Sơ đồ tư duy Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người dễ nhớ, hay nhất

Sơ đồ tư duy bài Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người Ngữ văn lớp 7 hay nhất, dễ nhớ, ngắn gọn với đầy đủ sơ đồ tư duy, tác giả, tác phẩm, dàn ý phân tích và bài văn phân tích mẫu giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa, củng cố kiến thức các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 7.

2415


A/ Tác giả Tác phẩm Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người

I. Tìm hiểu chung tác phẩm

1. Thể loại: Ca dao, dân ca

– Thể thơ: Lục bát và lục bát biến thể, thể thơ tự do.

2. Giá trị nội dung

“Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người” thường gợi nhiều hơn tả, hay nhắc đến tên núi, tên sông, tên vùng đất với những nét đặc sắc về hình thể, cảnh trí, lịch sử, văn hóa của từng địa danh. Đằng sau những câu hỏi, lời đáp, lời mời, lời nhắn gửi và các bức tranh phong cảnh là tình yêu chân chất, tinh tế và lòng tự hào đối với con người và quê hương, đất nước.

3. Giá trị nghệ thuật

– Sử dụng thể thơ lục bát, lục bát biến thể, tự do.

– Sử dụng hình thức đối đáp, ướm hỏi quen thuộc trong ca dao.

– Hình ảnh so sánh, ẩn dụ, ước lệ, tượng trưng,…

– Các địa danh gần gũi, nổi tiếng,…

B.Sơ đồ tư duy bài Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người

Hỏi đáp VietJack

C. Dàn ý phân tích bài Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người

 1. Bài số 1

– Bài ca là lời đối đáp của chàng trai và cô gái nói về những cảnh đẹp trên đất nước ta. Phần đầu là câu hỏi của chàng trai, phần sau là câu trả lời của cô gái.

– Những địa danh và đặc điểm của các địa danh được nhắc đến trong lời đối đáp của chàng trai và cô gái:

+ Thành Hà Nội: năm cửa.

+ Sông Lục Đầu: sáu khúc nước chảy xuôi một dòng.

+ Sông Thương: nước bên đục bên trong.

+ Núi Đức Thánh Tản: thắt cổ bồng lại có thánh sinh.

+ Đền Sòng: thiêng nhất xứ Thanh.

+ Tỉnh Lạng: có thành tiên xây.

⇒ Sự sắc sảo trong cách ứng xử của trai gái làng quê Việt.

⇒ Bài ca dao thể hiện vốn hiểu biết phong phú về những cảnh đẹp của quê hương, đất nước, đồng thời, thể hiện tình yêu và lòng tự hào đối với quê hương.

2. Bài số 2

– “Rủ nhau”: gọi nhau cùng đi, đông vui, hồ hởi, hào hứng, muốn được cùng nhau du ngoạn, chia sẻ.

– Điệp từ “xem”: nhấn mạnh sự háo hức, lòng tự hào của con người.

– Những cảnh đẹp được nhắc đến: Kiếm Hồ, cầu Thê Húc, chùa Ngọc Sơn.

⇒ Những cảnh đẹp đặc trưng, tiêu biểu của Hà Nội được miêu tả cụ thể, từ khái quát đến chi tiết gợi nên tình yêu quê hương, đất nước.

– Câu hỏi tu từ cuối bài vừa tự nhiên vừa mang âm điệu tâm tình, thủ thỉ gợi nhắc công ơn xây dựng đất nước của cha ông, khơi dậy trong lòng người đọc lòng biết ơn, niềm tự hào dân tộc.

⇒ Bài ca dao thể hiện tình yêu, niềm tự hào của nhân dân ta trước những cảnh đẹp ở vùng Thăng Long.

3. Bài số 3

– Từ láy “quanh quanh” gợi sự quanh co, uốn khúc, gập ghềnh, khúc khuỷu, xa xôi.

– Sử dụng thành ngữ “non xanh nước biếc”.

– Hình ảnh so sánh “như tranh họa đồ”.

