Sơ đồ tư duy bài thơ Tức cảnh Pác bó dễ nhớ, ngắn gọn

Sơ đồ tư duy bài Tức cảnh Pác bó Ngữ văn lớp 8 hay nhất, dễ nhớ, ngắn gọn với đầy đủ sơ đồ tư duy, tác giả, tác phẩm, dàn ý phân tích và bài văn phân tích mẫu giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa, củng cố kiến thức các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 8.

700


A/ Tác giả Tác phẩm bài thơ Tức cảnh Pác bó

I. Tác giả

- Hồ Chí Minh (1890- 1969), tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung

- Quê quán: làng Kim Liên (làng Sen), xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

- Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác:

+ Là vị lãnh tụ kính yêu của nước Việt Nam

+ Sau 30 năm bôn ba nước ngoài, Bác trở về trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước.

+ Không chỉ có sự nghiệp cách mạng, Người còn để lại một số di sản văn học quý giá, xứng đáng là một nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc.

- Phong cách sáng tác: Thơ Bác hay viết về thiên nhiên đất nước với tình yêu tha thiết, niềm tự hào, lời thơ nhẹ nhàng, bay bổng lãng mạn.

II. Tìm hiểu tác phẩm

1. Thể loại: Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật

2. Hoàn cảnh sáng tác

Sau ba mươi năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, tháng 2-1941 Bác Hồ trở về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở trong nước. Khi đó, Người sống và làm việc trong một điều kiện hết sức gian khổ nhưng Bác vẫn vui vẻ lạc quan. Bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” là một trong những tác phẩm Người sáng tác trong thời gian này.

3. Bố cục

- Phần 1 (3 câu thơ đầu): Cảnh sinh hoạt và làm việc của Bác.

- Phần 2 (còn lại): Cảm nghĩ của Bác về cuộc đời cách mạng.

4. Giá trị nội dung

Bài thơ thể hiện tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của Bác trong cuộc sống cách mạng gian khổ

5. Giá trị nghệ thuật

- Sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật

- Giọng thơ trong sáng, sâu sắc, thể hiện sự lạc quan trong hoàn cảnh khó khăn

- Ngôn từ sử dụng giản dị, đời thường.

B.Sơ đồ tư duy bài Tức cảnh Pác bó

Hỏi đáp VietJack

Hỏi đáp VietJack

C. Dàn ý phân tích bài Tức cảnh Pác bó

1.Cuộc sống sinh hoạt và làm việc của Bác ở núi rừng Pác Bó

– Cảnh sinh hoạt của Bác:

+ Về thời gian: sáng- tối

+ Về không gian: suối- hang

+ Hành động: ra-vào

– Cảnh làm việc của Bác:

+ Bàn đá chông chênh

+ Điều kiện làm việc hết sức khó khăn

+ Thức ăn: Ăn măng, bẹ

+ Một cuộc sống đạm bạc, khó khăn

- Phép đối: sáng >< tối, ra >< vào thể hiện cuộc sống đều đặn, nhịp nhàng, ngày nào cũng như ngày nào của Bác...

- Thức ăn của Bác thì đơn sơ, giản dị: cháo ngô với rau măng. Đây đều là những thức ăn trong rừng, luôn có sẵn.

- Cụm từ “vẫn sẵn sàng” không chỉ muốn nói về sự sẵn có, tự nhiên của thức ăn, mà đó dường như còn là tâm thế luôn sẵn sàng đương đầu với thử thách, khó khăn của người chiến sĩ cách mạng.

- Điều kiện làm việc thiếu thốn: bàn làm việc của Bác là những tảng đá chông chênh. Trên chiếc bàn ấy, Bác đang làm những công việc vô cùng quan trọng, liên quan đến vận mệnh của cách mạng Việt Nam.

⇒ Dù cuộc sống sinh hoạt nơi núi rừng vô cùng khó khăn, thiếu thốn, hiểm nguy rình rập, song Bác luôn yêu thiên nhiên, công việc cách mạng và luôn làm chủ cuộc sống.
2.Cảm nghĩ của Bác về cuộc đời cách mạng

- Dù cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn về mọi thứ nhưng Bác vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan, giọng điệu hóm hỉnh, vui đùa khi kể về cuộc sống của mình...

- Câu thơ cuối cùng như một lời thốt ra từ chính trái tim của Bác: “Cuộc đời cách mạng thật là sang”. Cái sang của Bác không phải là sang trọng về vật chất, mà cái sang ấy là cái sang của cuộc đời cách mạng, được sống giữa thiên nhiên, dưới bầu trời tổ quốc để cống hiến sức mình cho độc lập dân tộc, mang lại cuộc sống hòa bình, no ấm cho nhân dân.

⇒ Tinh thần yêu nước sâu sắc, phong thái ung dung, lạc quan, yêu đời, hòa hợp với thiên nhiên.

