Sơ đồ tư duy Xa ngắm thác núi Lư dễ nhớ, hay nhất

Sơ đồ tư duy bài Xa ngắm thác núi Lư Ngữ văn lớp 7 hay nhất, dễ nhớ, ngắn gọn với đầy đủ sơ đồ tư duy, tác giả, tác phẩm, dàn ý phân tích và bài văn phân tích mẫu giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa, củng cố kiến thức các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 7.

535


A/ Tác giả Tác phẩm Xa ngắm thác núi Lư

I. Tác giả

- Lí Bạch (701-762), nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc đời Đường, tự Thái Bạch, hiệu Thanh Liên cư sĩ, quê ở Tam Cúc.

- Lúc mới 5 tuổi, gia đình về định cư ở làng Thanh Liên, huyện Xương Long thuộc Miên Châu (Tứ Xuyên) nên nhà thơ vẫn thường coi Tứ Xuyên là quê hương của mình.

- Lí Bạch được mệnh danh là “thi tiên”.

- Đặc điểm thơ Lí Bạch:

+ Biểu hiện một tâm hồn tự do, hào phóng.

+ Hình ảnh thơ thường mang tính chất tươi sáng, kì vĩ.

+ Ngôn ngữ tự nhiên mà điêu luyện.

+ Ông thường viết rất hay về chiến tranh, thiên nhiên, tình yêu và tình bạn.

II. Tìm hiểu chung tác phẩm

1. Thể loại: Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.

2. Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác

- Bản dịch thơ Xa ngắm thác núi Lư được Tương Như dịch, in trong cuốn Thơ Đường, tập II, xuất bản năm 1987 bởi Nhà xuất bản văn học.

Xa ngắm thác núi Lư là một trong số những bài thơ tiêu biểu viết về đề tài thiên nhiên của nhà thơ.

3. Bố cục: 2 phần

- Phần 1: (câu đầu): Tả núi Hương Lô.

- Phần 2: (ba câu còn lại): Tả thác núi Lư.

4. Giá trị nội dung

Bài thơ đã miêu tả một cách sinh động vẻ đẹp nhìn từ xa của thác nước chảy từ đỉnh Hương Lô thuộc dãy núi Lư. Qua đó, thể hiện tình yêu thiên nhiên đằm thắm và phần nào bộc lộ tính cách mạnh mẽ, hào phóng của tác giả.

5. Giá trị nghệ thuật:

- Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.

- Hình ảnh thơ tráng lệ, huyền ảo.

- Dùng nhiều động từ mạnh, táo bạo, gợi hình, gợi cảm.

- Nghệ thuật so sánh và phóng đại.

B.Sơ đồ tư duy bài Xa ngắm thác núi LưHỏi đáp VietJack

C. Dàn ý phân tích bài Xa ngắm thác núi Lư

1. Đỉnh núi Hương Lô

- Vị trí: đứng từ xa để ngắm cảnh thác nước.

⇒ Quan sát một cách bao quát, toàn diện.

- Động từ “sinh”: nảy nở, sinh ra, qua đó cho ta thấy ánh mặt trời xuất hiện như chủ thể làm cho mọi vật sinh sôi, nảy nở.

- Đỉnh núi Hương Lô được miêu tả dưới những tia nắng mặt trời chiếu rọi, làn hơi nước phản quang với ánh mặt trời ấy tạo nên những làn khói màu tím vừa rực rỡ vừa kì ảo, đó chính là nét đặc trưng của đỉnh núi Hương Lô.

⇒ Câu thơ đầu gợi ra cái nền, cái khung cảnh đẹp huyền ảo của cảnh vật.

2. Thác núi Lư

- Động từ “quải” (treo) đã biến cảnh vật từ trạng thái động sang trạng thái tĩnh: nhìn từ xa, đỉnh núi là khói tía mù mịt, chân núi là dòng sông tuôn chảy, khoảng giữa là thác nước treo lơ lửng như dải lụa trắng rủ xuống bất động.

- Với hai động từ “phi”, “lưu” cảnh vật đang từ trạng thái tĩnh lại chuyển sang trạng thái động. Thác nước được miêu tả một cách trực tiếp nhưng qua đó ta lại thấy được thế núi cao và sườn dốc đứng.

- “Tam thiên xích” là một con số ước lệ, qua đó làm tăng thêm độ nhanh, sức mạnh và thế đổ của dòng thác.

- Phép so sánh, lối nói phóng đại: thác nước – dải Ngân Hà, qua đó cho thấy sự mạnh mẽ, kì vĩ của thiên nhiên.

⇒ Thác núi Lư hiện lên rất đẹp, kì vĩ và mạnh mẽ. Qua đó, giúp chúng ta cảm nhận được tình yêu thiên nhiên và phần nào đó tính cách mạnh mẽ, hào phóng của tác giả.

