Quảng cáo
2 câu trả lời 293
Ngày nay, internet đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người. Không chỉ là phương tiện liên lạc, kết nối đắc lực của con người, internet còn định hình cách con người làm việc và học tập. Thật vậy, tuy nhiên một trong những mặt trái của việc sử dụng internet đó là việc nghiện internet quá mức. Đây chính là một thái độ sử dụng internet sai lầm ở 1 bộ phận không nhỏ người dùng ngày nay. Nghiện internet hay bất cứ loại nghiện nào cũng thế, người nghiện sẽ khó mà thiếu được internet trong cuộc sống hàng ngày và nếu không được sử dụng thì sẽ cảm thấy bứt rứt khó chịu trong tâm lý. Biểu hiện của sự nghiện này là cứ có thời gian rảnh là dùng internet vào những mục đích khác nhau và dường như chẳng hề quan tâm đến thế giới đang chuyển động xung quanh mình nữa. Trên thực tế, internet là phương tiện cung cấp thông tin hữu ích nhưng nếu con người quá chăm chú, tiêu tốn quá nhiều thời gian cho nó thì sẽ chẳng có thời gian mà dành cho bản thân mình và gia đình của mình nữa. Nghiện internet gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đặc biệt là sức khỏe tinh thần. Tinh thần sẽ bị sa sút, cảm hứng sáng tạo cũng kém đi và còn chưa kể ngồi lướt internet hàng giờ sẽ làm cho cơ thể thiếu vận động, gia tăng các bệnh tật. Ngoài ra, việc nghiện internet ở trẻ em còn có thể làm cho các em thiếu đi sự tiếp xúc với thế giới tự nhiên bên ngoài và thậm chí có thể tiếp xúc với những văn hóa phẩm chưa được phù hợp với lứa tuổi các em. Việc sử dụng internet phải thực sự cân đối và được điều chỉnh cân bằng với các hoạt động khác trong thời gian biểu làm việc hàng ngày của mỗi người. Và internet chỉ thực sự là người trợ thủ đắc lực khi mỗi người ý thức được chừng mực và biết cách sử dụng nó hợp lý.
Nghiện là một thói quen không thể bỏ được của con người chúng ta về một điều nào đó. Nhưng nếu như “nghiện” sách vở, nghiện giải “toán”… thì dẫu sao cũng là cái tốt. Thế mà tiếc thay! Giờ đây, các nhà tâm lý học, nhiều bậc phụ huynh lại đau đầu đối phó với triệu chứng “nghiện” của khá nhiều bạn trẻ hiện nay: nghiện Internet, nghiện lướt web.
Thật đáng lo khi với nhiều người, Internet là một thứ không thể thiếu; một thói quen không kiểm soát nổi. Các triệu chứng nghiện Internet chính là: quên thời gian, sao lãng ăn uống và ngủ; tức giận, căng thẳng, bồn chồn khi không thể lên mạng.
Chơi game trực tuyến là một dạng của nghiện Internet và đang lan tràn nhanh chóng trong giới trẻ. Giờ đây, mỗi khi đến với “quán nét”, một cảnh tượng không thể nào khác được là những gương mặt trẻ tuổi đang căng thẳng, hồi hộp với bao trò game online, có thể kể đến vô số trò chơi đang HOT như: Gunny, Zing farm, MU, đế chế…. và các trò chơi trên mạng xã hội khác. Có những bạn ngồi lì trước máy quên cả ăn uống, ngủ nghỉ, nói chi đến việc học hành.
Thương làm sao nhiều bậc phụ huynh không thấy con về nhà, họ lo lắng bồi hồi thấp thỏm không an tâm, và đau lòng biết mấy khi đã tốn bao công sức “tìm kiếm như tìm trẻ lạc” lại bất ngờ phát hiện “đứa con ngoan” của mình “mai danh ẩn tích” ở một quán “nét” và đang hào hứng với trò chơi điện tử đầy bạo lực.
Dường như cuộc sống của thế giới ảo đã làm cho các bạn quên dần sự yêu thương của những người thân dành cho mình ở thế giới thật, rất thật này! Họ giảm tiếp xúc với gia đình, bè bạn, sống cô lập trước màn hình máy tính, lặn vào những “chat room” hay chơi những trò chơi bạo lực, không biết tự bao giờ các bạn ấy đã xem “đó là lẽ sống”.
Ôi! Đáng sợ thay! Việc nghiện Internet đang lấy đi sức lực, thời gian và trước hết là sự vô tư, trong sáng của tuổi trẻ. Sa vào những hoạt động như vậy, một điều dễ hiểu là những bạn trẻ ấy không có thời gian cho việc học hành, cho những hoạt động ngoại khóa bổ ích, hiển nhiên là không có cả thời gian cho gia đình, người thân – đây là điều sợ nhất!
Vậy rồi tương lai những người bạn ấy sẽ ra sao? Một câu hỏi đặt ra từ lâu sau các thông tin báo đài, những phóng sự đau lòng và nhiều nhiều lắm những hình ảnh xót xa của hậu quả “nghiện” nét, lướt web.
Ước mong sao các bạn sớm nhận ra điều sai trái ấy để từ đó sửa chữa lỗi lầm. Sống thực tế, khỏe khoắn tươi vui, quan tâm đến người thân. Đừng bao giờ làm “nô lệ” cho cái máy tính vô tri vô giác ấy các bạn nhé!
Quảng cáo