Hãy sưu tầm, giới thiệu một di sản văn minh Chăm-pa và cho biết cảm nhận của em về di sản đó
Trả lời vận dụng trang 99 Lịch sử 10 sách Chân trời sáng tạo hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Lịch sử 10
Giải Lịch sử 10 Bài 16: Văn minh Chăm-pa
Vận dụng trang 99 Lịch Sử 10: Hãy sưu tầm, giới thiệu một di sản văn minh Chăm-pa và cho biết cảm nhận của em về di sản đó?
Lời giải:
(*) Giới thiệu: Tháp Bà Po Nagar (Khánh Hòa)
Tọa lạc trên ngọn đồi Cù Lao bên cửa sông Cái, thuộc phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; tháp Bà Ponagar là một trong những quần thể kiến trúc đền, tháp độc đáo, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử về văn hóa, kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng của người Chăm-pa cổ, có quy mô vào loại lớn nhất còn lại ở miền Trung Việt Nam, đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1979.
1 - Tên gọi và lịch sử hình thành
Tháp Bà Ponagar còn có tên gọi khác là Yang Po Inư Nagar hay Yang Pô Ana Gar (Theo tiếng Chăm, “Yang” là Thần, “Po” là tôn kính, “Inư” là Mẫu, Mẹ; “Nagar” là xứ sở, đất nước”). Nơi đây xưa kia là trung tâm tôn giáo, đền thờ Nữ thần Ponagar - Bà Mẹ xứ sở của Vương quốc Chăm-pa, hiện nay Tháp Po Nagar là nơi thờ tự Thánh Mẫu Thiên Y A Na.
Tên gọi tháp Ponagar được dùng để chỉ chung cả quần thể di tích này, nhưng thực ra là tên gọi của ngọn tháp cao nhất đang thờ tượng Nữ thần Ponagar, biểu tượng linh thiêng nhất được người Chăm tôn thờ ở vị trí tối cao. Theo truyền thuyết, Bà được xem là vị Thần khai sinh ra Vương quốc Chăm-pa, khai sáng các ngành nghề và cũng là vị Thần tạo dựng nên sự sống, dạy dỗ con dân lao động mưu sinh trong cuộc sống. Các vua Chăm tôn vinh Bà là “Bà Đại Phúc”, “Người bảo hộ tối cao của vương quyền”. Đối với người Chăm, việc thờ phụng Nữ thần đã có từ lâu và tồn tại liên tục trong nhiều thế kỷ.
Các tài liệu nghiên cứu cho thấy, quần thể di tích tháp Bà Po Nagar được xây dựng từ khoảng thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII, dưới triều đại Panduranga - thời kỳ Hindu giáo (Ấn Độ giáo) đang phát triển rực rỡ tại Vương quốc Chăm-pa. Vào thời điểm đó, Ponagar đang là Thánh địa của miền Nam Chăm-pa.
2 - Nét chính về quần thể kiến trúc
Theo những kết quả khai quật khảo cổ học của Trường Viễn Đông Bác Cổ vào đầu thế kỷ XIX, quần thể di tích tháp Bà Po Nagar có tất cả 10 công trình kiến trúc, tuy nhiên, ngày nay chỉ còn tồn tại 5 kiến trúc được phân bố trên 3 mặt bằng (3 tầng) từ dưới lên trên gồm: Tầng thấp (Tháp cổng), tầng giữa (Khu tiền đình - Mandapa) và tầng trên cùng (Khu đền tháp).
+ Ở tầng thấp, ngang mặt đất là ngôi Tháp cổng do bị tàn phá bởi chiến tranh nên hiện chỉ còn lại một số dấu tích.
+ Ở tầng giữa là khu tiền đình gây ấn tượng với những hàng cột gạch “khổng lồ” hình bát giác còn lại khá nguyên vẹn. Theo cấu trúc xây dựng này, các nhà nghiên cứu nhận định đây vốn là một tòa nhà rộng lớn có mái che, là nơi để các tín đồ chuẩn bị lễ vật và các nghi thức trước khi dâng cúng.
