Vật Lí 6 Bài 6: Lực, Hai lực cân bằng
Lý thuyết tổng hợp Vật Lí lớp 6 Bài 6: Lực, Hai lực cân bằng chọn lọc năm 2021 – 2022 mới nhất gồm tóm tắt lý thuyết và hơn 500 bài tập ôn luyện Lí 6. Hy vọng bộ tổng hợp lý thuyết Vật Lí lớp 6 sẽ giúp học sinh củng cố kiến thức, ôn tập và đạt điểm cao trong các bài thi trắc nghiệm môn Vật Lí 6.
Bài 6: Lực, Hai lực cân bằng
I. Lý thuyết
1. Lực là gì?
- Khi vật này đẩy hoặc kéo vật kia, ta nói vật này tác dụng lực lên vật kia. Tác dụng đẩy hay kéo của vật này lên vật khác gọi là lực.
- Mỗi lực tác dụng đều được xác định bởi phương, chiều và độ lớn (hay còn gọi là cường độ) của lực.
2. Hai lực cân bằng
- Hai lực cân bằng là hai lực tác dụng lên cùng một vật, cùng phương (cùng nằm trên một đường thẳng), cùng độ lớn (cùng cường độ) nhưng ngược chiều.
- Nếu chỉ có hai lực tác dụng vào cùng một vật mà vật vẫn đứng yên thì hai lực đó là hai lực cân bằng.
Ví dụ: Khi hai đội kéo co mạnh ngang nhau, sợi dây đứng yên. Ta nói hai lực mà các đội kéo co tác dụng lên dây là hai lực cân bằng.
* Phương pháp giải
1. Nhận biết lực,
- Nếu một vật bị thay đổi về hình dạng hoặc thay đổi về chuyển động thì vật đó đã chịu tác dụng của lực.
- Khi vật chịu tác dụng của một hay nhiều lực, ta cần phải biết lực nào là lực hút, lực đẩy, lực nâng, lực kéo hay lực ép…
2. Xác định phương và chiều của lực
Căn cứ vào sự nhận biết lực, vào những kết quả tác dụng của lực để ta xác định phương và chiều của lực tác dụng.
- Khi chịu tác dụng của một lực, nếu vật bị nén hay giãn theo phương và chiều nào thì thường lực đó cũng có phương và chiều đó.
- Khi chịu tác dụng của lực và vật bị biến đổi chuyển động (chuyển động nhanh dần, chậm dần hay đổi hướng…) thì tùy theo từng trường hợp cụ thể để ta xác định đúng phương và chiều của lực.
3. Cách xác định hai lực cân bằng
Hai lực cân bằng là hai lực phải có đủ 4 yếu tố:
- Hai lực phải tác dụng lên cùng một vật.
- Phương của hai lực phải cùng nằm trên một đường thẳng.
- Chiều của hai lực phải ngược nhau.
- Độ lớn của hai lực phải bằng nhau.
Nếu thiếu 1 trong 4 yếu tố đó thì chúng không phải là hai lực cân bằng.
Lưu ý:
+ Khi vật này tác dụng lực lên vật kia một lực thì đồng thời vật kia cũng tác dụng ngược lại lên vật này một lực (hai lực đó có cùng phương, cùng độ lớn và cũng ngược chiều nhưng tác dụng lên hai vật khác nhau nên hai lực này không phải là hai lực cân bằng).
+ Không phải cứ hai vật chạm vào nhau thì mới tác dụng lực lên nhau mà có thể có trường hợp chúng không hề chạm vào nhau nhưng vẫn tác dụng được với nhau chẳng hạn như nam châm hút sắt.
II. Bài tập trắc nghiệm
Bài 1: Hai lực nào sau đây gọi là hai lực cân bằng?
A. Hai lực cùng phương, cùng chiều, mạnh như nhau tác dụng lên hai vật khác nhau.
B. Hai lực cùng phương, ngược chiều, mạnh như nhau tác dụng lên hai vật khác nhau.
C. Hai lực cùng phương, cùng chiều, mạnh như nhau tác dụng lên cùng một vật.
D. Hai lực có phương trên cùng một đường thẳng, ngược chiều, mạnh như nhau tác dụng lên cùng một vật.
Hai lực có phương trên cùng một đường thẳng, ngược chiều, mạnh như nhau tác dụng lên cùng một vật gọi là hai lực cân bằng
⇒ Đáp án D
Bài 2: Gió tác dụng vào buồm một lực có
A. phương song song với mạn thuyền, cùng chiều với chiều chuyển động của thuyền.
B. phương song song với mạn thuyền, ngược chiều với chiều chuyển động của thuyền.
C. phương vuông góc với mạn thuyền, chiều từ trên xuống.
D. phương vuông góc với mạn thuyền, chiều từ dưới lên.
Gió tác dụng vào buồm một lực có phương song song với mạn thuyền, cùng chiều với chiều chuyển động của thuyền.
