Kể lại nội dung bài thơ Lượm của Tố Hữu thành một câu chuyện theo những ngôi kể khác nhau.
Bộ tài liệu Văn mẫu lớp 7 gồm 500 bài văn mẫu hay nhất, đầy đủ nhất. Dưới đây là bài văn mẫu Cảm nhận về bài: Kể lại nội dung bài thơ Lượm của Tố Hữu thành một câu chuyện theo những ngôi kể khác nhau (ngôi thứ ba hoặc ngôi thứ nhất). ngữ văn lớp 7 được biên soạn mới nhất giúp các bạn học sinh học tốt môn văn 7 hơn.
Kể lại nội dung bài thơ Lượm của Tố Hữu thành một câu chuyện theo những ngôi kể khác nhau (ngôi thứ ba hoặc ngôi thứ nhất).
Bài văn mẫu 1
Năm 1946, thực dân Pháp trở mặt xâm lược nước ta một lần nữa. Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, động viên nhân dân quyết hi sinh để bảo vệ chủ quyền độc lập, tự do chúng ta đã phải đổ bao xương máu mới giành lại được. Từ Hà Nội, tôi trở về quê hương, đúng lúc gặp giặc Pháp tấn công vào Huế. Không khí những ngày đó thật sôi sục. Người dân xứ Huế không phân biệt già trẻ, gái trai, đồng lòng đánh giặc, bảo vệ quê hương.
Đang rảo bước trên đường Hàng Bè, tôi chợt nghe tiếng gọi vô cùng quen thuộc: "Ôi chú Lành! Chú về hồi nào vậy?". Tôi ngẩng lên nhìn. Một chú bé loắt choắt, da sạm nắng, trên đầu là chiếc mũ ca nô đội lệch, trông mới tinh nghịch làm sao. Cháu cười, phô hàm răng trắng đều, sải bước thật nhanh về phía tôi, hai tay dang rộng, chiếc xắc cốt nhún nhảy trên lưng theo nhịp bước.
Ồ! Lượm! Đứa cháu bé bỏng của tôi! Xa cháu chưa lâu mà tôi thấy cháu khác trước nhiều quá! Cháu chững chạc hẳn lên, trông như một anh bộ đội thực thụ. Tôi ôm chặt Lượm vào lòng, vội vã hỏi thăm về những người thân. Cháu vui vẻ khoe:
- Cháu làm liên lạc. Ở với các chú bộ đội trong đồn Mang Cá, cháu được các chú ấy dạy chữ, dạy hát, dạy bắn súng, dạy cách làm việc... Vui lắm chú à!
Lượm hào hứng kể rồi cười thích thú, mắt sáng ngời, đôi má ứng đỏ như trái bồ quân chín. Tôi cũng vui lây trước niềm vui trẻ thơ, hồn nhiên của Lượm. Cháu giơ tay lên mũ, đứng nghiêm chào tôi: "Thôi, chào đồng chí!" kèm theo nụ cười tinh nghịch. Tôi đứng lặng nhìn theo bóng cháu đang thoăn thoắt nhảy chân sáo trên đường. Tiếng huýt sáo vui vẻ của Lượm vẫn còn văng vẳng bên tai. Tôi rất vui vì Lượm đã trở thành đồng đội của tôi, một đồng đội tí hon.
Ngày tháng trôi qua, hai chú cháu tôi chiến đấu trên hai mặt trận khác nhau. Vào một ngày hè tháng sáu, tôi bàng hoàng khi nhận được tin Lượm đã hi sinh trong một trận tấn công đồn giặc. Giữa lúc cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, Lượm nhận nhiệm vụ chuyển thư thượng khẩn ra mặt trận. Trong lửa đạn mịt mù, cháu lao lên như một mũi tên, không sợ hiểm nguy, quyết trao tận tay người chỉ huy trận đánh lệnh của cấp trên. Một viên đạn thù đã bắn vào cháu. Lượm ngã xuống trên quê hương, giữa đồng lúa thơm mùi sữa lên đòng. Lượm đã hi sinh ngay trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Cháu ra đi mãi mãi, để lại niềm thương cảm khôn nguôi trong lòng tôi...
