Trắc nghiệm Lịch sử 12 Bài 17 có đáp án năm 2021

Bộ câu hỏi trắc nghiệm Lịch sử lớp 12 Bài 17 Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa từ sau ngày 2-9-1945 đến trước ngày 19-12-1946 có đáp án, chọn lọc năm 2021 – 2022 mới nhất gồm các câu hỏi trắc nghiệm đầy đủ các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dung cao. Hy vọng với tài liệu trắc nghiệm Lịch sử lớp 12 sẽ giúp học sinh củng cố kiến thức, ôn tập và đạt điểm cao trong các bài thi trắc nghiệm môn Lịch sử 12.

966
  Tải tài liệu

Bài 17 Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa từ sau ngày 2-9-1945 đến trước ngày 19-12-1946

Câu 1: Đâu là điều kiện khách quan thuận lợi của nước Việt Nam Dân chủ Cộnghòa sau cách mạng tháng Tám năm 1945?

A. Có chính quyền cách mạng của nhân dân

B.Sự ủng hộ của quần chúng nhân dân

C. Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Đông Dương 

D. Sự phát triển của phong trào cách mạng thế giới

Lời giải: 

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, phong trào cách mạng thế giới có phát triển mạnh mẽ: hệ thống xã hội chủ nghĩa đang hình thành; phong trào giải phóng dân tộc dâng cao ở nhiều nước thuộc địa và phụ thuộc; phong trào đấu tranh vì hòa bình dân chủ phát triển ở nhiều nước tư bản. Đây chính là điều kiện khách quan thuận lợi của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau cách mạng tháng Tám năm 1945.

Đáp án cần chọn là: D

Hỏi đáp VietJack

Câu 2: Điểm giống nhau trong âm mưu của các thế lực ngoại xâm ở Việt Nam sau cách mạng tháng Tám năm 1945 là

A. Chống phá, đàn áp cách mạng Việt Nam

B. Xâm lược và nô dịch Việt Nam

C. Biến Việt Nam thành tiền đồn ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản 

D. Tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam

Lời giải: 

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Việt Nam là một trong những nước giành được chính quyền sớm trên thế giới. Do đó, các nước đế quốc mặc dù có mâu thuẫn với nhau nhưng lại thống nhất trong âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng, thủ tiêu nền độc lập của Việt Nam. Vì sự e ngại phong trào cách mạng ở Việt Nam sẽ cổ vũ cho phong trào đấu tranh ở các nước thuộc địa.

=> Âm mưu chung của các thế lực ngoại xâm ở Việt Nam sau cách mạng tháng Tám năm 1945 là chống phá, đàn áp cách mạng Việt Nam.

Đáp án cần chọn là: A   

Câu 3: Các thế lực ngoại xâm và nội phản ở nước ta ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đều

A. muốn chống phá, lật đổ chính quyền cách mạng.

B. có nhiệm vụ giải giáp quân đội phát xít Nhật. 

C. dọn đường cho thực dân Pháp trở lại xâm lược.

D. thi hành chính sách hai mặt với chính phủ ta.

Lời giải: 

- Đáp án B loại vì Pháp không có nhiệm vụ giải giáp quân Nhật.

- Đáp án C loại vì quân Trung Hoa Dân quốc không dọn đường cho Pháp quay trở lại xâm lược nước ta.

- Đáp án D loại vì các thế lực ngoại xâm và nội phản luôn muốn chống phá và lật đổ chính quyền cách mạng của ta nên chúng không thi hành chính sách hai mặt với ta.

Đáp án cần chọn là: A

Câu 4: Trong các thế lực đế quốc có mặt trên đất nước ta ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, đế quốc nào là kẻ thù chính?

A. Thực dân Pháp với âm mưu quay lại xâm lược Việt Nam, núp bóng quân Anh liên tiếp có hành động gây hấn.

B. Hơn 1 vạn quân Anh dưới danh nghĩa quân Đồng minh, ủng hộ quân Pháp quay trở lại xâm lược Đông Dương.

C. 6 vạn quân Anh dưới danh nghĩa quân Đồng minh, ủng hộ quân Pháp quay trở lại xâm lược Đông Dương.

D. 20 vạn quân Trung Hoa dưới danh nghĩa quân Đồng minh, có Mĩ hậu thuẫn, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng của ta.

