Sơ đồ tư duy Tiếng gà trưa dễ nhớ, hay nhất

Sơ đồ tư duy bài Tiếng gà trưa Ngữ văn lớp 7 hay nhất, dễ nhớ, ngắn gọn với đầy đủ sơ đồ tư duy, tác giả, tác phẩm, dàn ý phân tích và bài văn phân tích mẫu giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa, củng cố kiến thức các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 7.

892


A/ Tác giả Tác phẩm bài Tiếng gà trưa

I. Tác giả

- Xuân Quỳnh (1942-1988), quê ở làng La Khê, ven thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).

- Bà là nữ nhà thơ xuất sắc trong nền thơ hiện đại Việt Nam.

- Năm 2017, Xuân Quỳnh được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

- Đặc điểm thơ Xuân Quỳnh: Thơ Xuân Quỳnh thường viết về những tình cảm gần gũi, bình dị trong đời sống gia đình và cuộc sống thường ngày, biểu lộ những rung cảm và khát vọng của một trái tim phụ nữ chân thành, tha thiết và đằm thắm.

II. Tìm hiểu chung tác phẩm

1. Thể loại: Thơ 5 chữ 

2. Hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ

Bài thơ được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ, in lần đầu trong tập “Hoa dọc chiến hào” (1968).

3. Bố cục: 3 phần:

- Phần 1: (Khổ 1): Tiếng gà trưa trên đường hành quân.

- Phần 2: (Khổ 2,3,4,5,6): Tiếng gà trưa gợi những kỉ niệm thời thơ ấu.

- Phần 3: (Khổ 7,8): Tiếng gà trưa gợi những suy tư.

4. Giá trị nội dung

Tiếng gà trưa đã gọi về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu. Tình cảm gia đình đã làm sâu sắc thêm tình quê hương đất nước.

5. Giá trị nghệ thuật

- Thể thơ 5 chữ tạo nên cách diễn đạt tình cảm tự nhiên.

- Hình ảnh thơ bình dị, chân thực.

- Sử dụng điệp từ.

B.Sơ đồ tư duy bài Tiếng gà trưa

Hỏi đáp VietJack

C. Dàn ý phân tích bài Tiếng gà trưa

1. Tiếng gà trưa trên đường hành quân

- Hoàn cảnh: trên đường hành quân xa, dừng chân bên xóm nhỏ.

- Âm thanh tiếng gà trưa: “Cục…cục tác cục ta”

⇒ Âm thanh tự nhiên, chân thực.

- Nghệ thuật điệp từ, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác:

+ “Nghe xao động nắng trưa”.

+ “Nghe bàn chân đỡ mỏi”.

+ “Nghe gọi về tuổi thơ”.

⇒ Tiếng gà trưa gọi về kỉ niệm tuổi thơ, tình cảm xóm làng và xua tan những vất vả, mệt nhọc trên đường hành quân.

⇒ Gợi ấn tượng về tiếng gà trưa làm xao động không gian và lòng người.

2. Tiếng gà trưa gợi lại những kỉ niệm thời thơ ấu

a) Những kỉ niệm tuổi thơ

- Hình ảnh con gà mái mơ, mái vàng và ổ trứng hồng đẹp như tranh.

- Kỉ niệm: tò mò xem gà đẻ bị bà mắng.

- Hình ảnh bà đầy yêu thương, chắt chiu, dành dụm từng quả trứng cho cháu.

- Niềm vui và mong ước nhỏ bé của tuổi thơ: được quần áo mới.

⇒ Những kỉ niệm tuổi thơ bình dị, gần gũi, hồn nhiên không thể nào quên của gia đình làng quê Việt Nam.

b) Hình ảnh người bà và tình bà cháu

- Bà mắng: “Gà đẻ…mặt”

⇒ Lời mắng xuất phát từ tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc của bà dành cho cháu.

- Bà chắt chiu trong cảnh nghèo khó, dành trọn vẹn tình yêu thương, sự chăm lo cho cháu: “Tay bà khum soi trứng … Cháu được quần áo mới”.

⇒ Tình bà cháu thật sâu nặng, thắm thiết, bà chắt chiu, chăm lo, quan tâm cho cháu, cháu luôn yêu thương, kính trọng bà.

