Sưu tầm tư liệu và trình bày về trang phục, phong tục, tập quán của một dân tộc

Trả lời vận dụng 1 trang 126 Lịch sử 10 sách Chân trời sáng tạo hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Lịch sử 10

284


Giải Lịch sử 10 Bài 19: Các dân tộc trên đất nước Việt Nam

Vận dụng 1 trang 126 Lịch Sử 10: Sưu tầm tư liệu và trình bày về trang phục, phong tục, tập quán của một dân tộc (Tự chọn).

Lời giải:

(*) Giới thiệu về: trang phục, phong tục, tập quán của dân tộc Ê-đê

a. Trang phục của người Ê-đê: Trang phục truyền thống của người Ê -đê màu chàm, có điểm những hoa văn sặc sỡ. Phụ nữ mặc áo, váy dài, đàn ông đóng khố, mặc áo. Đông bào Ê-đê dùng trang sức bằng bạc, đồng, hạt cườm…..

Trang phục truyền thống của nữ giới:

+ Chiếc váy cổ truyền của người phụ nữ Êđê gọi là m’yêng. Đó là loại váy mở, màu đen đậm, quấn quanh thân, khi mặc váy phủ kín đến mắt cá chân. Chạy dọc phía dưới chân váy là những hoa văn hình hạt thóc, hạt bắp và đường lưỡng hà… với màu đỏ, kết hợp với màu vàng, màu trắng trông rực rỡ nhưng kín đáo. Căn cứ vào chất lượng vải và hoa văn trên váy, người Êđê có nhiều tên gọi khác nhau cho từng loại váy: m’yêng đêch, m’yêng drai, m’yêng kdru êch piek, m’yêng mut; trong đó m’yêng đếch là quý hơn cả (trước đây trị giá từ hai đến ba con trâu). Đó là những chiếc váy đẹp mà phụ nữ Êđê thường mặc trong những dịp lễ lớn của cộng đồng.

+ Áo chui đầu truyền thống của phụ nữ Êđê (còn gọi là ao đêch) được thêu dệt các đường hoa văn ngang dọc ở vai, nách, cổ tay và phần gấu áo (các hoa văn này cũng giống như hoa văn ở váy). Đặc biệt ở áo chui đầu được thêu màu đỏ pha màu vàng, màu trắng làm nổi bật trên nền đen của thân áo. Có loại áo cổ vuông thấp bằng vai, đây là áo kín tà, hai vạt trước và sau bằng nhau. Có loại áo mở ở hai vai được đơm một hàng cúc bấm bằng đồng lấp lánh, có những tua chỉ màu đính vào vai áo, trông rất duyên dáng.

+ Phụ nữ Êđê thường búi tóc ở đằng sau gáy, cài trâm bằng đồng hoặc ngà voi. Trâm có loại thẳng, có loại hình chữ U. Phụ nữ Êđê có hai kiểu chít khăn: kiểu chít khăn ra đằng sau gáy, kiểu chít khăn ra trước trán vận chéo hình chữ nhân. Các bà, các chị thường đeo vòng bạc hoặc chuỗi hạt trong những dịp lễ hội của cộng đồng, tạo nét đẹp duyên dáng, kín đáo.

Trang phục truyền thống của nam giới:

+ Đàn ông Êđê thường có tập quán mang khố (k’pin). Khố màu đen được dệt bằng sợi bông xe săn. Trên mặt khố có nhiều đường hoa văn chạy dọc theo hai bên mép vải, ở hai đầu khố có tua dài khoảng 25 cm. Người Êđê căn cứ vào dải hoa văn trên khố mà đặt tên cho từng loại khố: khố ktek, khố drai, khố bông, khố mlang; trong đó trị giá nhất là khố ktek, khố drai (xưa kia mỗi cái trị giá từ hai đến ba con trâu).

Áo của đàn ông Êđê là áo dài tay, chui đầu, cổ áo hình chữ V. Đây là loại áo lửng che kín mông, buông dài đến điểm giữa đùi và đầu gối, thân sau dài hơn thân trước. Áo cánh của đàn ông Êđê thường mặc trong các dịp lễ hội được trang trí cầu kỳ hơn. Loại áo này giữa ngực được mở ra một khoảng dài từ 10-15cm, có đính hàng khuy đồng, khuyết khuy áo được bện bằng chỉ đỏ. Hai mảng ngực áo được trang trí bằng hai mảng hoa văn màu đỏ rực hình cánh chim đại bàng, tượng trưng cho khí phách và khát vọng chinh phục thiên nhiên của người Êđê. Gấu áo được viền chỉ màu đính cườm trắng và tua chỉ màu đỏ dài khoảng 15 cm. Áo này có tên gọi là ao đêch kwich gru, thường được mặc trong dịp lễ hội, cưới hỏi, mừng nhà mới… Mùa lạnh, đàn ông Êđê thường khoác thêm chiếc mền (a băn) dệt bằng sợi bông, màu nâu chàm, có trang trí hoa văn ở hai đầu (giống hoa văn ở khố). Khi ra khỏi nhà, dự lễ hội, hay đi  thăm bà con ở buôn xa, họ thường đeo gùi, ngậm tẩu, đó cũng là cách làm nổi bật bộ trang phục cổ truyền.    

+ Đàn ông Êđê thường đeo vòng đồng hoặc vòng bạc ở cổ tay, khi có lễ hội của cộng đồng. Người cao tuổi của những gia đình khá giả thường đeo chuỗi hạt ở cổ và ngà voi ở tai, thể hiện vẻ đẹp quyền quý.

b. Phong tục tập quán của người Ê-đê

- Về quan hệ xã hội: gia đình Ê-đê là gia đình mẫu hệ, hôn nhân cư trú phía nhà vợ, con mang họ mẹ, con gái út là người thừa kế. 

- Về phong tục cưới xin: Người phụ nữ chủ động trong việc hôn nhân, nhờ mai mối hỏi chồng và cưới chồng về ở rể.

- Về phong tục ma chay: Vì quan niệm thế giới bên kia là sự tái hiện thế giới bên này nên người chết được chia tài sản đặt ở nhà mồ. Khi dựng nhà mồ, lễ bỏ mả được tổ chức linh đình

- Về Lễ Tết: Người Ê-đê ăn tết vào tháng chạp (tháng 12 lịch âm) khi mùa màng đã thu hoạch xong (không vào một ngày nhất định, tuỳ theo từng buôn). Sau tế ăn mừng cơm mới (hmạ ngắt) rồi mới đến tết (mnăm thun) ăn mừng vụ mùa bội thu. 

- Về nghệ thuật biểu diễn:

+ Nền âm nhạc Ê-đê nổi tiếng ở bộ cồng chiêng gồm 6 chiêng bằng, 3 chiêng núm, một chiêng giữ nhịp và một trống cái mặt da. Không có một lễ hội nào, một sinh hoạt văn hoá nào của cộng đồng lại có thể vắng mặt tiếng cồng chiêng.

+ Bên cạnh cồng chiêng là các loại nhạc cụ bằng tre nứa, vỏ bầu khô như các dân tộc khác ở Trường Sơn, Tây Nguyên, nhưng với ít nhiều kỹ thuật riêng mang tính độc đáo.

Trò chơi: Trẻ em thường thích chơi cù quay, thả diều vằng có sáo trúc. Trò chơi đi cà kheo trên cao nguyên cũng lôi cuốn không ít thiếu niên Ê-đê ở nhiều nơi. Trò bịt mắt dê, ném lao (ném xa và ném trúng mục tiêu cũng được nhiều trẻ em Ê-đê ưa thích

Bài viết liên quan

284