Sơ đồ tư duy Mẹ tôi dễ nhớ,ngắn gọn

Sơ đồ tư duy bài Mẹ tôi Ngữ văn lớp 7 hay nhất, dễ nhớ, ngắn gọn với đầy đủ sơ đồ tư duy, tác giả, tác phẩm, dàn ý phân tích và bài văn phân tích mẫu giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa, củng cố kiến thức các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 7.

1057


A/ Tác giả Tác phẩm bài Mẹ tôi

I. Tác giả

- Ét-môn-đô đơ A-mi-xi: (1846 – 1908), quê ông ở Ô-nê-gli-a, xứ Li-gu-ri-a trên bờ biển tây bắc nước Ý.

- Ông là nhà hoạt động xã hội, nhà văn hóa, nhà văn lỗi lạc của nước Ý.

- Các tác phẩm chính:

+ Truyện: Cuộc đời của các chiến binh (1868), Những tấm lòng cao cả (1886), Trên đại dương (1889), Cuốn truyện của một người thầy (1890)…

+ Du kí: Tây Ban Nha (1873), Hà Lan (1874), Ma-rốc (1875)…

+ Phê bình văn học: Chân dung văn hào (1881)

+ Luận văn chính trị - xã hội: Nội chiếnVấn đề xã hội

- Đặc điểm sáng tác: Độc lập, thống nhất của Tổ quốc, hạnh phúc và tình thương của con người là lí tưởng và cảm hứng văn chương của ông, kết tinh thành một chủ nghĩa nhân văn lấp lánh.

II. Tìm hiểu chung tác phẩm

1. Thể loại: Văn bản nhật dụng

2. Xuất xứ

Văn bản “Mẹ tôi” rút từ tập “Những tấm lòng cao cả” (1886).

3. Tóm tắt

En-ri-cô đã vô tình ăn nói thiếu lễ độ với mẹ. Bố biết chuyện nên đã viết thư cho En-ri-cô với lời lẽ vừa yêu thương, vừa tức giận. Trong thư, bố nói về tình yêu thương, sự hi sinh to lớn mà mẹ đã dành cho En-ri-cô. Trước cách cư xử tế nhị, khéo léo nhưng cũng rất kiên quyết, gay gắt của bố, En-ri-cô cảm thấy rất hối hận.

4.  Bố cục: 2 phần

- Phần 1: (Từ đầu đến… tôi xúc động vô cùng): Lời tự bộc lộ của đứa con khi nhận được thư của bố.

- Phần 2: (Còn lại): Tình cảm, thái độ của người bố trước lỗi lầm của con và sự gợi nhắc về tình mẫu tử.

5. Giá trị nội dung

- Người mẹ luôn có vai trò to lớn và quan trọng trong gia đình và đặc biệt là đối với những đứa con.

- Tình cảm yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng và đáng trân quý nhất đối với mỗi người. “Con hãy nhớ rằng, tình cảm yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng hơn cả. Thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình yêu thương đó.”

6. Giá trị nghệ thuật

- Sáng tạo nên hoàn cảnh xảy ra câu chuyện: En-ri-cô mắc lỗi với mẹ.

- Lồng trong câu chuyện một bức thư có nhiều chi tiết khắc họa tận tụy, giàu đức hi sinh, hết lòng vì con.

B. Sơ đồ tư duy bài Mẹ tôi

Hỏi đáp VietJack

 

C. Dàn ý phân tích bài Mẹ tôi

1. Hoàn cảnh người bố viết thư cho En-ri-cô

- En-ri-cô lỡ thốt ra lời thiếu lễ độ với mẹ khi cô giáo đến nhà.

- Để giúp con suy nghĩ kĩ, nhận ra và sửa lỗi lầm của mình, bố đã viết thư cho En-ri-cô.

- Thái độ của En-ri-cô khi nhận được thư của bố: rất xúc động.