Lời giải: 

Sau năm 1945, ở Việt Nam có hai kẻ thù ở hai miền Nam – Bắc:

- Từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc: quân Trung Hoa Dân Quốc âm mưu chống phá cách mạng.

- Từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam: quân Pháp quay lại trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai, đây là kẻ thù chính, kẻ thù lâu dài và nguy hiểm nhất đối với nước ta ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công.

Đáp án cần chọn là: A   

Câu 5: Sau chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội những nước nào dưới danh nghĩa quân Đồng minh kéo vào Việt Nam giải giáp quân đội Nhật?

A. Anh, Trung Hoa Dân Quốc 

B. Anh, Pháp

C. Anh, Mĩ

D. Anh, Pháp, Trung Hoa Dân Quốc

Lời giải:

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Anh, Trung Hoa Dân Quốc dưới danh nghĩa nghĩa quân Đồng Minh kéo vào Việt Nam giải giáp quân đội Nhật. Từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc, nhiệm vụ giải giáp sẽ giao cho quân Trung Hoa Dân Quốc. Còn từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam sẽ giao cho quân Anh giải giáp.

Đáp án cần chọn là: A

Câu 6: Thuận lợi cơ bản của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau cách mạng tháng Tám năm 1945 là

A. Sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Đông Dương

B. Việt Nam đã giành được độc lập và xây dựng được chính quyền của riêng mình

C. Sự ủng hộ của quần chúng nhân dân

D. Sự phát triển của phong trào cách mạng thế giới

Lời giải:

Thuận lợi cơ bản nhất của nước VNDCCH sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 là nền độc lập dân tộc và chính quyền cách mạng được xác lập.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 7: Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, ở Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc có sự hiện diện của quân đội nước nào?

A. Trung Hoa Dân Quốc, Pháp 

B. Nhật Bản, Trung Hoa Dân Quốc

C. Anh, Pháp

D. Trung Hoa Dân Quốc, Mĩ

Lời giải: 

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, ở Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc bên cạnh quân đội Nhật Bản đã đóng quân ở đây từ trước, còn có sự hiện diện của quân Trung Hoa Dân Quốc

Đáp án cần chọn là: B

Câu 8: Khó khăn lớn nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau cách mạng tháng Tám năm 1945 là

A. Chính quyền cách mạng non trẻ

B. Kinh tế- tài chính kiệt quệ

C. Văn hóa lạc hậu

D. Ngoại xâm và nội phản

Lời giải: 

Khó khăn lớn nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau cách mạng tháng Tám năm 1945 là ngoại xâm và nội phản. Vì cùng một lúc Việt Nam phải đối mặt với nhiều thế lực thù địch đe dọa đến nền độc lập dân tộc.  Hơn nữa, đối với những khó khăn trong nước Đảng ta có thể giải quyết nhanh chóng nhưng nạn ngoại xâm là khó khăn lâu dài không thể thanh toán một sớm một chiều. Khi đất nước càng khó khăn thì việc có giặc ngoại xâm đến là một vấn đề nghiêm trọng, thực lực của đất nước lúc này chưa đủ mạnh về nhiều mặt để đánh chính diện với kẻ thù.

Đáp án cần chọn là: D

Câu 9:  Khó khăn lớn nhất của nước ta sau Cách mạng tháng Tám 1945 được Hồ Chủ tịch và Đảng Cộng sản Đông Dương xác định là gì?

A. Các tệ nạn xã hội cũ, có hơn 90% dân ta mù chữ

B. Ngoại xâm và nội phản đe dọa

C. Chính quyền cách mạng còn non trẻ

D. Nạn đói tiếp tục đe dọa đời sống của nhân dân

Lời giải:

- Ngoại xâm và nội phản: Đây là kẻ thù nguy hiểm nhất vì chúng đều âm mưu phá chính quyền, chống phá cách mạng nước ta, đối lập lợi ích với nhân dân ta. Ngoại xâm là vấn đề rất nguy hiểm, nếu không có đường lối, phương pháp đấu tranh đúng đắn, linh hoạt, ta sẽ mất đi thành quả của CM tháng 8/1945 và bị biến thành nước mất độc lập như thời kì trước.

- Giặc đói, giặc dốt, khó khăn về tài chính: cũng là những khó khăn rất lớn của ta nhưng đây là những vấn đề khó khăn trong nước. Các vấn đề này không nguy hại như ngoại xâm và nội phản, Đảng và Chính phủ cùng nhân dân có thể giải quyết được.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 10: Tại sao sau cách mạng tháng Tám, Việt Nam lại đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”?

