Giải Lịch sử 10 (Chân trời sáng tạo) Bài 19: Các dân tộc trên đất nước Việt Nam

Hoidap.vietjack.com trân trọng giới thiệu: lời giải bài tập Lịch sử lớp 10 Bài 19: Các dân tộc trên đất nước Việt Nam sách Chân trời sáng tạo hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Lịch sử 10 Bài 19. Mời các bạn đón xem:

564
  Tải tài liệu

Giải bài tập Lịch Sử lớp 10 Bài 19: Các dân tộc trên đất nước Việt Nam

I. Thành phần các dân tộc trên đất nước Việt Nam

Câu hỏi trang 119 Lịch Sử 10Em có nhận xét gì về thành phần dân tộc theo dân số ở Việt Nam?

Lời giải:

Nhận xét:

- Dân tộc Kinh (còn gọi là dân tộc Việt) có số lượng đông nhất (chiếm 85,3% tổng dân số cả nước).

- Các dân tộc còn lại chiếm 14,7% dân số, gồm:

+ Các dân tộc có dân số trên dưới một triệu người: tày, Thái, Mường, H’Mông, Khmer, Nùng, Dao, Hoa.

+ Các dân tộc có dân số vài trăm nghìn người: Gia-rai, Ê-đê, Ba-na, Xơ-đăng, Sán Chay, Xtiêng…

+ Các dân tộc có dân số dưới một trăm nghìn người: Thổ, Khơ-mú, Bru-Vân Kiều, Cơ-tu, Giáy, Giẻ-triêng,…

+ Các dâm tộc có dân số dưới mười nghìn người: Pà thẻn, Chứt, Lự, Lô Lô, Cống, Ngái,…

+ Các dân tộc có dân số vài trăm người: Si La, Pu péo, Rơ - măm, brâu, Ơ - đu.

Câu hỏi 1 trang 120 Lịch Sử 10Em hãy xác định địa bàn phân bố chủ yếu của các dân tộc theo ngữ hệ trên lược đồ Việt Nam?

Lời giải:

Các dân tộc theo ngữ hệ phân bố vừa tập trung vừa xen kẽ lẫn nhau, trong đó:

+ Các dân tộc theo nhóm ngôn ngữ Việt – Mường (thuộc ngữ hệ Nam Á) phân bố chủ yếu ở khu vực: Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ; Duyên hải Nam Trung Bộ; Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

+ Các dân tộc theo nhóm ngôn ngữ Môn – Khơme (thuộc ngữ hệ Nam Á): phân bố chủ yếu ở khu vực: Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

+ Các dân tộc theo ngữ hệ Mông – Dao phân bố chủ yếu ở khu vực: Tây Bắc Bộ và Đông Bắc Bộ

+ Các dân tộc theo nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (thuộc ngữ hệ Thái – Kađai): phân bố chủ yếu ở khu vực: Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ

+ Các dân tộc theo nhóm ngôn ngữ Kađai (thuộc ngữ hệ Thái – Kađai): phân bố chủ yếu ở khu vực: Đông Bắc Bộ.

+ Các dân tộc theo ngữ hệ Nam Đảo phân bố chủ yếu ở khu vực: Tây Nguyên

+ Các dân tộc theo nhóm ngôn ngữ Hán (thuộc ngữ hệ Hán – Tạng): phân bố chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ

+ Các dân tộc theo nhóm ngôn ngữ Tạng (thuộc ngữ hệ Hán – Tạng): phân bố chủ yếu ở khu vực Tây Bắc Bộ và Đông Bắc bộ.

Câu hỏi 2 trang 120 Lịch Sử 10Dựa vào hình 19.3, em hãy nêu nhận xét về số lượng các dân tộc theo ngữ hệ?

Giải Lịch Sử 10 Bài 19: Các dân tộc trên đất nước Việt Nam (ảnh 1)

Lời giải:  

- Nhận xét:

+ Số lượng các dân tộc theo ngữ hệ Nam Á đông nhất (khoảng 23 dân tộc)

+ Số lượng các dân tộc theo ngữ hệ H’mông - Dao ít nhất (3 dân tộc).

II. Đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam

Câu hỏi trang 123 Lịch Sử 10Trình bày những nội dung cơ bản về đời sống vật chất của cộng đồng các dân tộc Việt Nam (hoạt động sản xuất, ẩm thực, trang phục, nhà ở, phương tiện đi lại)?