⇒ Cảnh sắc thiên nhiên sông núi hùng vĩ, tráng lệ, thơ mộng, trữ tình, gợi lên trong lòng người đọc lòng tự hào, tình yêu quê hương.

– Câu thơ cuối bài với việc sử dụng đại từ phiếm chỉ “ai” như một lời mời chào chân tình, lời vẫy gọi mọi người hãy về với xứ Huế hữu tình, nên thơ.

⇒ Bài ca dao ca ngợi vẻ đẹp con đường vào xứ Huế, đồng thời, thể hiện tình yêu, lòng tự hào và ý tình kết bạn tinh tế, sâu sắc.

4. Bài số 4

– Cấu trúc câu đặc biệt:

+ Câu 1 và câu 2 dãn dài ra, dài 12 tiếng.

+ Ngắt nhịp 4/4/4 cân đối, hài hòa.

– Ngôn ngữ mang đậm dấu ấn vùng miền: bên nibên tê,…

– Nghệ thuật: điệp ngữ, đảo ngữ.

⇒ Khắc họa không gian rộng lớn, bát ngát, mênh mông của cảnh vật qua cái nhìn mải mê, sung sướng của người ngắm cảnh.

– Hình ảnh cô gái so sánh với “chẽn lúa đòng đòng”, “phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai”.

⇒ Người con gái tràn đầy sức sống, xuân sắc nhưng mảnh mai, yếu đuối.

⇒ Bài ca dao ca ngợi vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên rộng lớn, trù phú cùng vẻ đẹp và sức sống của con người lao động.

D. Bài văn phân tích Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người

Có lẽ đối với tất cả những người dân Việt Nam, ca dao đã trở thành một cái gì đó rất đỗi quen thuộc, thân thương. Trải qua bao bước thăng trầm của lịch sử, những câu ca dao vẫn còn đó với một sức sống mãnh liệt đến diệu kỳ. Ca dao được thể hiện đầy đủ dưới nhiều phong cách, cung bậc khác nhau nhưng có lẽ đề tài được nhân dân ta chú ý đến nhiều nhất chính là tình yêu quê hương đất nước.

Mở đầu là lời đối đáp về những địa danh nổi tiếng của đất nước trong buổi hát giao lưu của các đôi nam nữ ở lễ hội:

– Ở đâu năm cửa nàng ơi?

Sông nào sáu khúc nước chảy xuôi một dòng?

Sông nào bên đục, bên trong?

Núi nào thắt cổ bồng mà lại có thánh sinh?

Đền nào thiêng nhất xứ Thanh?

Ở đâu mà lại có thành tiên xây?

– Thành Hà Nội năm cửa chàng ơi

Sông Lục Đầu sáu khúc, nước chảy xuôi một dòng.

Nước sông Thương bên đục, bên trong,

Núi Đức Thánh Tản thắt cổ bồng mà lại có thánh sinh.

Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh,

Ở trên tỉnh Lạng có thành tiên xây.

….

Non sông tổ quốc ta thật đẹp. Bài ca dao đã phác họa rõ nét các địa danh có đặc điểm lịch sử, văn hóa nổi bật thông qua hình thức đối đáp phổ biến trong ca dao, dân ca. Các địa điểm lịch sử được khéo léo đưa vào một cách gần gũi, thân thuộc với từng con người: thành Hà Nội, sông Lục Đầu, sông Thương, núi Đức Thánh Tản, đền Sòng, trải dài trên mọi miền đất nước . Phần đầu là lời hỏi của chàng trai và phần sau là lời đáp của cô gái, đây là hình thức để trai gái thử tài nhau. Chàng trai đã lựa những nét tiêu biểu để hỏi, cô gái biết rất rõ câu trả lời và trả lời đúng ý người hỏi. Đó là một cách thức chia sẻ sự hiểu biết cũng như niềm tự hào, tình yêu đối với quê hương đất nước. Những chàng trai, cô gái hiểu ý nhau như thế, cùng chung những tình cảm như thế, họ hiểu nhau và cùng yêu - quê hương Tổ quốc. Có thể nói, bên cạnh tình yêu trai gái đơn thuần giờ đây đã lan tỏa thành tình yêu đối với quê hương, với những người xung quanh. Nó trở thành một tình yêu to lớn, vĩ đại và bền chặt.

