Bài 9: An toàn thông tin trên Internet

Bài 9: An toàn thông tin trên Internet

955
  Tải tài liệu

Bài 9: An toàn thông tin trên Internet

Phần 1: Giải Sách Giáo Khoa

Hoạt động & Câu hỏi

Hoạt động 1 trang 37 Tin học lớp 6:

1. Bạn Minh đã gặp rắc rối gì? 

2. Thảo luận nhóm: Tác hại và nguy cơ khi dùng Internet.

Lời giải:

1. Máy tính của bạn Minh có nguy cơ bị mất dữ liệu do máy tính bị nhiễm virus.

2. Tác hại và nguy cơ khi dùng Internet là:

- Thông tin cá nhân bị lộ hoặc bị đánh cắp

- Máy tính bị nhiễm virus hay mã độc.

- Bị lừa đảo, dụ dỗ, đe dọa, bắt nạt trên mạng.

- Tiếp nhận thông tin không chính xác.

- Nghiện Internet, nghiện trò chơi trên mạng.

Câu hỏi 1 trang 38 Tin học lớp 6:

1. Em tìm phương án sai.

Khi dùng Internet có thể:

A. Bị lôi kéo vào các hoạt động không lành mạnh.

B. Máy tính bị nhiễm virus hoặc mã độc.

C. Tin tưởng mọi nguồn thông tin trên mạng.

D. Bị lừa đảo hoặc lợi dụng.

2. Việc làm nào được khuyến khích khi sử dụng các dịch vụ trên Internet?

A. Mở thư điện tử do người lạ gửi.

B. Tải các phần mềm miễn phí trên Internet không có kiểm duyệt.

C. Liên tục vào các trang xã hội để cập nhật thông tin.

D. Vào trang web tìm kiếm để tìm tư liệu làm bài tập về nhà.

Lời giải:

1. Đáp án: C

2. Đáp án: D

Hoạt động 2 trang 38 Tin học lớp 6:

1. Em đã từng sử dụng Internet chưa? Em đã bao giờ gặp phải một trong những nguy cơ như trên chưa? Nếu gặp phải, em sẽ làm gì?

2. Thảo luận nhóm: Em cần làm gì để phòng tránh những nguy cơ và tác hại có thể gặp phải khi sử dụng Internet?

Lời giải:

1. Em đã từng sử dụng Internet rất nhiều cũng đã từng gặp nguy cơ như trên. Trước đấy em nhờ sự hỗ trợ của người lớn để lấy lại thông tin và được mọi người đưa ra một vài biện pháp để tránh trường hợp đó xảy ra.

2. Để phòng tránh những nguy cơ và tác hại có thể gặp phải khi sử dụng Internet em thường:

- Giữ an toàn thông tin cá nhân, tránh gặp gỡ những người quen trên mạng, không tham gia các hội nhóm mà mình không biết hoặc không lành mạnh.

- Máy tính cần được cài đặt phần mềm chống virus.

- Không nhận thư hay tin nhắn từ người lạ, kiểm tra độ tin cậy của thông tin, không dành quá nhiều thời gian trên mạng, chơi game.

- Chia sẻ với người tin cậy về suy nghĩ, tình cảm, những khó khăn hoặc tình huống không tốt bị mắc phải.

- Dành thời gian tập trung cho học tập, giúp đỡ bố mẹ, đọc sách, các hoạt động thể chất, hoạt động xã hội, tham gia các hoạt động lành mạnh.

Câu hỏi 2 trang 39 Tin học lớp 6:

1. Em có thể đưa ra một số giải pháp để giữ bí mật thông tin cá nhân không?

2. Trong 5 quy tắc trên, em thấy quy tắc nào quan trọng nhất? Tại sao?

Lời giải:

1. Một số giải pháp có thể sử dụng để giữ bí mật thông tin cá nhân là: không chia sẻ thông tin cá nhân và thông tin của người thân, bạn bè trên mạng hay cho người khác, đặt mật khẩu cho máy tính, mật khẩu xác minh cho mọi tài khoản cá nhân phải mạnh và được bảo mật,…

2. Theo em trong 5 quy tắc đưa ra em thấy quy tắc giữ an toàn là quy tắc quan trọng nhất. Vì khi thông tin cá nhân và gia đình bị lộ trên mạng xã hội thì nguy hiểm rình rập đến người dùng rất nghiêm trọng khi kẻ xấu có ý định lấy thông tin đó để đe dọa đến sự an toàn của cá nhân và gia đình người dùng.