2. Tình cảm, thái độ của người bố trước lỗi lầm của con và sự gợi nhắc về tình mẫu tử

- Thái độ của bố:

+ Sự hỗn láo của con như một nhát dao đâm vào tim bố vậy!

+ Bố không thể nén được cơn tức giận.

+ Con mà xúc phạm đến mẹ ư?

- Nghệ thuật: biểu cảm bằng nhiều kiểu câu: cảm thán, nghi vấn, khẳng định; sử dụng so sánh giàu hình ảnh làm cho lời văn trở nên linh hoạt, sinh động, giàu hình ảnh.

→ Bố đau đớn, tức giận, thất vọng trước lỗi lầm của con.

- Hồi tưởng về mẹ:

+ Mẹ thức suốt đêm, quằn quại khóc nức nở vì sợ mất con...

+ Người mẹ sẵn sàng bỏ một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau đớn.

+ Mẹ đi ăn xin để nuôi con, sẵn sàng hi sinh tính mạng để cứu sống con!

- Hình ảnh mẹ hiện lên qua lời của bố khách quan, chân thực. Mẹ giàu đức hi sinh với tấm lòng yêu thương con lớn lao, cao cả.

- Lời nhắn nhủ:

+ Hãy nghĩ kĩ điều này En-ri-cô ạ: …ngày buồn thảm nhất tất sẽ là ngày mà con mất mẹ.

+ Khi đã khôn lớn, nhớ lại những lúc đã làm mẹ buồn phiền, lương tâm con sẽ không một phút nào yên tĩnh, tâm hồn con như bị khổ hình.

+ Người bố phân tích, giảng giải để En- ri-cô hiểu ra lỗi lầm của mình.

+ Mẹ có ý nghĩa vô cùng to lớn trong cuộc đời.

→ Tình yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng nhất, chà đạp lên tình cảm đó thật là xấu hổ và nhục nhã.

- Yêu cầu của bố En-ri-cô:

+ Không bao giờ con được thốt ra lời nói nặng với mẹ.

+ Con phải xin lỗi mẹ.

+ Hãy cầu xin mẹ hôn con.

+ Nghệ thuật: Giọng điệu linh hoạt (dứt khoát mà mềm mại, ra lệnh mà như khuyên nhủ); sử dụng câu cầu khiến đầy sức thuyết phục.

+ Yêu cầu kiên quyết, rõ ràng, dứt khoát như ra lệnh.

+ Con là niềm hi vọng của đời bố.

+ Thà rằng bố không có con còn hơn là thấy con bội bạc với mẹ.

→ Bố En-ri-cô có tình cảm yêu, ghét rõ ràng và rất nghiêm khắc.

D. Bài văn phân tích Mẹ tôi

Trong trái tim mỗi chúng ta luôn tồn tại những tình cảm cao đẹp. Lòng nhân ái, tình phụ tử hay tình bà cháu,… nó khiến cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng có lẽ tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng và gắn kết khó có thể tách rời. Viết về tình mẫu tử, bức thư mà người bố gửi cho En-ri-cô trong bài “Mẹ tôi” có lẽ thể hiện được sâu sắc nhất.

