Sơ đồ tư duy Những câu hát châm biếm dễ nhớ, hay nhất

Sơ đồ tư duy bài Những câu hát châm biếm Ngữ văn lớp 7 hay nhất, dễ nhớ, ngắn gọn với đầy đủ sơ đồ tư duy, tác giả, tác phẩm, dàn ý phân tích và bài văn phân tích mẫu giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa, củng cố kiến thức các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 7.

923


A/ Tác giả Tác phẩm Sơ đồ tư duy Những câu hát châm biếm

I. Tìm hiểu chung

1. Thể loại: ca dao, dân ca

- Thể thơ: lục bát

2. Giá trị nội dung

“Những câu hát châm biếm” đã thể hiện khá tập trung nét đặc sắc của nghệ thuật trào lộng dân gian Việt Nam. Những câu hát châm biếm ấy đã phơi bày các sự việc mâu thuẫn, phê phán thói hư, tật xấu của những hạng người và sự việc đáng cười trong xã hội.

3. Giá trị nghệ thuật

- Thể thơ lục bát.

- Sử dụng hình ảnh so sánh, ẩn dụ, tượng trưng.

- Biện pháp nghệ thuật nói ngược, phóng đại.

B.Sơ đồ tư duy bài Những câu hát châm biếm

Hỏi đáp VietJack

C. Dàn ý phân tích bài Những câu hát châm biếm

1. Bài số 1

- “Giới thiệu” chân dung nhân vật “chú tôi”:

Hay tửu hay tăm: nghiện rượu.

Hay nước chè đặc: nghiện chè.

Hay nằm ngủ trưa: lười biếng.

Ngày thì ước những ngày mưa, đêm thì ước những đêm thừa trống canh: lười lao động, thích ăn chơi, hưởng thụ.

- Hình ảnh đối lập với hình ảnh “chú tôi”:

Cái cò lặn lội bờ ao: sự vất vả, cơ cực, lam lũ của người cháu.

Cô yếm đào: người con gái xinh đẹp, giỏi giang.

⇒ Dùng hình ảnh nói ngược và phép đối lập, bài ca dao chế giễu những người nghiện ngập rượu chè, lười biếng, thích hưởng thụ trong xã hội.

2. Bài số 2

- Lời của thầy bói - phán những chuyện hệ trọng trong cuộc đời một con người:

+ Lời phán cụ thể, rõ ràng, chắc như đinh đóng cột những chuyện hiển nhiên của tạo hóa.

+ Nói dựa, nói nước đôi.

- Cách châm biếm, phê phán: dùng chính những lười lẽ của thầy bói để vạch trần bộ mặt lừa bịp, dối trá, gian xảo của hắn.

⇒ Bài ca dao phê phán, châm biếm những kẻ hành nghề mê tín dị đoan lừa lọc người khác để kiếm tiền, cũng phê phán những người ít hiểu biết, nhẹ dạ cả tin, tin vào những điều phản khoa học.

3. Bài số 3

- Ý nghĩa tượng trưng của các con vật trong bài ca dao:

Con cò: người nông dân.

Cà cuống: những kẻ có thế lực, tai to mặt lớn.

Chim ri, chào mào: cai lệ, lính lệ.

Chim chích: những anh mõ làng.

⇒ Mỗi con vật tượng trưng cho một hạng người trong xã hội xưa, làm cho nội dung châm biếm, phê phán trở nên sâu sắc, kín đáo.

- Khung cảnh đám ma như một đám rước hội, là dịp để mọi người đánh chén, tụ hội, chia chác om sòm.

⇒ Cảnh tượng mang giá trị tố cáo.

⇒ Bài ca phê phán thủ tục ma chay rườm rà, làm khổ thêm người nông dân trong xã hội cũ.

4. Bài số 4

- Hình ảnh “cậu cai”:

+ Nón dấu lông gà: bộc lộ quyền lực.

+ Ngón tay đeo nhẫn: tính cách phô trương, thích khoe mẽ.

+ Bộ dạng thảm hại của cậu cai khi phải thuê mượn quần áo.

⇒ Bức chân dung biếm họa của cậu cai: lố lăng, kệch cỡm, thích phô trương, không có quyền lực nhưng luôn cố làm “ra dáng” để lừa bịp mọi người.