Hoạt động 3 trang 39 Tin học lớp 6:

1. Sau giờ thực hành ở phòng máy, bạn Minh quên đăng xuất tài khoản thư điện tử của mình và một ai đó đã dùng tài khoản thư điện tử của Minh để gửi nội dung không hay cho người khác. Theo em, điều gì có thể xảy ra với Minh?

2. Nếu thấy đường liên kết hoặc thư điện tử có chủ đề gây tò mò được gửi từ một người không quen biết thì em sẽ làm gì?

3. Em hãy nêu một vài cách để bảo vệ tài khoản thư điện tử.

Lời giải:

1. Theo em, một số người nhận thư có thể tỏ thái độ khó chịu với Minh, nghĩ không tốt về Minh, sẽ có người phê phán Minh, cũng sẽ có người hỏi Minh về sự việc đó,…

2. Nếu nhận được thư đó, bạn không nên mở liên kết hoặc thư điện tử đó, có thể trao đổi với bố mẹ hoặc thầy cô về sự việc đó và xin lời khuyên từ mọi người.

3. Để bảo vệ tài khoản thư điện tử, ta nên:

Đặt mật khẩu mạnh để không bị người khác đoán được, bảo vệ mật khẩu, đăng xuất khi dùng xong, cài phần mềm diệt virus,…

Hoạt động 4 trang 40 Tin học lớp 6:

1. Một bạn quen trên mạng xin số điện thoại và địa chỉ của em để gặp nhau nói chuyện. Em có nên cho không? Tại sao?

2. Em được một bạn gửi qua mạng cho một số thông tin không tốt về một bạn khác cùng lớp. Em có nên đăng lên mạng để mọi người cùng biết không?

Lời giải:

1. Em không nên cho người quen trên mạng số điện thoại và địa chỉ của em cũng không nên gặp người đó vì có thể gặp điều không hay mà em không biết được.

2. Em sẽ không đăng tin không tốt về bạn cùng lớp lên mạng. Em sẽ tìm hiểu và xác minh lại thông tin đó đúng hay sai và có thể làm gì để giúp đỡ bạn ấy (nếu cần thiết).

Câu hỏi 3 trang 41 Tin học lớp 6:

Lời khuyên nào sai khi em muốn bảo vệ máy tính của mình?

A. Đừng bao giờ mở thư điện tử và mở tệp đính kèm thư từ những người không quen biết.

B. Luôn nhớ đăng xuất khi sử dụng xong máy tính, thư điện tử.

C. Chẳng cần làm gì vì máy tính đã được cài đặt sẵn các thiết bị bảo vệ từ nhà sản xuất.

D. Nên cài đặt phần mềm bảo vệ máy tính khỏi virus và thường xuyên cập nhật phần mềm bảo vệ.

Lời giải

Đáp án: C.

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 41 Tin học lớp 6:

Khi sử dụng Internet, những việc làm nào sau đây có thể khiến em gặp nguy cơ bị hại?

A. Tải phần mềm, tệp miễn phí trên Internet.

B. Mở liên kết được cung cấp trong thư điện tử  không biết rõ nguồn gốc.

C. Định kì thay đổi mật khẩu của tài khoản cá nhân trên mạng xã hội và thư điện tử.

D. Khi có kẻ đe dọa mình trên mạng không cho bố mẹ hoặc thầy cô giáo biết.

E. Làm theo các lời khuyên và bài hướng dẫn sử dụng thuốc trên mạng.

Lời giải:

Đáp án: A, B, D, E.

Luyện tập 2 trang 41 Tin học lớp 6:

Theo em, những tình huống nào sau đây là rủi ro khi sử dụng Internet?

A. Máy tính bị hỏng do nhiễm virus hoặc mã độc.

B. Thông tin cá nhân hoặc tập thể bị đánh cắp.

C. Tài khoản ngân hàng bị mất tiền.

D. Bị bạn quen trên mạng lừa đảo.

E. Nghiện mạng xã hội, nghiện trò chơi trên mạng.

F. Hoàn thành chương trình học ngoại ngữ trực tuyến.

Lời giải:

Đáp án: A, B, C, D, E.

Vận dụng

Vận dụng 1 trang 41 Tin học lớp 6: Em hãy đưa ra một số cách nhận diện những trò lừa đảo trên Internet.

