Sơ đồ tư duy Bài ca nhà tranh bị gió thu phá dễ nhớ, hay nhất

Sơ đồ tư duy bài Bài ca nhà tranh bị gió thu phá Ngữ văn lớp 7 hay nhất, dễ nhớ, ngắn gọn với đầy đủ sơ đồ tư duy, tác giả, tác phẩm, dàn ý phân tích và bài văn phân tích mẫu giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa, củng cố kiến thức các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 7.

549


 A/ Tác giả Tác phẩm bài Bài ca nhà tranh bị gió thu phá

I. Tác giả

- Đỗ Phủ (712-770) là nhà thơ hiện thực nổi tiếng vào đời Đường ở Trung Quốc, tự là Tự Mĩ, hiệu Thiếu Lăng, quê ở tỉnh Hà Nam.

- Ông từng làm quan trong một thời gian ngắn nhưng gần như suốt đời sống trong cảnh đau khổ, bệnh tật.

- Năm 759, ông cáo quan, đưa gia đình về vùng Tây Nam, một thời gian sống ở Thành Đô, phủ Tứ Xuyên.

- Ông để lại cho đời 1500 bài thơ.

- Bút pháp hiện thực cũng như tinh thần nhân đạo cao cả của ông đã ảnh hưởng khá sâu rộng đến thơ ca Trung Quốc đời sau.

II. Tìm hiểu chung tác phẩm

1. Thể loại: Thể thơ tự do cổ thể.

- Thơ tự do cổ thể khác với thể thơ tự do hiện đại:

+ Ra đời trước thời Đường (có trước các thể thơ Đường luật).

+ Có cách gieo vần, ngắt nhịp, số câu chữ khá tự do, không quá gò bó.

+ Tuy nhiên vẫn nằm trong khuôn khổ chung của văn học trung đại về cấu tứ và tư tưởng.

2. Hoàn cảnh ra đời

Vào những năm cuối cuộc đời, Đỗ Phủ phải trải qua cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Ông được bạn bè và người thân giúp đỡ xây dựng một ngôi nhà tranh đơn sơ bên cạnh khe Cán Hoa ở phía tây Thành Đô. Tuy nhiên khi ông chỉ mới ở được vài tháng thì căn nhà đã bị gió mưa phá nát. Thổn thức trước tình cảnh của chính mình và những đồng bào khác lúc bấy giờ, Đỗ Phủ đã sáng tác nên bài thơ Mao ốc vị thu phong sở phá ca vào năm 760.

3. Bố cục: 4 phần

- Phần 1: (khổ 1): Cảnh ngôi nhà bị gió thu phá.

- Phần 2: (khổ 2): Cảnh những đứa trẻ cướp tranh.

- Phần 3: (khổ 3): Nỗi khổ của gia đình trong đêm.

- Phần 4: (khổ 4): Ước vọng của nhà thơ.

4. Giá trị nội dung

Bài thơ đã thể hiện một cách sinh động nỗi khổ của chính bản thân Đỗ Phủ vì căn nhà bị gió thu phá nát. Điều đáng quý hơn là, vượt lên trên nỗi bất hạnh cá nhân, nhà thơ đã bộc lộ khát vọng cao cả: ước mơ có được ngôi nhà vững chắc ngàn vạn gian để che chở cho tất cả mọi người nghèo trong thiên hạ.

5. Giá trị nghệ thuật

- Thể thơ cổ thể.

- Sự sắp xếp các chi tiết theo trình tự hợp lí.

- Kết hợp nhuần nhuyễn giữa tự sự, miêu tả và biểu cảm.

B.Sơ đồ tư duy bài Bài ca nhà tranh bị gió thu phá

Hỏi đáp VietJack

C. Dàn ý phân tích bài Bài ca nhà tranh bị gió thu phá

1. (Khổ thơ 1): Cảnh ngôi nhà của tác giả bị gió thu phá

- Kết hợp tự sự và miêu tả.

- Tự sự: kể về sự kiện ngôi nhà bị gió thu tàn phá:

+ Thời gian: vào tháng 8 - mùa thu.

+ Sự kiện: ngôi nhà tranh bên sông bị gió thu tàn phá làm bay mất 3 lớp tranh.

