Giải Lịch sử 10 (Chân trời sáng tạo) Bài 10: Văn minh Tây Âu thời phục hưng

Hoidap.vietjack.com trân trọng giới thiệu: lời giải bài tập Lịch sử lớp 10 Bài 10: Văn minh Tây Âu thời phục hưng sách Chân trời sáng tạo hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Lịch sử 10 Bài 10. Mời các bạn đón xem:

496
  Tải tài liệu

Giải bài tập Lịch Sử lớp 10 Bài 10: Văn minh Tây Âu thời phục hưng

I. Bối cảnh lịch sử

Câu hỏi trang 62 Lịch Sử 10: Em hãy trình bày bối cảnh lịch sử và tiền đề dẫn đến phong trào Văn hóa Phục hưng?

Lời giải:

Bối cảnh lịch sử và tiền đề dẫn đến phong trào Văn hóa Phục hưng:

- Bối cảnh về kinh tế:

+ Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa dần hình thành.

+ Sự ra đời và phát triển của thành thị thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế hàng hóa, mở rộng thị trường.

+ Thế kỷ XIV-XV, kỹ thuật có nhiều cải tiến, công trường thủ công tư bản chủ nghĩa tập trung, nên sản xuất được mở rộng.

+ Các cuộc phát kiến địa lý cũng tạo tiền đề biến đổi sâu sắc kinh tế - xã hội Tây Âu.

- Bối cảnh về chính trị - xã hội:

+ Thời trung đại. Tây Âu chìm đắm trong đêm trường trung cổ với sự thống trị của thần quyền và vương quyền.

+ Tầng lớp tư sản ra đời đấu tranh chống lại tư tưởng bảo thủ của Giáo hội và giai cấp phong kiến đang cản trở sự phát triển của xã hội.

=> Như vậy, phong trào văn hóa Phục hưng bùng nổ là kết quả của sự vận động thay đổi về nhiều mặt trong xã hội Tây Âu.

II. Thành tựu tiêu biểu

Câu hỏi trang 62 Lịch Sử 10Tư tưởng chủ đạo trong những tác phẩm văn học thời Phục hưng là gì?

Lời giải:

- Các tác phẩm văn học thời Phục hưng truyền bá tư tưởng nhân đạo, ca ngợi tình yêu, sự tự do, vạch trần và đấu tranh chống chế độ phong kiến lạc hậu.

Câu hỏi trang 63 Lịch Sử 10Hãy chọn một tác phẩm nghệ thuật thời Phục hưng mà em yêu thích và phân tích những giá trị nghệ thuật, tư tưởng của tác phẩm ấy.

Lời giải:

(*) Giá trị nghệ thuật và tư tưởng trong “Tượng Đức Mẹ sầu bi” (Tác giả: Mi-ken-lăng-giơ).

- Giá trị nghệ thuật:

+ “Tượng Đức Mẹ sầu bi” của Mi-ken-lăng-giơ hoàn toàn khác với những tượng/ tranh Đức Mẹ sầu bi đã có trước đó. Tuy cùng mô tả cảnh Đức Mẹ đồng trinh Ma-ri-a ôm xác Chúa Giê-su nhưng “Tượng Đức Mẹ sầu bi” của Mi-ken-lăng-giơ không chỉ thể hiện sự điêu luyện và xuất sắc trong kỹ thuật điêu khắc mà còn mang một ý nghĩa hết sức lớn lao.