Lời giải:

a. Hoạt động sản xuất

- Do địa bàn cư trú trải rộng trên nhiều địa hình khác nhau, có điều kiện tự nhiên khác biệt nên tập quán sản xuất của các dân tộc không hoàn toàn giống nhau.

- Một số dân tộc canh tác trên ruộng nước (ở vùng đồng bằng hoặc ở các thung lũng), số khác canh tác trên ruộng khô, nương rẫy hoặc kết hợp giữa ruộng nước và nương rẫy (ở miền núi, vùng cao).

- Hầu hết các dân tộc ở Việt Nam đều kết hợp trồng trọt với chăn nuôi gia súc, gia cầm.

- Ngoài ra, họ còn sản xuất thủ công nghiệp (dệt vải, đan lát, làm đồ gồm, làm đồ trang sức, làm nghề rèn, làm đồ gỗ,…) và buôn bán, trao đổi hàng hóa. Một số dân tộc có ngành nghề thủ công rất phát triển, tạo ra những sản phẩm độc đáo, mang bản sắc dân tộc đậm nét.

b. Ẩm thực, trang phục và nhà ở

- Ẩm thực:                          

+ Lương thực chính của các dân tộc là lúa, ngô.

+ Phần đông các dân tộc ăn cơm nấu từ gạo tẻ, gạo nếp kết hợp với các món được chế biến từ các loại thịt (trâu, bò, lợn, gà, vịt,.), cá, ếch, nhái, mắm, rau, măng, củ...

+ Thức uống có rượu cần, rượu trắng cất từ gạo, nếp, ngô, sắn.

+ Một số dân tộc có những món ăn hoặc thức uống đặc trưng, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống.

- Trang phục: mỗi dân tộc có những nét riêng, phản ánh điều kiện sống cũng như tập quán và óc thẩm mĩ của các cộng đồng dân cư.

+ Nữ: váy hoặc quần, yếm, dây lưng, áo dài, áo chui đầu, choàng hoặc cài khuy, khăn, mũ (nón).

+ Nam: quần, khố, xà rông, áo ngắn, áo dài, khăn (một số dân tộc ở Trường Sơn – Tây Nguyên và Nam Trung Bộ hay đóng khố, cởi trần, khi trời lạnh thì choàng thêm tấm vải)

+ Đồ trang sức: nhẫn, khuyên tai, vòng cổ, vòng đeo tay, vòng đeo chân, dây chuyền làm bằng vàng, bạc, đồng, răng thú,…

+ Ngày nay, ngoài trang phục truyền thống, đồng bào các dân tộc thiểu số có xu hướng sử dụng trang phục giống như người Kinh.

- Nhà ở:

+ Đa dạng về loại hình: nhà sàn, nhà nền đất, nhà nửa sàn nửa đất, nhà trình tường.

+ Vật liệu làm nhà là gỗ, đá, gạch, ngói, tre nứa, tranh, đất sét…

+ Nhà ở của người Kinh, Hoa, Chăm là nhà trệt (làm trên nền đất bằng).

+ Nhà của nhiều dân tộc ở Trường Sơn – Tây Nguyên, Tây Bắc,… thường là nhà sàn. Một số dân tộc có những ngôi nhà được xây cất làm nơi sinh hoạt chung cho buôn làng, với nét kiến trúc độc đáo như nhà rông của người Ba-na, Xơ-đăng, Giẻ-Triêng ở Tây Nguyên.

c. Phương tiện đi lại và vận chuyển

- Phương tiện đi lại và vận chuyển truyền thống của đồng bào các dân tộc ở đồng băng và miền núi là voi, ngựa, xe trâu, xe bò, quang gánh, gùi,…

- Ở vùng có nhiều sông ngòi, các dân tộc sử dụng đò, ghe và thuyền.

- Ngày nay, việc sử dụng phương tiện cơ giới (xe đạp, xe gắn máy, ô tô, tàu hoả... ) đã phổ biến trong cộng đồng các dân tộc.

Câu hỏi 1 trang 125 Lịch Sử 10Điều kiện tự nhiên nơi cư trú ảnh hưởng đến đời sống vật chất của các dân tộc như thế nào?

