Sách bài tập Sinh học 10 Chân trời sáng tạo Bài 24: Quá trình tổng hợp và phân giải ở vi sinh vật

Với giải sách bài tập Sinh học 10 Bài 24: Quá trình tổng hợp và phân giải ở vi sinh vật sách Chân trời sáng tạo hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Sinh học 10 Bài 24.

1098
  Tải tài liệu

Giải sách bài tập Sinh học 10 Bài 24: Quá trình tổng hợp và phân giải ở vi sinh vật - Chân trời sáng tạo

Giải Sách bài tập Sinh học 10 trang 72

Bài 24.1 trang 72 sách bài tập Sinh học 10: Vì sao vi sinh vật sinh trưởng, phát triển nhanh?

A. Do có tốc độ sinh sản nhanh.

B. Do hấp thụ chậm nhưng chuyển hóa nhanh.

C. Do quá trình hấp thụ, chuyển hóa và sinh tổng hợp diễn ra nhanh.

D. Do các quá trình hấp thụ, chuyển hóa chậm nhưng sinh tổng hợp diễn ra nhanh.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Vi sinh vật có kích thước nhỏ → Tỉ lệ S/V lớn → Quá trình hấp thụ, chuyển hóa và sinh tổng hợp diễn ra nhanh → Vi sinh vật sinh trưởng, phát triển nhanh.

Bài 24.2 trang 72 sách bài tập Sinh học 10: Quá trình nào diễn ra trong tế bào vi sinh vật với tốc độ rất nhanh?

A. Hấp thụ chất dinh dưỡng, chuyển hóa vật chất và sinh tổng hợp. 

B. Hấp thụ chất dinh dưỡng, chuyển hóa vật chất và hô hấp.

C. Hấp thụ chất dinh dưỡng và vận chuyển các chất.

D. Chuyển hóa vật chất và phân giải chất hữu cơ.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Vi sinh vật có kích thước nhỏ → Tỉ lệ S/V lớn → Quá trình hấp thụ, chuyển hóa và sinh tổng hợp diễn ra nhanh → Vi sinh vật sinh trưởng, phát triển nhanh.

Bài 24.3 trang 72 sách bài tập Sinh học 10: Đặc điểm chung của quá trình tổng hợp ở vi sinh vật là gì?

A. Sử dụng nguồn carbon vô cơ.

B. Sử dụng nguồn năng lượng hóa học.

C. Tổng hợp các chất hữu cơ từ các chất hữu cơ khác.

D. Sử dụng năng lượng và enzyme để tổng hợp các chất.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

A. Sai. Quá trình tổng hợp ở vi sinh vật có thể sử dụng nguồn carbon vô cơ hoặc nguồn carbon hữu cơ.

B. Sai. Quá trình tổng hợp ở vi sinh vật có thể sử dụng nguồn năng lượng hóa học hoặc năng lượng ánh sáng.

C. Sai. Tổng hợp các chất hữu cơ từ các chất hữu cơ khác chỉ xảy ra đối với vi sinh vật hóa dị dưỡng.

D. Đúng. Quá trình tổng hợp ở vi sinh vật sử dụng năng lượng (năng lượng ánh sáng hoặc năng lượng hóa học) và enzyme để tổng hợp các chất.

Bài 24.4 trang 72 sách bài tập Sinh học 10: Để tổng hợp được các chất hữu cơ, mọi vi sinh vật cần sử dụng nguồn nào?

A. Nguồn carbon.

B. Nguồn năng lượng và enzyme.

C. Nguồn năng lượng.

D. Nguồn carbon và ánh sáng.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Quá trình tổng hợp ở mọi vi sinh vật đều sử dụng năng lượng (năng lượng ánh sáng hoặc năng lượng hóa học) và enzyme để tổng hợp các chất.

Bài 24.5 trang 72 sách bài tập Sinh học 10: Để tổng hợp tinh bột, vi khuẩn và tảo cần hợp chất mở đầu là gì?

A. Glucose.

B. Cellulose.

C. ADP – glucose.

D. ATP – glucose.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Ở vi khuẩn và tảo, việc tổng hợp tinh bột và glycogen cần hợp chất mở đầu là ADP – glucose. Các phân tử polysaccharide được tạo ra nhờ sự liên kết các phân tử glucose bằng liên kết glycosidic.

Bài 24.6 trang 72 sách bài tập Sinh học 10: Trong quá trình tổng hợp polysaccharide, chất khởi đầu là gì?

A. Amino acid.

B. Đường glucose.

C. ADP.

D. ADP – glucose.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Trong quá trình tổng hợp polysaccharide, chất khởi đầu là ADP – glucose. Các phân tử polysaccharide được tạo ra nhờ sự liên kết các phân tử glucose bằng liên kết glycosidic.

