Giáo dục công dân lớp 12 Bài 7: Công dân với các quyền dân chủ
Lý thuyết tổng hợp Giáo dục công dân lớp 12 Bài 7: Công dân với các quyền dân chủ chọn lọc năm 2021 – 2022 mới nhất gồm tóm tắt lý thuyết và hơn 500 bài tập ôn luyện GDCD 12. Hy vọng bộ tổng hợp lý thuyết GDCD lớp 12 sẽ giúp học sinh củng cố kiến thức, ôn tập và đạt điểm cao trong các bài thi trắc nghiệm môn Giáo dục công dân 12.
Bài 7: Công dân với các quyền dân chủ
A. Lý thuyết
1. Quyền bầu cử và quyền ứng cử vào các cơ quan đại biểu của nhân dân.
a. Khái niệm quyền bầu cử và quyền ứng cử
- Quyền bầu cử và ứng cử là quyền dân chủ cơ bản của công dân trong lĩnh vực chính trị, thông qua đó nhân dân thực thi hình thức dân chủ gián tiếp ở từng địa phương trong phạm vi cả nước.
b. Nội dung quyền bầu cử và ứng cử vào các cơ quan đại biểu của nhân dân
*Người có quyền bầu cử ứng cử vào các cơ quan đại biểu của nhân dân.
- Công dân đủ 18 trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên dầu có quyền ứng cử vào quốc hội và hội đồng nhân dân.
*Cách thức nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua các đại biểu và cơ quan quyền lực nhà nước - cơ quan đại biểu của nhân dân.
- Thứ nhất, các đại biểu nhân dân phải liên hệ chặt chẽ với cử tri.
- Thứ hai, các đại biểu nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và chịu sự giám sát của cử tri.
c. Ý nghĩa của quyền bầu cử và quyền ứng cử của công dân
- Là cơ sở pháp lí - chính trị quan trọng để hình thành các cơ quan quyền lực nhà nước, để nhân dân thể hiện ý chí và nguyện vọng của mình.
- Thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của nhà nước ta.
2. Quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội.
a. Khái niệm quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội
- Quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội là quyền của công dân tham gia thảo luận vào các công việc chung của đất nước trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trong phạm vi cả nước và trong từng địa phương, quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước về xây dựng bộ máy nhà nước và xây dựng phát triển kinh tế - xã hội.
b. Nội dung cơ bản của quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội
* Ở phạm vi cả nước:
- Thảo luận, góp ý
- Biểu quyết
* Ở phạm vi cơ sở:
- Trực tiếp thực hiện theo cơ chế “Dân biết, dân làm, dân kiểm tra”:
- Những việc phải được thông báo để đân biết mà thực hiện (chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước…).
- Những việc dân làm và quyết định trực tiếp bằng biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín.
- Những việc dân được thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến trước khi chính quyền xã quyết định.
- Những việc nhân dân ở phường, xã giám sát, kiểm tra.
c. Ý nghĩa của quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội
- Là cơ sở pháp lí quan trọng để nhân dân tham gia vào hoạt động của bộ máy Nhà nước, nhằm động viên và phát huy sức mạnh của toàn dân, của toàn xã hội về việc xây dựng bộ máy nhà nước vững mạnh và hoạt động có hiệu quả.
3. Quyền khiếu nại, tố cáo của công dân
a. Khái niệm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân
- Quyền khiếu nại, tố cáo là quyền dân chủ cơ bản của công dân được quy định trong hiến pháp, là công cụ để nhân dân thực hiện dân chủ trực tiếp trong những trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức bị hành vi trái pháp luật xâm hại.
- Quyền khiếu nại là quyền công dân, cơ quan, tổ chức được đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng hành vi đó trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích của công dân.
- Quyền tố cáo là quyền công dân được phép báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
b. Nội dung quyền khiếu nại, tố cáo của công dân
* Người có quyền khiếu nại, tố cáo:
- Người khiếu nại: mọi cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại.