⇒ Đáp án A
Bài 3: Sợi dây kéo co của hai bạn giữ nguyên vị trí vì
A. lực kéo của bạn 1 tác dụng vào dây cân bằng với lực của dây tác dụng vào tay bạn 1.
B. lực kéo của bạn 2 tác dụng vào sợi dây cân bằng với lực kéo của bạn 1 tác dụng vào sợi dây.
C. lực kéo của bạn 2 tác dụng vào sợi dây cân bằng với lực dây tác dụng vào tay bạn 1.
D. lực kéo của bạn 1 tác dụng vào dây cân bằng với lực của dây tác dụng vào tay bạn 2.
Sợi dây kéo co của hai bạn giữ nguyên vị trí vì lực kéo của bạn 2 tác dụng vào sợi dây cân bằng với lực kéo của bạn 1 tác dụng vào sợi dây ⇒ Đáp án B
Bài 4: Dụng cụ nào sau đây dùng để đo lực?
A. Cân Rô – béc – van B. Lực kế
C. Nhiệt kế D. Thước
Lực kế là dụng cụ dùng để đo lực ⇒ Đáp án B
Bài 5: Chọn từ thích hợp điền vào chỗ trống: Khi một lực sĩ bắt đầu ném một quả tạ, lực sĩ đã tác dụng vào quả tạ một ………
A. lực nâng B. lực kéo
C. lực uốn D. lực đẩy
Khi một lực sĩ bắt đầu ném một quả tạ, lực sĩ đã tác dụng vào quả tạ một lực đẩy
⇒ Đáp án D
Bài 6: Chiếc bàn học nằm yên trên sàn vì
A. không chịu tác dụng của lực nào.
B. chỉ chịu lực nâng của sàn.
C. chịu hai lực cân bằng: Lực nâng của sàn và lực hút của Trái Đất.
D. chỉ chịu lực hút của Trái Đất.
Chiếc bàn học nằm yên trên sàn vì chịu hai lực cân bằng: Lực nâng của sàn và lực hút của Trái Đất.
⇒ Đáp án C
Bài 7: Một người kéo và một người đẩy cùng một chiếc xe lên dốc. Xe không nhúc nhích. Cặp lực nào dưới đây là cặp lực cân bằng?
A. Lực người kéo và lực người đẩy lên chiếc xe.
B. Lực người kéo chiếc xe và lực chiếc xe kéo lại người đó.
C. Lực người đẩy chiếc xe và lực chiếc xe đẩy lại người đó.
D. Cả ba cặp lực nói trên đều không phải là các cặp lực cân bằng.
- Lực người kéo và lực người đẩy lên chiếc xe: hai lực này cùng chiều ⇒ không phải là hai lực cân bằng.
- Lực người kéo chiếc xe và lực chiếc xe kéo lại người đó: hai lực đặt vào hai vật khác nhau ⇒ không phải là hai lực cân bằng.
- Lực người đẩy chiếc xe và lực chiếc xe đẩy lại người đó: hai lực đặt vào hai vật khác nhau ⇒ không phải là hai lực cân bằng.
⇒ Đáp án D
Bài 8: Hoạt động nào dưới đây không cần dùng đến lực?
A. Đọc một trang sách
B. Xách một xô nước
C. Nâng một tấm gỗ
D. Đẩy một chiếc xe
Đọc một trang sách là hoạt động không cần dùng đến lực
Bài 9: Phát biểu nào sau đây không đúng?
A. Tác dụng đẩy, kéo của vật này lên vật khác gọi là lực.
B. Nếu chỉ có hai lực tác dụng vào cùng một vật mà vật vẫn đứng yên thì hai lực đó là hai lực cân bằng.
C. Hai lực cân bằng là hai lực mạnh như nhau, có cùng phương nhưng ngược chiều.
D. Nếu chỉ có hai lực tác dụng vào cùng một vật thì hai lực đó là hai lực cân bằng.
Nếu chỉ có hai lực tác dụng vào cùng một vật thì hai lực đó là hai lực cân bằng
⇒ Đáp án D sai
Bài 10: Cặp lực nào không cân bằng trong các cặp lực sau?