D.Bài văn phân tích Tức cảnh Pác bó

Hồ Chí Minh – một vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc Việt Nam. Sau bao năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài nay Bác đã về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Có thể thấy Bác luôn mang trong mình hoài bão cứu nước, Người luôn nghĩ về đất nước. Thi phẩm “Tức cảnh Pác Bó” cũng phần nào cho thấy cuộc sống đầy gian khổ của Bác Hồ khi ở hang Pác Bó. Bài thơ thể hiện được một tâm trạng vô cùng thoải mái, lạc quan của Người khi sống giữa thiên nhiên.
         Ba câu đầu của bài thơ tả cảnh sống và làm việc của Bác. Mở đầu câu thơ là phong cảnh núi rừng, là nơi hoạt động của người cộng sản:

Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Qua câu thơ này chúng ta có thể hình dung ra cuộc sống của Bác trong những ngày đầu mới về nước. Cái hang Bác ở có tên là hang Cốc Bó, chỉ khoảng hơn một mét vuông dưới đáy là tương đối bằng phẳng, đủ kê một tấm ván thay cho giường. Vách hang chỗ lồi cao, chỗ lõm sâu, không khí lạnh lẽo, ẩm thấp. Trước cửa hang là dòng suối nhỏ chảy sát chân ngọn núi. Bác đặt tên là suối Lênin và núi Mác. Bàn làm việc của Bác là phiến đá kê trên hai hòn đá và một hòn đá thấp hơn làm ghế cũng ở gần bờ suối. Bác phải sống và làm việc trong hang mà ta vẫn biết đó là nơi ẩm thấp và tăm tối. Không gian chật chội, thời gian cũng quanh đi quẩn lại sáng rồi tối, tối rồi lại sáng. Cách ngắt nhịp 4/3 đã tạo cho câu thơ hai vế sóng đôi sáng – tốira – vào thật nhịp nhàng. Đường luật bảy chữ, nhưng lồng vào đó là cái đều đặn, khoan thai như nhịp tuần hoàn của trời đất. Cứ như vậy, cuộc sống này với Bác đã trở thành nền nếp, hòa điệu với nhịp sống của núi rừng. Với câu thơ này thôi cũng đủ cho người đọc thấy một tinh thần làm chủ hoàn cảnh một cách chủ động và lạc quan của Người.

            Cái gian khổ của hoàn cảnh sống, sự hiểm nguy do kẻ thù luôn rình rập… tất cả đều tan biến trước phong thái an nhiên, tự tại của Bác Hồ:

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.

Bữa cơm đơn sơ, đạm bạc, quanh quẩn chỉ có cháo ngô và măng đắng, măng nứa, rau rừng… hết ngày này sang ngày khác, vẫn sẵn sàng nghĩa là các thứ đó luôn luôn có sẵn xung quanh. Mặt khác, cháo bẹ, rau măng còn gợi nhớ tới cảnh sống an bần lạc đạo của người xưa:

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
                                             (Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Sự thiếu thốn đã được thi vị hóa thành phong lưu. Xưa là ước lệ, tượng trưng, nay hoàn toàn là sự thật. Chỉ phớt qua một chút xưa là câu thơ đậm đà ý vị. Nhưng ý vị nhất vẫn là giọng điệu thơ. “Cháo bẹ, rau măng” cũng như “sáng ra”, “tối vào” là nhịp điệu an nhiên, khoan hòa bên trong. Ba chữ “vẫn sẵn sàng” nâng câu thơ lên thành một lời bình phẩm với giọng điệu lạc quan, gần như tự hào, tự tại.
            Hai câu thơ đầu tả thực, câu thơ thứ ba vừa tả thực vừa trữ tình, ở trên chưa có bóng dáng con người thì đến đây, con người đã hiện ra sống động và có hành động rõ ràng:

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,

Nếu trong cụm từ “vẫn sẵn sàng” mới thấp thoáng một chút vui thì đằng sau tính từ “chông chênh” đã là một nụ cười hóm hỉnh, thâm thúy. “Chông chênh” vốn nghĩa là không vững, không có chỗ dựa chắc chắn. Chiếc bàn đá của Bác quả là chông chênh thật vì nó chỉ là một phiến đá. Chiếc bàn đá được mài nhẵn nhụi mà là bàn đá tự nhiên, có chỗ nhấp nhô, chông chênh. Đó là thứ bàn làm việc bất đắc đĩ. Nhưng hàm ý của từ chông chênh không nhằm nói tới đặc điểm của cái bàn đá cụ thể mà là ẩn dụ về tình thế muôn vàn khó khăn của cách mạng nước ta và cách mạng thế giới lúc bấy giờ. Năm ấy, phe phát xít đang thắng ở khắp các mặt trận. Vậy mà trong cái thế chông chênh đó, Bác Hồ vẫn bình tĩnh dịch sử Đảng (lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô, viết bằng tiếng Nga) cho cán bộ ta nghiên cứu và học tập những kinh nghiệm phong phú, quý báu để vận dụng vào thực tiễn phong trào đấu tranh cách mạng. Việc làm này của Bác có tác dụng đặt nền móng về mặt lí luận cho cách mạng Việt Nam. Đấy là một điều hết sức cần thiết. Đem đối lập tính chất nghiêm túc, quan trọng của công việc với cái vẻ đơn sơ, chông chênh của bàn đá, mới nghe tưởng chừng có chút hài hước, đùa vui nhưng kì thực lại mang ý nghĩa cách mạng thật lớn lao. Lắng nghe giọng điệu câu thơ mới thấy thật rõ. Ở nhịp bốn (“Bàn đá chông chênh”) âm thanh tuy có phần trúc trắc (ba thanh bằng, một thanh trắc), gợi liên tưởng đến tình thế nguy hiểm; nhưng ở nhịp ba (“dịch sử Đảng”), trái lại, âm thanh rắn, khỏe, (ba thanh trắc) tỏ rõ ý chí kiên quyết chiến đấu và tin tưởng. Câu thơ toát lên một tư thế chủ động, vững vàng trước mọi nguy nan của Bác, điểm thêm một nụ cười thanh thoát, cao vời.