Văn bản “Mẹ tôi” được trích trong tác phẩm “Những tấm lòng cao cả” của nhà văn Ét-môn-đô đơ A-mi-xi, một nhà văn của nước Ý. Câu chuyện được kể dưới hình thức một bức thư, tạo nên hiệu ứng thú vị cho người đọc. Thư của người bố gửi cho cậu con trai của mình là En-ri-cô là một bức thư tuy ngắn ngủi nhưng lại dạt dào những nỗi niềm và tâm trạng. Đọc bức thư của người bố chúng ta cảm nhận được tình cảm gia đình, cảm nhận một cách thấm thía những giá trị về cách ứng xử, lời ăn tiếng nói của con cái đối với cha mẹ. Hoàn cảnh bức thư là trong một lần khi cô giáo đến nhà, En-ri-cô khi nói với mẹ đã lỡ thốt ra những lời vô lễ, người cha chứng kiến sự việc đó đã vô cùng tức giận. Trong bức thư, người bố không nói rõ lỗi lầm của cậu con trai. Nhưng hẳn là cậu bé đã xúc phạm đến người mẹ rất nhiều. Bởi bố cậu đã rất tức giận mà đã phải dùng đến hình ảnh những nhát dao để nói về những lời nói của cậu “Sự hỗn láo của của con như nhát dao đâm vào tim bố vậy”. Đó là sự bực tức đứa con vì nóng giận đã quên đi công ơn sinh thành dưỡng dục của người mẹ thân yêu. Ông muốn nhấn mạnh cho cậu biết rằng, đây là một lỗi lầm rất lớn. Hỗn láo với mẹ là điều không thể chấp nhận đối với phận làm con. Rồi để giải thích cho cho cậu hiểu hơn, ông liền nói về những kỷ niệm của mẹ đối với cậu. Đó là chuyện vài năm trước đây khi cậu bị ốm nặng, người “thức suốt đêm” chăm sóc cậu chính là mẹ. Người “cúi mình trên chiếc nôi trông chừng hơi thở hổn hển của con” chính là mẹ. Và người sợ hãi đau đớn “quằn quại vì nỗi sợ, khóc nức nở khi nghĩ rằng có thể mất con” chính là mẹ. Người cha dường như muốn đứa con hiểu rằng mẹ là người thương con nhất, lo cho con nhất và hi sinh cho con nhiều nhất. Còn gì to lớn, vĩ đại hơn tình yêu thương của cha mẹ dành cho đứa con của mình. Cổ ngữ có câu: “Mẫu tử tình thâm”. Tình mẹ thương con là mênh mông bao la. Mẹ có thể hi sinh tất cả vì con. “Đứa con là hạt máu cắt đôi của mẹ” (tục ngữ). Con mà lại xúc phạm đến mẹ là vô đạo, vì “Người mẹ sẵn sàng bỏ hết một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau đớn”. Một năm so với một giờ đã có đứa con nào tính được, nghĩ đến? Người mẹ có quản gì vất vả, chịu khổ sở đói rét “đi ăn xin để nuôi con”. To lớn hơn, vĩ đại hơn là người mẹ có thể hi sinh tính mạng để cứu sống con”. Công cha nghĩa mẹ thật vô cùng sâu nặng:

Công cha như núi ngất trời,

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.

Vậy mà người con lại phạm phải một lỗi lầm khó có thể tha thứ. Và để người con hiểu rõ hơn, người bố liền nói cho người con biết rằng ngày tồi tệ nhất thế gian chính là ngày “con mất mẹ”. Mồ côi mẹ dù của tuổi thiếu niên hay khi tóc đã hai màu thì đều là một ngày tồi tệ. Vì từ đây con sẽ chẳng được nghe những giọng nói dịu dàng, sự quan tâm chăm sóc của mẹ nữa. Con sẽ “tự thấy mình chỉ là một đứa trẻ tội nghiệp, yếu đuối và không được chở che”. Và con sẽ hiểu thế nào là cay đắng khi không có mẹ chở che, con sẽ cảm thấy hối hận vì những gì đã nói và làm với mẹ. Dù con có gào khóc xin mẹ tha thứ thì mọi thứ cũng đã muộn rồi. Người cha dường như muốn nhấn mạnh rằng tình cảm cha mẹ đối với con cái là thiêng liêng cao cả. Sẽ thật xấu hổ, nhục nhã cho những ai không hiểu và chà đạp lên tình cảm đó.