Lời giải:

Những trò lừa đảo trên Internet thường là những lời quảng cáo đánh vào lòng tham vật chất, những lời dụ dỗ, rủ rê làm những việc liên quan đến các vấn đề nhạy cảm, những tin nhắn tự giới thiệu là người quen của cha mẹ để bảo em làm điều gì đó mà không cho bố mẹ biết, tin nhắn của người lạ hay đại diện cho một tổ chức nào đó liên quan đến tiền bạc, những lời giới thiệu gây tò mò, hiếu kì,…

Vận dụng 2 trang 41 Tin học lớp 6: Em sẽ làm gì khi phát hiện bạn bè hoặc người thân có nguy cơ bị hại khi truy cập mạng?

Lời giải:

Khi người thân hoặc bạn bè có nguy cơ bị hại trên mạng thì em sẽ khuyên họ cần tạm dừng việc lên mạng, báo cho cha mẹ, người tin cậy trong gia đình hay thầy cô, cơ quan công an để được bảo vệ và có cách xử lí. Máy tính nên được cài đặt các chương trình diệt virus. Nếu máy tính của em bị nhiễm mã độc hay virus thì nên quét và diệt virus. Nếu máy bị lỗi nặng hơn thì nên dừng sử dụng và mang tới các cửa hàng sửa chữa máy tính để được kiểm tra và sửa chữa.

Vận dụng 3 trang 41 Tin học lớp 6: Em nên làm gì để bảo vệ thông tin và tài khoản cá nhân?

Lời giải:

Một số biện pháp để bảo vệ thông tin và tài khoản cá nhân là:

- Cài đặt và cập nhật phần mềm chống virus.

- Đặt mật khẩu mạnh, bảo vệ mật khẩu.

- Đăng xuất các tài khoản khi đã dùng xong.

- Tránh dùng mạng công cộng.

- Không truy cập vào các liên kết lạ: không mở thư điện tử và tệp đính kèm gửi từ những người không quen; không kết bạn và nhắn tin cho người lạ.

- Không chia sẻ thông tin cá nhân và những thông tin chưa được kiểm chứng trên Internet; không lan truyền tin giả làm tổn thương người khác.

Phần 2: Lý thuyết bài học 

Với tóm tắt lý thuyết Tin học lớp 6 Bài 9: An toàn thông tin trên internet hay nhất, chi tiết sách Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt Tin học 6.

Lý thuyết Tin học 6 Bài 9: An toàn thông tin trên internet | Kết nối tri thức

1. Tác hại và nguy cơ khi sử dụng Internet

- Thông tin cá nhân bị đánh cắp.

- Máy tính bị nhiễm virus hay mã độc.

- Bị lừa đảo, dụ dỗ, đe doạ, bắt nạt trên mạng.

- Tiếp nhận thông tin không chính xác.

- Nghiện Internet, trò chơi trên mạng.

2. Một số quy tắc sử dụng Internet an toàn

Thông tin phải giữ AN TOÀN

Chớ nên GẶP GỠ người bạn mới quen

Không CHẤP NHẬN chớ có quên

Tăng độ TIN CẬY, điều nên giữ gìn

NÓI RA với người bạn tin

Năm QUY TẮC  đó nên ghi trong lòng.

3. An toàn thông tin

a) Bảo vệ thông tin cá nhân

- Cài đặt và cập nhật phần mềm chống virus.

- Đặt mật khẩu mạnh, bảo vệ mật khẩu.

- Đăng xuất các tài khoản khi đã dùng xong.

- Tránh dùng mạng cộng đồng.

- Không truy cập vào các liên kết lạ; không mở thư điện tử và các tệp đính kèm gửi từ những người không quen; không kết bạn nhắn tin với người lạ.

b) Chia sẻ thông tin an toàn

- Không chia sẻ những thông tin cá nhân và những thông tin chưa được kiểm chứng trên Internet.

- Không lan truyền tin giả làm tổn thương đến người khác.

Phần 3: Bài tập trắc nghiệm

Với 15 câu hỏi trắc nghiệm Tin học lớp 6 Bài 9: An toàn thông tin trên Internet có đáp án và lời giải chi tiết đầy đủ các mức độ sách Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh ôn luyện trắc nghiệm Tin học 6.

Câu 1: Em nên làm gì với các mật khẩu dùng trên mạng của mình?