- Nghệ thuật châm biếm đặc sắc:

+ Gọi “cậu cai” với mục đích châm biếm, chế giễu những tên cai lệ không có quyền lực.

+ Dùng kiểu câu nêu “định nghĩa”, cũng như vài nét phác họa mỉa mai cậu cai xuất hiện như kẻ lố lăng, khoe mẽ, thảm hại.

+ Nghệ thuật phóng đại ba: năm được một chuyến sai >< sự thuê mượn những thứ xoàng xĩnh như áo ngắn, quần dài.

D. Bài văn phân tích Những câu hát châm biếm

Ca dao là một thể loại tiêu biểu của văn học dân gian Việt Nam. Những bài ca dao khi là lời thổ lộ tâm tình, khi là những giãi bày tâm sự, tình cảm thầm kín sâu sắc, khi là những tiếng cười hài hước và cũng có khi đó là những câu ca châm biếm, đả kích những thói hư tật xấu của con người, của xã hội. Mượn tiếng cười để phản ánh khiến cho những bài ca dao châm biếm không chỉ có giá trị nội dung triết lí mà còn mang tính thẩm mĩ, đặc sắc về nghệ thuật.

Bài thứ nhất là lời giới thiệu, quảng cáo về nhân vật chú tôi. Chân dung của người chú là bức biếm họa được vẽ toàn bằng những nét giễu cợt, mỉa mai:

Cái có lặn lội bờ ao,

Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng?

Chú tôi hay tửu hay tăm,

Hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa.

Ngày thì ước những ngày mưa,

Đêm thì ước những đêm thừa trống canh.

Đọc bài ca dao thứ nhất ta tưởng đó là lời một cô cháu ngoan đang đi tìm vợ cho chú mình. Nhưng thử đọc kĩ xem, ta sẽ nhận ra sự bất thường của việc đi tìm vợ cho chú. Để được cô yếm đào ưng thuận làm vợ chú, bản lí lịch của chú được hé lộ dần qua lời của đứa cháu. Chú lười biếng và lắm thói hư, tật xấu, chú nghiện rượu (hay tửuhay tăm), nghiện chè (hay nước chè đặc), thường ngủ muộn, thích nằm dài mong nhiều ngày mưa, ước đêm kéo dài (thừa trống canh) để không phải ra đồng cày ruộng. Cô yếm đào ám chỉ một cô gái rất xinh đẹp, chăm chỉ thì chàng trai cũng phải có tính cách cần cù, tài giỏi, siêng chứ không như chú tôi, thế thì nhân vật chú tôi có xứng đáng như vậy không? Tác giả bài ca đã sử dụng điệp từ hay nhắc lại bốn lần, ngày hai lần, ước hai lần, đêm hai lần gợi cảm giác kéo dài, quanh quẩn, rất bức bối, khó chịu. Đồng thời, lối chơi chữ, nói ngược (hay tửuhay tămhay nước chè đặc,...) bên ngoài có vẻ như khen ông chú tài giỏi, nhưng thực ra là để giễu cợt, chê trách. Lời nhẹ nhàng, đùa vui hóm hỉnh nhưng ý nghĩa phê phán khá sâu cay.

Ở bài thứ hai, tác giả nhại lời thầy bói, ghi âm nguyên văn những lời phán của thầy trước một cô gái mê tín:

Số cô chẳng giàu thì nghèo,

Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà.

Số cô có mẹ có cha,

Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông.

Số cô có vợ có chồng,

Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai.

