Giải SBT Sinh học 10 trang 36 Cánh diều

Với Giải SBT Sinh học 10 trang 36 trong Chủ đề 6: Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở tế bào sách Sinh học lớp 10 Cánh diều hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời các câu hỏi & làm bài tập Sinh học 10 trang 36.

409


Giải SBT Sinh học 10 trang 36 Cánh diều

Bài 6.60 trang 36 SBT Sinh học 10: Mô tả đúng nhất mối quan hệ giữa pha sáng và chu trình Calvin là

A. pha sáng cung cấp ATP và NADPH cho bước cố định carbon của chu trình Calvin còn chu trình Calvin cung cấp nước và electron cho pha sáng.

B. pha sáng cung cấp CO2 cho chu trình Calvin để sản xuất ra đường và chu trình Calvin cung cấp các loại đường cho pha sáng để sản xuất ATP.

C. pha sáng cung cấp oxygen cho chu trình Calvin và chu trình Calvin cung cấp nước cho pha sáng.

D. pha sáng cung cấp ATP và NADPH còn chu trình Calvin trả ADP, Pi và NADP+ cho pha sáng.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

A. Sai. Chu trình Calvin không có vai trò cung cấp nước và electron cho pha sáng.

B. Sai. Pha sáng không cung cấp CO2 cho chu trình Calvin mà CO2 được lấy từ môi trường đồng thời chu trình Calvin cũng không cung cấp các loại đường cho pha sáng để sản xuất ATP, ATP trong pha sáng được sản xuất từ năng lượng ánh sáng.

C. Sai. Oxygen trong pha sáng được giải phóng ra ngoài đồng thời chu trình Calvin cũng không cung cấp nước cho pha sáng, nước cung cấp cho pha sáng được lấy từ môi trường.

D. Đúng. Pha sáng cung cấp ATP và NADPH còn chu trình Calvin trả ADP, Pi và NADP+ cho pha sáng.

Bài 6.61 trang 36 SBT Sinh học 10: Cho các chất: khí O2, glucose, Na+, protein. Hãy so sánh tốc độ di chuyển của mỗi loại chất này qua màng nhân tạo gồm 2 lớp lipid và màng sinh chất của tế bào sống. Giải thích.

Lời giải:

- Khí O2 đi qua màng nhân tạo và màng sinh chất với tốc độ như nhau vì khí O2 khuếch tán tự do qua lớp lipid kép.

- Glucose đi qua màng sinh chất với tốc độ cao hơn rất nhiều vì glucose có khả năng khuếch tán rất thấp qua lớp lipid kép; glucose là chất dinh dưỡng, được vận chuyển bằng protein qua màng sinh chất.

- Na+ và protein không đi qua được màng nhân tạo vì Na+ tích điện còn protein có kích thước rất lớn. Na+ được vận chuyển qua màng sinh chất bằng protein màng còn protein được vận chuyển bằng hình thức nhập bào hoặc xuất bào.

Bài 6.62 trang 36 SBT Sinh học 10: Giải thích các hiện tượng sau:

- Dịch quả mơ chảy ra khi ngâm quả với đường trong một thời gian.

- Lá xà lách héo rũ tươi trở lại khi ngâm trong nước một thời gian.

Lời giải:

- Dịch quả mơ chảy ra khi ngâm quả với đường trong một thời gian: Dung dịch đường là ưu trương so với dịch tế bào trong quả mơ. Vì vậy, nước trong tế bào quả mơ đi ra ngoài kéo theo một số chất hòa tan.

- Lá xà lách héo rũ tươi trở lại khi ngâm trong nước một thời gian: Nước là nhược trương so với dịch tế bào lá xà lách. Vì vậy, nước đi vào trong tế bào làm tế bào trương lên.

Bài 6.63 trang 36 SBT Sinh học 10: Trong một thí nghiệm, một loại tế bào không có thành tế bào cho glucose đi qua màng sinh chất nhưng không cho sucrose đi qua. Nêu hiện tượng xảy ra đối với các tế bào được ngâm trong từng dung dịch sau:

a) Dung dịch sucrose ưu trương.

b) Dung dịch glucose ưu trương.

c) Dung dịch sucrose nhược trương.

Lời giải:

Hiện tượng xảy ra đối với các tế bào được ngâm trong từng dung dịch:

a) Dung dịch sucrose ưu trương: Nước di chuyển từ bên trong ra bên ngoài tế bào → Tế bào co lại và chết.

b) Dung dịch glucose ưu trương: Glucose di chuyển vào bên trong tế bào, nước di chuyển ra bên ngoài tế bào cho đến khi nồng độ glucose ở bên trong và bên ngoài cân bằng.

c) Dung dịch sucrose nhược trương: Nước di chuyển vào bên trong tế bào → Tế bào trương lên và có thể bị vỡ.

Bài 6.64 trang 36 SBT Sinh học 10: Ở các tế bào động vật có vú, nồng độ Na+ ở bên ngoài cao hơn nhiều so với bên trong tế bào còn nồng độ K+ ở bên trong cao hơn nhiều so với bên ngoài tế bào. Khi các tế bào neuron truyền xung thần kinh, Na+ đi qua protein kênh vào bên trong còn K+ đi ra bên ngoài. Bằng cách nào tế bào thần kinh có thể khôi phục lại chênh lệch nồng độ Na+ và K+ hai bên màng sinh chất như ban đầu?

Lời giải:

Tế bào thần kinh có thể khôi phục lại chênh lệch nồng độ Na+ và K+ hai bên màng sinh chất như ban đầu bằng cách sử dụng bơm vận chuyển chủ động.

Bài 6.65 trang 36 SBT Sinh học 10: Đồ thị sau đây biểu diễn sự thay đổi tỉ lệ tinh bột bị phân giải bởi amylase theo thời gian ở nhiệt độ 30 oC.

Sách bài tập Sinh học 10 Chủ đề 6: Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở tế bào - Cánh diều (ảnh 1)

a) Sản phẩm của phản ứng phân giải tinh bột là gì?

b) Có bao nhiêu phần trăm tinh bột được phân giải sau 5 phút?

c) Tại sao đường biểu diễn nằm ngang từ sau 10 phút?

d) Đường biểu diễn sẽ thay đổi như thế nào nếu phản ứng được tiến hành ở 20 oC? Giải thích.

e) Đường biểu diễn sẽ thay đổi như thế nào nếu phản ứng được tiến hành ở 37 oC? Giải thích.

Lời giải:

a) Sản phẩm của phản ứng phân giải tinh bột là glucose.

b) Có khoảng 65% tinh bột được phân giải sau 5 phút.

c) Đường biểu diễn nằm ngang từ sau 10 phút vì tinh bột đã bị phân giải hoàn toàn.

d) Đường biểu diễn sẽ ít dốc hơn nếu phản ứng được tiến hành ở 20 oC vì nhiệt độ thấp làm giảm hoạt tính của enzyme.

e) Đường biểu diễn sẽ dốc nhiều hơn nếu phản ứng được tiến hành ở 37 oC vì nhiệt độ này làm tăng hoạt tính của enzyme.

Bài viết liên quan

409