Mỗi khi nghĩ đến Lượm, trong tâm trí tôi lại hiện lên hình ảnh một chú bé loắt choắt, vai đeo chiếc xắc cốt đựng tài liệu, đầu đội lệch chiếc mũ ca lô, miệng huýt sáo vang, vừa đi vừa nhảy chân sáo trên con đường chan hòa ánh nắng.
Bài văn mẫu 2
Gặp gỡ, chia li, vĩnh biệt là những điều thường xuyên diễn ra trong chiến tranh. Cùng với đó nỗi buồn thương, tiếc nuối, đau xót cũng là cảm giác thường thấy. Từ thuở niên thiếu tôi đã tham gia hoạt động cách mạng. Tôi được nghe không ít những câu chuyện, được chứng kiến không biết bao nhiêu tấm gương anh hùng hi sinh vì đất nước. Thế nhưng suốt đời này sẽ không bao giờ tôi quên câu chuyện về Lượm, chú bé giao liên dũng cảm chưa kịp sống trọn tuổi đời thanh xuân đã ngã xuống cho đất nước được đứng lên.
Tôi và Lượm tình cờ gặp nhau trong một lần chú đi làm công tác liên lạc. Tôi còn nhớ những năm tháng ấy, cuộc kháng chiến chống Pháp đang trong thời kì sục sôi, thực dân Pháp đem quân càn quét khắp nơi trong đó trọng điểm là vùng Thừa Thiên, mảnh đất xứ Huế vốn dịu dàng, mộng mơ nay bị đạn bom kẻ tàn phá đau thương, đổ máu. Tôi vâng lệnh Đảng trở về quê hương cùng đồng bào Thừa Thiên chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Trên đường trở về, đi qua Hàng Bè, tôi tình cờ gặp Lượm - chú giao liên nhỏ bé. Ban đầu gặp chú bé tôi vừa ngạc nhiên, vừa khâm phục. Giao liên là một công việc vô cùng khó khăn, nguy hiểm, chỉ cần một chút bất cẩn cũng có thể hi sinh tính mạng, vì thế nó đòi hỏi sự dũng cảm, gan dạ, nhanh trí. Vậy mà một chú bé mới chừng mười một, mười hai, cái tuổi hồn nhiên, vô tư còn đang tung tăng cắp sách đến trường đã xung phong làm cán bộ giao liên. Tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bản chất anh hùng của người dân xứ Huế đã sớm ăn sâu vào máu thịt của con người nơi đây, trong đó có cả những đứa trẻ còn chưa kịp trưởng thành như Lượm.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh Lượm chú bé giao liên hồn nhiên, vui vẻ trong lần đầu tiên gặp gỡ. Chú bé có dáng người nhỏ bé, loắt choắt nhưng đôi chân của chú thoăn thoắt tỏ rõ sự hoạt bát, nhanh nhẹn. Tôi ấn tượng nhất với sự hồn nhiên, tinh nghịch của chú, cái đầu lúc nào cũng nghênh nghênh cùng chiếc mũ ca nô đội lệch. Nét hồn nhiên đúng với lứa tuổi của cậu bé thật đáng yêu, đáng quý. Đặc biệt, Lượm còn rất hồn nhiên, vui vẻ, lạc quan yêu đời, nụ cười luôn nở trên môi, miệng thì huýt sáo vang cho nên mọi người thường gọi chú là con chim chích nhảy trên đường vàng. Ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ, chú bé đã để lại trong tôi những ấn tượng thật sâu sắc.
Dù rất ấn tượng và quý mến chú bé nhưng do sự khẩn thiết của cuộc chiến, tôi và Lượm không có nhiều thời gian để trò chuyện cùng nhau. Tôi chỉ kịp hỏi cậu bé một câu:
- Cháu đi liên lạc có sợ nguy hiểm không?