Ông ta phán toàn những chuyện hệ trọng mà người đi xem bói (là nữ) rất quan tâm: giàu - nghèo, cha - mẹ, chồng - con. Chuyện nào thầy cũng nói vanh vách và hết sức cụ thể. Chỉ buồn cười là thầy nói theo kiểu nước đôi. Thầy khẳng định chắc như đinh đóng cột những sự việc hiển nhiên mà người trần mắt thịt nào cũng thấy, cũng biết, chẳng cần đến thần thánh phán bảo qua miệng lưỡi trơn tru, dẻo quẹo của thầy. Dân gian quan niệm rằng con người ta có số. Mỗi người một số phận khác nhau, có kẻ giàu, người nghèo, có kẻ sang, người hèn. Thầy bói phán: Số cô không giàu thì nghèo, có nghĩa là bất luận thế nào thì lời thầy cũng đều đúng cả. Nói về ba ngày Tết, tục ngữ có câu: Đói quanh năm, no ba ngày Tết. Dù giàu dù nghèo thì mỗi nhà cũng cố mà lo cho được miếng thịt, đĩa xôi để cúng tổ tiên, ông bà, đó là lẽ đương nhiên. Nhà cô Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà, chắc chắn là thế, thầy chẳng có nói sai. Tính chất trào lộng, châm biếm của bài ca dao được đẩy lên tới đỉnh điểm ở những lời thầy phán về phụ mẫu: Số cô có mẹ có cha, Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông và về nhân duyên: Số cô có vợ có chồng, Sinh con đầu lòng, chẳng gái thì trai. Điệp từ Số cô được đặt ở đầu mỗi câu và lặp đi lặp lại nhiều lần khiến người đọc hình dung lão thầy bói cố làm ra vẻ trịnh trọng, thiêng liêng nhưng thực chất là thủ đoạn lừa bịp để moi tiền của những người nhẹ dạ, cả tin. Tiếng cười đả kích, phê phán bật lên từ đó. Cách nói ỡm ờ nước đôi trong bài đã lật tẩy bản chất giả dối của những kẻ hành nghề mê tín dị đoan, lợi dụng lòng tin của người khác để kiếm tiền. Bài ca dao cũng phê phán sự mê tín đến mức mù quáng của không ít người trong xã hội đương thời.

Bài ca dao thứ ba lại vẽ ra cảnh thương tâm của một đám tang ở nông thôn xưa qua hình ảnh ẩn dụ giàu ý nghĩa:

Con cò chết rũ trên cây,

Cò con mở lịch xem ngày làm ma.

Cà cuống uống rượu la đà,

Chim ri ríu rít bò ra lấy phần,

Chào mào thì đánh trống quân,

Chim chích cởi trần, vác mõ đi rao.

Cảnh tượng một đám ma theo tục lệ cũ. Mỗi con vật tượng trưng cho một loại người, một hạng người trong xã hội. Con cò tượng trưng cho người nông dân nghèo.  cuống tượng trưng cho những kẻ có máu mặt như lí trưởng, chánh tổng và đám chức dịch trong làng. Lũ chim ri, chào mào gợi liên tưởng đến bọn cai lệ, lính lệ tay sai. Chim chích giống như anh mõ chuyên đi rao việc làng trong các tích chèo cổ.
 Người xưa chọn các con vật để đóng vai như thế là nhằm mục đích mượn thế giới loài vật để nói về xã hội loài người (giống truyện ngụ ngôn). Từng con vật với những đặc điểm riêng là hình ảnh sinh động tiêu biểu cho từng loại người, hạng người trong xã hội phong kiến đương thời. Do vậy mà nội dung châm biếm, phê phán của bài ca dao trở nên kín đáo hơn, sâu sắc hơn.

Cảnh được miêu tả trái ngược với cảnh tượng thường thấy ở một đám ma. Cuộc đánh chén lu bù, vui vẻ diễn ra trong không khí tang tóc. Con cò có thể chết vì đói khát, vì bệnh tật nhưng cái chết thương tâm của nó lại bị biến thành dịp kiếm chác béo bở cho những kẻ bất nhân, bất nghĩa. Bài ca dao châm biếm hủ tục ma chay trong xã hội cũ. Tàn dư của hủ tục ấy đến nay vẫn còn, chúng ta cần phê phán mạnh mẽ để loại trừ nó ra khỏi đời sống văn minh.

Bài ca dao thứ tư miêu tả chân dung anh chàng cai lệ - kẻ đứng đầu đám lính canh gác và phục dịch ở công đường phủ, huyện thời xưa:

Cậu cai nón dấu lông gà,

Ngón tay đeo nhẫn gọi là cậu cai.

Ba năm được một chuyến sai,

Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê.