Lời giải:

- Điều kiện tự nhiên tác động đến việc lựa chọn phương hướng phát triển kinh tế; phương thức canh tác, giống cây trồng, vật nuôi… ví dụ:

+ Ở các khu vực đồng bằng, có điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nông nghiệp trồng lúa nước; các ngành kinh tế thủ công nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp đều phát triển.

+ Ở các khu vực miền núi cao, hoạt động kinh tế chủ yếu là nông nghiệp với phương thức sản xuất là: làm nương rẫy, làm ruộng bậc thang…

- Xuất phát từ điều kiện tự nhiên, tập quán sản xuất nên cách ăn, mặc, làm nhà ở của các dân tộc ở Việt Nam cũng rất đa dạng, phong phú.

Câu hỏi 2 trang 125 Lịch Sử 10Em hãy nhận xét vai trò, vị trí của kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp trong đời sống của cộng đồng các dân tộc ở Việt nam?

Lời giải:

- Nhận xét về kinh tế nông nghiệp:

+ Hoạt động sản xuất nông nghiệp chủ yếu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam là trồng trọt, chăn nuôi nhưng có sự khác nhau về hình thức canh tác giữa đồng bằng và miền núi.

+ Lúa gạo là nguồn lương thực chính, đáp ứng nhu cầu trong nước và là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng.

 - Nhận xét về kinh tế thủ công nghiệp:

+ Nhiều nghề thủ công truyền thống được duy trì và phát triển, mang dấu ấn riêng của từng tộc người.

+ Sản phẩm thủ công rất đa dạng và tinh xảo, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước mà còn xuất khẩu.

Câu hỏi 3 trang 125 Lịch Sử 10Em hãy nêu những nét đặc trưng về trang phục truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam?

Lời giải:

- Trang phục mỗi dân tộc có những nét riêng, phản ánh điều kiện sống cũng như tập quán và óc thẩm mĩ của các cộng đồng dân cư.

- Nhìn chung, trang phục của các dân tộc rất đa dạng về kiểu dáng, màu sắc cũng như hình thức và hoa văn trang trí.

+ Các dân tộc ở Tây Bắc thường chú trọng các họa tiết đa sắc với kĩ thuật thêu công phu, như người H’mông sử dụng chủ đạo bốn màu xanh, đỏ, tím, vàng tạo nên các hình họa tiết nhiều màu.

+ Người Mường tạo điểm nhấn ở cạp váy với các đường nét hoa văn rực rỡ,.

+ Màu sắc, chất liệu và hoa văn trên trang phục của các dân tộc ít người ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thường đơn giản, phù hợp với môi trường và cuộc sống vùng sông nước.

- Ngày nay, ngoài trang phục truyền thống, đồng bào các dân tộc thiểu số có xu hướng sử dụng trang phục giống như người Kinh.

Luyện tập và Vận dụng (trang 126)

Luyện tập 1 trang 126 Lịch Sử 10Trình bày những nét đặc trưng trong đời sống vật chất, đời sống tinh thần của các dân tộc?

Lời giải:

Yêu cầu số 1: Những nét đặc trưng trong đời sống vật chất của các dân tộc

a. Hoạt động sản xuất

- Do địa bàn cư trú trải rộng trên nhiều địa hình khác nhau, có điều kiện tự nhiên khác biệt nên tập quán sản xuất của các dân tộc không hoàn toàn giống nhau.

- Hầu hết các dân tộc ở Việt Nam đều kết hợp trồng trọt với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài ra, họ còn sản xuất thủ công nghiệp và buôn bán, trao đổi hàng hóa.

b. Ẩm thực, trang phục và nhà ở

- Ẩm thực:                          

+ Phần đông các dân tộc ăn cơm nấu từ gạo tẻ, gạo nếp kết hợp với các món được chế biến từ các loại thịt, cá, ếch, nhái, mắm, rau, măng, củ... Thức uống có rượu cần, rượu trắng cất từ gạo, nếp, ngô, sắn.

+ Một số dân tộc có những món ăn hoặc thức uống đặc trưng, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống.

- Trang phục: mỗi dân tộc có những nét riêng, phản ánh điều kiện sống cũng như tập quán và óc thẩm mĩ của các cộng đồng dân cư.