3. Tiếng gà trưa gợi những suy tư

- Tiếng gà trưa mang đến hạnh phúc vì nó làm thức dậy biết bao tình cảm cao đẹp: tình bà cháu, tình xóm làng, tình cảm gia đình… Niềm hạnh phúc ấy đem vào giấc ngủ hồng sắc trứng.

- Nghệ thuật điệp từ và điệp cấu trúc (vì lòng yêu Tổ quốc, vì xóm làng thân thuộc, vì bà…) ⇒ Nhấn mạnh tình yêu đất nước gắn với tình yêu xóm làng, yêu người thân và cả chính những kỉ niệm êm đềm của tuổi thơ.

- Tình cảm gia đình, quê hương đã làm sâu sắc thêm tình yêu Tổ quốc.

⇒ Mục đích cao cả, thiêng liêng, chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc và giữ cho xóm làng vọng mãi tiếng gà trưa.

D. Bài văn phân tích bài Tiếng gà trưa

Một trong những tác giả nữ làm nên tên tuổi của thơ hiện đại phải kể đến Xuân Quỳnh. Những áng thơ của Xuân Quỳnh mang âm hưởng gần gũi, bình dị, nhưng cũng rất trẻ trung, sôi động về đời sống thường ngày đầy ắp tình yêu thương giữa gia đình, bạn bè, quê hương,… với khát vọng có cuộc sống tươi đẹp. Một trong những tác phẩm đặc sắc của Xuân Hương về tình cảm gia đình là bài thơ Tiếng gà trưa với giọng điệu giản dị nhưng tràn đầy tình yêu thương của bà và cháu, qua đó đã khắc họa nên tình yêu quê hương đất nước.

Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ xuất sắc của nền văn học hiện đại. Bà thường viết về những gì bình dị gần gũi trong đời sống thường ngày. Thơ của bà thường có giọng điệu sôi nổi trẻ trung mạnh bạo và giàu chất trữ tình. Tiếng gà trưa được viết vào thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Mĩ thể hiện tình yêu thương tổ quốc, quê hương trong đó sâu nặng và thắm thiết là tình bà cháu.

Bao trùm bài thơ là nỗi nhớ cồn cào, da diết của người cháu với người bà kính yêu của mình. Đây chính là nỗi niềm chung, tất yếu của những người lính trẻ vừa bước qua hoặc chưa bước qua hết tuổi học trò vì bình yên của đất nước mà buông cây bút, sẵn sàng cầm cây súng ra đi đánh giặc cứu nước. Vì nỗi nhớ qua da diết, nên chỉ một âm thanh tiếng gà trưa nhỏ bé cũng khơi dậy nỗi niềm thương nhớ dạt dào:

Trên đường hành quân xa

Dừng chân bên xóm nhỏ

Tiếng gà ai nhảy ổ:

“Cục... cục tác cục ta”

Tiếng gà cục tác buổi trưa để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người chiến sĩ nó gắn với kỉ niệm sâu sắc tuổi ấu thơ, chính vì vậy trong vô vàn âm thanh của làng quê, người chiến sĩ nghe thấy rõ nhất là tiếng gà cục tác. Vào một buổi trưa hè tại một làng quê vắng vẻ, trên đường hành quân người chiến sĩ được tiếp sức từ tiếng gà trưa:

Nghe xao động nắng trưa

Nghe bàn chân đỡ mỏi

Nghe gọi về tuổi thơ.

Điệp từ nghe được đặt ở ba câu đầu liên tiếp để nhấn mạnh cảm xúc mà tiếng gà trưa đem lại. Với lối ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, lấy thính giác thay cho thị giác. Tiếng gà trưa đã làm xao động cả không gian, làm xao động cả lòng người. Tiếng gà trưa làm thức dậy cả những kỉ niệm tuổi thơ. Cách hiểu nghĩa của cả hai câu thơ “Nghe xao động nắng trưa”, “Nghe gọi về tuổi thơ” thiên về nghĩa bóng thì câu thơ Nghe bàn chân đỡ mỏi thì thiên về nghĩa đen. Cách đảo trật tự ở các câu không giống nhau làm cho âm điệu các câu thơ thay đổi, tránh được sự nhàm chán và diễn tả sự bồi hồi xao xuyến của tâm hồn. Tiếng gà trưa được cảm nhận từ nhiều giác quan bằng cả tâm hồn.