+ Tầng trên cùng là khu đền tháp với quy mô bề thế của tháp chính (tháp Đông Bắc), sự thanh thoát của tháp Nam, vẻ trữ tình của tháp Tây Bắc và chất mộc mạc của tháp Đông Nam… Các tháp đều được xây dựng một kiểu theo bình đồ hình vuông và các cửa tháp chính đều quay về hướng Đông (hướng của các vị Thần linh). Ba cửa ở ba hướng Tây, Nam và Bắc chỉ là những ô cửa giả. Mặt ngoài thân tháp có nhiều gờ, trụ, đấu. Trên đỉnh các trụ, thường đặt gạch trang trí hoa văn hình vòm tháp, trông như chiếc tháp nhỏ đặt lên một tháp lớn.
3 – Nghệ thuật xây dựng và chạm khắc
Nhiều nghiên cứu nhận định, quần thể tháp được xây dựng bằng chất liệu gạch nung, được chế tạo theo công nghệ riêng biệt, có độ xốp lớn, độ dẻo dai cao; hoa văn được chạm khắc tỉ mỉ, gọt đẽo trực tiếp trên mặt khối xây của tháp. Có lẽ, chính thành tựu này đã làm cho tháp Bà Ponagar trở thành một di tích mỹ thuật hiếm có. Hoàn toàn có lý khi H. Parmentier nhận xét: “người Chăm chạm gạch như chạm gỗ, đẽo đá như đẽo gỗ”. Tài liệu cổ Trung Hoa cũng từng ca ngợi người Chăm là “bậc thầy của nghệ thuật xây gạch”.
Điểm đặc biệt ở đây là những ngôi tháp gạch được xây khít mạch nhưng không nhìn thấy chất kết dính, không bị rêu phong, vẫn giữ được màu đỏ tươi theo năm tháng. Chính kỹ thuật xây tháp bằng gạch với những ngọn tháp có tuổi thọ cả nghìn năm, đã trở thành một loại hình kiến trúc độc nhất vô nhị trên thế giới. Dù đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về chất kết dính các viên gạch được sử dụng trong quá trình xây dựng tháp nhưng bí ẩn này cho đến nay vẫn chưa được giải mã. Do đó, nơi đây còn là một điểm đến của nhiều nhà khoa học trong công cuộc tìm kiếm lời giải đáp cho những ẩn số về một thời huy hoàng của nền văn hóa Chăm-pa cổ.
(*) Nêu cảm xúc của bản thân: Trải qua bao thăng trầm cùng thời gian, sự tàn phá của thiên tai và chiến tranh, quần thể công trình tháp Bà Ponagar vẫn sừng sững tồn tại như một minh chứng cho trí tuệ, tài năng và sự sáng tạo của người Chăm, là dấu ấn sâu sắc cho sự tồn tại của một nền văn minh cổ trên mảnh đất miền Trung đầy nắng gió này.
Xem thêm lời giải bài tập Lịch sử 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Câu hỏi trang 95 Lịch Sử 10: Nêu ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ đến văn minh Chăm-pa...
Câu hỏi trang 96 Lịch Sử 10: Nêu mô hình tổ chức bộ máy Nhà nước Chăm-pa cổ đại...
Câu hỏi trang 96 Lịch Sử 10: Nêu thành tựu về chữ viết của văn minh Chăm-pa...
Câu hỏi trang 97 Lịch Sử 10: Nêu những nét chính về đời sồng vật chất của cư dân Chăm-pa...
Câu hỏi 1 trang 98 Lịch Sử 10: Hãy nêu một số thành tựu tiêu biểu của văn minh Chăm-pa...
Luyện tập trang 99 Lịch Sử 10: Lập bảng thống kê các thành tựu tiêu biểu của văn minh Chăm-pa...