- Miêu tả: khắc họa rõ nét khung cảnh tiêu điều, xơ xác của ngôi nhà khi bị gió thu tàn phá:

+ Hình ảnh gió thu: “thét già” → thể hiện sự mạnh bạo, buốt giá của những cơn gió như tiếng thét gào.

+ Hình ảnh những mái tranh của ngôi nhà bị gió thu cuốn mất: bị gió thổi vỡ ra, bay đi tán loạn khắp nơi: bay sang bờ sông; treo ở ngọn rừng xa; rớt xuống mương... 

⇒ Nhà thơ đã dùng bút pháp tả thực để khắc họa vô cùng chân thực, rõ nét sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Đồng thời tái hiện lại khung cảnh xơ xác, tiêu điều, tàn tạ của ngôi nhà và cảnh vật xung quanh sau đêm gió lớn.

⇒ Từ đó, ta thấy được sự buồn bã, lo lắng và bất lực của nhân vật trước cảnh tan tác của ngôi nhà (mái tranh mỗi mảnh một hướng).

2. Khổ thơ 2: Cảnh cướp giật sau khi ngôi nhà của tác giả bị gió thu phá 

- Kết hợp tự sự và biểu cảm.

- Hình ảnh những đứa trẻ cướp tranh:

+ Khinh tác giả già yếu.

+ Xô cướp giật.

+ Cắp tranh đi tuốt vào lũy tre.

⇒ Loạn lạc, cùng cực, cuộc sống suy đồi ngay cả đối với những đứa trẻ.

- Tâm trạng của tác giả:

+ Môi khô, miệng cháy không gào lên được.

+ Ấm ức, bất lực trước hiện thực.

⇒  Ở khổ thơ thứ 2, nhà thơ đã thể hiện nỗi đau buồn, bất lực, ấm ức của mình trước hoàn cảnh suy đồi của xã hội loạn lạc, cùng cực lúc bấy giờ. Khi mà con người vì tư lợi của bản thân mà làm những điều sai trái, đến cả những đứa trẻ cũng không nằm ngoài vòng xoáy ấy.

3. Khổ thơ 3: Cảnh khổ sở trong đêm của gia đình tác giả sau khi ngôi nhà bị gió thu phá

- Kết hợp tự sự, miêu tả và biểu cảm.

- Tự sự: kể về những vất vả, khó khăn của gia đình tác giả trong đêm mưa thu rét mướt.

- Miêu tả: 

+ Hình ảnh thiên nhiên:

  • Gió lặng, mây tối mực
  • Trời thu mịt mịt, đêm đen đặc
  • Dày hạt mưa, mưa, mưa chẳng dứt
  • Đêm dài ướt át

→ Khắc họa một đêm mùa thu mưa gió rét mướt, lạnh giá khiến người ta mệt mỏi.

→ Hai lần chi tiết đêm đen được lặp lại - thể hiện sự tối tăm, bế tắc của cuộc sống con người trong đêm tối giá buốt.

+ Hình ảnh ngôi nhà:

  • Mền vải lâu năm lạnh tựa sắt
  • Con nằm xấu nết đạp lót nát
  • Đầu giường nhà dột chẳng chừa đâu

→ Các hình ảnh này đã lột tả một cách chân thực cuộc sống thiếu thốn, khó khăn của nhà thơ:

  • Chăn đệm cũ nát đến không còn khả năng giữ ấm trong đêm lạnh giá.
  • Miếng lót cho con ngủ cũng đã nát
  • Nhà bị dột khắp nơi vì những mái tranh đã bị mất 3 miếng, những phần còn lại cũng hư hỏng, không đủ khả năng ngăn gió, ngăn mưa.

+ Hình ảnh tác giả:

Từ trải cơn loạn ít ngủ nghê

Đêm dài ướt át sao cho trót?

→ Lý do thực sự khiến nhà thơ không ngủ được chính là vì lo cho muôn dân thiên hạ đang chịu nỗi khổ giống như mình. Vì trong thời thế chiến tranh loạn lạc, thì có vô vàn những con người phải chịu cảnh đói khổ, rét mướt ở ngoài kia.

→ Chi tiết Từ trải cơn loạn lạc ít ngủ nghê cho thấy tấm lòng cao cả, một lòng lo nghĩ cho thiên hạ của nhà thơ. Ông quên đi cái đau, cái rét của mình mà nghĩ cho cái khổ, cái đói của người khác.