A. Việt Nam phải cùng lúc đối phó với nhiều thế lực thù địch

B. Việt Nam vẫn chưa được cộng đồng quốc tế công nhận

C.Việt Nam phải cùng lúc đối phó với khó khăn trên tất cả các lĩnh vực

D. Ngân sách tài chính của Việt Nam hầu như trống rỗng

Lời giải: 

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” do cùng một lúc gặp phải rất nhiều khó khăn như: chính quyền cách mạng non trẻ; kinh tế- tài chính kiệt quệ; văn hóa lạc hậu; các thế lực ngoại xâm và nội phản âm mưu thủ tiêu nền độc lập dân tộc…

Đáp án cần chọn là: C

Câu 11: Nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam sau khi cách mạng thángTám thành công là

A. Xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng

B. Đấu tranh chống thù trong giặc ngoài

C. Giải quyết tàn dư của chế độ cũ để lại

D. Thực hiện đại đoàn kết dân tộc

Lời giải: 

Thành quả lớn nhất mà cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 mang lại cho Việt Nam là độc lập dân tộc và chính quyền nhà nước. Do đó, nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam sau khi cách mạng tháng Tám là xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. Tình hình này cũng chứng tỏ cho luận điểm: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền lại càng khó hơn”.

Đáp án cần chọn là: A

Câu 12:  Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng rối loạn tài chính của nước Việt NamDân chủ Cộng hòa sau khi Cách mạng tháng Tám thành công?

A. Ta không giành được quyền kiểm soát ngân hàng Đông Dương

B.Do Trung Hoa Dân quốc tung vào thị trường Việt Nam những đồng tiền đã mất giá

C. Vì cách mạng và Chính phủ của ta còn yếu nên chưa in được tiền mới

D. Ta chưa chủ động được về tài chính và do hành động phá hoại của Trung Hoa Dân Quốc

Lời giải: 

Do chính quyền cách mạng chưa nắm được quyền quản lí ngân hàng Đông Dương, cùng với việc Trung Hoa Dân Quốc tung ra thị trường các loại tiền Trung Quốc đã mất giá kiến cho nền tài chính nước ta bị rối loạn.

Đáp án cần chọn là: D

Câu 13: Cơ sở nào để quân đội các nước đế quốc dưới danh nghĩa quân Đồng minh giải giáp quân Nhật có thể kéo vào Việt Nam?

A. Quyết định của hội nghị Ianta

B. Quyết định của hội nghị Pốtxđam

C. Quyết định của hội nghị hòa bình Pari

D. Quyết định của hội nghị hòa bình Xanphranxicô

Lời giải:

Theo thỏa thuận của Hội nghị Pốtxđam được tổ chức ở Đức từ ngày 17-7 đến ngày 2-8-1945, việc giải giáp quân Nhật ở Đông Dương được giao cho quân đội Anh vào phía Nam vĩ tuyến 16 và quân đội Trung Hoa Dân Quốc vào phía Bắc.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 14: Nội dung nào không phải điều kiện khách quan thuận lợi của cách mạngViệt Nam sau ngày 2 - 9 - 1945?

A. Phong trào đấu tranh vì hòa bình, dân chủ phát triển.

B. Phong trào giải phóng dân tộc dâng cao.

C. Sự đoàn kết chống phát xít của phe đồng minh.

D.Hệ thống xã hội chủ nghĩa đang hình thành.

Lời giải:

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc cũng đồng nghĩa chủ nghĩa phát xít đã thất bại trên chiến trường.

=> Sự đoàn kết chống phát xít của phe đồng minh khong phải điều kiện khách quan thuận lợi cho cách mạng Việt Nam sau ngày 2-9-1945.

Đáp án cần chọn là: C

Câu 15: Nhiệm vụ cấp bách nhất của cách mạng Việt Nam sau Cách mạng thángTám năm 1945 là

A. xây dựng và củng cố chính quyền, đưa đất nước phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội.

B. xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, giải quyết những khó khăn trước mắt.

C. chống các thế lực đế quốc và bọn tay sai đang âm mưu mưu phá hoại cách mạng.

D. củng cố chính quyền, chống ngoại xâm và nội phản, cải thiện đời sống nhân dân.

Lời giải: 

Nhiệm vụ cấp bách nhất của cách mạng Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 là xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, giải quyết những khó khăn trước mắt.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 16: Khó khăn nào là lớn nhất đưa nước ta sau cách mạng tháng Tám năm 1945 rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”?