- Nhà ở: Đa dạng về loại hình và vật liệu làm nhà.

c. Phương tiện đi lại và vận chuyển

- Phương tiện đi lại và vận chuyển truyền thống của đồng bào các dân tộc ở đồng băng và miền núi là voi, ngựa, xe trâu, xe bò, quang gánh, gùi,…

- Ngày nay, việc sử dụng phương tiện cơ giới đã phổ biến.

Yêu cầu số 2: Nét chính về đời sống tinh thần của các dân tộc Việt Nam

a. Tín ngưỡng, tôn giáo

- Phát triển các tín ngưỡng dân gian (thờ cúng tổ tiên; phồn thực; sùng bái tự nhiên).

- Một bộ phận trong cộng đồng các dân tộc theo các tôn giáo lớn như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo..

b. Phong tục, tập quán, lễ hội

- Phong tục, tập quán

+ Mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán gắn liền với đời người hoặc liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.

+ Các phong tục, tập quán đã góp phần tạo nên nét đặc trưng của mỗi dân tộc.

- Lễ hội

+ Có một vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của các dân tộc.

+ Lễ hội thường gắn với sản xuất nông nghiệp hoặc gắn với tín ngưỡng, tôn giáo.

- Trong các lĩnh vực khác của đời sống văn hoá tinh thần như âm nhạc, văn học dân ca, các điệu múa, trò chơi dân gian,... mỗi dân tộc đều có những nét đặc sắc.

Luyện tập 2 trang 126 Lịch Sử 10Sự đa dạng trong đời sống tinh thần của các dân tộc ở Việt Nam thể hiện như thế nào?

Lời giải:

Sự đa dạng trong đời sống tinh thần của các dân tộc ở Việt Nam

a. Tín ngưỡng, tôn giáo

- Tín ngưỡng truyền thống của các dân tộc ở Việt Nam là tín ngưỡng dân gian (thờ cúng cúng tổ tiên; phồn thực; sùng bái tự nhiên).

- Một bộ phận trong cộng đồng các dân tộc theo các tôn giáo lớn như Phật giáo (chủ yếu là người Việt, Hoa và Khmer), Công giáo, Tin lành (người Việt, một số dân tộc ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc), Hồi giao (chủ yếu là người Chăm).

b. Phong tục, tập quán, lễ hội

- Phong tục, tập quán:

+ Mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán gắn liền với đời người như sinh đẻ, cưới hỏi, làm nhà, ma chay hoặc liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.

- Các phong tục, tập quán đã góp phần tạo nên nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc.

- Lễ hội

+ Có một vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của các dân tộc.

+ Lễ hội thường gắn với sản xuất nông nghiệp hoặc gắn với tín ngưỡng, tôn giáo.

- Trong các lĩnh vực khác của đời sống văn hoá tinh thần như âm nhạc, văn học dân ca, các điệu múa, trò chơi dân gian,... mỗi dân tộc đều có những nét đặc sắc, góp phần làm giàu kho tàng văn hoá Việt Nam.

=> Đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam chứa đựng nhiều giá trị văn hóa rất đặc sắc. Những giá trị văn hoá này cần được mỗi công dân chung tay gìn giữ, phát huy và lưu truyền cho các thế hệ tương lai.

Vận dụng 1 trang 126 Lịch Sử 10: Sưu tầm tư liệu và trình bày về trang phục, phong tục, tập quán của một dân tộc (Tự chọn).

Lời giải:

(*) Giới thiệu về: trang phục, phong tục, tập quán của dân tộc Ê-đê

a. Trang phục của người Ê-đê: Trang phục truyền thống của người Ê -đê màu chàm, có điểm những hoa văn sặc sỡ. Phụ nữ mặc áo, váy dài, đàn ông đóng khố, mặc áo. Đông bào Ê-đê dùng trang sức bằng bạc, đồng, hạt cườm…..