→ Câu hỏi tu từ cuối khổ thơ thể hiện nỗi băn khoăn, trăn trở, lắng lo không nguôi của nhà thơ dành cho nhân dân khắp thiên hạ, đồng thời thể hiện sự đau khổ, bất lực của ông trước tình thế loạn lạc, đói khổ hoành hành ấy.

4. Khổ thơ 4: Khát vọng cao cả, giàu giá trị nhân đạo của nhà thơ

- Biểu cảm một cách trực tiếp thông qua ước nguyện của mình.

- Ước nguyện của nhà thơ vô cùng thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn lúc bấy giờ.

→ Ước mong có ngôi nhà che chở cho mọi kẻ sĩ nghèo ở trong thiên hạ - hướng đến những người có tài học nhưng không gặp thời, phải chịu cảnh đói khổ - đây chính là những hình tượng con người có số phận như tác giả.

- Tư tưởng mang giá trị nhân văn sâu sắc, cao cả của nhà thơ: nếu ước mơ của ông biến thành hiện thực thì một mình ông chịu chết rét cũng được.

→ Tư tưởng nguyện hi sinh bản thân mình để đổi lấy an bình cho muôn dân của tác giả là vô cùng cao cả, phi thường. 

→ Thể hiện tinh thần nhân ái, tình yêu thương lớn lao của nhà thơ dành cho muôn dân.

D. Bài văn phân tích bài Bài ca nhà tranh bị gió thu phá

         Đỗ Phủ là một trong những nhà thơ hiện thực vĩ đại của văn học Trung Hoa với những sáng tác chạm sâu vào trái tim người đọc. Thơ ông là những bức tranh sinh động, chân thực về xã hội phong kiến, về những mảnh đời cơ cực và về những khát khao có cuộc sống bình dị nhất. Ông hiểu và thấu nỗi đau của muôn kiếp vì chính bản thân mình cũng đã trải qua. “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá” được sáng tác khi ông đã nếm trải biết bao nhiêu cay đắng ở đời, phản ánh được hiện thực khốc liệt và tình yêu thương đồng loại của Đỗ Phủ.

Mở đầu bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá như kể lại về trận gió thu. Đây không phải là cơn gió heo may mát lành mà đây là một trận bão tố, cơn lốc vào tháng tám:

Tháng tám, thu cao, gió thét gào,

Cuộn mất ba lớp tranh nhà ta.

Tranh bay sang sông rải khắp bờ,

Mảnh cao treo tót ngọn rừng xa,

Mảnh thấp quay lộn vào mương sa.

Chỉ với mấy câu thơ nhưng đã khái quát được hiện thực tàn khốc từ thiên nhiên, những cơn gió tháng tám đã lật tung mái nhà tranh nghèo. Mái nhà tranh rách nát của Đỗ Phủ, ông đành bất lực nhìn thiên nhiên tàn phá. Việc lặp lại từ tranh đến hai, ba lần chứng tỏ trận bão tố rất ghê gớm. Căn nhà được bạn bè giúp đỡ để nương thân qua ngày giờ đây tan thương.

Ngước nhìn từng tấm tranh theo gió bay đi mà lòng xót xa, bất lực. Tiếng thơ như lời than thở, khóc lóc cho cảnh sống khổ cực của thi nhân. Một hiện thực đầy xót xa mà người đọc nhận ra chính là thiên nhiên cứ vô tình với cuộc đời nhiều đắng cay của một người vẫn mải miết cống hiến cho đời những vần thơ thật đẹp.
Sự đau đớn xót xa được thể hiện sâu sắc hơn ở khổ thơ kế tiếp. Nhà thơ phải chứng kiến sự phá phách căn nhà của mình cùng với trận bão tố mà nhà thơ gọi là đạo tặc:

Trẻ con thôn nam khinh ta già không sức,

Nỡ nhè trước mặt xô cướp giật,

Cắp tranh đi tuốt vào luỹ tre

Môi khô miệng cháy gào chẳng được

Quay về, chống gậy lòng ấm ức!