A. Giặc ngoại xâm và nội phản.    

B. Ngân quỹ nhà nước trống rỗng.

C. Chính quyền cách mạng còn non trẻ                 

D. Nạn đói, nạn dốt đang đe dọa nghiêm trọng.

Lời giải:

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa phải đối mặt với muôn vãn khó khăn, thử thách. Những khó khăn trong nước Đảng ta có thể giải quyết nhanh chóng nhưng nạn ngoại xâm là khó khăn lâu dài không thể thanh toán một sớm một chiều. Hơn nữa, khi đất nước càng khó khăn thì việc có giặc ngoại xâm đến là một vấn đề nghiêm trọng, thực lực của đất nước lúc này chưa đủ mạnh về nhiều mặt để đánh chính diện với kẻ thù. => Giặc ngoại xâm (Âm mưu của Pháp và Tưởng) là khó khăn lớn nhất, đưa đất nước ta vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Đáp án cần chọn là: A

Câu 17: Đặc điểm lớn nhất về tình hình của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945 là

A. tàn dư chế độ thực dân phong kiến nặng nề.

B. chính quyền cách mạng còn non trẻ.

C. lực lượng vũ trang được củng cố.

D. tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”

Lời giải:

Sau cách mạng tháng Tám, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách từ bên trong và bên ngoài. Trong đó, bên trong là những khó khăn cấp bách cần giải quyết ngay như: củng cố chính quyền cách mạng, giặc đói, giặc dốt, khó khăn về tài chính và bọn nội phản. Bên ngoài là khó khăn mang tính nguy hiểm khi phải đối mặt với ngoại xâm. => Đặc điểm lớn nhất về tình hình của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945 là tình thế “ ngàn cân treo sợi tóc”

Đáp án cần chọn là: D

Câu 18: Thuận lợi cơ bản nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Cách mạng tháng Tám 1945 là

A. Nhân dân ta rất phấn khởi, gắn bó với chính quyền cách mạng.

B. Có Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng suốt lãnh đạo.

C. Hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới đang hình thành.

D. Phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới phát triển mạnh mẽ.

Lời giải:

Thuận lợi nước ta sau Cách mạng tháng Tám:

- Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhân dân ta đã giành được quyền làm chủ đất nước, được hưởng quyền tự do, nên rất phấn khởi  gắn bó với chế độ và quyết tâm bảo vệ chính quyền

- Cách mạng nước ta có Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh dày dạn kinh nghiệm lãnh đạo, trở thành trung tâm đoàn kết toàn dân trong cuộc đấu tranh để xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. => Đây là thuận lợi cơ bản nhất

Đáp án cần chọn là: B

Câu 19: Kẻ thù nguy hiểm nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong năm đầu sau ngày Cách mạng tháng Tám (1945) thành công là

A. Phát xít Nhật.                  

B. Thực dân Pháp.

C. Đế quốc Anh.          

D. Trung Hoa Dân Quốc.

Lời giải:

Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” của Trung ương Đảng (25-11-1945) đã chỉ rõ: thực dân Pháp là kẻ thù nguy hiểm hơn, là kẻ thù chính, cần phải tập trung mũi nhọn vào chúng. Xác đinh thực dân Pháp là kẻ thù chính, bởi vì chúng đã và đang trắng trợn vũ trang xâm lược nước ta ở Nam Bộ. Thực dân Pháp rắp tâm đặt lại ách thống trị của chúng ở Đông Dương. Âm mưu đó được thể hiện trong Tuyên ngôn của chính phủ Đờ Gôn ngày 24-3-1945. Nhận rõ âm mưu của chủ nghĩa đế quốc sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Đảng ta cho rằng, các thế lực đế quốc sẽ đi đến dàn xếp với nhau để cho thực dân Pháp trở lại Đông Dương. Trước sau chính quyền Tưởng Giới Thạch cũng “sẽ bằng lòng cho Đông Dương trở về tay Pháp, miễn là Pháp nhượng cho Tưởng nhiều quyền lợi quan trọng”.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 20: Tình hình nước Nga sau Cách mạng tháng Mười năm 1917 và tình hình Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 chứng tỏ