A. Lực của mặt nước và lực hút của Trái Đất tác dụng vào thuyền để thuyền đứng yên trên mặt nước.
B. Lực của hai em bé kéo hai đầu sợi dây khi sợi dây đứng yên.
C. Lực mà lò xo tác dụng vào vật và lực mà vật tác dụng vào lò xo.
D. Lực nâng của sàn và lực hút của Trái Đất tác dụng vào bàn
Lực mà lò xo tác dụng vào vật và lực mà vật tác dụng vào lò xo đặt vào hai vật khác nhau nên không cân bằng ⇒ Đáp án C.
Câu 11 : Quan sát hình 6.1 và 6.2 trong SGK, ba bạn Bình, Lan, Chi phát biểu:
Bình: Khi ta đẩy (đẩy xe vào) hay kéo (kéo xe ra) chỉ có xe mới tác dụng lên lò xo lá tròn và lò xo ruột gà một lực.
Lan: Chỉ có lò xo trong cả 2 trường hợp cùng tác dụng lên xe một lực mới đúng. Điển hình khi buông tay, xe sẽ bị đẩy ra xa (hình 6.1 hoặc bị kéo vào (hình 6.2)
Chi: Cả xe và lò xo cùng tắc dụng lực lên nhau (tác dụng lẫn nhau). Xe tác dụng lực lên lò xo và đồng thời lò xo cũng tác dụng lực lên xe.
A. Chỉ có Bình đúng.
B. Chỉ có Lan đúng.
C. Chỉ có Chi đúng.
D. Cả A, B, C cùng saỉ.
Đáp án C
Giải thích: Khi ta đẩy hay kéo xe, thì xe tác dụng lên lò xo 1 lực, làm lò xo bị dãn hoặc bị nén. Ngược lại, lò xo cũng tác dụng lên xe 1 lực, nên kết quả là khi buông tay ra, xe bị lò xo đẩy ra xa hoặc kéo vào.
Do đó chỉ có Chi nói đúng, xe và lò xo tương tác lẫn nhau, tác dụng lực lên nhau.
Câu 12 : Cũng quan sát hình 6.1 và 6.2 (SGK), tìm câu đúng trong cốc câu sau:
A. Lực mà lò xo tác dụng lên xe trong 2 trường hợp cùng có phương song song với mặt bàn.
B. Lực mà lò xo tác dụng lên xe trong trường hợp 1 (hình 6,1) có chiều hướng ra ngoài và lực mà lò xo tác dụng lên xe trong trường hợp 2 (hình 6.2) có chiều hướng vào trong.
C. Hai lực này có độ lớn bằng nhau.
D. A và B đúng.
Đáp án D
Giải thích: Lò xo đặt song song với mặt bàn, lực mà lò xo tác dụng lên xe có phương song song với mặt bàn.
Trong trường hợp 1, ta đẩy xe, ép lò xo lại, nên lực mà lò xo tác dụng lên xe hướng ra ngoài (kết quả là khi buông tay, xe bị đẩy ra ngoài).
Trong trường hợp 2, ta kéo lò xo dãn ra, nên lực mà lò xo tác dụng lên xe hướng vào trong (kết quả là khi buôn tay, xe bị kéo vào trong).
Hai kết luận A và B đúng.
Câu 13 : Đưa 1 thanh nam châm đến gần một quả nặng bằng sắt treo bởi 1 sợi dây (Hình 6.3 SGK) quả nặng bị nam châm hút.
A. Nam châm đã tác dụng lên quả nặng một lực.
B. Quả nặng đã tác dụng lên nam châm một lực.
C. Hai lực này cùng phương cùng chiều với nhau.
D. A và B đúng.
Đáp án D
Giải thích: Khi đưa nam châm lại gần quả nặng bằng sắt thì nó hút quả nặng, ngược lại, quả nặng cũng hút nam châm một lực. Hai lực này cùng phương nhưng ngược chiều nhau.
Câu 14 : Dùng tay đẩy một chiếc xe, lăn trên mặt bàn nằm ngang.
A. Tay ta đã tác dụng vào xe một lực.
B. Xe đã tác dụng vào tay ta một lực.
C. Hai lực mà tay tác dụng lên xe và xe tác dụng lên tay là hai lực cân bằng nhau.
D. A và B đúng.
Đáp án D
Giải thích: Khi tay ta đẩy xe, thì ta tác dụng lực đẩy lên xe, ngược lại, xe cũng tác dụng lên tay ta một lực. Hai lực này cùng phương, ngược chiều, nhưng tác dụng vào hai vật khác nhau nên chúng không phải là hai lực cân bằng nhau.
Hai kết luận A và B đúng.
