Sinh học 7 Bài 39: Cấu tạo trong của thằn lằn
Lý thuyết tổng hợp Sinh học lớp 7 Bài 39: Cấu tạo trong của thằn lằn, chọn lọc năm 2021 – 2022 mới nhất gồm tóm tắt lý thuyết và hơn 500 bài tập ôn luyện Sinh 7. Hy vọng bộ tổng hợp lý thuyết Sinh học lớp 7 sẽ giúp học sinh củng cố kiến thức, ôn tập và đạt điểm cao trong các bài thi trắc nghiệm môn Sinh học 7.
Bài 39: Cấu tạo trong của thằn lằn
I. BỘ XƯƠNG
Bộ xương thằn lằn có 3 phần:
- Xương đầu
- Xương thân. Cột sống dài, có 8 đốt sống cổ, có các xương sườn tạo thành lồng ngực
- Xương chi gồm xương đai và các xương chi
Bộ xương thằn lằn tiến hóa hơn ở ếch đồng và phù hợp với sống trên cạn
- Có các xương sườn tạo lồng ngực giúp thằn lằn hô hấp
- Số lượng đốt sống cổ lớn hơn (8 đốt thay vì 1 đốt ở ếch)
- Cột sống dài, có đốt sống đuôi dài phù hợp di chuyển trên cạn
- Đai chi trước khớp với cột sống khiến chi trước cử động linh hoạt
II. CÁC CƠ QUAN DINH DƯỠNG
1. Tiêu hóa
Các cơ quan trong hệ tiêu hóa của thằn lằn có sự thay đổi so với ếch:
- Ống tiêu hóa đã phân hóa rõ hơn, ruột già chứa phân đặc do có khả năng hấp thu lại nước.
2. Tuần hoàn và hô hấp
- Hệ tuần hoàn
Thằn lằn cũng có 2 vòng tuần hoàn, tim xuất hiện vách ngăn hụt ngăn tạm thời tâm thất thành 2 nửa (tim 4 ngăn chưa hoàn toàn) nên máu ít bị pha hơn
- Hệ hô hấp
+ Sống hoàn toàn trên cạn nên phổi là cơ quan hô hấp duy nhất của thằn lằn. So với phổi ếch, phổi thằn lằn có cấu tạo phức tạp hơn, có nhiều vách ngăn và mao mạch bao quanh.
+ Sự thông khí ở phổi (hít, thở) là nhờ sự xuất hiện của các cơ liên sườn. Khi các cơ này co đã làm thay đổi thể tích của lồng ngực
- Cấu tạo của hệ tuần hoàn và hô hấp như vậy là phù hợp với hoạt động đòi hỏi cung cấp nhiều năng lượng khi di chuyển trên cạn, nhưng còn chưa hoàn thiện nên thằn lằn vẫn là động vật biến nhiệt.
3. Bài tiết
Thằn lằn có thận sau (hậu thận) tiến bộ hơn thận giữa của ếch, có khả năng hấp thu lại nước. Nước tiểu đặc.
III. THẦN KINH VÀ GIÁC QUAN
Hệ thần kinh của thằn lằn phát triển hơn so với của ếch, có não trước và tiểu não phát triển liên quan với đời sống và hoạt động phức tạp hơn.
- Tai có màng nhĩ nằm sâu trong một hốc nhỏ tương tự ống tai ngoài nhưng chưa có vành tai.
- Mắt cử động rất linh hoạt, có thể quan sát dễ dàng con mồi ngay khi đầu giữ bất động. Mắt có mi mắt và tuyến lệ, ngoài 2 mi trên dưới, mắt thằn lằn còn có mi thứ 3 mỏng rất linh hoạt, đảm bảo cho mắt khỏi khô mà vẫn nhìn thấy được.
IV. BÀI TẬP
Câu 1: Bộ xương thằn lằn chia làm mấy phần
a. 2 phần là xương đầu và xương thân
b. 2 phần là xương đầu và xương chi
c. 2 phần là xương thân và xương chi
d. 3 phần là xương đầu, xương thân và xương chi
Bộ xương thằn lằn có 3 phần là xương đầu, xương thân và xương chi.