Đến phần thứ hai, trong hai mươi sáu câu thơ, câu thơ Tiếng gà trưa được nhắc lại ba lần, âm thanh ấy gọi về bao kỉ niệm thân yêu. Xa xa tiếng gà trưa vọng lại, người chiến sĩ nhớ về người bà thân yêu chắt chiu từng quả trứng hồng. Những quả trứng hồng, đàn gà chi chít đông đúc.

Tiếng gà trưa

Ổ rơm hồng những trứng

Này con gà mái mơ

Khắp mình hoa đốm trắng

Này con gà mái vàng

Lông óng như màu nắng

Nghe tiếng gà, người cháu không khỏi nghĩ về những hình ảnh quen thuộc của đàn gà ngày xưa, vừa giản dị lại vừa đáng yêu. Nghĩ về “ổ rơm hồng những trứng”, chữ “hồng” đã ghi lại những ấn tượng chính xác của người cháu, có gì đó vui vẻ hạnh phúc dù là rất nhỏ khi thấy những quả trứng từ con gà mà bà nuôi. Từng màu sắc lại hiện lên trong tiềm thức của người cháu với đốm trắng của con gà mái mơ, màu lông óng ánh như con gà mái vàng. Tất cả hiện lên cụ thể sinh động tưởng như đó mới chỉ là ngày hôm qua, những kỉ niệm tình cảm vẫn còn vẹn nguyên trong lòng cháu. Những hình ảnh đó in sâu như vậy, đẹp đẽ như vậy, cũng là bởi nó gắn liền với hình bóng của bà:

Tiếng gà trưa

Có tiếng bà vẫn mắng:

– Gà đẻ mà mày nhìn

Rồi sau này lang mặt!

Tay bà khum soi trứng

Dành từng quả chắt chiu

Người bà hiện lên với những nét điển hình của người phụ nữ nông thôn, đơn thuần và chân chất từ lời nói đến hành động khum soi trứng. Tất cả đều chứng minh tình thương yêu dành cho cháu cùng sự nâng niu đàn gà. Lo cho đàn gà, cốt cũng là vì cháu bởi đó là niềm hạnh phúc đơn giản của hai bà cháu mỗi dịp tết đến xuân về. Niềm vui của nơi làng quê nông thôn cũng chỉ thu gọn trong những bộ quần áo mới:

Tiếng gà trưa

Mang bao nhiêu hạnh phúc

Đêm cháu về nằm mơ

Giấc ngủ hồng sắc trứng.

Màu “hồng” một lần nữa lại xuất hiện trong bài thơ, vừa là màu của trứng cũng là màu tượng trưng cho hạnh phúc nhỏ nhoi mà ấm áp của hai bà cháu. Cuộc sống của hai bà cháu dường như phụ thuộc vào đàn gà rất nhiều, có lẽ bởi vậy mà âm thanh “tiếng gà trưa” cứ điệp lại qua từng khổ thơ giống như cách mà nó đã gắn bó đồng hành với thời thơ ấu của người cháu, rong ruổi cùng cháu trên từng chặng đường kí ức với bà.

Tiếng gà đã nuôi dưỡng tuổi thơ của cháu, nuôi dưỡng tình cảm của cháu dành cho người bà thân thương và cũng hình thành nên một thứ tình cảm khác cao quý, thiêng liêng khác: tình yêu Tổ quốc

Cháu chiến đấu hôm nay

Vì lòng yêu Tổ quốc

Vì xóm làng thân thuộc

Bà ơi, cũng vì bà

Vì tiếng gà cục tác

Ổ trứng hồng tuổi thơ.

Khổ thơ đã lí giải sự nảy nở của lòng yêu nước trong người lính, nó xuất phát từ những tình cảm giản đơn, nhỏ bé. Điệp từ “Vì” xuất hiện ba lần đi kèm với đối tượng tình cảm được thu hẹp dần (xóm làngtiếng gà) đã đưa người đọc trở về với cội nguồn, căn cốt của lòng yêu nước. Nó chính là tình yêu những thứ bình thường xung quanh, yêu tiếng gà, yêu những người thân nhất của mình. Tình cảm bà cháu đơn thuần đến cuối được nâng lên thành tình yêu Tổ quốc khiến bài thơ không chỉ là những tâm tình tuổi thơ mà còn là lời cổ vũ tinh thần biết bao chiến sĩ lên đường ra đi bảo vệ gia đình, quê hương, đất nước buổi bấy giờ. Hai tiếng bà ơi vang lên nghe mới tha thiết mà đằm thắm làm sao, nó vừa xúc động thiêng liêng, vừa bỏng sôi mãnh liệt. Giống như nó trào ra từ tận đáy lòng thổn thức không thể kìm được. Tiếng gà cũng là tiếng gọi thân yêu của bà, của mẹ, của quê hương. Tiếng gọi thân yêu ấy như là niềm tin cho người chiến sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương yêu dấu.

