Sơ đồ tư duy bài Đập đá ở Côn Lôn dễ nhớ, ngắn gọn

Sơ đồ tư duy bài Đập đá ở Côn Lôn Ngữ văn lớp 8 hay nhất, dễ nhớ, ngắn gọn với đầy đủ sơ đồ tư duy, tác giả, tác phẩm, dàn ý phân tích và bài văn phân tích mẫu giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa, củng cố kiến thức các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 8.

698


A/ Tác giả Tác phẩm bài Đập đá ở Côn Lôn

I. Tác giả:

- Phan Châu Trinh 1872-1926.

- Tự Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hi Mã.

- Quê: Tam kỳ - Quảng Nam.

- Sinh ra trong thời đại đất nước có nhiều biến động:

+ Phong trào Cần Vương chống Pháp (1885-1896) nổ ra và thất bại.

+ Đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng về đường lối đấu tranh và giai cấp lãnh đạo.

- Là một sĩ phu yêu nước lớn đầu thế kỷ XX:

=> Phan Châu Trinh là một nhà hoạt động chính trị - xã hội lớn của dân tộc Việt Nam.

 II. Tác phẩm

1. Thể loại: 

Thất ngôn bát cú Đường luật. 

2. Hoàn cảnh sáng tác:

- Bài thơ được sáng tác vào thời gian Phan Châu Trinh bị bắt giam tại nhà tù ở Côn Đảo.

3. Bố cục:

- Bố cục: 2  phần

- Phần 1: (4 câu thơ đầu): Hình ảnh hiên ngang khí phách của người anh hùng mặc dù trong cảnh tù đày.

- Phần 2: (4 câu thơ sau): Ý chí sắt thép, tinh thần kiên trung và nghị lực của người anh hùng trong cảnh tù đày.

4. Giá trị nội dung:

- Bài thơ giúp ta cảm nhận một hình tượng đẹp, một khí thế ngang tàng, vẻ đẹp lẫm liệt của người anh hùng dù gặp phải tình cảnh gian nguy nhưng vẫn không hề sờn lòng đổi chí.

5. Giá trị nghệ thuật:

- Bài thơ sử dung bút pháp lãng mạn, hình ảnh thơ phóng đại và khoa trương. Giọng thơ hào hùng lẫm liệt giàu sức biểu cảm.

B.Sơ đồ tư duy bài Đập đá ở Côn Lôn

Hỏi đáp VietJack

C. Dàn ý phân tích bài Đập đá ở Côn Lôn

1. Bốn câu đầu: Khí phách, uy dũng của người chiến sĩ.

- Tư thế: Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn: thế lồng lộng giữa càn khôn nhật nguyệt, vượt ra khỏi sự tù hãm của hoàn cảnh ⇒ Đằng sau hai chữ “làm trai” là quan niệm nhân sinh mang tính truyền thống của nho giáo.

- “Xách búa đánh tan năm bảy đống- Ra tay đập bể mấy trăm hòn”: Công việc đập đá được thể hiện bằng nghệ thuật khoa trương.

   + “Lở núi non”, “năm bảy đồng”, “mấy trăm hòn” và các hành động “xách búa”, “đập bể” : điểm xuất phát để làm xuất hiện lớp nghĩa biểu trưng.

   + Người đập đá xuất hiện trong khí thế lẫy lừng, kết quả thì phi thường.

⇒ Giọng điệu hùng tráng, bút pháp khoa trương, động từ mạnh, miêu tả- biểu cảm. ⇒ Con người không nhỏ bé mà người lại mang tầm vóc vũ trụ, ngạo nghễ phi thường.

2. Bốn câu thơ sau: Ý chí chiến đấu kiên cường của người chiến sĩ.

- Hai câu 5, 6: giọng tự bạch: Dưới con mắt của tác giả thì “tháng ngày”, “mưa nắng” không làm nhụt chí mà ngược lại tôi luyện cho họ sành sỏi, dày dạn kinh nghiệm, “bền gan” với lí tưởng.

⇒ Nghệ thuật đối: Những thử thách gian nan với sức chịu đựng dẻo dai, bền bỉ của con người ⇒ thể hiện rất rõ nội lực tinh thần của người chiến sĩ.

- Hai câu kết lại trở về giọng khẩu khí ngang tàng: Mượn hình ảnh huyền thoại Nữ Oa vá trời, nhà thơ nói đến chí lớn của người cách mạng.

- Đối với nhà thơ, chuyện ở tù, chuyện “lỡ bước” cũng chỉ là chuyện “con con”.

⇒ Câu cảm thán, nghệ thuật đối ⇒ Con người bản lĩnh, coi thường tù đày gian khổ, tin tưởng mãnh liệt vào sự nghiệp yêu nước của mình.