Chiến tranh liên miên, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, loạn lạc. Đạo đức suy đồi đến cùng cực. Lũ trẻ hàng xóm không ai dạy dỗ, không chỗ học hành chúng kéo đến cướp tranh nhà Đỗ Phủ. Chúng không còn biết lễ giáo, lễ phép gì nữa. Chúng khinh nhà thơ già yếu, trơ tráo lạnh lùng trước tiếng kêu than “Môi khô miệng cháy” của tác giả. Vậy là sau thiên tai, gia đình nhà thơ lại gặp nạn đạo tặc. Đó chính là sản phẩm của một xã hội đang trên đà xuống dốc. Người người sống với nhau gian tham, xã hội thì đảo điên; tấm lòng nhà thơ đau đớn vô cùng, nhìn cuộc đời, con người trong xã hội mà lòng ấm sức, căm hận biết bao. Muốn gào lên, thét lên mà không nói thành lời. 

Vậy là căn nhà bị gió phá, lũ đạo tặc phá. Nó làm sao đủ sức chống lại những trận cuồng phong, mưa rét đêm thâu. Trời mưa rả rích đêm thâu mà mái nhà bị gió thu phá nát. Gió lặng, mây đen phủ kín bầu trời. Mưa tầm tã suốt đêm thâu, nhà dột không ngủ được. Đoạn thơ nêu lên một hiện thực đau lòng và khốn khổ của nhà thơ trong đêm mưa:

Mền vải lâu năm lạnh tựa sắt

Con nằm xấu nết đạp lót nát

Đầu giường nhà dột chẳng chừa đâu

Dày hạt mưa, mưa, mưa chẳng dứt.

 Tuổi già, sức yếu, bệnh tật... lại phải ngồi dưới mưa, trong thâm tâm Đỗ Phủ thương mình thì ít nhưng thương cho vợ con, gia đình thì nhiều. Nỗi đau như dồn nén lại thành một khối, trút xuống một con người bất hạnh, đau khổ gần cả cuộc đời. Nhà thơ như thấy mưa lâu hơn, nhiều hơn, đêm như dài hơn và nỗi buồn thương không dứt:

Từ trải cơn loạn ít ngủ nghê

Đêm dài ướt át sao cho trót?

Thật là phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí. Tai hoạ với nhà thơ là một đêm thu trời mưa nhà dột. Thân già, sức yếu ngồi co ro trong mưa rét, nhìn vợ con đang nằm dưới mưa lòng sao không đau quặn. Cái nghèo nó đeo đẳng mãi, chăn cũ lâu năm con đạp rách, nhà dột... Sự cùng cực của một gia đình tàn tạ dưới thời loạn lạc, li tán.

Đêm dài như dài thêm, ông già cũng chỉ đành cay đắng, ấm ức và bất lực ngồi đếm từng nhịp trống canh. Ta thấy hiện lên trên khuôn mặt nhà thơ sự đau khổ, cay đắng. Một kẻ sĩ có học thức mà công danh thì lận đận, cuộc đời thì long đong, túng bấn khổ cực. Ông trách mình đã chẳng giúp gì cho vợ con và gia đình trong cảnh nghèo khổ ấy. Băn khoăn trăn trở hơn là kẻ sĩ mà chẳng giúp gì được cho đời, chiến tranh liên miên, dân chúng loạn lạc cực khổ. Càng nghĩ ông càng phê phán và lên án chiến tranh, lên án xã hội phong kiến gây bao cảnh đời vất vả như chính gia đình tác giả. Nỗi khổ về vật chất và tinh thần của Đỗ Phủ cũng là cái khổ chung của nhân dân lao động, của các nhà nho, trí thức thời đó. Sự khốn cùng của gia đình tác giả là chứng tích cho một thời kỳ lịch sử xã hội Trung Quốc hay đó chính là xã hội thời Đường thu nhỏ lại. Chỉ đơn thuần là nhà bị gió phá, mưa dột nghèo túng nhưng bài thơ có giá trị hiện thực to lớn, phản ánh nhiều mặt đang nóng bỏng của xã hội Trung Quốc lúc đó. Những nỗi đau của dân đen ông cũng đã từng chứng kiến nếm trải để rồi từ hiện thực của gia đình, xã hội, nhà thơ thể hiện khát vọng hoà bình, dân chúng ấm no: 

Ước được nhà rộng muôn ngàn gian,

Che khắp thiên hạ kẻ sĩ nghèo đều hân hoan ,

Gió mưa chẳng núng, vững vàng như thạch bàn!

