Sơ đồ tư duy Bạn đến chơi nhà dễ nhớ, hay nhất

Sơ đồ tư duy bài Bạn đến chơi nhà Ngữ văn lớp 7 hay nhất, dễ nhớ, ngắn gọn với đầy đủ sơ đồ tư duy, tác giả, tác phẩm, dàn ý phân tích và bài văn phân tích mẫu giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa, củng cố kiến thức các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 7.

1102


A/ Tác giả Tác phẩm Bạn đến chơi nhà

I. Tác giả

- Nguyễn Khuyến: (1835 – 1909) lúc nhỏ tên là Thắng.

- Quê quán: thôn Vị Hạ (làng Và), xã Yên Đổ, nay thuộc xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

- Thuở nhỏ nhà nghèo, thông minh, học giỏi, sau đó đi thi đỗ cả 3 kì thi: Hương, Hội, Đình, do đó được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ.

- Nguyễn Khuyến làm quan khoảng mười năm, nhưng đến khi thực dân Pháp đánh chiếm xong Bắc Bộ, ông cáo quan về ở ẩn.

- Nguyễn Khuyến là một nhà thơ lớn của dân tộc. Thơ ca của ông chủ yếu được sáng tác vào giai đoạn sau ngày cáo quan về ở ẩn ở Yên Đổ.

II. Tìm hiểu chung tác phẩm

1. Thể loại: thơ thất ngôn bát cú Đường luật.

2. Hoàn cảnh sáng tác

Bài thơ được sáng tác trong thời gian Nguyễn Khuyến cáo quan về ở ẩn ở Yên Đổ.

3. Bố cục: 3 phần

- Phần 1: (câu đầu): Cảm xúc khi bạn tới chơi nhà.

- Phần 2: (6 câu thơ tiếp theo): Hoàn cảnh của nhà thơ khi bạn đến chơi nhà.

- Phần 3: (câu cuối): Tình cảm thắm thiết của tác giả với bạn.

4. Giá trị nội dung

Bài thơ ca ngợi tình bạn chân thành thắm thiết, đậm đà, mộc mạc và tràn đầy niềm vui của tác giả.

5. Giá trị nghệ thuật

- Tạo tình huống bất ngờ, thú vị.

- Giọng thơ chất phác, hồn nhiên, ẩn sau câu chữ là ánh mắt lấp lánh cùng nụ cười hồn hậu, ấm áp, chân tình của nhà thơ.

- Sự kết hợp nhuần nhuyễn, tinh tế giữa ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ bác học.

B.Sơ đồ tư duy bài Bạn đến chơi nhà

Hỏi đáp VietJack

C. Dàn ý phân tích bài Bạn đến chơi nhà

1. Cảm xúc khi bạn đến chơi nhà

- Cách giới thiệu giản dị, gần gũi với đời sống:

Đã bấy lâu nay: chỉ thời gian đã lâu lắm rồi.

bác tới nhà: chỉ sự việc bạn đến thăm.

- Giọng điệu: vồn vã, chân thành, cởi mở.

- Cách xưng hô: bác – một danh từ chỉ người, được dùng như đại từ, qua đó thể hiện thái độ niềm nở, thân tình, quý trọng của tác giả đối với bạn.

⇒ Câu nhập đề tự nhiên như một lời nói mộc mạc, như một tiếng reo vui, thể hiện sự chân tình, niềm xúc động của tác giả khi bạn đến chơi nhà.

2. Hoàn cảnh của nhà thơ khi bạn đến chơi nhà

- Tác giả đã tạo ra một tình huống, một hoàn cảnh rất đặc biệt khi bạn đến chơi nhà:

+ Muốn ra chợ thì chợ xa.

+ Muốn sai trẻ thì trẻ đi vắng.

+ Muốn bắt cá thì ao sâu.

+ Muốn đuổi gà thì vườn rộng, rào thưa.

+ Những thực phẩm như thịt, cá, rau đậu của vườn lại chưa ăn được.

+ Miếng trầu cũng không có.

⇒ Tình huống được tạo ra có tính bông đùa, có sẵn nhưng hóa ra lại không có gì, từ đó cho thấy hoàn cảnh éo le của tác giả.

- Nghệ thuật:

+ Nhịp thơ 3/4: tạo âm hưởng nhịp nhàng, chậm rãi, khoan thai.