A. Dân tộc và dân chủ là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng.

B. Giành chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng.

C. Giành và giữ chính quyền chỉ là sự nghiệp của giai cấp vô sản.

D. Giành chính quyền đã khó nhưng giữ chính quyền còn khó hơn.

Lời giải:

Sau cách mạng tháng Mười (1917) và Cách mạng tháng Tám (1945), nước Nga và Việt Nam đều bước vào công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế vào bảo vệ độc dân tộc:

- Đối với nước Nga: Nền kinh tế bị tàn phá nghiêm trọng, tình hình chính trị không ổn định, các lực lượng phản cách mạng điên cuồng chống phá, gây bạo loạn ở khắp mọi nơi. Nga đã phải thực hiện chính sách kinh tế mới bắt đầu từ năm 1921.

- Đồi với Việt Nam: rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” trước những khó khăn về nạn đói, nạn dốt, khó khăn về tài chính, đặc biệt là ngoại xâm và nội phản. Trong khi đó chính quyền mới thành lập còn non trẻ, vừa bước ra khỏi cách mạng nên suy giảm về lực lượng. Trong năm đầu sau 1945 Đảng và Chính phủ đã phải thực hiện linh hoạt sách lược: khi hòa THDQ để đánh Pháp ở miền Nam, khi lại hòa với Pháp để đuổi THDQ về nước.

=> Như vậy, tình hình nước Nga sau Cách mạng tháng Mưởi (1917) và Cách mạng tháng Tám (1945) chứng tỏ: giành chính quyền đã khó nhưng giữ chính quyền càng khó hơn.

Đáp án cần chọn là: D

Câu 21: Để đẩy lùi nạn đói, biện pháp lâu dài nào được coi quan trọng nhất?

A. Lập hũ gạo tiết kiệm

B. Tổ chức ngày đồng tâm để có thêm gạo cứu đói

C. Tăng gia sản xuất

D. Chia lại ruộng công cho nông dân theo nguyên tắc công bằng và dân chủ

Lời giải:

Để giải quyết căn bản nạn đói, tăng gia sản xuất là biện pháp hàng đầu và có tính chất lâu dài. Để khuyến khích sản xuất, chính quyền cách mạng đã ra lệnh bãi bỏ các thứ thuế vô lý; tịch thu ruộng đất của đế quốc và Việt gian chia cho dân cày nghèo, chia lại ruộng đất công một cách công bằng, dân chủ.

Đáp án cần chọn là: C

Câu 22: Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, nội dung và phương pháp giáo dục ở Việt Nam xây dựng trên tinh thần nào?

A. Dân tộc- khoa học

B. Khoa học- đại chúng

C. Dân tộc- dân chủ

D. Khoa học- dân chủ

Lời giải: 

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, nội dung và phương pháp giáo dục ở Việt Nam bước đầu được đổi mới theo tinh thần dân tộc- dân chủ.

Đáp án cần chọn là: C

Câu 23: Thành công của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội (1946) ở Việt Nam chứng tỏ

A. Sự ủng hộ to lớn của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam

B. Quyền lực nhà nước chính thức thuộc về cơ quan hành pháp

C. Ý thức làm chủ đất nước và sự ủng hộ của nhân dân với chế độ mới

D. Nhân dân bước đầu giành chính quyền, làm chủ đất nước

Lời giải: 

Ngày 6-1-1946, hơn 90% cử tri trong cả nước đi bỏ phiếu, bầu được 333 đại biểu khắp Bắc- Trung- Nam vào Quốc hội. Thành công của sự kiện này đã cho thấy sự ủng hộ của nhân dân với chế độ mới và ý thức về quyền làm chủ đất nước của mình.

Đáp án cần chọn là: C   

Câu 24: Nhằm khắc phục tình trạng trống rỗng về ngân sách của Chính phủ sau Cách mạng tháng Tám, nhân dân ta đã hưởng ứng phong trào nào?

A. "Ngày đồng tâm"

B. "Tuần lễ vàng"

C. "Hũ gạo cứu đói"

D. "Nhường cơm, xẻ áo"

Lời giải:

Để khắc phục tình trạng trống rỗng về ngân sách của Chính phủ sau Cách mạng tháng Tám, nhân dân ta đã tích cực hưởng ứng phong trào “Tuần lễ vàng”.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 25: Để củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã

A. Thành lập “Nha bình dân học vụ”

B. Phát động phong trào “nhường cơm sẻ áo”

C. Thành lập các đoàn quân “Nam tiến”

D. Tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội trên cả nước

Lời giải: 

Sau cách mạng tháng Tám, chính quyền cách mạng mới được thành lập đã đứng trước nguy cơ bị lật đổ, để củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, ngày 8-9-1945, chính phủ lâm thời công bố lệnh tổng tuyển cử bầu Quốc hội trong cả nước.