Than ôi! Bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt, 

Riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được!

Cùng với giá trị hiện thực của bài thơ, khổ thơ cuối thể hiện sâu sắc khát vọng cao đẹp, ước mơ cao cả, vị tha. Nhà mình thì dột nát, sắp đổ đến nơi, biết bao giờ dựng lại được? Vậy mà ông luôn nghĩ tới tương lai, không hề nghĩ cho mình, gia đình, lại nghĩ đến ngôi nhà chung, to cao, rộng rãi, vững chắc muôn nghìn gian, bất chấp mưa nắng, vững như thạch bàn dành cho muôn nghìn dân đang đói rách, cơ cực bần hàn trú ngụ. Dù đau khổ chất chồng nhưng không dập tắt được nhân tính, không làm mất được niềm tin, con người không bị hoàn cảnh đè bẹp mà ngạo nghễ vượt lên trên hoàn cảnh. Thương người là nhân, yêu người là ái. Lòng nhân ái của Đỗ Phủ thật cảm động và thiết thực cụ thể. Điều cao cả và đáng kính trọng hơn nữa là ở chỗ mơ ước ấy mang tinh thần vị tha tới mức xả thân vì người khác. Ông vui lòng chịu chết cóng, chết rét để có được ngôi nhà trong mơ ấy. Thực tế xưa nay không có ngôi nhà rộng muôn ngàn gian như thế. Khổ thơ được sáng tạo bằng biện pháp tu từ so sánh và thậm xưng đế diễn tả ước mơ to lớn và cảm hứng lãng mạn dạt dào, làm sáng bừng lòng nhân ái bao la của một con người từng trải qua bao bất hạnh giữa thời loạn lạc. Vì vậy nhà thơ mong mỏi ai ai cũng được sống cuộc sống yên ấm hạnh phúc. Đau xót cho dân cho nước, ước mơ đất nước thái bình, nhân dân no ấm nên ông quên đi cái khổ cực của bản thân. Có thể nói Đỗ Phủ có tình thương lớn của một nhà Nho chân chính sống và ứng xử theo phương châm “Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.

Qua những câu thơ này ta thấy được tấm lòng nhân hậu, vị tha của tác giả dù chịu “chết rét” tác giả cũng cam tâm tình nguyện mang lại cuộc sống ấm áp, bình yên cho nhân dân, cho đồng bào xung quanh ông. “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá” tái hiện cuộc sống hiện thực của xã hội của đất nước Trung Hoa lúc bấy giờ. Qua đây tác giả muốn tố cáo tội ác của những người cai trị thời đó và thể hiện tấm lòng thương dân, yêu đồng bào của mình.

E. Một số lời bình về tác phẩm Bài ca nhà tranh bị gió thu phá

1.

Nếu như Lí Bạch được tôn là “thi tiên” thì Đỗ Phủ (712 – 770) được coi là bậc “thi thánh”. Cuộc đời Đỗ Phủ nhiều thăng trầm, đau khổ. Ông mất trong một chiếc thuyền nhỏ trên sông gần Nhạc Dương (Hồ Nam), thọ 58 tuổi và để lại cho đời hơn 1 400 bài thơ. 

“Thơ Đỗ Phủ là thơ hiện thực và nói lên được tiếng nói của nhân dân thời ấy. Sở dĩ như vậy là vì sự biến động to tát trong xã hội thời ấy đã lôi cuốn nhà thơ từ trên tầng cao xuống với nhân dân, rồi do đó, tư tưởng của ông cũng như sáng tác của ông mới thật gần gũi với nhân dân.”

(Trương Chính, Lời nói đầu, Thơ Đường, tập II, NXB Văn hóa, Hà Nội, 1962)

2.

Thân đói rét mà lòng muốn cứu nhân độ thế, sống trong nghèo túng mà không có ý chán đời, đây là điểm khác của Đỗ Phủ so với nhiều nhà thơ cổ đại Trung Quốc khác.

(Lịch sử văn học Trung Quốc, tập một, sđd)

Bài viết liên quan

549