Phân tích bài Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra của Trần Nhân Tông.
Bộ tài liệu Văn mẫu lớp 7 gồm 500 bài văn mẫu hay nhất, đầy đủ nhất. Dưới đây là bài văn mẫu Cảm nhận về bài: Phân tích bài Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra của Trần Nhân Tông. ngữ văn lớp 7 được biên soạn mới nhất giúp các bạn học sinh học tốt môn văn 7 hơn.
Phân tích bài Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra của Trần Nhân Tông.
Bài văn mẫu
Trong văn học trung đại bên cạnh đề tài thể hiện tình yêu đất nước, tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc thì còn có những bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu cảnh vật. Tình cảm đó được thể hiện rõ nét trong bài thơ Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra của Trần Nhân Tông.
Bài thơ được viết trong dịp Trần Nhân Tông về thăm quê cũ ở phủ Thiên Trường. Bởi vậy cả bài thơ đầy ắp nỗi nhớ, tình yêu quê hương. Lời thơ mở đầu tả cảnh chiều hôm:
Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên
Bán vô bán hữu tịch dương biên
Cảnh vật hiện ra không rõ nét, nửa hư nửa thực, mờ ảo. Đó là cảnh chiều muộn cảnh vật nhạt nhòa trong sương, thể hiện vẻ đẹp mơ màng, yên tĩnh nơi thôn dã. Cảnh đó một phần là thực một phần do cảm nhận riêng của tác giả. Khung cảnh vừa như thực lại vừa như cõi mộng “bán vô bán hữu” – nửa như có nửa như không. Thời gian buổi chiều gợi nên nỗi buồn man mác, không gian làng quê im ắng, tĩnh mịch. Điều đó cho thấy một tâm hồn tinh tế nhạy cảm trước vẻ đẹp giản dị của cuộc sống.
Mục đồng địch lí ngưu quy tận
Bạch lộ song song phi hạ điền
Âm thanh tiếng sáo làm cho bức tranh trở nên đầy sức sống. Chiều về , ngoài đồng, những con trâu theo tiếng sáo của trẻ con mà về, khung cảnh thật yên bình, đẹp đẽ. Màu trắng của từng đôi cò liệng xuống đồng cũng làm không gian bớt phần quạnh hiu. Bức tranh được tác giả cảm nhận bằng nhiều giác quan: thị giác – sắc trắng tinh khôi của những cánh cò; thính giác – âm thanh tiếng sao du dương, trầm bổng của những đứa trẻ đi chăn trâu. Nếu như ở hai dòng thơ đầu, cảnh vật tịch mịch, tĩnh lặng không xuất hiện bất cứ chuyển động nào thì đến hai câu thơ cuối khung cảnh trở nên sinh động nhờ xuất hiện âm thanh và hoạt động của sự vật. Hình ảnh “cò trắng từng đôi liệng xuống đồng” làm cho không gian được mở ra, trở nên thoáng đãng, cao rộng, trong sạch, yên ả. Qua đó còn cho thấy sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, đem lại cảm giác thân quen, gần gũi.
Bài thơ có sự kết hợp tiểu đối và điệp ngữ một cách sáng tạo. Nhịp thơ êm ái hài hòa, giọng điệu tha thiết thể hiện tình yêu quê hương sâu nặng. Sử dụng ngôn ngữ miêu tả đậm chất hội họa. Đó là bức tranh phong cảnh làng quê quen thuộc ở bất cứ vùng đất nào của nước ta, chỉ bằng vài ba nét phác họa nhưng cho thấy một bức tranh thật thanh bình, yên ả.
Sử dụng lớp ngôn ngữ giàu chất biểu cảm và hội họa tác giả đã vẻ lên bức tranh làng quê trầm lặng mà không quạnh vắng. Bức tranh thiên nhiên, cuộc sống thật đẹp đẽ, hài hòa, nên thơ. Qua bài thơ còn cho thấy tình yêu quê hương sâu nặng của tác giả.