Giải Sách bài tập Sinh học 10 trang 7 Chân trời sáng tạo

Với giải Sách bài tập Sinh học 10 trang 7 trong Bài 1: Giới thiệu khái quát chương trình môn sinh học Sinh học lớp 10 Chân trời sáng tạo hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời các câu hỏi & làm bài tập trong sách bài tập Sinh học 10 trang 7.

205


Giải Sách bài tập Sinh học 10 trang 7 Chân trời sáng tạo

Bài 1.11 trang 7 sách bài tập Sinh học 10: Sinh học có vai trò như thế nào trong việc phát triển bền vững môi trường sống?

Lời giải:

Sinh học đóng vai trò vô cùng to lớn trong công cuộc phát triển bền vững môi trường sống: góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh học; xây dựng các mô hình sinh thái để bảo vệ và khôi phục môi trường sống; các công trình nghiên cứu về di truyền, tế bào được áp dụng trong nhân giống, bảo toàn nguồn gene quý hiếm của các loài sinh vật có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Bài 1.12 trang 7 sách bài tập Sinh học 10: Là học sinh, em có thể làm những gì để góp phần bảo vệ và khôi phục môi trường sống?

Lời giải:

Là học sinh, những việc có thể làm để góp phần bảo vệ và khôi phục môi trường sống:

- Tích cực tham gia các hoạt động trồng cây xanh tại các nơi công cộng.

- Tham gia các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường sống.

- Không xả rác bừa bãi, vứt rác đúng nơi quy định.

- Không sử dụng các vật dụng khó phân hủy như chai nhựa, túi nilon,…

Bài 1.13 trang 7 sách bài tập Sinh học 10: Em hãy đánh giá những việc làm sau đây có vi phạm đạo đức sinh học hay không. Giải thích.

a) Sử dụng vi khuẩn E.coli làm vector chuyển gene.

b) Nuôi cấy tế bào gốc ở người để tạo thành một cá thể mới.

c) Nuôi cấy mô thực vật để nhân giống cây quý hiếm.

d) Dùng xác người làm vật nghiên cứu, thí nghiệm.

Lời giải:

a) “Sử dụng vi khuẩn E.coli làm vector chuyển gene” không vi phạm đạo đức sinh học vì hiện nay E.coli là vector chuyển gen được sử dụng phổ biến trong công nghệ gen để tạo nhiều chế phẩm sinh học phục vụ cho đời sống con người.

 b) “Nuôi cấy tế bào gốc ở người để tạo thành một cá thể mới” là vi phạm đạo đức sinh học vì hiện nay các nước trên thế giới nghiêm cấm nhân bản vô tính con người.

c) “Nuôi cấy mô thực vật để nhân giống cây quý hiếm” không vi phạm đạo đức sinh học vì việc nhân nhanh các giống cây quý hiếm để bảo vệ sự đa dạng sinh học.

d) Có hai trường hợp:

- Trường hợp 1: Nếu được sự đồng ý của người thân hay người đăng kí hiến tặng xác nội tạng thì không vi phạm đạo đức sinh học. Lúc này, việc sử dụng xác người để nghiên cứu hoàn toàn vì mục đích khoa học.

- Trường hợp 2: Nếu chưa được sự đồng ý của người thân hay người đăng kí hiến tạng thì việc sử dụng xác người đề nghiên cứu là bất hợp pháp, vi phạm đạo đức sinh học.

Bài 1.14 trang 7 sách bài tập Sinh học 10: Hãy nêu một số ví dụ để thấy được vai trò quan trọng của sinh học đối với đời sống hằng ngày.

Lời giải:

Một số ví dụ để thấy được vai trò quan trọng của sinh học đối với đời sống hằng ngày:

- Các lĩnh vực nghiên cứu của sinh học đã tạo ra những sản phẩm có lợi cho con người như tạo ra các sinh vật mang gene người để sản xuất hormone, protein,…; tạo ra các giống cây trồng sạch bệnh; nhiều loài sinh vật mang những đặc tính tốt được tạo ra bằng phương pháp gây đột biến và công nghệ tế bào;…

- Các nghiên cứu liên quan đến các cấp độ tổ chức sống giúp phát triển các kĩ thuật cấy ghép nội tạng, kĩ thuật hỗ trợ sinh sản, liệu pháp gene, liệu pháp tế bào gốc,… giúp chăm sóc sức khỏe cho con người.

- Nhiều biện pháp sinh học như sử dụng tảo, vi sinh vật cũng được ứng dụng hiệu quả để bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng cuộc sống lâu dài cho con người.

Bài 1.15 trang 7 sách bài tập Sinh học 10: Theo em, trong tương lai, ngành Sinh học sẽ phát triển như thế nào?

Lời giải:

Trong tương lai, ngành Sinh học có thể mang lại nhiều thành tựu mới nhằm phục vụ đời sống con người và phát triển kinh tế - xã hội như: xử lý ô nhiễm môi trường; tạo ra được nhiều giống vật nuôi, cây trồng; áp dụng liệu pháp gen trong điều trị bệnh; trị liệu bằng tế bào gốc; tạo ra năng lượng sinh học;…

Bài 1.16 trang 7 sách bài tập Sinh học 10: Ngành Y – dược học đã đóng góp những gì cho đời sống của con người.