A. Cho bạn bè biết mật khẩu để nếu quên còn hỏi bạn.

B. Đặt mật khẩu dễ đoán cho khỏi quên.

C. Thay đổi mật khẩu thường xuyên và không cho bất cứ ai biết.

D. Sử dụng cùng một mật khẩu cho mọi thứ.

Trả lời: Không cho bất kì ai biết mật khẩu tài khoản vì họ có thể dùng nó để truy cập tài khoản của em và làm những việc không đúng. Để giữ an toàn tránh bị tin tặc đánh cắp thì em nên đặt mật khẩu khó đoán, thường xuyên thay đổi và tạo mật khẩu riêng cho mỗi tài khoản

Đáp án: C.

Câu 2: Nếu bạn thân của em muốn mượn tên đăng nhập và mật khẩu tài khoản trên mạng của em để sử dụng trong một thời gian, em sẽ làm gì?

A. Cho mượn ngay không cần điều kiện gì.

B. Cho mượn một ngày thôi rồi lấy lại, chắc không có vấn đề gì.

C. Cho mượn nhưng yêu cầu bạn phải hứa là không được dùng để làm việc gì không đúng.

D. Không cho mượn, bảo bạn tự tạo một tài khoản riêng, nếu cần em có thể hướng dẫn.

Trả lời: Tài khoản trên mạng của một người được coi là định danh của người đó trên mạng. Nếu cho người khác mượn mà họ dùng làm việc không đúng pháp luật thì em là người bị ảnh hưởng. Vì vậy, tuyệt đối không cho ai mượn tài khoản của mình.

Đáp án: D.

Câu 3: Em nhận được tin nhắn và lời mời kết bạn trên Facebook từ một người mà em không biết. Em sẽ làm gì?

A. Chấp nhận yêu cầu kết bạn và Trả lời tin nhắn ngay.

B. Không chấp nhận kết bạn và không Trả lời tin nhắn.

C. Nhắn tin hỏi người đó là ai, để xem mình có quen không, nếu quen mới kết bạn.

D. Vào Facebook của họ đọc thông tin, xem ảnh xem có phải người quen không, nếu phải thi kết bạn, không phải thì thôi.

Trả lời: Không nên chấp nhận kết bạn với một người lạ trên mạng, cũng không nên nhắn tin hay vào xem thông tin bởi nếu họ có ý xấu sẽ làm giả thông tin. Cách tốt nhất là bỏ qua tin nhắn, nếu có băn khoăn gì nên nói với bố mẹ, thầy cô.

Đáp án: B.

Câu 4: Em nên sử dụng webcam khi nào?

A. Không bao giờ sử dụng webcam.

B. Khi nói chuyện với những người em chỉ biết qua mạng.

C. Khi nói chuyện với bất kì ai.

D.  Khi nói chuyện với nhũ’ng người em biết trong thế giới thực như bạn học, người thân,...

Trả lời: Webcam là một thiết bị hiện đại giúp người sử dụng có thể nhìn thấy người mình đang nói chuyện qua mạng. Em chỉ nên dùng khi nói chuyện với những người em biết trong thế giới thực, không nên dùng khi nói chuyện với người lạ vì họ có thể thấy mặt em, nơi em sử dụng mạng, … Những hình ảnh đó có thể bị sử dụng với mục đích xấu

Đáp án: D.

Câu 5: Lời khuyên nào sai khi em muốn bảo vệ máy tính và thông tin trong máy tính của mình?

A. Luôn nhớ đăng xuất khi sử dụng xong máy tinh, thư điện tử.

B. Đừng bao giờ mở thư điện tử và mở tệp đinh kèm thư từ những người không quen biết.

C. Chẳng cần làm gì vì máy tính đã được cài đặt sẵn các thiết bị bảo vệ từ nhà sản xuất.

D. Nên cài đặt phần mềm bảo vệ máy tính khỏi virus và thường xuyên cập nhật phần mềm bảo vệ.

Trả lời: Sau khi sử dụng hộp thư điện tử/máy tính thì em nên đăng xuất để không bị người khác sử dụng hộp thư, máy tính của mình.

Đáp án: C.

Câu 6: Em thường xuyên nhận được các tin nhắn trên mạng có nội dung như: “mày là một đứa ngu ngốc, béo ú", “mày là một đứa xấu xa, không đáng làm bạn”,... từ một người lớn mà em quen. Em nên làm gì?