+ Phép đối chặt chẽ, lặp cấu trúc cụm từ, sử dụng tính từ, từ phủ định…

⇒ Tạo dựng một tình huống éo le đó là cách nói hài hước, phóng đại về cuộc sống thiếu thốn vật chất của tác giả, qua đó thể hiện sự hóm hỉnh, hài hước của một nhà Nho thanh bạch.

3. Tình bạn thắm thiết của tác giả

- Sử dụng từ nhiều nghĩa “ta”:

+ Ta (1): chủ nhà – nhà thơ

+ Ta (2): khách – bạn

- Sử dụng quan hệ từ “với” nối liền hai chữ ta, qua đó ta thấy giữa chủ và khách dường như không còn khoảng cách, tuy hai mà một, gắn bó, hòa hợp, vui vẻ, trọn vẹn.

⇒ Câu thơ đã đúc kết lại giá trị của toàn bài thơ, bộc lộ tình cảm sâu sắc của nhà thơ đối với bạn, khẳng định một tình bạn đậm đà, thắm thiết, trọn vẹn mà trong sáng, vượt qua mọi thử thách tầm thường.

D. Bài văn phân tích Bạn đến chơi nhà

Tình bạn là một đề tài nổi bật trong thơ Nguyễn Khuyến. Ông có nhiều bài thơ hay viết về tình bạn như: Khóc Dương KhuêLụt hỏi thăm bạn… trong đó Bạn đến chơi nhà là bài thơ hay được nhiều người biết đến nhất. Bài thơ thể hiện một tình bạn đậm đà, thắm thiết, qua đó giúp ta hiểu nhân cách cao đẹp của Nguyễn Khuyến.

Nguyễn Khuyến là một nhà thơ xuất sắc của nền văn học trung đại, được mệnh danh là Tam Nguyên Yên Đổ. Phong cách thơ Nguyễn Khuyến hóm hỉnh nhưng lại luôn hàm chứa ý nghĩa thâm thúy sâu xa. Bài thơ Bạn đến chơi nhà là một trong những bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Nguyễn Khuyến. Tám câu thơ giản dị mộc mạc nhưng lại ẩn chứa nghĩa tình mặn mà, sâu sắc. Được viết theo thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật với bố cục đề, thực, luận, kết. Nhưng với nét độc đáo, phóng khoáng bài thơ lại giống như một câu chuyện tự bạch của tác giả dành cho người bạn thân của mình.

Bài thơ này ông viết về một kỉ niệm của ông ở tuổi mà xưa nay hiếm. Nó bày bày tỏ cảm xúc của ông và một người bạn quen nhau chốn quan trường, nay gặp lại nơi thôn quê thanh bình – nơi chôn rau cắt rốn của ông. Từng câu từ trong bài mượt mà mà thanh cao, tình cảm thắm thiết, gắn bó, mặn mà, đầy chất nhân văn. Nó thể hiện một con người chất phác, sống tình cảm nơi ông:

Đã bấy lâu nay, bác tới nhà

Câu thơ mở đầu như một tiếng reo vui, nó là khởi nguồn cho tất cả tình huống, cảm xúc trong bài. Gặp lại một người bạn cũ thật khôn xiết biết bao, đặc biệt là khi lại gặp nhau nơi chân quê. Tình nghĩa đó thật quý báu. Tuy sau bao vinh hoa chốn kinh thành nhưng vẫn nhớ về nhau, vẫn tìm thăm trò chuyện. Tuy mặn mà những tình cảm nồng hậu nhưng trong bài vẫn có những tình tiết vui vẻ:

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa

Ao sâu nước cả, khôn chài cá

Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà

Cải chửa ra cây, cà mới nụ

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa

Cả sáu câu tiếp theo, tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật để liệt kê ra hàng loạt những khó khăn hiện tại của mình. Nhà thì có ao nhưng khổ nỗi ao sâu nước cả không thể nào mà kéo cá được. Vườn cũng có nhưng lại rào thưa không thể đuổi mà bắt gà được. Trong khu vườn ấy cũng có những cây cải, cây cà nhưng lại vẫn ở trạng thái phát triển chưa thể ăn được. Bầu thì vừa mới rụng rốn, mướp hãy còn đương hoa. Tóm lại mọi thứ có trong nhà Nguyễn Khuyến đều đang ở trong dạng tiềm tàng không thể ăn được. Mà dẫu có ăn được thì lại tuổi già sức yếu không thể nào làm gì được. Nói như vậy nhà thơ cũng có ý nói đến cảnh nghèo của bản thân mình. Dù hiểu thế nào thì khi bạn đến nhà Nguyễn Khuyến đã không có gì để tiếp bạn và những câu nói trên như một lời nói hoàn cảnh để cho người bạn kia thông cảm với mình.