Lời giải:

Vai trò của ngành Y – dược cho đời sống của con người: Những thành tựu của ngành Y - dược học đã đem đến nhiều cơ hội chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho con người như cấy ghép nội tạng, kĩ thuật nội soi và phẫu thuật nội soi, nhiều kĩ thuật hỗ trợ sinh sản phát triển (hỗ trợ cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, khó sinh con tự nhiên,…), tư vấn y học, sàng lọc trước sinh để phát triển sớm các dị tật thai nhi, ứng dụng công nghệ để dự phòng các bệnh truyền nhiễm, sản xuất vaccine phòng bệnh ở người cũng như các vật dụng và thiết bị y tế hiện đại.

Bài 1.17 trang 7 sách bài tập Sinh học 10: Nếu diện tích rừng bị suy giảm sẽ dẫn đến những hậu quả gì?

Lời giải:

Nếu diện tích rừng bị suy giảm sẽ dẫn đến những hậu quả như:

- Mất môi trường sống của nhiều loài sinh vật → suy giảm đa dạng sinh học.

- Khi có thiên tai dễ gây nên các hiện tượng lũ lụt, xói mòn.

- Con người bị mất đi nguồn cung cấp nguyên liệu cho sản xuất.

- Hàm lượng CO2 trong khí quyển tăng cao gây hiệu ứng nhà kính.

Bài 1.18 trang 7 sách bài tập Sinh học 10: Hãy chọn một hiện tượng liên quan đến thế giới sống mà em quan sát được ở môi trường sống xung quanh và thực hiện các yêu cầu sau: 

a) Đặt ra các câu hỏi liên quan đến hiện tượng trên. 

b) Cho biết lĩnh vực nào của sinh học có thể giúp em trả lời các câu hỏi đó.

Lời giải:

- Học sinh nên chọn các vấn đề quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày như ô nhiễm môi trường, mèo bắt chuột, đồ ăn để lâu ngày bị ôi thiu,…

- Vấn đề tham khảo: Mèo bắt chuột.

a) Đặt ra các câu hỏi liên quan đến hiện tượng trên: 

- Mèo và chuột có mối quan hệ như thế nào?

- Những đặc điểm nào của mèo giúp chúng có thể bắt chuột hiệu quả?

- Những đặc điểm nào của chuột giúp chúng có thể thoát khỏi sự truy đuổi của mèo?

- Hoạt động bắt chuột của mèo có vai trò như thế nào?

- Nếu chuột bị tiêu diệt hết thì số lượng mèo có bị ảnh hưởng không?

b) Các lĩnh vực của sinh học có thể giúp em trả lời các câu hỏi đó là: Giải phẫu học, động vật học, sinh thái học và môi trường.

Bài 1.19 trang 7 sách bài tập Sinh học 10: Hãy đề xuất một ý tưởng có ứng dụng sinh học nhằm bảo vệ môi trường sống và chia sẻ ý tưởng đó với bạn bè.

Lời giải:

- Học sinh có thể tự đề xuất ý tưởng của mình.

- Một số ý tưởng tham khảo như: Tìm chủng vi khuẩn có khả năng phân hủy nhanh rác thải nhựa, sản xuất các đồ dùng từ lá cây,…

Bài 1.20 trang 7 sách bài tập Sinh học 10: Theo Hướng dẫn quốc gia về đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của Bộ Y tế năm 2013 có nêu: Các hướng dẫn quốc tế và quốc gia về đạo đức trong nghiên cứu y sinh học đều nhấn mạnh rằng: “Tất cả các nghiên cứu trên đối tượng con người cần được tuân thủ với ba nguyên tắc cơ bản: tôn trọng con người, hướng thiện và công bằng”. Em hãy phân tích tại sao các nghiên cứu sinh học cần phải tuân thủ ba nguyên tắc trên.

Lời giải:

Các nghiên cứu sinh học cần phải tuân thủ ba nguyên tắc trên vì:

- Tôn trọng con người: Khi tiến hành các nghiên cứu cần phải tôn trọng quyền tự nguyện lựa chọn tham gia nghiên cứu của đối tượng có đủ năng lực đưa ra quyết định và bảo vệ những đối tượng không có khả năng tự quyết định có thể tham gia nghiên cứu hay không, bảo vệ những đối tượng bị phụ thuộc hoặc dễ bị tổn thương khỏi những điều gây hại và lệ thuộc. Đảm bảo đối tượng có quyền từ chối tham gia hãy rút lui khỏi nghiên cứu.

- Hướng thiện: Cần phải tối đa hóa lợi ích và tối thiểu hóa các điều gây hại. Nghiên cứu được những lợi ích dự kiến, tránh gây hại cho người tham gia nghiên cứu, hoặc nếu có nguy cơ gây hại nào đó thì phải ở mức chấp nhận được và lợi ích dự kiến phải vượt trội so với nguy cơ gây hại. Đối tượng cần được đảm bảo an toàn cũng như được điều trị một cách tốt nhất nếu có những biến cố bất lợi do nghiên cứu gây ra. Điều này đòi hỏi thiết kế nghiên cứu hợp lí và người thực hiện nghiên cứu phải có đủ năng lực chuyên môn, chú trọng bảo vệ đối tượng nghiên cứu.

- Công bằng: cần phân bổ công bằng cả lợi ích và nguy cơ rủi ro cho những đối tượng tham gia nghiên cứu cũng như những chăm sóc mà đối tượng tham gia nghiên cứu được hưởng. Nghĩa vụ của người thực hiện nghiên cứu là phải đối xử với mọi đối tượng nghiên cứu một cách đúng đắn và phù hợp về mặt đạo đức, đảm bảo mỗi cá nhân tham gia vào nghiên cứu nhận được tất cả những gì mà họ có quyền được hưởng.

Bài viết liên quan

205