Giải Sách bài tập Sinh học 10 trang 73

Bài 24.7 trang 73 sách bài tập Sinh học 10: Ở vi sinh vật, lipid được tổng hợp bằng cách liên kết như thế nào?

A. Glucose và acid béo.

B. Glycerol và amino acid.

C. Glucose và amino acid.

D. Glycerol và acid béo.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Vi sinh vật tổng hợp lipid bằng cách liên kết glycerol và các acid béo.

Bài 24.8 trang 73 sách bài tập Sinh học 10: Ở vi sinh vật, sự liên kết giữa glycerol và acid béo có thể tạo thành sản phẩm nào?

A. Glucose.

B. Protein.

C. Lipid.

D. Nucleic acid.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Ở vi sinh vật, sự liên kết giữa glycerol và acid béo có thể tạo thành sản phẩm là lipid.

Bài 24.9 trang 73 sách bài tập Sinh học 10: Trong quá trình sinh tổng hợp ở vi sinh vật, protein được tổng hợp bằng cách nào?

A. Kết hợp các nucleotide với nhau.

B. Kết hợp giữa các amino acid với nhau.

C. Kết hợp giữa acid béo và glycerol.

D. Kết hợp các phân tử đường đơn với nhau.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Vi sinh vật có khả năng tự tổng hợp các loại amino acid và tổng hợp các protein khi liên kết các amino acid với nhau bằng liên kết peptide.

Bài 24.10 trang 73 sách bài tập Sinh học 10: Ở vi sinh vật, protein được tổng hợp nhờ quá trình nào sau đây?

A. Tự sao DNA.

B. Phiên mã.

C. Dịch mã.

D. Hoạt hóa acid amin.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

A. Sai. Tự sao DNA là quá trình tổng hợp DNA.

B. Sai. Phiên mã là quá trình tổng hợp RNA.

C. Đúng. Dịch mã là quá trình tổng hợp protein.

D. Sai. Hoạt hóa acid amin là một giai đoạn của quá trình dịch mã.

Bài 24.11 trang 73 sách bài tập Sinh học 10: Cho các ứng dụng sau:

(1) Sản xuất sinh khối (protein đơn bào).

(2) Làm rượu, tương cà, dưa muối.

(3) Sản xuất chế phẩm sinh học (chất xúc tác, gôm,…).

(4) Sản xuất acid amin.

Những ứng dụng nào từ quá trình tổng hợp của vi sinh vật?

A. (1); (3); (4).

B. (2); (3); (4).

C. (1); (2); (4).

D. (1); (2); (3).

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

- Trong những ứng dụng trên, những ứng dụng từ quá trình tổng hợp của vi sinh vật là:

(1) Sản xuất sinh khối (protein đơn bào).

(3) Sản xuất chế phẩm sinh học (chất xúc tác, gôm,…).

(4) Sản xuất acid amin.

- (2) Làm rượu, tương cà, dưa muối là ứng dụng từ quá trình phân giải của vi sinh vật.

Bài 24.12 trang 73 sách bài tập Sinh học 10: Các đại phân tử lớn không thể đi qua màng sinh chất của vi sinh vật. Để phân giải được các chất đó, vi sinh vật sẽ thực hiện cơ chế nào?

A. Hình thành chân giả, lấy các chất đó vào cơ thể.

B. Phân giải ngoại bào.

C. Sử dụng các kênh protein đặc biệt trên màng tế bào.

D. Ẩm bào.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Vi sinh vật có khả năng sinh tổng hợp enzyme ngoại bào rồi tiết ra ngoài để phân giải các đại phân tử lớn không thể đi qua màng sinh chất của vi sinh vật. Sau khi phân giải ngoại bào tạo ra các chất đơn giản, vi sinh vật có thể hấp thụ và tiếp tục phân giải nội bào.

Giải Sách bài tập Sinh học 10 trang 74

Bài 24.13 trang 74 sách bài tập Sinh học 10: Bằng cách nào vi sinh vật có thể hấp thụ được các chất có kích thước phân tử lớn như protein, tinh bột, lipid, cellulose?

A. Chúng được vận chuyển qua kênh trên màng.

B. Chúng khếch tán trực tiếp qua màng sinh chất.

C. Các phân tử nói trên vào tế bào theo cơ chế nhập bào.

D. Chúng tiết ra các enzyme tương ứng (protease, amylase, lipase và cellulase).

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Để có thể hấp thụ được các chất có kích thước phân tử lớn như protein, tinh bột, lipid, cellulose, vi sinh vật tiết ra các enzyme ngoại bào tương ứng (protease, amylase, lipase và cellulase) tạo ra các chất đơn giản rồi mới hấp thụ và tiếp tục phân giải nội bào.

Bài 24.14 trang 74 sách bài tập Sinh học 10: Vì sao trong quá trình phân giải ở vi sinh vật, sự phân giải ngoại bào đóng vai trò quan trọng?