Đáp án cần chọn là: D

Câu 26: Để giải quyết nạn dốt ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí sắc lệnh thành lập tổ chức gì?

A. hũ gạo cứu đói

B. ty bình dân học vụ

C. nha Bình dân học vụ

D. cơ quan Giáo dục quốc gia

Lời giải:

Ngày 8-9-1945, chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ - cơ quan chuyên trách về chống “giặc dốt”, kêu gọi nhân dân cả nước tham gia phong trào xóa nạn mù chữ.

Đáp án cần chọn là: C

Câu 27: Đâu không phải là nội dung của phiên họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-3-1946)

A. Xác nhận thành tích của Chính phủ lâm thời

B. Thông qua danh sách Chính phủ liên hiệp kháng chiến

C. Bầu ra Ban dự thảo Hiến pháp

D. Thông qua bản Hiến pháp

Lời giải:

Ngày 2-3-1946, tại phiên họp đầu tiên ở Hà Nội, Quốc hội đã xác nhận thành tích của Chính phủ lâm thời trong những ngày đầu xây dựng chế độ mới, thông qua danh sách Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh đứng đầu và lập ra Ban dự thảo Hiến pháp.

Đáp án cần chọn là: D

Câu 28: Chính quyền cách mạng đã thực hiện các biện pháp cấp thời nào để giải quyết nạn đói?

A. Phát động phong trào tăng gia sản xuất.

B. Chia ruộng đất công theo nguyên tắc công bằng dân chủ.

C. Giúp dân khôi phục, xây dựng lại hộ thống đê diều. 

D. Điều tiết thóc gạo giữa các địa phương, nghiêm cấm nạn đầu cơ lương thực.

Lời giải:

Để giải quyết nạn đói, chính phủ lâm thời đã đề ra nhiều biện pháp cấp thời như tổ chức quyên góp, điều hòa thóc gạo giữa các địa phương trong nước, nghiêm trị những người đầu cơ tích trữ gạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân cả nước. Hưởng ứng lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh, trên khắp cả nước, nhân dân lập ra “Hũ gạo cứu đói”, tổ chức “Ngày đồng tâm”, không dùng gạo, ngô, khoai, sắn… để nấu rượu

Đáp án cần chọn là: D

Câu 29: Sự kiện nào đánh dấu Việt Nam đã xây dựng được một nền tài chính độc lập sau cách mạng tháng Tám?

A. Chính phủ nắm được quyền kiểm soát ngân hàng Đông Dương

B. Quốc hội quyết định cho lưu hành tiền Việt Nam thay cho tiền Đông Dương

C. Quân Trung Hoa Dân Quốc rút về nước, tiền quan kim và quốc tệ bị loại bỏ

D. Xây dựng được “Quỹ độc lập”

Lời giải: 

Sự kiện ngày 23-11-1946, Quốc hội quyết định cho lưu hành tiền Việt Nam trong cả nước thay cho tiền Đông Dương của Pháp trước đây đánh dấu Việt Nam đã xây dựng được một nền tài chính độc lập sau cách mạng tháng Tám

Đáp án cần chọn là: B

Câu 30: Vì sao nói cuộc Tổng tuyển cử tháng 1/1946 là cuộc đấu tranh chính trị gay go, quyết liệt?

A. Vì nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế - tài chính

B. Vì cuộc Tổng tuyển cử diễn ra trong điều kiện các thế lực thù địch liên tục có những hành động chống phá.

C. Vì thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược Việt Nam

D. Vì trình độ dân trí của Việt Nam rất thấp; các thế lực thù địch liên tục có hành động phá hoại

Lời giải:

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, các thế lực thù địch liên tục có những hành động chống phá để lật đổ chính quyền cách mạng, trong khi đó hơn 90% dân số Việt Nam mù chữ nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các quyền công dân. Do đó cuộc Tổng tuyển cử tháng 1/1946 được coi như cuộc đấu tranh chính trị gay go, quyết liệt.

Đáp án cần chọn là: D

Bài viết liên quan

966
  Tải tài liệu