Trong bộ máy cai trị ấy, nhỏ nhất là cậu lệ (cậu lính lệ) và cậu cai kia, hơn hẳn cậu lính lệ một bậc. Và bởi thế, xét cho cùng chả là gì cả nhưng cậu vẫn tha hồ lên mặt với dân, bắt nạt dân làng. Cũng bởi thế, người dân được nhìn tận mặt cậu cai, bởi được cái nón dấu lông gàngón tay đeo nhẫn của cậu. Họ phát hiện ra cái sự thật nực cười mà cậu cai cố tìm cách dấu đậy nó đi:

Ba năm được một chuyến sai

Áo ngắn đi mượn, quằn dài đi thuê

Thảm hại biết bao vì tất cả những thứ hào nhoáng kia đều thuộc về người khác, cậu ta chả có gì, chả là cái gì vậy mà lại hay khoe mẽ. Tác giả dân gian đã vạch trần con người thật của cậu cai, phơi cậu ta ra trước bàn dân thiên hạ, gọi tất cả ánh mắt hướng về. Nhưng nếu chỉ cởi trần cái nhân vật cậu cai kia thôi thì chưa có nhiều điều để nói, cũng không phải là mục đích của người xưa. Đằng sau cậu cai là cả một tập hợp những kẻ rởm như cậu. Nghĩa là, tất cả bọn tay sai của tầng lớp thống trị, của những ông quan cai trị người Pháp đều một duộc như cậu cai. Hào nhoáng, lố lăng nhưng bản chất thì tầm thường và quyền hành chỉ là cái vỏ mà chúng thì luôn sống trong ảo tưởng. Dùng phép đối trong hình ảnh, thâm ý của tác giả dân gian thật sâu sắc. Vừa thổi chúng bay lên chín tầng mây ở hai câu đầu thì lại kéo chúng rơi xuống thực tại mỉa mai. Vừa khoác lên người chúng nón dấu lông gàáo ngắnquần dài vừa vạch trần chúng ra, phơi bày con người thật trước bàn dân thiên hạ. Ta thì hả hê cười, còn hẳn bọn chúng sẽ tím ruột, tím gan khi đọc những câu ca dao thâm thúy như thế.

Tác giả dân gian quả thật rất tài. Mỗi bài một giọng điệu, với những biện pháp nghệ thuật, bật ra những tiếng cười khác nhau, nhưng chùm ca dao châm biếm này đều giống nhau là: nghiêm khắc phê phán những con người xấu xa, những hiện tượng xã hội tiêu cực. Đó là vũ khí tinh thần sắc bén mà nhân dân ta đã sử dụng để mong muốn xoá bỏ những cái xấu, cái ác, mong muốn xây dựng một xã hội, những con người lành mạnh, lương thiện. Tuy đây là lời người xưa, nói về ngày xưa, nhưng đọc, rồi hiểu và suy ngẫm, chúng ta vẫn thấm thía những bài học thiết thực cho ngày nay.

E. Một số lời bình về tác phẩm Những câu hát châm biếm

Những câu ca dao có nội dung tương tự:

1.

Đời người có một gang tay,

Ai hay ngủ ngày còn được nửa gang.

2.

Ăn no rồi lại nằm khoèo,

Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem.

 3.

Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa,

Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày.

4.

Tử vi xem số cho người,

Số thầy thì để cho ruồi nó bâu.

5.

Nhà bà có con chó đen,

Người lạ nó cắn, người quen nó mừng.

6.

Chồng người đánh giặc sông Lô,

Chồng em ngồi bếp rang ngô cháy quần.

7.

Chồng người cưỡi ngựa bắn cung,

Chồng em ngồi bếp cầm chun bắn ruồi.

8.

Đồn rằng quan tướng có danh,

Cưỡi ngựa một mình chẳng phải vịn ai.

Vua khen rằng:Quan tướng có tài,

Ban cho cái áo với hai đồng tiền.

Đánh giặc thì chạy trước tiên,

Xông ra trận tiền cởi khố giặc ra.

Giặc sợ, giặc chạy về nhà,

Trở về gọi mẹ mổ gà khao quân.

9.

Làm trai cho đáng nên trai

Vót đũa cho dài ăn vụng cơm con.

10.

Lỗ mũi mười tám gánh lông,

Chồng thương chồng bảo tơ hồng trời cho.

Đêm nằm thì ngáy o o,

Chồng thương chồng bảo ngáy cho vui nhà.

Đi chợ thì hay ăn quà,

Chồng thương chồng bảo về nhà đỡ cơm.

Trên đầu những rác cùng rơm,

Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu.

Bài viết liên quan

923