Trang phục truyền thống của nữ giới:

+ Chiếc váy cổ truyền của người phụ nữ Êđê gọi là m’yêng. Đó là loại váy mở, màu đen đậm, quấn quanh thân, khi mặc váy phủ kín đến mắt cá chân. Chạy dọc phía dưới chân váy là những hoa văn hình hạt thóc, hạt bắp và đường lưỡng hà… với màu đỏ, kết hợp với màu vàng, màu trắng trông rực rỡ nhưng kín đáo. Căn cứ vào chất lượng vải và hoa văn trên váy, người Êđê có nhiều tên gọi khác nhau cho từng loại váy: m’yêng đêch, m’yêng drai, m’yêng kdru êch piek, m’yêng mut; trong đó m’yêng đếch là quý hơn cả (trước đây trị giá từ hai đến ba con trâu). Đó là những chiếc váy đẹp mà phụ nữ Êđê thường mặc trong những dịp lễ lớn của cộng đồng.

+ Áo chui đầu truyền thống của phụ nữ Êđê (còn gọi là ao đêch) được thêu dệt các đường hoa văn ngang dọc ở vai, nách, cổ tay và phần gấu áo (các hoa văn này cũng giống như hoa văn ở váy). Đặc biệt ở áo chui đầu được thêu màu đỏ pha màu vàng, màu trắng làm nổi bật trên nền đen của thân áo. Có loại áo cổ vuông thấp bằng vai, đây là áo kín tà, hai vạt trước và sau bằng nhau. Có loại áo mở ở hai vai được đơm một hàng cúc bấm bằng đồng lấp lánh, có những tua chỉ màu đính vào vai áo, trông rất duyên dáng.

+ Phụ nữ Êđê thường búi tóc ở đằng sau gáy, cài trâm bằng đồng hoặc ngà voi. Trâm có loại thẳng, có loại hình chữ U. Phụ nữ Êđê có hai kiểu chít khăn: kiểu chít khăn ra đằng sau gáy, kiểu chít khăn ra trước trán vận chéo hình chữ nhân. Các bà, các chị thường đeo vòng bạc hoặc chuỗi hạt trong những dịp lễ hội của cộng đồng, tạo nét đẹp duyên dáng, kín đáo.

Trang phục truyền thống của nam giới:

+ Đàn ông Êđê thường có tập quán mang khố (k’pin). Khố màu đen được dệt bằng sợi bông xe săn. Trên mặt khố có nhiều đường hoa văn chạy dọc theo hai bên mép vải, ở hai đầu khố có tua dài khoảng 25 cm. Người Êđê căn cứ vào dải hoa văn trên khố mà đặt tên cho từng loại khố: khố ktek, khố drai, khố bông, khố mlang; trong đó trị giá nhất là khố ktek, khố drai (xưa kia mỗi cái trị giá từ hai đến ba con trâu).

Áo của đàn ông Êđê là áo dài tay, chui đầu, cổ áo hình chữ V. Đây là loại áo lửng che kín mông, buông dài đến điểm giữa đùi và đầu gối, thân sau dài hơn thân trước. Áo cánh của đàn ông Êđê thường mặc trong các dịp lễ hội được trang trí cầu kỳ hơn. Loại áo này giữa ngực được mở ra một khoảng dài từ 10-15cm, có đính hàng khuy đồng, khuyết khuy áo được bện bằng chỉ đỏ. Hai mảng ngực áo được trang trí bằng hai mảng hoa văn màu đỏ rực hình cánh chim đại bàng, tượng trưng cho khí phách và khát vọng chinh phục thiên nhiên của người Êđê. Gấu áo được viền chỉ màu đính cườm trắng và tua chỉ màu đỏ dài khoảng 15 cm. Áo này có tên gọi là ao đêch kwich gru, thường được mặc trong dịp lễ hội, cưới hỏi, mừng nhà mới… Mùa lạnh, đàn ông Êđê thường khoác thêm chiếc mền (a băn) dệt bằng sợi bông, màu nâu chàm, có trang trí hoa văn ở hai đầu (giống hoa văn ở khố). Khi ra khỏi nhà, dự lễ hội, hay đi  thăm bà con ở buôn xa, họ thường đeo gùi, ngậm tẩu, đó cũng là cách làm nổi bật bộ trang phục cổ truyền.    

+ Đàn ông Êđê thường đeo vòng đồng hoặc vòng bạc ở cổ tay, khi có lễ hội của cộng đồng. Người cao tuổi của những gia đình khá giả thường đeo chuỗi hạt ở cổ và ngà voi ở tai, thể hiện vẻ đẹp quyền quý.

b. Phong tục tập quán của người Ê-đê

- Về quan hệ xã hội: gia đình Ê-đê là gia đình mẫu hệ, hôn nhân cư trú phía nhà vợ, con mang họ mẹ, con gái út là người thừa kế. 