Tiếp đến, bài thơ thứ hai nói về sự yêu mến, hãnh diện về cành đẹp ở Hồ Gươm, Hà Nội:

Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ,

Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn.

Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn,

Hỏi ai gây dựng nên non nước này?

Mở đầu câu hát là cụm từ Rủ nhau quen thuộc trong ca dao: Rủ nhau xuống biển mò cua … Rủ nhau lên núi đốt than … Ở bài này là Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ, một thắng cảnh có giá trị lịch sử và văn hóa rất tiêu biểu của đất Thăng Long ngàn năm văn vật. Người ta “rủ nhau” chỉ khi họ có quan hệ gần gũi, thân thiết, có chung mối quan tâm và mong muốn được cùng làm việc gì đó. Bài ca là sự gợi nhắc đến một loạt các địa danh như Kiếm Hồ, cầu Thê Húc, chùa Ngọc Sơn, đài Nghiên Tháp Bút. Tất cả đã gợi cho ta một địa điểm – Hồ Gươm, một thắng cảnh thiên nhiên giữa lòng thủ đô Hà Nội, đồng thời cũng là một di tích lịch sử văn hóa, biểu tượng của Hà Nội từ rất lâu đời. Nhắc đến hồ Gươm ta lại nhớ đến truyền thuyết “Sự tích Hồ Gươm”, cùng với thủ pháp “gợi” đã tạo nên vẻ đẹp hài hòa, đa dạng, vừa thơ mộng vừa thiêng liêng. Địa danh đó không chỉ gợi niềm tự hào về truyền thống lịch sử của thủ đô mà còn là lời nhắc nhở các thế hệ sau phải biết trân trọng, gìn giữ, xây dựng và tiếp nối truyền thống đó.

Không chỉ có vậy, đoạn thơ thứ ba gợi ra cho người đọc về hình ảnh xứ Huế xinh đẹp, thơ mộng:

Đường vô xứ Huế quanh quanh,

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.

Ai vô xứ Huế thì vô…

Nếu như bài thơ thứ nhất nói về địa danh của các tỉnh khu vực miền bắc, bài thơ thứ hai là địa danh của thủ đô Hà Nội, thì bài thứ ba ta lại được du ngoạn đến một tỉnh của miền Trung, vô cùng nhẹ nhàng, thân thương đó chính là xứ Huế mộng mơ. Cảnh đẹp xứ Huế được khắc họa qua những sắc của một bức tranh khiến chúng ta liên tưởng như “tranh họa đồ”. Các tính từ quanh quanhxanh, biếc … và cách so sánh thường thấy trong văn chương đã khẳng định vẻ đẹp tuyệt vời của phong cảnh trên con đường thiên lí từ miền Bắc vào miền Trung, đặc biệt là xứ Huế. “Ai vô xứ Huế” như một lời mời thân thiện mà vô cùng nhẹ nhàng đến tất cả mọi người hãy đến Huế được đắm chìm và cảm nhận tất thảy những vẻ đẹp không chỉ là thiên nhiên mà cả con người nơi đây. Đại từ phiếm chỉ “ai” ở cuối bài thường có nhiều nghĩa. Nó có thể chỉ số ít hoặc số nhiều, có thể chỉ một người mà cũng có thể là mọi người. Câu hát thể hiện tình yêu tha thiết và lòng tự hào về vẻ đẹp thơ mộng của đất cố đô. Đây cũng là cách giới thiệu mang sắc thái tinh tế, thanh lịch của người dân xứ Huế.

Kết thúc văn bản, chúng ta lại được theo chân tác giả đi tới dải đất với những cánh đồng bao la, bát ngát:

Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát,

Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng, cũng bát ngát mênh mông.