Câu 15 : Hai lực cân bằng nhau là lực:
A. Có độ lớn (sức mạnh) bằng nhau.
B. Cùng phương cùng chiều nhau.
C. Cùng phương, trái chiều nhau.
D. Cùng phương, trái chiều và có độ lớn bằng nhau.
Đáp án D
Giải thích: Hai lực cân bằng là hai lực cùng phương, ngược chiều (trái chiều), cùng độ lớn, cùng tác dụng vào một vật.
Câu 16 : Cũng trong thí nghiệm trong sách giáo khoa (hình 6.1 và 6.2), khi ta chưa buông tay, xe lăn vẫn đứng yên, ta bảo:
A. Chưa có lực nào tác dụng lên xe, làm xe đứng yên.
B. Lực đẩy (hay lực kéo) của tay cân bằng với lực tác dụng của lò xo lên xe.
C. Lực đàn hồi tác dụng của lò xo lên xe lớn hơn lực đẩy (hay lực kéo của tay.
D. Lực đẩy (hay lực-kéo) của tay lớn hơn rất nhiều so với lực tác dụng của lò xo lên xe.
Đáp án B
Giải thích: Xe trong hình 6.1 và 6.2 chịu tác dụng của 2 lực: lực đẩy của tay và lực đẩy của lò xo. Đây là hai lực cân bằng nên xe vẫn đứng yên.
Câu 17 : Hai lực cân bằng nhau là hai lực có độ lớn bằng nhau và...
A. Cùng phương, cùng chiều nhau.
B. Cùng phương, trái chiều nhau.
C. Khác phương, cùng chiều nhau.
D. Khác phương, ngược chiều nhau.
Đáp án B
Giải thích: Hai lực cân bằng là hai lực cùng phương, ngược chiều và cùng độ lớn.
Câu 18 : Khi bơi, ta nổi được trên mặt nước là do:
A. Lực đẩy của nước mạnh hơn sức nặng (trọng lực) của cơ thể ta.
B. Lực đẩy của nước yếu hơn sức nặng của cơ thể ta.
C. Lực đẩy của nước cân bằng với sức nặng của cơ thể ta.
D. Tất cả cùng sai.
Đáp án C
Giải thích: Khi ta bơi, ta nổi trên mặt nước do lực đẩy của nước cân bằng với trọng lực của cơ thể ta. Nếu lực đẩy của nước yếu hơn sức nặng cơ thể thì ta sẽ chìm xuống, nếu lực đẩy mạnh hơn sức nặng của cơ thể thì ta sẽ nổi trên mặt nước như cái phao bơi.
Câu 19 : Ba bạn Bình, Lan, Chi rủ nhau đi chơi Bowling. Nhìn quả bóng Bowling được đặt đứng yên trên mặt bàn, ba bạn phát biểu:
Bình: Không có lực nào tác dụng lên quả bóng nên quả bóng mới đứng yên.
Lan: Đã có 2 lực cân bằng nào đó tác dụng lên quả bóng, quả bóng mới đứng yên được.
Chi: Quả bóng quá nặng, nên nó đứng yên.
A. Chỉ có Bình đúng.
B. Chỉ có Lan đúng.
C. Chỉ có Chi đúng.
D. Cả ba cùng phát biểu sai.
Đáp án B
Giải thích: Mọi vật trên trái đất đều chịu tác dụng lực của Trái Đất gọi là trọng lực. Một vật nếu chịu tác dụng của hai lực cân bằng thì sẽ đứng yên. Rõ ràng quả Bowling đứng yên trên mặt sàn đang chịu tác dụng của trọng lực, nhưng phải có 1 lực nữa cân bằng với trọng lực thì quả bóng mới đứng yên. Vậy Lan nói đúng.
Câu 20 : Khi buông rơi một vật từ trên cao xuống mặt đất, ba bạn Bình, Lan, Chi phát biểu:
Bình: Chỉ có trái đất mới tác dụng lên vật một lực.
Lan: Chỉ có vật mới tác dụng lên trái đất một lực.
Chi: Cả trái đất và vật đều tác dụng lực lẫn nhau.
A. Chỉ có Bình đúng.
B. Chỉ có Lan đúng.
C. Chỉ có Chi đúng.
D. Cả Bình, Lan, Chi đều sai.
Đáp án C
Giải thích: Vật được thả rơi từ độ cao nào đó, vật rơi xuống đất do vật chịu tác dụng lực hút của Trái Đất. Vì Trái Đất tác dụng lên vật một lực thì vật cũng tác dụng lên Trái Đất một lực.