D. Bài văn phân tích Đập đá ở Côn Lôn

       Bên cạnh vai trò của một nhà hoạt động cách mạng, Phan Châu Trinh còn được biết đến với tư cách là một nhà thơ. Bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” được ông sáng tác trong thời gian ông bị đày ở đảo Côn Lôn đã thể hiện khí phách quật cường của người tù cách mạng.

      Được biết đến với cái tên “địa ngục trần gian”. Chính quyền thực dân đã biến nơi đây thành nơi giam giữ những nhà chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Nhưng kẻ thù chỉ có thể làm nhục được thân thể họ chứ không thể làm nhụt ý chí của họ. Những câu thơ mở đầu đã gợi ra tư thế của kẻ làm trai:

“Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,
Lừng lẫy làm cho lở núi non”

Mảnh đất Côn Lôn xa xôi, khí hậu lại khắc nghiệt. Côn Lôn có thể coi là mảnh đất của cái chết, huỷ diệt sinh mạng của con người. Giữa cái mảnh đất tử thần đó, người làm trai phải khẳng định được tư thế của mình. Từ láy “lừng lẫy” kết hợp với hình ảnh “làm cho lở núi non” cho thấy sự ngang hàng của con người trước núi non. Tư thế của người tù khổ sai thật đĩnh, đạc, hiên ngang, ngạo nghễ của một người anh hùng trong trời đất.

       Đến hai câu thơ sau nhà thơ mới đi vào tả cụ thể việc đập đá ở Côn Lôn. Với nhà thơ, đây là một trong những biểu hiện cho việc làm trai giữa trời đất:

“Xách búa đánh tan năm bảy đống
Ra tay đập bể mấy trăm hòn”

Những cụm động từ “xách búa”, “ra tay” đứng đầu câu tạo một chất giọng khỏe khoắn, hăng hái. Cùng với đó là các động từ “đánh tan”, “đập bể” gợi tả sức mạnh. Kết hợp với các số từ chỉ số lượng “dăm bảy đống”, “mấy trăm hòn” càng tôn thêm cho sức mạnh như vũ bão ấy. Cả hai câu thơ đầy khí thế, tưởng chừng như sẵn sàng đập tan những gì cứng rắn nhất. Ta cảm giác như trong hành động đập đá của người tù khổ sai ấy là một ý chí và một sức mạnh không có gì địch nổi.

        Tinh thần, khí thế bừng bừng của người tù khổ sai ấy đã nâng lên thành một lời hứa chắc nịch :

“Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng càng bền dạ sắt son”

“Tháng ngày” là một khoảng thời gian dài, triền miên từ ngày này sang ngày khác. Nói đến tháng ngày lúc này chính là nhà thơ đang nói đến những ngày tháng ở Côn Lôn. “Thân sành sỏi” là thân phận của người tù khổ sai. Nhưng cụm từ “bao quản” đứng giữa câu thơ như một lời khẳng định chắc nịch tinh thần không sợ hiểm nguy của người tù. Còn “mưa nắng” là những hiện tượng của tự nhiên, nhưng ở đây được hiểu như là những hiểm nguy của cuộc sống tù đày nơi Côn đảo. Nắng mưa ấy có thể làm xoáy mòn đá núi, nhưng không thể làm sờn lòng người tù cách mạng, “chi sờn dạ sắt son”. Cụm từ “dạ sắt son” là dạ rắn như sắt, đỏ như son, thuỷ chung như nhất. Dù nắng mưa có thế nào thì nó vẫn không bao giờ đổi thay. Hai câu thơ tả sức chịu đựng gian khổ, thử thách nghe như một lời tự khẳng định và như một lời thề thiêng liêng.

       Bài thơ kết thúc với lời khẳng định:

“Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chi kể việc con con"

Với người tù này, thân phận tù đày chỉ là một phút sa cơ, gặp tai ách rủi ro trên bước đường hoạt động cách mạng. Họ gọi mình là “những kẻ vá trời”. Câu thơ gợi nhắc cho ta đến câu chuyện Nữ Oa vá trời. Thì ra những kẻ đập đá, làm lở núi non trên kia là những kẻ đang luyện đá vá trời, đang đưa vai gánh vác vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Họ không phải là những người tù khổ sai bình thường.

       Như vậy, “Đập đá ở Côn Lôn” là một bài thơ hấp dẫn. Với một khí phách hiên ngang, ngạo nghễ thì người tù đã khẳng định bản lĩnh cách mạng của mình, với niềm tin vào tương lai tốt đẹp của đất nước.

Bài viết liên quan

698