+ Hình ảnh của Đức Mẹ Đồng Trinh Ma-ri-a trong bức tượng là một người phụ nữ có vẻ đẹp thánh thiện, bao dung. Mẹ ngồi với tư thế vững chãi, hai tay ôm lấy xác Chúa Giê-su vào lòng thể hiện tình yêu thương bao la rộng lớn của người mẹ sẵn sàng che chở, bảo vệ cho con. Hai mắt Mẹ nhắm nghiền với vẻ mặt tĩnh lặng và nghiêm nghị như kìm nén nỗi đau sâu thẳm khi mất đứa con trai duy nhất. Dù vậy, bàn tay phải của Mẹ mở ra như muốn giải thoát cho Chúa khỏi những ưu phiền sầu muộn của trần gian để đi về cõi vĩnh hằng. Nỗi đau của Đức Mẹ là nỗi đau là của thần thánh, không có những giọt nước mắt hay những lời khóc than nhưng ẩn sau bên trong là một nỗi đau không diễn tả thành lời, nỗi đau ấy chứa đựng sự bao dung cao cả và sự nhân từ độ lượng.

+ Trái ngược với vẻ sầu muộn của Đức Mẹ, Chúa Giê-su dù mang một thân hình thảm thương vì phải chịu nỗi đau đớn, nhục hình về thể xác nhưng gương mặt của Người rất thanh thản. Cơ thể Người thả lỏng, tay buông thõng xuống như đang trút bỏ mọi thống khổ, ưu phiền nơi trần gian và thanh thản đi về cõi vĩnh hằng. 

+ Bức tượng “Tượng Đức Mẹ sầu bi” còn là một minh chứng cho tài năng xuất chúng cũng như sự am hiểu sâu sắc về giải phẫu học của Mi-ken-lăng-giơ. Từ một khối đá to lớn vô hồn ông đã biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật sống động trong từng chi tiết. Chiếc váy của Đức Mẹ với những nếp gấp tinh tế như thể đang chịu sức nặng từ cơ thể con trai, cánh tay Chúa thả lỏng buông bỏ, khuôn mặt như đang say ngủ, cơ thể cân đối đẹp đẽ với từng múi thịt làn da…

- Giá trị tư tưởng:

+ Thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng

+ Ca ngợi lòng từ bi, trắc ẩn và bao dung (bởi vì lòng từ bi mà Chúa giê-su đã gánh chịu tội lỗi và khổ đau thay cho con người; bởi vì lòng từ bi mà người ta không hề nhìn thấy sự khổ đau trên khuôn mặt ngài, khi thân xác ngài được hạ xuống từ thập tự giá và cũng bởi vì lòng từ bi, mà trên gương mặt Đức mẹ Ma-ri-a không biểu hiện sự thống khổ, oán hận mà chỉ có sự bình yên, thanh thản và thuần khiết…)

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Câu hỏi trang 63 Lịch Sử 10: Em hãy trình bày những thành tựu tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật của phong trào Văn hóa Phục hưng?

Lời giải:

- Toán học, vật lí, y học: nhiều thành tựu toán học, vật lí, y học xuất sắc ra đời như:

+ Thuyết hình học giải tích của R. Đề-các-tơ

+ Nghiên cứu về áp suất khí quyển của E. Tô-ri-xe-li

+ Thuật giải phẫu của nhà y học Vê-da-lơ

+ Sự tuần hoàn máu của Ha-vi,…

- Thiên văn học:

+ Thiên văn học có nhiều thành tựu quan trọng, đặt nền móng cho thiên văn học hiện đại.

+ Thành tựu tiêu biểu là: N. Cô-péc-ních với thuyết Nhật tâm; G. Ga-li-lê với thành tựu cải tiến kính thiên văn, cải tiến la bàn, nghiên cứu về chuyển động học,…

- Kĩ thuật:

+ Tiến bộ trong lĩnh vực dệt, khai khoáng, luyện kim, chế tạo vũ khí, hàng hải,...

+ Sự cải tiến guồng nước đã tác động tới sự phát triển nhiều ngành sản xuất.

Câu hỏi trang 64 Lịch Sử 10: Em hãy nêu những điểm tiến bộ trong các thành tựu về triết học và tư tưởng của phong trào Văn hóa Phục hưng?