D. Bài văn phân tích bài Xa ngắm thác núi Lư

Lí Bạch là nhà thơ nổi tiếng đời Đường với phong cách thơ phóng khoáng, một tâm hồn yêu tự do, yêu thiên nhiên. Những hình ảnh trong thơ ông luôn khiến người đọc cảm nhận được sự trong lành và kì vĩ. Bài thơ “Xa ngắm thác núi Lư” là một bài thơ đẹp như vậy, nói lên tình yêu thiên nhiên của Lí Bạch đồng thời ca ngợi sự kì vĩ của thiên nhiên.

Bài thơ Xa ngắm thác núi Lư có tên tiếng Hán là Vọng Lư sơn bộc bố, bài thơ được viết bằng chữ Hán, theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Đây là bài thơ tiêu biểu viết về đề tài thiên nhiên của Lí Bạch. Nhan đề bài thơ gợi ra điểm nhìn của tác giả, nhà thơ đang ở phía xa để ngắm thác núi, từ đó tác giả có cơ hội nhìn toàn cảnh núi Lư hùng vĩ. Mở đầu bài thơ, Lí Bạch đã khắc họa bức tranh dãy Hương Lô:

Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên

Hương Lô là ngọn núi cao nằm phía Tây Bắc của dãy Lư Sơn, đứng xa quan sát nó giống như một chiếc Lư Hương, làm cái phông nền cho dòng thác. Ngọn Hương Lô như gợi cho người đọc một sự liên tưởng và hình dung: ánh nắng mặt trời lan toả khoác lên dãy núi Lư một lớp áo choàng huy hoàng rực rỡ. Giữa khung cảnh ấy nổi lên ngọn Hương Lô, chiếc Lư Hương khổng lồ nghi ngút khói trầm hương màu tím. Đây chính là sự khúc xạ ánh sáng, trên đỉnh núi lúc này như được thắp lên những luồng sáng hàng nghìn ánh màu rực rỡ, lộng lẫy huy hoàng. Hình ảnh núi Hương Lô quan sát từ xa như vừa thực vừa ảo làm hiện lên vẻ đẹp kỳ lạ của thác núi Lư. Câu thơ như đầy màu sắc, màu trắng của thác, xanh của núi, vàng của nắng và tím của sương khói. Đằng sau câu thơ ta như thấy vị tiên thơ đang trầm ngâm ngắm cảnh, chiêm ngưỡng sự diệu kỳ này. Dưới ngòi bút của Lí Bạch, thiên nhiên hiện lên sống động và thật lớn lao. Qua việc miêu tả dãy Hương Lô, tác giả muốn nói đến rộng hơn đó là sự bao trùm của cảnh vật ở dãy núi Lư kì vĩ: huyền ảo, rực rỡ.

Phong cảnh Hương Lô thật đẹp, thật kì diệu nhưng cái sự ảo diệu và thu hút tầm nhìn hơn cả chính là hình ảnh của ngọn thác, điểm nhấn chính của bức tranh thơ:

Dao khan bộc bố quải tiền xuyên

Nhan đề là vọng một vị trí quan sát từ xa, nhìn dòng thác, thác nước tuôn trào đổ xuống ầm ầm tựa ngang trời. Dòng thác qua con mắt thi tiên đã biến thành dải lụa trắng xoá mềm mại treo ngang trời. Từ quải được coi như nhãn tự của câu thơ, nó biến cái động thành cái tĩnh, thể hiện rất thực cảm giác khi nhìn thấy dòng thác từ xa. Đỉnh núi khói tía bao phủ, ngang trời, lưng núi dòng sông tuôn chảy như dải lụa mềm mại uyển chuyển, bức tranh tráng lệ kỳ vĩ biết bao.

Từ câu thơ, ta thấy được trí tưởng tượng của tác giả thật phong phú. Giữa dãy núi Lư kì vĩ, dòng thác của núi Hương Lô treo thẳng đứng gợi ra không gian rộng lớn, bao la của ngọn núi. Câu thơ vừa thể hiện sự mềm mại của dòng thác, vừa thể hiện sự hùng vĩ của thiên nhiên. Ở câu thơ thứ ba, Lí Bạch đã miêu tả dòng thác một cách chi tiết hơn:

Phi lưu trực há tam thiên xích

Bút pháp nghệ thuật ước lệ tượng trưng trong thơ cổ điển được tác giả sử dụng thật linh hoạt. Dòng “thác chảy như bay đổ thẳng xuống” thể hiện tốc độ chảy mạnh mẽ của thác nước. Từ nơi ba nghìn thước cao vời vợi, dòng nước tuôn trào từ đỉnh Hương Lô đã khiến người đọc thấy được sự khốc liệt của dòng nước: tốc độ và sức chảy ghê gớm. Như vậy, không còn là sự mềm mại, huyền ảo từ sự thơ mộng của làn khói tía nữa mà đó còn ẩn chứa sự mạnh mẽ, mãnh liệt không gì cản nổi mà tạo hóa đã tạo nên. Đọc đến đây, cảnh thác núi Lư phần nào đã hiện rõ nét hơn và như để khẳng định khoảnh khắc ấy, tác giả đã thể hiện:

Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên

Dải Ngân Hà - một dải màu sáng nhạt với những vì tinh tú nhấp nháy, vắt ngang bầu trời những đêm mùa hạ, không phải là một dòng sông thực, mà chỉ là một dòng sông trong tưởng tượng. Nói cách khác, dòng Ngân Hà chỉ là một hình ảnh tưởng tượng, có tính trừu tượng. Việc nhà thơ mang một cái trừu tượng để so sánh với cái cụ thể đã làm cho cái cụ thể trừu tượng hơn. Nhưng nhờ đó mà hình ảnh thơ (ngọn thác) trở nên huyền ảo và mang một nét đẹp diệu kì. Câu thơ lấp lánh một vẻ đẹp huyền ảo, hư hư thực thực cứ đan cài, quyện chặt lấy nhau tạo nên một bức tranh đậm chất thơ. Tác giả ví thác nước như dải Ngân Hà. Một so sánh kì lạ và đầy mới mẻ. Câu thơ cuối được coi là “điểm nhãn” của cả bài thơ vì đã nói lên được cái hồn, cái thần thái của cả bài thơ. 

Bài thơ “Xa ngắm thác núi Lư” đã phần nào khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên qua đôi mắt của nhà thơ Lí Bạch: đẹp, nên thơ nhưng không kém phần kì vĩ, lớn lao. Qua bài thơ, phần nào ta đã thấy được sự táo bạo, dứt khoát trong cách miêu tả tình yêu với thiên nhiên mà nhà thơ đã xây dựng, nó tương đồng với phong cách thơ mà Lí Bạch xây dựng để thuyết phục độc giả bằng tài năng thi phú của mình.

E. Một số lời bình về tác phẩm Xa ngắm thác núi Lư

1. ... Cái hữu hạn dễ dàng thống nhất với cái vô hạn. Chẳng hạn cái cao hữu hạn thống nhất với cái cao vô hạn:

Phi lưu trực há tam thiên xích,

Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên.

(Vọng Lư Sơn bộc bố, Lí Bạch)

(Từ ba ngàn thước lao bay xuống,

Ngỡ sông Ngân đổ tự trời cao.)

      Đây là cái cao của thác Lư Sơn, nước chảy từ trên ba ngàn thước xuống làm cho người ta tưởng sông Ngân Hà từ trên trời rơi xuống. Bây giờ nếu ta đưa so sánh “như sông Ngân Hà” vào đây thì cái hay sẽ biến mất, tính thống nhất sẽ tan vỡ ngay lập tức và sẽ không còn thơ Lí Bạch nữa. Lí Bạch không so sánh mà chỉ băn khoăn không biết đó có phải là sông Ngân Hà thôi...                                                                                                                                                                                                               

(Theo Phan Ngọc, Cái hay của thơ Đường, trong Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, NXB Trẻ, 2000)

2. Thiên nhiên vốn là đề tài đặc hữu của thơ Đường. Nó lại càng có địa vị nổi bật trong thơ Lí Bạch. Chúng ta mãi có quyền tự hào về những bức tranh thiên nhiên tráng lệ và hùng vĩ mà Lí Bạch đã dựng lên trong những bài thơ tuyệt diệu như: Đường đi Thục khó, Nhìn thác nước ở Lư Sơn, Đêm xuôi đình Chinh Lỗ, Nhìn núi Thiên Môn, Sáng ra đi từ thành Bạch Đế,...

Chính ở đề tài này, những đặc điểm của hình ảnh trong thơ Lí Bạch cũng như của phong cách nhà thơ thể hiện một cách nổi bật nhất: to lớn, đẹp đẽ, kì diệu, phóng túng, mạnh mẽ,... từ một đỉnh núi ở đất Thục, một dòng sông ở Trường Giang, một thác nước ở Lư Sơn, một con đường ở núi Thái Hàng cho đến một cánh chim, một cánh hoa tuyết,... đều mang đậm dấu vết tính cách, tình cảm nhà thơ...                                                                                                           

(Theo Nguyễn Khắc Phi, Thơ Đường, trong Văn học Trung Quốc, Sđd)

Bài viết liên quan

535