Thân em như lúa chẽn đòng đòng,

Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.

Bài thứ tư, đã gợi cho người đọc một bức tranh làng quê với cánh đồng lúa bát ngát, xanh tươi. Nó không những làm cho người đọc bị choáng ngợp, mà ngược lại còn làm toát lên cái tinh túy của đất trời và vẻ đẹp trù phú của cánh đồng. Bài này có những dòng kéo dài tới 12 tiếng đặc tả cánh đồng rộng mênh mông. Các điệp ngữ, đảo ngữ và phép đối xứng (đứng bên ni đồng – đứng bên tê đồngmênh mông bát ngát – bát ngát mênh mông) gợi cho người đọc có cảm giác đứng ở phía nào cũng thấy cánh đồng kéo dài đến tận chân trời. Cánh đồng quê hương không chỉ rộng lớn mà còn đẹp đẽ, trù phú và đầy sức sống.

Hai câu cuối bài là hình ảnh cô gái được so sánh rất tự nhiên mà không kém phần đẹp đẽ: Thân em như chẽn lúa đòng đòng,/ Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai. Giữa con người và cảnh vật có sự tương đồng ở nét tươi tắn, phơi phới sức xuân. Hình ảnh so sánh ấy còn gợi sự trẻ trung, hồn nhiên và sức sống đang xuân của cô thôn nữ đi thăm đồng. Hình ảnh người con gái nhỏ bé nhưng không hề bị chìm lấp trong cảnh quan rộng lớn ấy mà nổi bật lên như một vẻ đẹp được kết tinh từ sắc trời hương đất.

Có thể nói, nội dung chính nhất, chung nhất và xuyên suốt những bài ca dao trên là hình ảnh đẹp của những thắng cảnh thiên nhiên, những di tích lịch sử văn hóa hay đơn thuần là hình ảnh cánh đồng thân quen với con người. Những hình ảnh đó đã thể hiện được niềm tự hào to lớn, lấp đầy, tình yêu quê hương đất nước, con người mãnh liệt, hài hòa mà sâu sắc của nhân dân ta trên mọi miền Tổ quốc.

E. Một số lời bình về tác phẩm Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người

Những câu ca dao, dân ca có nội dung tương tự:

1.

Ai lên Biên Thượng, Lam Sơn,

Nhớ Lê Thái Tổ chặn đường quân Minh.

2.

Ai lên Đồng Tỉnh, Huê Cầu,

Đồng Tỉnh bán thuốc, Huê Cầu nhuộm thâm.

Nào ai đi chợ Thanh Lâm,

Mua anh một áo vải thâm hạt dền.

3.

Ai lên nhắn chị hàng bông,

Có muốn lấy chồng thì xuống Nguyệt Viên.

Nguyệt Viên lắm thóc nhiều tiền,

Lại có sông liền tắm mát nghỉ ngơi.

Chiều chiều ba dãy cá tươi,

Chẳng ăn cũng thiệt, chẳng chơi cũng hoài.

4.

Ai về Bình Định mà nghe,

Nói thơ chàng Lía, hát vè Quảng Nam.

Ai về đến huyện Đông Anh,

Ghé thăm phong cảnh Loa thành Thục Vương.

5.

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,

Có đền Tô Thị, có chùa Tam Thanh

Ai lên xứ Lạng cùng anh,

Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em.

Tay cầm bầu rượu nắm nem,

Mãi vui quên hết lời em dặn dò.

6.

Đường vô xứ Nghệ loanh quanh,

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.

Thương em anh những muốn vô,

Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.

7.

Ai về đến huyện Đông Anh,

Ghé xem phong cảnh Loa thành Thục Vương.

Cổ Loa hình ốc khác thường,

Trải bao năm tháng nẻo đường còn đây.

8.

Hồ Tĩnh Tâm giàu sen bạch diệp,

Đất Hương Cần ngọt quýt thơm cam.

Ai về cầu ngói Thanh Toàn,

Đợi đây về với một đoàn cho vui.

Bài viết liên quan

2415