Giọng văn dường như dịu lại, người cha dần nguôi giận và ông muốn người con: “Từ nay, không bao giờ con được thốt ra một lời nói nặng với mẹ. Con phải xin lỗi mẹ, không phải vì sợ bố, mà do sự thành khẩn trong lòng. Con hãy cầu xin mẹ hôn con, để cho chiếc hôn ấy xóa đi cái dấu vết vong ân bội nghĩa trên trán con. Bố rất yêu con, En-ri-cô ạ, con là niềm hi vọng tha thiết nhất của đời bố, nhưng thà rằng bố không có con, còn hơn là thấy con bội bạc với mẹ. Thôi, trong một thời gian con đừng hôn bố: Bố sẽ không thể vui lòng đáp lại cái hôn của con được”. Ông cũng nhấn mạnh rằng ông thà không có người con này còn hơn là có một người con bất hiếu. Một câu nói nhẹ nhàng nhưng là một lời răn dạy có sức nặng của một người cha. Lần này, ông sẽ chỉ phạt cậu không thể hôn ông, để cậu hiểu rằng thiếu những cái hôn ấm áp sẽ thật buồn biết bao.

Lá thư là một bài học cảm động của người cha dành cho con, đó không phải là lời đe dọa, chỉ trích mà đó chính là những lời tâm huyết từ tận đáy lòng của một người cha hết mực yêu thương gia đình, của một người đàn ông từng trải. Ông nhận ra rằng mình phải có trách nhiệm khiến En-ri-cô hiểu những gì mẹ đã hi sinh cho cậu, để khiến cậu càng thêm yêu thương và trân trọng người phụ nữ vĩ đại ấy trong những ngày tháng sau này. Lá thư không đề cập nhiều đến người mẹ, thế nhưng chỉ bằng vài dòng thư đầy cảm xúc khi nhắc về mẹ En-ri-cô của người bố, ta cũng nhận thấy được hình ảnh một người mẹ bao dung, yêu thương con vô bờ bến, thậm chí có thể hy sinh tất cả vì con hiện lên thật sâu sắc và cảm động.

Tác phẩm hấp dẫn người đọc với lối viết thư nhẹ nhàng, sâu sắc, thấm thía đan xen yếu tố nghị luận. Giọng văn nhẹ nhàng, chân thành, tha thiết, nghiêm khắc, dứt khoát, đầy sức thuyết phục phù hợp với tâm lý trẻ thơ. “Mẹ tôi” là bài ca tuyệt đẹp của những tấm lòng cao cả mà tác giả để lại trong lòng người đọc về hình ảnh thân thương của người mẹ hiền, qua đó giáo dục chúng ta về đạo hiếu với cha mẹ, về tình cảm thiêng liêng cao quý. 

E. Một số lời bình về tác phẩm Mẹ tôi

Những câu thơ, văn có thể liên hệ:

1. Thượng đế không thể có mặt ở khắp mọi nơi, vì thế ngài đã tạo ra các bà mẹ.                                                                                   

(Ngạn ngữ Do Thái)

 

2. 

Nhìn về quê mẹ xa xăm

Lòng ta – chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa.

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương...

(Nguyễn Duy, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa)

3. 

Cha ngồi cạnh cơn sốt của con

Còn vật vã nhiều hơn khi quặn lên những câu thơ nặng nhọc

Con trai ơi

Tiếng khóc của con – Niềm hi vọng của cha nhòe ướt

Tiếng cười của con là gương mặt của cha vừa lên sắc

Con gom đời cha trong bước chân bé tí

Cha bế con lên, bế lại ấu thơ mình

 

Ngày mỗi ngày

Con lại dắt hi vọng của cha ùa ra phố

Mang hồi hộp dồn căng trái bóng

Niềm vui cha lăn với mặt đường

Con mang về trong căn nhà ta những điều bình yên

Mang cả lo âu từng ngày phố bụi 

Mẹ đã đợi cơm hai cha con ta như đợi hai đứa trẻ

Những đam mê quên cả hẹn hò…

(Trần Quang Quý, Với con trai)

Bài viết liên quan

1057