiếm đóng.

D. Bình định kết hợp phản công và tiến công lực lượng cách mạng.

Đáp án

Đáp án: A

Giải thích: Sau thất bại trong chiến dịch Biên giới năm 1950, Pháp đã nhận thêm viện trợ của Mĩ, tăng viện binh để thực hiện kế hoạch mới.

Câu 63. Kế hoạch Đờ Lát-đờ Tát-xi-nhi (1950) ra đời là kết quả của

A. sự cấu kết giữa Pháp và Nhật trong chiến tranh xâm lược Đông Dương.

B. việc Mĩ bắt đầu can thiệp vào chiến tranh xâm lược Đông Dương.

C. sự "dính líu trực tiếp" của Mĩ vào cuộc chiến tranh Đông Dương.

D. sự cứu vãn tình thế sa lầy trên chiến trường của Mĩ.

Đáp án

Đáp án: C

Giải thích: Kế hoạch Đờ Lát-đờ Tát-xi-nhi 12 - 1950 ra đời là kết quả của sự "dính líu trực tiếp" của Mĩ vào cuộc chiến tranh Đông Dương.

Câu 64. "Hiệp định phòng thủ chung Đông Dương" ngày 23 - 12 - 1950 được kí kết giữa:

A. Pháp và Nhật.

B. Pháp và Tưởng Giới Thạch.

C. Mĩ và Pháp.

D. Mĩ và Nhật.

Đáp án

Đáp án: C

Giải thích: "Hiệp định phòng thủ chung Đông Dương" ngày 23 - 12 - 1950 được kí kết giữa Mĩ và Pháp.

Câu 65. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (2 -1951) họp tại đâu?

A. Hương Cảng (Trang Quốc).

B. Ma Cao (Trung Quốc).

C. Pác Pó (Cao Bằng).

D. Chiêm Hoá (Tuyên Quang).

Đáp án

Đáp án: D

Giải thích: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (2 -1951) họp tại Chiêm Hoá (Tuyên Quang).

Câu 66.Đảng ta quyết định tạm thời rút vào hoạt động bí mật vào thời gian nào?

A Năm 1939.         B. Năm 1936.

C. Năm 1945.         D. Năm 1951.

Đáp án

Đáp án: C

Giải thích: Tháng 11/1945, để đối phó với quân Trung Hoa Dân quốc, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố giải tán, nhưng thực chất là đi vào hoạt động bí mật.

Câu 67. Đảng ta ra hoạt động công khai vào thời gian nào?

A. Năm 1945.         B. Năm 1946.

C. Năm 1949.         D. Năm 1951.

Đáp án

Đáp án: D

Giải thích: Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng (2/1951) đã quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi mới là Đảng Lao động Việt Nam.

Câu 68. Nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng Việt Nam trong Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày tại Đại hội Đảng lần thứ II (2/1951) là

A. đánh đổ đế quốc phong kiến, làm cách mạng dân tộc dân chủ.

B. đánh đổ thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc.

C. giành độc lập hoàn toàn, bảo vệ hòa bình thế giới.

D. đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp có đế quốc Mĩ giúp sức.

Đáp án

Đáp án: D

Giải thích: Nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng Việt Nam trong Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày tại Đại hội Đảng lần thứ II (2/1951) là đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp có đế quốc Mĩ giúp sức.

Câu 69. Từ thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần II (2-1951), bài học cơ bản có thể rút ra trong công cuộc xây dựng Tổ quốc hiện nay là

A. tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.

B. tăng cường khối đoàn kết dân tộc.

C. tăng cường sự đoàn kết quốc tế.

D. tăng cường tiềm lực kinh tế, quốc phòng.

Đáp án

Đáp án: A

Giải thích: Từ thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần II (2-1951), bài học cơ bản có thể rút ra trong công cuộc xây dựng Tổ quốc hiện nay là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định đến những thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Câu 70. Là mốc đánh dấu bước trưởng thành của Đảng trong quá trình lãnh đạo, là “Đại hội kháng chiến thắng lợi”. Đây là là ý nghĩa của

A. Hội nghị thành lập Đảng (đầu 1930).

B. Hội nghị lần thứ nhất của Đảng (10 - 1930).

C. Đại hội lần thứ I của Đảng (1935).

D. Đại hội lần thứ II của Đảng (2 - 1951).

Đáp án

Đáp án: D

Giải thích: Là mốc đánh dấu bước trưởng thành của Đảng trong quá trình lãnh đạo, là “Đại hội kháng chiến thắng lợi”. Đây là là ý nghĩa của Đại hội lần thứ II của Đảng (2 - 1951).

Câu 71. Ngày 11 - 3 - 1951 Hội nghị đại biểu của nhân dân ba nước Đông Dương đã thành lập tổ chức

A. Liên minh Việt - Miên - Lào.

B. Mặt trận Việt - Miên - Lào.

C. Liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào.

D. Mặt trận thống nhất Việt - Miên - Lào.

Đáp án

Đáp án: A

Giải thích: Ngày 11 - 3 - 1951 Hội nghị đại biểu của nhân dân ba nước Đông Dương đã thành lập tổ chức Liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào.