         Vậy là bữa cơm đãi khách với đầy đủ cá thịt hay đạm bạc rau dưa đều không thể có. Thôi thì ta nói chuyện với nhau bằng điếu thuốc, chén nước, miếng trầu vậy. Nhưng giở đến trầu thì đã hết tự bao giờ: Đầu trò tiếp khách trầu không có. Miếng trầu là cái để người ta có thể nhâm nhi nói chuyện, qua câu thơ của Nguyễn Khuyến chúng ta hình dung ra những cảnh người già ngồi nói chuyện ăn trầu thế nhưng ở đây cũng không có. Từ Bác thêm một lần nữa được lặp lại, thể hiện một tình cảm yêu quý, kính trọng xuyên suốt câu thơ. Cảm ơn bạn đã vượt ngàn dặm xa tới thăm người bạn cũ, cảm ơn bạn đã chẳng vì thiếu thốn mà rời xa tôi. Và “ta với ta” – tôi và bạn, tôi và chúng ta. Tâm hồn nhà thơ và người bạn đến đây đã đồng điệu, tuy hai mà một, tình cảm thắm nồng. Không có mâm cao cỗ đầy, không thức ăn bình dị, không trầu cau, nhưng nhà thơ và bạn của mình vẫn vui vẻ nói chuyện tâm đầu ý hợp, suy nghĩ tương thông. Hai chữ “ta” làm sáng cả bài thơ gợi lên một ý nghĩa trọn vẹn. Đây chắc chắn chỉ có thể là một tình bạn tri âm tri kỉ, một tình bạn trân quý vô cùng.

Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật với âm, luật niêm, đối một cách chặt chẽ. Tuy thế vẫn không làm mất đi cái dáng vẻ phóng khoáng, hóm hỉnh của hồn thơ dân tộc Nguyễn Khuyến. Kết hợp với nghệ thuật lặp từ tinh tế, nhà thơ đã khéo léo dựng lên một tình huống khó xử để thử thách tình bạn. Dù nghèo khó như thế nhưng ta vẫn thấy ở đây một tình cảm đầy quý mến đó chính là tình bạn, nhất là khi về già.

E. Một số lời bình về tác phẩm Bạn đến chơi nhà

1. Về tác giả Nguyễn Khuyến

       “Từ một thế kỉ nay, sách vở vẫn chép tên nhà thơ là Nguyễn Khuyến. Nhưng nhân dân thường gọi theo cách tôn trọng, kiêng huý là Tam nguyên Yên Đổ hoặc Hoàng Và, do ghép học vị Tam nguyên – Hoàng giáp, với tên làng xã quê hương ông, làng Và (tên chữ là Vị Hạ), xã Yên Đổ, huyện Bình Lục (nay thuộc xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam).

        Nhà thơ nguyên có tên Nguyễn Thắng, hiệu Quế Sơn (một ngọn núi cao, đẹp trong huyện); khi thi cử, thành đạt mới đổi ra Nguyễn Khuyến tự Miễn Chi (nghĩa là Gắng lên, do chữ Khuyến mà ra). 

         Tương truyền nhà thơ thi Hội mãi không đỗ mới đổi tên từ Thắng ra Khuyến (do tự dạng Hán tự, chữ Khuyến có ghép chữ Lực to hơn chữ Lực ở chữ Thắng) để khích lệ mình gắng sức. Sách Quốc triều hương khoa lục chép ông được vua Tự Đức đổi tên từ Thắng ra Khuyến.

        Ông sinh ngày 15- 2- 1835 tức ngày 18 tháng Giêng năm Ất mùi, Minh Mệnh thứ mười sáu).”                                                                       

 (Theo Nguyễn Văn Huyền, Nguyễn Khuyến – Cuộc đời, trong Nguyễn Khuyến về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, Hà Nội. 2001)

Bài viết liên quan

1102