A. Tạo ra các chất đơn giản, vi sinh vật có thể hấp thụ và tiếp tục phân giải nội bào.

B. Tạo ra chất hữu cơ cần thiết giúp vi sinh vật phát triển.

C. Giúp tạo ra năng lượng cho vi sinh vật.

D. Tạo ra các enzyme nội bào cho vi sinh vật.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Vi sinh vật có kích thước nhỏ, không thể hấp thụ trực tiếp được các chất có kích thước phân tử lớn như protein, tinh bột, lipid, cellulose. Bởi vậy, vi sinh vật tiết ra các enzyme ngoại bào tương ứng (protease, amylase, lipase và cellulase) tạo ra các chất đơn giản rồi mới hấp thụ và tiếp tục phân giải nội bào.

Bài 24.15 trang 74 sách bài tập Sinh học 10: Tại sao khi nướng, bánh mì lại trở nên xốp?

Lời giải:

Khi nướng, bánh mì trở nên xốp là do: Khi làm bánh mì, ngoài bột mì ra thì còn có một thành phần không thể thiếu là nấm men. Đây là những vi sinh vật sinh sản nhanh và giúp chuyển hóa đường, oxygen có trong bột mì thành khí carbonic, sinh khối và vitamin. Khí carbonic trong bột sẽ giãn nở và tăng thể tích khi nướng nên làm bánh mì nở, rỗng ruột và trở nên xốp hơn. 

Bài 24.16 trang 74 sách bài tập Sinh học 10: Tại sao dưa, cà muối lại bảo quản được lâu?

Lời giải:

Dưa, cà muối bảo quản được lâu là do: Khi muối dưa, cà thì acid lactic do vi khuẩn lactic tiết ra cùng với nồng độ muối cao giúp kìm hãm sự sinh trưởng của các vi sinh vật khác, đặc biệt là vi sinh vật gây thối rau, quả.

Bài 24.17 trang 74 sách bài tập Sinh học 10: Người ta đã áp dụng hình thức lên men nào trong muối dưa, cà? Làm thế nào để muối được dưa, cà ngon?

Lời giải:

- Muối dưa, cà là hình thức lên men lactic tự nhiên do vi khuẩn lactic.

- Muốn muối dưa, cà ngon phải tạo điều kiện ngay từ đầu cho vi khuẩn lactic lấn át được vi khuẩn gây thối. Do đó, phải cho đủ lượng muối, nhưng không được quá nhiều vì sẽ ức chế ngay cả vi khuẩn lactic làm dưa không chua được.

Bài 24.18 trang 74 sách bài tập Sinh học 10: Tạo sao rượu vang hoặc rượu sâm banh (Champagne) khi đã mở nắp thì phải dùng hết?

Lời giải:

Rượu vang hoặc rượu sâm banh khi đã mở nắp thì phải dùng hết vì nếu để đến hôm sau sẽ dễ bị chua, rượu nhạt đi do bị oxi hóa thành giấm. Đây là quá trình oxi hóa hiếu khí được thực hiện bởi nhóm vi khuẩn acetic thuộc chi Acetobacter. Nếu để lâu hơn nữa thì acid acetic bị oxi hóa thành CO2 và nước làm giấm nhạt đi.

Bài 24.19 trang 74 sách bài tập Sinh học 10: Vì sao người ta có thể bảo quản thịt, cá bằng cách ướp muối?

Lời giải:

Người ta có thể bảo quản thịt, cá bằng cách ướp muối vì muối tạo ra môi trường ưu trương, giúp ức chế sự phát triển của vi sinh vật gây hư thối trong thịt, cá.

Bài 24.20 trang 74 sách bài tập Sinh học 10: Trong ủ tương và làm nước mắm, người ta có sử dụng cùng một loại vi sinh vật không?

Lời giải:

Trong ủ tương và làm nước mắm, người ta không sử dụng cùng một loại vi sinh vật, vì:

- Làm tương nhờ nấm mốc vàng là chủ yếu, loại nấm mốc này tiết ra protease để phân giải protein trong đậu tương.

- Làm nước mắm nhờ vi khuẩn kị khí trong ruột cá là chủ yếu, chúng sinh ra protease để phân giải protein của cá.

Bài 24.21 trang 74 sách bài tập Sinh học 10: Tại sao nước ở một số sông, hồ lại có màu đen?

Lời giải:

Nước ở một số sông, hồ lại có màu đen là do: Trong các môi trường kị khí như bùn trong ao, sông, hồ,… một số vi sinh vật phân giải chất hữu cơ bắt nguồn từ xác thực vật, vận chuyển ion và electron đến chất nhận electron cuối cùng là được gọi là hô hấp sulfate. Quá trình hô hấp này tạo ra khí H2S, khí này kết hợp với Fe có trong ao tạo ra FeS làm nước ao có màu đen.

Bài viết liên quan

1098
  Tải tài liệu