A. Nói chuyện với thầy cô giáo, bố mẹ về sự việc để xin ý kiến giải quyết.

B. Nhắn tin lại cho người đó các nội dung tương tự.

C. Gặp thẳng người đó hỏi tại sao lại làm thế và yêu cầu dừng ngay.

D. Bỏ qua, chắc họ chỉ trêu thôi.

Trả lời:

- Hành động đó không đơn giản chỉ là trêu chọc mà đó có thể coi là quấy rối tinh thần khiến em buồn, suy nghĩ, chán nản, … ảnh hưởng đến tâm lí.

- Em không nên tự đi gặp vì họ có thể gây nguy hiểm cho em. Cách tốt và an toàn nhất là nói chuyện với thầy cô giáo, bố mẹ về sự việc để người lớn giúp em giải quyết sự việc.

Đáp án: A.

Câu 7: Em truy cập mạng để xem tin tức thì ngẫu nhiên xem được một video có hình ảnh bạo lực mà em rất sợ. Em nên làm gì?

A. Mở video đó và xem.

B. Thông báo cho cha mẹ và thầy cô giáo về điều đó.

C. Đóng video lại và tiếp tục xem tin tức coi như không có chuyện gì.

D. Chia sẻ cho bạn bè để doạ các bạn.

Trả lời: Các nội dung bạo lực bị cấm trên mạng và những người đưa các nội dung này lên mạng hay phát tán nó đều phải chịu trách nhiệm tùy theo mức độ. Em không nên chia sẻ vì sẽ làm ảnh hưởng đến các bạn và có thể bị xử phạt. Cách tốt nhất là thông báo cho người lớn để họ có phương án xử lí.

Đáp án: B.

Câu 8: Bạn của em nói cho em biết một số thông tin riêng tư không tốt về một bạn khác cùng lớp. Em nên làm gì?

A. Bỏ qua không để ý vỉ thông tin đó có thể không đúng, nếu đúng thì cũng không nên xâm phạm vào những thông tin riêng tư của bạn.

B. Đăng thông tin đó lên mạng nhưng giới hạn chì để bạn bè đọc được.

C. Đi hỏi thêm thông tin, nếu đúng thì sẽ đăng lên mạng cho mọi người biết.

D. Đăng thông tin đó lên mạng để mọi người đều đọc được.

Trả lời: Không nên xâm phạm và phát tán các thông tin riêng tư của người khác. Thông tin riêng tư của mỗi người được pháp luật bảo vệ. Nếu xâm phạm và phát tán thông tin riêng tư hay phát tán thông tin không đúng về người khác thì có thể sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đáp án: A.

Câu 9: Trong một buổi họp mặt gia đình, một người chú là họ hàng của em đã quay một đoạn phim về em và nói rằng sẽ đưa lên mạng cho mọi người xem. Em không thích hình ảnh của mình bị đưa lên mạng, em có thể làm gì để ngăn cản việc đó?

A. Cứ để chú ấy đưa lên mạng, nếu có việc gì thì sẽ yêu cầu chú ấy xoá.

B. Tức giận và to tiếng yêu cầu chú ấy xoá ngay đoạn phim trong máy quay.

C. Không làm được gì, đoạn phim là của chú ấy quay và chú ấy có quyền sử dụng.

D. Nói với bố mẹ về sự việc, nhờ bố mẹ nói với chú ấy không được đưa lên mạng mà chỉ để xem lại mỗi khi họp gia đình.

Trả lời: Một nội dung khi đã đưa lên mạng thì nó sẽ mãi mãi tồn tại trên mạng bằng nhau cách, cho dù sau đó xóa đi. Hình ảnh của em là thông tin cá nhân, em có quyền yêu cầu tôn trọng. Vì vậy em có thể nói với bố mẹ để nói với họ hàng không đưa lên mạng hoặc yêu cầu họ xóa đi nhưng không nên tức giận và có những hành động thiếu tôn trọng.

Đáp án: D.

Câu 10: Khi sử dụng lại các thông tin trên mạng cần lưu ý đến vấn đề là: 

A. Các từ khóa liên quan đến thông tin cần tìm.

B. Bản quyền.

C. Địa chỉ của trang web.

D. Các từ khóa liên quan đến trang web.

Trả lời: Khi sử dụng lại các thông tin trên mạng cần lưu ý đến vấn đề bản quyền của thông tin đó vì không phải mọi thông tin trên Internet đều là thông tin miễn phí, có nhiều thông tin mà chỉ người có quyền truy cập và khai thác.

Đáp án: B.

