Giải Sách bài tập Sinh học 10 trang 46 Chân trời sáng tạo

Với giải Sách bài tập Sinh học 10 trang 46 trong Bài 14: Thực hành: Một số thí nghiệm về enzyme Sinh học lớp 10 Chân trời sáng tạo hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời các câu hỏi & làm bài tập trong sách bài tập Sinh học 10 trang 46.

164


Giải Sách bài tập Sinh học 10 trang 46 Chân trời sáng tạo

Bài 14.8 trang 46 sách bài tập Sinh học 10: Một bạn học sinh đã tiến hành thí nghiệm kiểm tra hoạt tính thủy phân maltose của enzyme maltase trong những điều kiện khác nhau như sau:

- Lấy bốn ống nghiệm và đánh số thứ tự từ 1 đến 4.

- Cho vào mỗi ống nghiệm dung dịch maltose và enzyme maltase.

- Xử lí các ống nghiệm trong các điều kiện khác nhau:

+ Ống 1: Bổ sung vài giọt HCl.

+ Ống 2: Bổ sung vài giọt NaOH.

+ Ống 3: Để ở nhiệt độ 37 – 40oC.

+ Ống 4: Bổ sung muối arsenate hoặc muối thủy ngân.

a) Em hãy dự đoán trong ống nghiệm nào đường maltose sẽ bị thủy phân. Giải thích.

b) Bằng cách nào để nhận biết phản ứng có xảy ra?

Lời giải:

a) Trong ống nghiệm 2 và 3, đường maltose bị thủy phân do enzyme maltase hoạt động phân giải cơ chất ở điều kiện pH = 7 và nhiệt độ 37 – 40oC. Ống 1 có môi trường acid nên enzyme không hoạt động; còn ở ống 4, arsen là kim loại nặng sẽ ức chế hoạt động của enzyme.

b) Nhận biết sản phẩm tạo thành bằng cách cho vào ống nghiệm dung dịch Fehling rồi đun trên ngọn lửa đèn cồn. Nếu có kết tủa đỏ gạch thì chứng tỏ có maltose đã bị thủy phân thành glucose.

Bài 14.9 trang 46 sách bài tập Sinh học 10: Người ta tiến hành thí nghiệm như sau:

- Lấy ba ống nghiệm đánh số từ 1 đến 3, cho vào mỗi ống nghiệm 2 mL dung dịch tinh bột 1%. Đặt ống 1 vào tủ ấm 40oC; ống 2 đặt vào trong nước đá; ống 3 nhỏ vào 1 mL dung dịch HCl 5%. Sau 5 phút, cho vào mỗi ống 5 mL dung dịch amylase nước bọt pha loãng và để ở nhiệt độ phòng trong thời gian 5 phút.

- Tiếp tục lấy hai ống đánh số 4, 5; mỗi ống đều cho 1 mL amylase nước bọt pha loãng. Ống 4 cho thêm 1 mL NaCl 1 %, ống 5 cho thêm 1 mL CuSO4 1%, lắc đều hai ống trong 10 phút. Sau đó bổ sung 1 mL dung dịch tinh bột 0,5% vào mỗi ống, lắc đều rồi để yên 5 phút.

- Nhỏ một giọt dung dịch iodine 0,3% vào mỗi ống nghiệm,

Những ống nào cho màu xanh tím? Giải thích.

Lời giải:

- Những ống nghiệm cho màu xanh tím: 2, 3, 5. 

- Hiện tượng xảy ra:

+ Ống 1: Ở 40oC là nhiệt độ tối ưu cho enzyme hoạt động → hoạt tính amylase gần như tối đa, tinh bột bị phân giải bởi thành maltose và glucose → không có màu xanh tím khi cho iodine. 

+ Ống 2: Nhiệt độ thấp làm hoạt tính amylase giảm mạnh nhưng không mất hẳn, do đó một lượng nhỏ tinh bột bị phân giải bởi enzyme, khi cho dung dịch iodine vào sẽ bắt màu xanh tím nhưng nhạt.

+ Ống 3: Điều kiện pH thấp làm amylase mất hoạt tính, do đó tinh bột không bị phân giải bởi enzyme → khi cho dung dịch iodine vào sẽ có màu xanh tím.

+ Ống 4: Có NaCl là muối của kim loại kiềm nên đã hoạt hóa hoạt tính amylase → tăng cường phân giải tinh bột → không có phản ứng màu đặc trưng với iodine → không có màu xanh tím. 

+ Ống 5: Bổ sung CuSO4 là muối của kim loại nặng, kìm hãm hoạt tính amylase → enzyme không phân giải tinh bột → có màu xanh tím với iodine.

Bài 14.10 trang 46 sách bài tập Sinh học 10: Cho một lượng hồ tinh bột như nhau vào các ống nghiệm, đánh dấu A1, A2, B1, B2, C1, C2 sau đó cho thêm vào các ống một lượng nước bọt như nhau. Ở hai ống A: không cho thêm gì; ở hai ống B: đun nóng; ở hai ống C: cho thêm HCl. Tiếp theo, cho vào các ống số 1 dung dịch iodine, cho vào các ống số 2 thuốc thử strome (NaOH 10 % + CuSO4 2 %). Hãy dự đoán kết quả thí nghiệm và giải thích.

Lời giải:

- Ống A1: Không xuất hiện phức xanh tím do amylase trong nước bọt đã phân giải tinh bột. 

- Ống A2: Xuất hiện phức màu đỏ nâu do amylase phân giải tinh bột thành maltose, loại đường này có tính khử nên phản ứng với thuốc thử strome làm xuất hiện Cu2O. - Ống B1: Xuất hiện phức xanh tím do nhiệt độ làm biến tính enzyme amylase → tinh bột phản ứng với dung dịch iodine.

- Ống B2: Không xuất hiện phức màu đỏ nâu do enzyme amylase bị biến tính nên tinh bột không bị phân giải thành maltose, tinh bột không phản ứng với strome.

- Ống C1: Xuất hiện phức xanh tím do môi trường acid đã bất hoạt enzyme amylase → tinh bột phản ứng với dung dịch iodine.

- Ống C2: Không xuất hiện phức màu đỏ nâu do enzyme amylase bị bất hoạt nên tinh bột không bị phân giải thành maltose, tinh bột không phản ứng với strome.

Bài viết liên quan

164