Qua đây thấy được tình cảm tiền tuyến hậu phương của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến, gian khổ có thể làm mệt mỏi, bom đạn có thể hủy diệt mọi thứ nhưng những tình cảm về bà, về những kỉ niệm ấu thơ cùng tiếng gà trưa không bao giờ chết mà vẫn còn nguyên lửa, vẫn cứ dâng dâng trong lòng người. Mục đích chiến đấu của anh, bên cạnh nghĩa vụ cao cả: cống hiến cho Tổ quốc thân yêu, là những gì quen thuộc, bình dị nhất. Đó là xóm làng nơi anh lớn hơn, là người bà mà anh hằng yêu thương quý mến, và cũng là vì tiếng gà, vì ổ trứng hồng, hay cũng chính là vì ước mơ nhỏ bé thời thơ ấu.

Trong suốt cả bài thơ, điệp khúc “tiếng gà trưa” vang lên nhiều lần như một nốt ngân trong cuộc đời người cháu, nó là biểu tượng cho tuổi thơ, cho bà, cho thời gian khổ đã trải qua. Để rồi chỉ cần nghe một tiếng gà trưa, trong lòng người lính sẽ lại bồi hồi nhớ về bà, nhớ về tuổi thơ.

“Tiếng gà trưa” với lời văn giản dị, hình ảnh gần gũi nhưng vẫn thấm đẫm tình cảm, kết hợp với điệp từ, điệp ngữ, Xuân Quỳnh đã vẽ lên bức tranh về miền kí ức tuyệt đẹp của người cháu về tuổi thơ: kí ức có bà và tiếng gà. Qua đó, bài thơ thể hiện sâu sắc tình cảm của người cháu dành cho bà mình. Đó là tình cảm thiêng liêng, lớn lao đến mức, chỉ một tiếng gà trưa đã làm lay động cả tâm hồn anh, gợi anh về bà, về tuổi thơ êm đềm.

Với bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh, một lần nữa chúng ta nhận thấy rằng nhà văn Nga I-li-a Ê-ren-bua thật sáng suốt khi đúc kết nên chân lí: Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc. Tình yêu tổ quốc, yêu bà, yêu tiếng gà không chỉ là tình cảm riêng của nhân vật trữ tình trong bài thơ, nó là những tình cảm muôn thuở sẵn có trong lòng ta. Nhưng nhờ có tài năng của Xuân Quỳnh, chúng dường như đã được đánh thức, được tiếp thêm sức sống mãnh liệt hơn.
E. Một số lời bình về tác phẩm Tiếng gà trưa

1. Lời ru của bà

LỜI RU CỦA BÀ 

Dương Viết Cương

Đêm nằm võng gối đầu lên kỉ niệm

Võng đưa đều cháu về lại tuổi thơ...

... Mẹ vắng nhà, bà ru cháu ầu ơi.

Thân cò gầy một đời lam lũ

Như đời bà chín nắng, mười mưa…

Mẹ vắng nhà bà ru cháu ầu ơ...

Miệng ru cháu tay đều đều đưa võng

Trưa hè nắng, gió nam về lồng lộng

Cháu đắm mình trong giấc ngủ say sưa…

Mẹ vắng nhà bà ru cháu ầu ơ…

Cháu mỉm cười trong giấc mơ thơ bé

Có cô Tấm, nàng tiên, quả thị…

Có cả bà trong đó nữa bà ơi!

Lớn lên về mảnh đất xa xôi

Quê mới chỉ có gió Lào, cát bỏng

Cứ nhớ bà cháu lại nằm lên võng

Nhắm mắt rồi miệng khe khẽ ầu ơ!…

(Theo Văn học và Tuổi trẻ, Tập 30, NXB Giáo dục, 1998)

Bài viết liên quan

892