Câu 72. Điểm mới của kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi (1950) so với kế hoạch Rơve (1949) là

A. tập trung kiểm soát Trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

B. tập trung bao vây căn cứ địa Việt Bắc.

C. kiểm soát biên giới Việt-Trung.

D. tấn công Việt bắc với quy mô lớn.

Đáp án

Đáp án: A

Giải thích: Điểm mới của kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi (1950) so với kế hoạch Rơve (1949) là tập trung kiểm soát Trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

Câu 73. Từ năm 1950, Đảng và Chính phủ thực hiện cuộc cải cách giáo dục nhằm thực hiện phương châm

A. diệt trừ giặc dốt.

B. kháng chiến văn hóa, văn hóa kháng chiến.

C. phục vụ kháng chiến, phục vụ dân sinh, phục vụ sản xuất.

D. Bình dân học vụ.

Đáp án

Đáp án: C

Giải thích: Từ năm 1950, Đảng và Chính phủ thực hiện cuộc cải cách giáo dục nhằm thực hiện phương châm phục vụ kháng chiến, phục vụ dân sinh, phục vụ sản xuất.

Câu 74. Từ tháng 4 - 1953 đến tháng 7 - 1954 ta đã thực hiện tất cả:

A. 4 đợt giảm tô và 1 đợt cải cách ruộng đất.

B. 6 đợt giảm tô.

C. 5 đợt giảm tô và 1 đợt cải cách ruộng đất.

D. 4 đợt giảm tô.

Đáp án

Đáp án: C

Giải thích: Từ tháng 4 - 1953 đến tháng 7 – 1954, ta đã thực hiện tất cả 5 đợt giảm tô và 1 đợt cải cách ruộng đất.

Câu 75. Nội dung chủ yếu của Đại hội Chiến sĩ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất (5-1952) là

A. tuyên dương thành tích của các anh hùng lực lượng vũ trang.

B. đoàn kết, khích lệ tinh thần yêu nước của nhân dân.

C. khẳng định vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng.

D. tăng cường liên minh chiến đấu của nhân dân Đông Dương.

Đáp án

Đáp án: B

Giải thích: Nội dung chủ yếu của Đại hội Chiến sĩ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất (5-1952) là đoàn kết, khích lệ tinh thần yêu nước của nhân dân.

Câu 76. Để phát triển hậu phương kháng chiến chống Pháp, năm 1952, Chính phủ đã

A. phát động triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất.

B. mở cuộc vận động lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm.

C. phát động công cuộc cải cách giáo dục.

D. phát động phong trào Bình dân học vụ.

Đáp án

Đáp án: B

Giải thích: Để phát triển hậu phương kháng chiến chống Pháp, năm 1952, Chính phủ đã mở cuộc vận động lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm.

Câu 77. Đại hội Chiến sĩ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất (5-1952) đã chọn được

A. 5 anh hùng.          B. 6 anh hùng.          C. 7 anh hùng.          D. 8 anh hùng.

Đáp án

Đáp án: C

Giải thích: Đại hội Chiến sĩ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất (5-1952) đã chọn được 7 anh hùng là Cù Chính Lan, La Văn Cầu, Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Thị Chiên, Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh.

Câu 78. Ý nghĩa cơ bản của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2/1951) là

A. thể hiện sự đoàn kết của các tầng lớp nhân dân.

B. đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình lãnh đạo của Đảng.

C. đánh dấu quá trình đổi mới hoạt động của Đảng.

D. thể hiện năng lực lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Đáp án

Đáp án: B

Giải thích: Ý nghĩa cơ bản của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2/1951) là đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình lãnh đạo của Đảng.

Câu 79. Nội dung nào không phản ánh đúng nguyên nhân khiến Đảng và Chính phủ chủ trương phát động quần chúng triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất năm 1953?

A. Xoá bỏ sự bóc lột của địa chủ phong kiến đối với nông dân.

B. Thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”.

C. Nông dân phấn khởi, ủng hộ cuộc kháng chiến.

D. Giai cấp địa chủ là trợ lực cho cuộc kháng chiến.

Đáp án

Đáp án: D

Giải thích: Giai cấp địa chủ là trợ lực cho cuộc kháng chiến không phải là nguyên nhân khiến Đảng và Chính phủ chủ trương phát động quần chúng triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất năm 1953.

Câu 80. Điểm mới trong xác định kẻ thù của cách mạng Việt Nam giai đoạn 1951-1953 so với giai đoạn 1946-1947 là gì?

A. Chống thực dân Pháp và phong kiến.

B. Chống thực dân Pháp và can thiệp Mĩ.

C. Chống thực dân Pháp và tay sai.

D. Chống thực dân Pháp và các đảng phái phản động.

Đáp án

Đáp án: B

Giải thích: Từ năm 1949, Mĩ bắt đầu can thiệp vào chiến tranh Việt Nam. Vì vậy, bên cạnh những kẻ thù cũ là thực dân Pháp và tay sai thì trong giai đoạn 1951-1953, ta phải chống lại cả can thiệp Mĩ.

Câu 81. Điểm tương đồng về mục tiêu của Pháp khi đề ra kế hoạch Rơ-ve (1949) và kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi (1950) là

A. muốn nhanh chóng kết thúc chiến tranh.

B. muốn giữ vững thế chủ động trên chiến trường.

C. muốn gạt bỏ sự can thiệp của Mĩ.

D. muốn kết thúc chiến tranh trong danh dự.

Đáp án

Đáp án: A

Giải thích: Điểm tương đồng về mục tiêu của Pháp khi đề ra kế hoạch Rơ-ve (1949) và kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi (1950) là muốn nhanh chóng kết thúc chiến tranh.

Bài viết liên quan

966
  Tải tài liệu