→ Đáp án d
Câu 2: Thằn lằn có bao nhiêu đốt sống cổ
a. 1 đốt
b. 5 đốt
c. 8 đốt
d. 10 đốt
Thằn lằn có cột sống dài, có 8 đốt sống cổ.
→ Đáp án c
Câu 3: Sự trao đổi khí của thằn lằn được thực hiện nhờ
a. Bề mặt da ẩm ướt
b. Thằn lằn sống trong môi trường nước
c. Sự co dãn của các cơ liên sườn
d. Cả a và b đúng
Sự trao đổi khí của thằn lằn được thực hiện nhờ sự co dãn của các cơ liên sườn.
→ Đáp án c
Câu 4: Cơ quan tiêu hóa nào của thằn lằn giúp hấp thu lại nước
a. Dạ dày
b. Thận
c. Gan
d. Ruột già
Nhờ có ruột già mà thằn lằn hấp thu lại được nước, thích hợp với đời sống trên cạn.
→ Đáp án d
Câu 5: Tim thằn lằn có mấy ngăn
a. 2 ngăn
b. 3 ngăn
c. 4 ngăn chưa hoàn toàn
d. 4 ngăn hoàn toàn
Thằn lằn cũng có 2 vòng tuần hoàn, tim xuất hiện vách ngăn hụt ngăn tạm thời tâm thất thành 2 nửa (tim 4 ngăn chưa hoàn toàn).
→ Đáp án c
Câu 6: Bài tiết của thằn lằn tiến bộ hơn ếch ở điểm
a. Có khả năng hấp thu lại nước
b. Nước tiểu đặc
c. Có thận sau (hậu thận)
d. Tất cả các đặc điểm trên
Thằn lằn có thận sau (hậu thận) tiến bộ hơn thận giữa của ếch, có khả năng hấp thu lại nước. Nước tiểu đặc.
→ Đáp án d
Câu 7: Cơ quan hô hấp của thằn lằn là
a. Mang
b. Da
c. Phổi
d. Da và phổi
Thằn lằn hô hấp hoàn toàn bằng phổi.
→ Đáp án c
Câu 8: Tâm thất xuất hiện vách hụt có ý nghĩa
a. Máu đi nuôi cơ thể là máu pha
b. Máu đi nuôi cơ thể ít pha hơn
c. Máu đi nuôi cơ thể là máu đỏ tươi
d. Tăng động lực di chuyển của máu trong cơ thể
Tâm thất xuất hiện vách hụt làm cho máu đi nuôi cơ thể thằn lằn ít pha hơn so với ở ếch.
→ Đáp án b
Câu 9: Mắt của thằn lằn có mấy mi?
a. 1 mi
b. 2 mi
c. 3 mi
d. 4 mi
Mắt thằn lằn có mi mắt và tuyến lệ, ngoài 2 mi trên dưới, mắt thằn lằn còn có mi thứ 3 mỏng rất linh hoạt, đảm bảo cho mắt khỏi khô mà vẫn nhìn thấy được.
→ Đáp án c
Câu 10: Phát biểu nào là sai khi nói về đặc điểm thích nghi của thằn lằn với đời sống trên cạn
a. Hệ thần kinh và giác quan kém phát triển
b. Có cột sống dài, có 8 đốt sống cổ
c. Hô hấp bằng phổi nhờ sự co dãn của cơ liên sườn
d. Cơ thể giữ nước nhờ lớp da vảy sừng và sự hấp thu lại nước trong phân, nước tiểu
Thằn lằn có những đặc điểm phù hợp với đời sống hoàn toàn ở cạn: thở hoàn toàn bằng phổi, hô hấp bằng phổi nhờ sự co dãn của cơ liên sườn, tim 4 ngăn chưa hoàn toàn, cơ thể giữ nước nhờ lớp vảy sừng, hậu thận cùng trực tràng có khả năng hấp thụ lại nước, hệ thần kinh và giác quan tương đối phát triển.
→ Đáp án a