Câu 11: Tác hại của việc nghiện chơi game trên mạng là:

A. Rối loạn giấc ngủ, đau đầu.

B. Luôn cảm thấy mệt mỏi, buồn chán, bi quan, cảm thấy cô đơn, bất an. 

C. Mất hứng thú với các thú vui, sở thích cũ, mọi thứ chỉ dồn vào game, học hành chểnh mảng. 

D. Dễ cảm thấy bực bội cáu gắt; Có xu hướng chống đối bạn bè, người thân; cảm giác vô dụng, người thừa hoặc người có lỗi; xu hướng muốn bạo lực hoặc tự sát; chán ăn, ăn ít; …

E. Tất cả đáp án trên.

Trả lời: Một số tác hại có thể dễ dàng nhìn thấy khi nghiện chơi game trên mạng như: Rối loạn giấc ngủ, đau đầu; Luôn cảm thấy mệt mỏi do ngồi chơi game kéo dài và liên tục; Buồn chán, bi quan, cảm thấy cô đơn, bất an; Mất hứng thú với các thú vui, sở thích cũ, mọi thứ chỉ dồn vào game, học hành chểnh mảng; Dễ cảm thấy bực bội cáu gắt; Có xu hướng chống đối bạn bè, người thân; cảm giác vô dụng, người thừa hoặc người có lỗi; xu hướng muốn bạo lực hoặc tự sát; chán ăn, ăn ít; …

Đáp án: E.

Câu 12: Thế nào là nghiện chơi game trên mạng? 

A. Là tình trạng dành quá nhiều thời gian vào các trò chơi trên máy tính, trên mạng ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

B. Là tình trạng chơi game liên tục không kiểm soát được, dù biết điều này đang tổn hại đến sức khỏe của chúng.

C. Tiếp tục hoặc chơi game ngày càng nhiều, bất chấp sự xuất hiện của những hậu quả tiêu cực.

D. Tất cả các đáp án trên.

Trả lời: Nghiện game là:

- Là tình trạng dành quá nhiều thời gian vào các trò chơi trên máy tính, trên mạng gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

- Là tình trạng chơi game liên tục không kiểm soát được, dù biết điều này đang tổn hại đến sức khỏe của chúng.

- Tiếp tục hoặc chơi game ngày càng nhiều, bất chấp sự xuất hiện của những hậu quả tiêu cực.

Đáp án: D

Câu 13: Mỗi ngày một học sinh cấp Trung học cơ sở nên truy cập Internet trong thời gian bao lâu?

A. Càng dành ít thời gian sử dụng Internet càng tốt.

B. 20/24.

C. 12/24.

D. 7/24.

Trả lời: Với học sinh cấp Trung học cơ sở, việc học tập, vui chơi, luyện tập thể dục thể thao để phát triển sức khỏe tinh thần và thể chất là rất quan trọng. Vì vậy, càng dành ít thời gian sử dụng Internet càng tốt.

Đáp án: A.

Câu 14: Minh thấy rằng gần đây máy tính của bạn ấy chạy chậm hơn. Bạn ấy nghi ngờ rằng có điều gì đó không ổn với máy tính của mình. Khi mở các ổ đĩa Minh thấy có những Folder mờ và những shortcut. Điều gì có thể đã xảy ra và bạn ấy nên làm gì?

A. Máy tính của Minh có thể bị nhiễm virus.

B. Máy tính của Minh bị người lạ truy cập.

C. Máy tính của Minh bị hỏng ổ cứng.

D. Máy tính của Minh bị lỗi phần mềm.

Trả lời: Máy tính của Minh có thể bị nhiễm virus, Minh cần cài đặt và chạy chương trình diệt virus cho máy tính.

Đáp án: A.

Câu 15: Một số biện pháp bảo vệ thông tin, tài khoản cá nhân và chia sẻ thông tin an toàn là:

A. Cài đặt và cập nhật phần mềm chống virus.

B. Đăng xuất các tài khoản khi đã dùng xong.

C. Tránh dùng mạng công cộng

D. Không truy cập các liên kết lạ

E. Không chia sẻ thông tin cá nhân…

F. Tất cả đều đúng.

Trả lời: Một số biện pháp bảo vệ thông tin, tài khoản cá nhân và chia sẻ thông tin an toàn là:

- Cài đặt và cập nhật phần mềm chống virus.

- Đăng xuất các tài khoản khi đã dùng xong.

- Tránh dùng mạng công cộng.

- Không truy cập các liên kết lạ.

- Không chia sẻ thông tin cá nhân…

Đáp án: D.

955
  Tải tài liệu