Người xưa khi bất đắc chí thường lánh về chốn núi rừng để vui thú lâm tuyền cho khuây khỏa tâm hồn, nhưng Bác lại khác. Bác đến với núi rừng không phải với mục đích ở ẩn mà là để mưu tính cho từng bước đi của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc.

Nếu ở ba câu thơ đầu, niềm vui, niềm tự hào còn ẩn chứa bên trong thì đến câu thơ kết, niềm vui ấy đã bộc lộ rõ ràng qua từ ngữ, tiết tấu và âm hưởng. Cái nghèo nàn, thiếu thốn vật chất đã được chuyển hóa thành cái giàu sang tinh thần. Bác đánh giá hiện thực ấy với nụ cười hóm hỉnh, thâm thúy của một triết nhân:

Cuộc đời cách mạng thật là sang!

Tinh thần của bài thơ tụ lại cả ở từ “sang” này. Niềm tin, niềm tự hào của Bác tỏa sáng cả bài thơ. Cách nói và giọng thơ vui ở ba câu đầu đã làm nhẹ đi rất nhiều những gian khổ vất vả mà Bác phải trải qua. Nhưng đến câu thơ thứ tư, với từ "sang", tất cả những gian khổ vất vả dường như đã bị xoá sạch. Bài thơ như một định nghĩa về cuộc đời sang trọng của người cách mạng. Đó là một cuộc sống gian khổ nhưng tràn đầy những niềm vui lớn lao. Sau ba mươi năm bôn ba đi tìm "hình của nước" (Chế Lan Viên), nay được trở về sống giữa lòng đất nước yêu dấu, được trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng cứu dân cứu nước. Đặc biệt, niềm vui ấy còn được nhân lên khi Người tin chắc rằng thời cơ giải phóng dân tộc đang tới gần. Bên cạnh đó, được sống giữa thiên nhiên là sở nguyện suốt đời của Bác. So với những niềm vui lớn đó thì những gian khổ kia chẳng có nghĩa lí gì. Nói cách khác, sống trong hoàn cảnh gian khổ mà làm nên sự nghiệp lớn, cuộc đời cách mạng quả là "sang". Câu thơ lấp lánh một nụ cười hóm hỉnh, nụ cười của một người cách mạng.

Bằng giọng thơ đùa vui hóm hỉnh, bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” đã cho chúng ta thấy niềm vui, tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của Bác Hồ trong cuộc sống cách mạng đầy gian khổ ở Pác Bó. Qua đây, chúng ta biết rằng, Bác Hồ là người yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước dù trong hoàn cảnh nào Bác vẫn sống ung dung, thanh thản và tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Bên cạnh đó, bài thơ còn là bài học thấm thía về thái độ sống và quan điểm sống đúng đắn, tích cực của chiến sĩ cộng sản chân chính.

E. Một số lời bình về tác phẩm Tức cảnh Pác bó

1. Người đời Đường, đời Thanh (Trung Quốc) cho rằng tứ tuyệt khó nhất ở câu ba. Đại đa số các bài thơ tứ tuyệt chuyển ở câu này, có khi kết ở câu ấy, biến hóa, đổi dời từ câu ấy.

Từ không khí thiên nhiên: “suối hang sớm tối”, chuyển qua không khí hoạt động xã hội: Đảng, sử, dịch sử Đảng, … Từ những âm bằng êm đềm chuyển qua những dấu trắc, nặng (dịch), sắc (đá) hỏi (sử) đanh thép rắn rỏi.

Chuyển nhưng lại rất hồn nhiên, nhẹ nhàng, chả có gì là gãy đứt với bên trên. Trong khung cảnh hang suối ấy, người xưa “san thi, định kính” “Kinh dịch chấm son mài” … Và ngày nay Bác ngồi dịch sử Đảng. nhưng khác nhau một vực một trời.

(Chế Lan Viên)

Bài viết liên quan

700