Lời giải:

Những điểm tiến bộ trong các thành tựu về triết học và tư tưởng của phong trào Văn hóa Phục hưng:

+ Các triết gia theo trường phái duy vật công kích triết học kinh viện, chủ nghĩa duy tâm, hướng tới tách triết học ra khỏi thần học. Người mở đầu cho trường phái này là Francis Baycon.

+ Chủ nghĩa nhân văn (Humanisme) là một tư tưởng cách mạng, đã lên án, đả kích giai cấp phong kiến, chống các quan điểm phản khoa học; đề cao tự do cá nhân và giá trị chân chính của con người; bày tỏ tinh thần dân tộc,…

Luyện tập và Vận dụng (trang 65)

Luyện tập 1 trang 65 Lịch Sử 10: Em hiểu như thế nào về phong trào Văn hóa Phục hưng?

Lời giải:

- “Phong trào văn hóa Phục hưng” là phong trào văn hóa mới của giai cấp tư sản Tây Âu thời trung đại trên cơ sở phục hồi những giá trị, thành tựu của nền văn minh Hy Lạp, Rô-ma thời cổ đại.

- Phong trào văn hóa Phục hưng bùng nổ là kết quả của sự vận động thay đổi về nhiều mặt trong xã hội Tây Âu.

- Phong trào bắt đầu từ Italia cuối thế kỉ XIV rồi lan sang các nước Tây Âu.

Luyện tập 2 trang 65 Lịch Sử 10Lập bảng thống kê các thành tựu văn minh thời Phục hưng theo mẫu sau:

Giải Lịch Sử 10 Bài 10: Văn minh Tây Âu thời phục hưng (ảnh 1)

Lời giải:

Giải Lịch Sử 10 Bài 10: Văn minh Tây Âu thời phục hưng (ảnh 1)

Giải Lịch Sử 10 Bài 10: Văn minh Tây Âu thời phục hưng (ảnh 1)

Vận dụng trang 65 Lịch Sử 10Hãy chọn và tìm hiểu một thành tựu tiêu biểu của phong trào Văn hóa Phục hưng và thuyết minh những giá trị vượt thời gian của thành tựu đó.

Lời giải:

(*) Lựa chọn: thuyết Nhật tâm của Cô-péc-ních

- Năm 1530, công trình vĩ đại của Cô-péc-ních - cuốn ‘Về chuyển động quay của các thiên thể’ (On the Revolutions of the Celestial Spheres) - được hoàn thành. Lý thuyết trung tâm của tác phẩm này là:

+ Mặt trời là trung tâm của vũ trụ.

+ Các hành tinh (Thủy, Kim, Trái đất, Hỏa, Mộc, Thổ) chuyển động đều quanh Mặt trời theo qũi đạo tròn, cùng chiều và gần như ở trong cùng một mặt phẳng. Càng ở xa Mặt trời chu kỳ chuyển động của hành tinh càng lớn.

+ Trái đất cũng là một hành tinh chuyển động quanh Mặt trời, đồng thời tự quay quanh một trục xuyên tâm.

+ Mặt trăng chuyển động tròn quanh Trái đất (Vệ tinh của Trái đất).

+ Thủy tinh, Kim tinh ở gần Mặt trời hơn Trái đất (có quĩ đạo chuyển động bé hơn) Hỏa tinh, Mộc tinh, Thổ tinh có qũi đạo lớn hơn (ở xa Mặt trời hơn).

+ Cấu trúc của Thái Dương hệ là: Mặt trời (ở tâm) và các hành tinh theo thứ tự xa dần là: Thủy, Kim, Trái đất, Hỏa, Mộc, Thổ.

- Mặc dù còn nhiều điểm thiếu chính xác cần phải hoàn thiện Cô-péc-ních đã đưa ra một mô hình đúng đắn về hệ Mặt trời. Cho đến nay người ta đã hoàn toàn công nhận nó; và thuyết Nhật tâm cũng được giảng dạy trong các trường học ở nhiều nơi trên thế giới.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Bài viết liên quan

496
  Tải tài liệu