- Người tố cáo: Chỉ có công dân có quyền tố cáo.
*Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo
- Người đứng đầu cơ quan hành chính có quyết định, hành vi hành chính bị khiếu nại; người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan hành chính có quyết định, hành vi hành chính bị khiếu nại; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tổng Thanh tra Chính phủ, thủ tướng chính phủ.
* Người giải quyết khiếu nại:
- Người đứng đầu cơ quan tổ chức có thẩm quyền quản lý người bị tố cáo, người đứng đầu cơ quan tổ chức cấp trên của cơ quan, tổ chức người bị tố cáo; Chánh Thanh tra các cấp, Tổng Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
*Quy trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại:
- Bước 1: Người khiếu nại nộp đơn khiếu nại đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
- Bước 2: Người giải quyết khiếu nại xem xét giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền và trong thời gian do luật quy định.
- Bước 3: Nếu người khiếu nại đồng ý với kết quả giải quyết thì quyết định của người giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành.
- Bước 4: Người giải quyết khiếu nại lần hai xem xét, giải quyết yêu cầu của người khiếu nại.
*Quy trình tố cáo và giải quyết tố cáo gồm các bước sau:
- Bước 1: Người tố cáo gửi đơn tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
- Bước 2: Người giải quyết tố cáo phải tiến hành việc xác minh và giải quyết nội dung tố cáo.
- Bước 3: Nếu người tố cáo có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo không đúng pháp luật hoặc quá thời gian quy định mà tố cáo không được giải quyết thì người tố cáo có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người giải quyết tố cáo.
- Bước 4: Cơ quan tổ chức, cá nhân giải quyết tố cáo lần hai có trách nhiệm giải quyết trong thời gian luật quy định.
c. Ý nghĩa của quyền tố cáo, khiếu nại của công dân
- Là cơ sở pháp lí để công dân thực hiện một cách có hiệu quả quyền công dân của mình trong một xã hội dân chủ, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, ngăn chặn những việc làm trái pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức và công dân.
4. Trách nhiệm của Nhà nước và công dân trong việc thực hiện các nền dân chủ của công dân
- Trách nhiệm của nhà nước: Phải đảm bảo các điều kiện để nhân dân thực hiện quyền dân chủ.
- Trách nhiệm công dân: Thực hiện tốt quyền dân chủ.
B. Bài tập trắc nghiệm
Câu 1: Công dân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào là thực hiện quyền
A. khiếu nại.
B. tố cáo.
C. tố tụng.
D. khiếu kiện.
Đáp án
Đáp án: B
Câu 2: Quyền bầu cử của công dân không được thực hiện theo nguyên tắc nào dưới đây?
A. Phổ thông.
B. Bình đẳng.
C. Đại diện.
D. Trực tiếp.
Đáp án
Đáp án: C
Câu 3: Công dân đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi các bộ luật là thực hiện quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội ở phạm vi nào dưới đây?
A. Cả nước.
B. Vùng miền.
C. Cơ sở.
D. Địa phương.
Đáp án
Đáp án: A
Câu 4: Tại một điểm bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, anh A đã viết rồi tự tay bỏ lá phiếu của mình và của cụ Q là người không biết chữ vào hòm phiếu. Anh A và cụ Q cùng vi phạm nguyên tắc bầu cử nào dưới đây?
A. Bỏ phiếu kín.
B. Trực tiếp.
C. Phổ biến.
D. Công khai.
Đáp án
Đáp án: B
Câu 5: Chị A thường xuyên yêu cầu được trang bị bảo hộ lao động theo quy định nên ông T giám đốc doanh nghiệp nơi chị làm việc cắt giảm phụ cấp chức vụ trưởng phòng của chị. Chị A cần vận dụng quyền nào dưới đây để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình?