Chú bé không trực tiếp trả lời câu hỏi của tôi, nhưng câu nói vừa ngây thơ, vừa quả quyết mà chú bé thốt lên khiến tôi vô cùng bất ngờ và cảm động:
- Dạ thưa chú, cháu đi liên lạc vui lắm chú à, ở đồn mang cá thích hơn ở nhà ạ.
Tôi trân trọng và cảm phục tinh thần kiên cường bất khuất của chú bé. Câu nói tưởng chừng ngây thơ, hồn nhiên nhưng tiếng “vui”, tiếng “thích” được thốt ra kia không đơn giản là niềm vui con trẻ mà nó còn chứa đựng niềm tự hào, niềm hạnh phúc khi được gánh vác trên vai nhiệm vụ cao cả mà tổ quốc giao phó. Nói rồi, chú bé cười híp mí, chào tạm biệt tôi rồi lên đường làm nhiệm vụ.
Lượm để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi ngay từ lần đầu gặp gỡ, tôi luôn mong muốn có một dịp hai chú cháu gặp lại để có thể nói với nhau bao điều còn dang dở. Nhưng tôi không ngờ, đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi gặp chú bé. Vào một buổi chiều tháng sáu đổ lửa, tôi bỗng nhận được lá thư báo tin Lượm đã hi sinh. Tôi đau đớn, nghẹn ngào, xót xa. Đã từng chứng kiến bao sự hi sinh của anh em, đồng đội tôi nhưng sự ra đi của Lượm khiến tôi buốt lòng, nhức nhối, thư kể lại rằng: Hôm ấy, cũng như bao hôm nào, Lượm được giao nhiệm vụ đi mang đi một bức thư “thượng khẩn”. Cầm bao thư trên tay, chú bé vẫn hồn nhiên, tinh nghịch tung tăng huýt sáo. Mặc cho bom rơi, đạn nổ, cậu bé dũng cảm vẫn thoăn thoắt băng qua mọi nẻo đường mưa bom, mọi mặt trận máu lửa. Đến một cánh đồng quê vắng vẻ, lúa đương thì trổ bông, mọi sự nguy hiểm dường như không còn thì bỗng chốc, một tiếng “đoàng” kinh hãi vang lên, chơp đỏ lóe sáng, một dòng máu tươi đổ xuống. Thôi rồi Lượm ơi, thế là chú đã mãi mãi ra đi. Lượm ngã xuống, tay nắm chặt bông lúa, hương lúa thơm làm mát dịu một linh hồn nhỏ bé mà quả cảm. Hồn chú bay lên tươi mát cùng trời xanh, chú đã ngã xuống cho tổ quốc được đứng lên. Linh hồn của Lượm hòa cùng hồn thiêng của đất nước, chú ra đi, nhưng là đi vào cõi bất tử bởi tuổi trẻ ấy, thanh xuân ấy còn sống mãi cùng thời gian. Cho đến bây giời, nụ cười, ánh mắt, dáng vẻ, và cả tiếng sáo tinh nghịch của chú bé vẫn còn in sâu trong tâm trí tôi.
Tổ quốc ta luôn tự hào bởi có được những người anh hùng trẻ tuổi như Lượm. Lượm đã viết lên một bản anh hùng ca bất tử cho chính cuộc đời mình khi còn ở tuổi niên thiếu. Tôi đem câu chuyện về Lượm để lan tỏa khắp nơi, truyền cho thế hệ trẻ niềm tin, động lực để bước cho ngày mai.
Bài viết liên quan
- Kể cho bố mẹ nghe một câu chuyện lí thú (hoặc cảm động, hoặc buồn cười, ...) mà em đã gặp ở trường.
- Kể lại nội dung bài thơ Lượm của Tố Hữu thành một câu chuyện theo những ngôi kể khác nhau (ngôi thứ ba hoặc ngôi thứ nhất).
- Kể lại nội dung bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ thành một câu chuyện theo những ngôi kể khác nhau (ngôi thứ ba hoặc ngôi thứ nhất).
- Kể lại nội dung Bài ca nhà tranh bị gió thu phá của Đỗ Phủ bằng bài văn xuôi biểu cảm.
- Hãy miêu tả vẻ đẹp của rừng núi quê hương em.