- Về phong tục cưới xin: Người phụ nữ chủ động trong việc hôn nhân, nhờ mai mối hỏi chồng và cưới chồng về ở rể.

- Về phong tục ma chay: Vì quan niệm thế giới bên kia là sự tái hiện thế giới bên này nên người chết được chia tài sản đặt ở nhà mồ. Khi dựng nhà mồ, lễ bỏ mả được tổ chức linh đình

- Về Lễ Tết: Người Ê-đê ăn tết vào tháng chạp (tháng 12 lịch âm) khi mùa màng đã thu hoạch xong (không vào một ngày nhất định, tuỳ theo từng buôn). Sau tế ăn mừng cơm mới (hmạ ngắt) rồi mới đến tết (mnăm thun) ăn mừng vụ mùa bội thu. 

- Về nghệ thuật biểu diễn:

+ Nền âm nhạc Ê-đê nổi tiếng ở bộ cồng chiêng gồm 6 chiêng bằng, 3 chiêng núm, một chiêng giữ nhịp và một trống cái mặt da. Không có một lễ hội nào, một sinh hoạt văn hoá nào của cộng đồng lại có thể vắng mặt tiếng cồng chiêng.

+ Bên cạnh cồng chiêng là các loại nhạc cụ bằng tre nứa, vỏ bầu khô như các dân tộc khác ở Trường Sơn, Tây Nguyên, nhưng với ít nhiều kỹ thuật riêng mang tính độc đáo.

Trò chơi: Trẻ em thường thích chơi cù quay, thả diều vằng có sáo trúc. Trò chơi đi cà kheo trên cao nguyên cũng lôi cuốn không ít thiếu niên Ê-đê ở nhiều nơi. Trò bịt mắt dê, ném lao (ném xa và ném trúng mục tiêu cũng được nhiều trẻ em Ê-đê ưa thích

Vận dụng 2 trang 126 Lịch Sử 10: Hãy trình bày hiểu biết của em về các dân tộc cư trú tại địa phương (nếu có), hoặc kể lại một trải nghiệm qua một chuyến du lịch đến các địa phương có các dân tộc cư trú (ví dụ: học sinh có thể nói về phong tục, tập quán, lễ hội, ẩm thực, ca múa,… của các dân tộc.)

Lời giải:

(*) Giới thiệu: nghi lễ Then của dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam

- Then, một thực hành nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ.

- Các lễ Then diễn tả hành trình Thầy Then (Ông Then, Bà Then) điều khiển đoàn âm binh đi từ Mường Đất lên Mường Trời để dâng lễ vật và thỉnh cầu trong lễ: cầu an, chữa bệnh, cầu mùa, chúc mừng năm mới, v.v. Khi các Thầy Then cất tiếng hát, gảy tính tẩu là khởi đầu cuộc hành trình. Tùy theo mục đích của việc cầu cúng mà Thầy Then sẽ bày mâm cúng và cầu khấn trước bàn thờ Then những vị thần bản địa khác nhau.

- Thầy Then thường sử dụng các đồ vật như: kiếm trừ tà, thanh âm dương, chuông... để thực hiện lễ Then tại nhà tín chủ, ở ngoài trời hoặc tại bàn thờ Then ở nhà của Thầy Then. Thầy Then mặc lễ phục và vừa hát tiếng dân tộc mình vừa gảy tính tẩu, xóc chùm xóc nhạc, phất quạt; có buổi lễ còn có tốp nữ múa phụ họa.

- Then luôn luôn được trao truyền bằng truyền khẩu khi thực hành nghi lễ Then, thể hiện sự kế tục giữa các thế hệ, và các thầy Then đóng vai trò chính yếu trong việc chuyển giao các kỹ năng và bí quyết liên quan, một số thầy Then thực hiện khoảng 200 nghi lễ Then một năm.

- Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng Đông Bắc (Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang), vùng Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai) và một số địa phương khác ở Việt Nam.

- Đến tháng 12/2019, Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bài viết liên quan

564
  Tải tài liệu