A. Tố cáo.
B. Khởi tố.
C. Tranh tụng.
D. Khiếu nại.
Đáp án
Đáp án: D
Câu 6: Tại một điểm bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, khi đang cùng chị C trao đổi về lý lịch các ứng cử viên, anh A phát hiện chị S viết phiếu bầu theo đúng yêu cầu của ông X. Anh đã đề nghị chị S sửa lại phiếu bầu nhưng chị không đồng ý. Những ai dưới đây vi phạm nguyên tắc bỏ phiếu kín?
A. Anh A, chị S, chị C và ông X.
B. Ông X, chị S và chị C.
C. Chị S, chị C và anh A.
D. Anh A, ông X và chị S.
Đáp án
Đáp án: D
Câu 7: Ông B giám đốc sở X kí quyết định điều chuyển chị A nhân viên đến công tác ở một đơn vị xa nhà dù chị đang nuôi con nhỏ vì nghi ngờ chị A biết việc mình sử dụng bằng đại học giả. Trên đường đi làm, chị A điều khiển xe mô tô vượt đèn đỏ nên bị anh C là cảnh sát giao thông yêu cầu đưa cho anh một triệu đồng. Bị chị A từ chối, anh C lập biên bản xử phạt thêm lỗi mà chị không vi phạm. Bức xúc, chị A thuê anh D viết bài nói xấu anh C và ông B trên mạng xã hội. Những ai dưới đây là đối tượng vừa bị tố cáo vừa bị khiếu nại?
A. Ông B, anh C và anh D.
B. Chị A và anh D.
C. Ông B và anh C.
D. Ông B, anh C và chị A.
Đáp án
Đáp án: C
Câu 8: Trong quá trình bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, sau khi có lời nhờ anh H là nhân viên dưới quyền bỏ phiếu cho chị gái mình, Giám đốc T luôn đứng cạnh anh theo dõi, giám sát. Vì mang ơn Giám đốc, anh H buộc phải đồng ý. Giám đốc T đã không thực hiện đúng nguyên tắc bầu cử nào dưới đây?
A. Phổ thông.
B. Bỏ phiếu kín.
C. Trực tiếp.
D. Bình đẳng.
Đáp án
Đáp án: B
Câu 9: Chị H đã giúp anh T bỏ phiếu bầu cử theo đề xuất của anh. Tại điểm bầu cử, phát hiện cụ M không biết chữ, nhân viên S của tổ bầu cử đã nhờ chị H viết phiếu bầu theo đúng ý cụ rồi đưa phiếu cho cụ M bỏ vào thùng. Những ai dưới đây đã vi phạm nguyên tắc bầu cử?
A. Anh T và chị H.
B. Chị H và nhân viên S.
C. Anh T, chị H và nhân viên S.
D. Chị H, cụ M và nhân viên S.
Đáp án
Đáp án: A
Câu 10: Khi đang giúp chồng bỏ phiếu bầu cử theo đề xuất của anh thì chị A phát hiện anh D có hành vi gian lận phiếu bầu, chị A đã kể cho bạn thân cùa mình là anh H và anh T nghe, vốn mâu thuẫn với D nên anh H lập tức đáng tin đồn thất thiệt bôi nhọ D trên trang tin cá nhân, còn anh T nhắn tin tống tiền D. Những ai dưới đây vi phạm nguyên tắc bầu cử?
A. Chồng chị A, anh D và H.
B. Vợ chồng chị A và anh D.
C. Vợ chồng chị A, anh D, H và T.
D. Chị A, anh D và H.
Đáp án
Đáp án: B
Bài viết liên quan
- Giáo dục công dân lớp 12 Bài 5: Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo
- Giáo dục công dân lớp 12 Bài 6: Công dân với các quyền tự do cơ bản
- Giáo dục công dân lớp 12 Bài 8: Pháp luật với sự phát triển của công dân
- Giáo dục công dân lớp 12 Bài 9: Pháp luật với sự phát triển bền vững của đất nước
- Giáo dục công dân lớp 12 Bài 10: Pháp luật với hòa bình và sự phát triển tiến bộ của nhân loại