Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 24 có đáp án
Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 24 có đáp án gồm các dạng bài tập , bài ôn luyện tuần 24 cơ bản và nâng cao giúp học sinh củng cố kiến thức hơn.Mời các bạn cùng theo dõi bộ đề Tiếng Việt 5 dưới đây.
Phiếu Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 24
Thời gian: 45 phút
I – Bài tập về đọc hiểu
Bà Chúa Bèo
Ở vùng quê Thái Bình năm xưa, đồng ruộng mênh mông mà đất bạc màu, cây lúa lớn lên không nuôi nổi con người. Nhiều năm mất mùa, dân làng chỉ ăn cháo cầm hơi.
Một cô bé ra đồng bắt cua thấy lúa cằn cỗi bèn ngồi ở bờ ruộng ôm mặt khóc. Bỗng từ ruộng lúa có một luồng ánh sáng chói lòa, Bụt hiện lên hỏi:
- Vì sao con khóc?
Cô bé nghẹn ngào thưa:
- Dạ, con thương cây lúa nghẹn đòng.
Bụt nói:
- Muốn cứu lúa, con hãy đưa cho ta một vật mà con quý nhất!
Cô bé sờ vào túi thì túi nhẵn không, nhòm vào giỏ thì chỉ có mấy con cua vừa bắt được. Sực nhớ đến đôi hoa tai bằng ngọc, cô vội gỡ ra, dâng lên Bụt:
- Thưa Bụt, con chỉ có đôi hoa tai được mẹ trao lại trước khi mất. Mẹ con dặn: Đôi hoa tai này là vật quý của dòng họ…
Thấy cô ngập ngừng, Bụt giục cô nói tiếp.
- Mẹ con còn nhắc đến lời nguyền của dòng họ: Hễ ai làm mất hoặc đem bán hoa tai thì người đó suốt đời bị dòng họ xa lánh và phải sống cuộc đời buồn tủi, lẻ loi.
- Vậy con không sợ bị trừng phạt sao?
- Để cứu lúa, con xin chịu trừng phạt.
Bụt bảo cô bé ném đôi hoa tai xuống đám ruộng. Lạ chưa! Bông hoa tai sáng rực màu xanh rồi chìm xuống nước, sau đó nổi lên một cây bèo giống hình hoa dâu.
Bụt dặn:
- Con hãy đụng vào cây bèo để nhân nó lên hàng triệu triệu cây mà bón cho lúa tốt.
Dứt lời, Bụt biến mất. Cô bé đụng vào một cây bèo bỗng hóa thành hai, đụng vào hai cây thành bốn… Rồi bèo cứ sinh sôi nảy nở, lan rộng, phủ xanh đồng làng.
Mùa năm ấy, lúa vàng trĩu hạt. Biết chuyện cô bé gặp Bụt, người bố cảm động nói với con: “Con đã vì dân làng, vì dòng họ mà hi sinh vật quý, dòng họ sẽ bỏ lời nguyềnvà thương yêu con mãi mãi!”. Đúng vậy, cô bé đã lớn lên trong tình yêu thương của bà con làng xóm. Khi cô mất, dân làng La Vân, tỉnh Thái Bình đã lập đền thờ cô để tỏ lòng biết ơn và gọi cô là bà Chúa Bèo.
(Theo Phong Châu)
Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng
Câu 1 : Vì sao cô bé ngồi ở bờ ruộng ôm mặt khóc?
a- Vì bắt được rất ít cua ở trên đồng
b- Vì nhớ thương người mẹ mới mất
c- Vì thương dân làng ăn cháo cầm hơi
d- Vì thương cây lúa đang nghẹn đòng
Câu 2 : Dòng nào dưới đây nêu đúng ý chí quyết tâm của cô bé trong việc cứu lúa?
a- Sẵn sàng hi sinh đồ vật quý giá của bản thân
b- Sẵn sàng hi sinh đồ vật quý giá của dòng họ
c- Sẵn sàng chịu đựng sự trừng phạt của dòng họ
d- Sẵn sàng hi sinh kỉ vật quý báu do mẹ trao lại
Câu 3 : Bụt bảo cô bé làm gì để cứu lúa?
a- Đưa đôi hoa tai cho Bụt
b- Đưa cả giỏ cua cho Bụt
c- Ném cả giỏ cua xuống ruộng
d- Ném đôi hoa tai xuống ruộng
Câu 4 : Việc làm của cô bé đã đem lại kết quả gì có ý nghĩa nhất đối với dân làng?
a- Có cây bèo hoa dâu sinh sôi làm đẹp cánh đồng làng
b- Có bèo dâu bón cho lúa tốt, hết nghẹn đòng, trĩu hạt nặng bông
c- Có giống bèo phát triển nhanh, làm cho đồng ruộng mát mẻ
d- Có được một mùa lúa tốt, dân làng không phải ăn cháo cầm hơi
Câu 5 : Dòng nào dưới đây nêu đúng và đủ ý nghĩa của câu chuyện?
a- Ca ngợi đức hi sinh của cô bé vì cuộc sống tốt đẹp của mọi người
b- Ca ngợi đức hi sinh của cô bé vì sự sống của cây lúa trên đồng
c- Ca ngợi đức hi sinh của cô bé vì màu xanh đẹp đẽ của quê hương
d- Ca ngợi đức hi sinh của cô bé vì sự tồn tại mãi mãi của dòng họ
II – Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn
Câu 1 : Viết lại tên người, tên địa lí Việt Nam cho đúng quy tắc viết hoa:
a) – Nông văn Dền …………………..
– Vừ a dính …………………..
– Kơ-Pa kơ-lơng …………………..
b) – Pác bó ………………….
– Kông hoa ………………….
– Y-Rơ-Pao ………………….
Câu 2 : Chọn từ có tiếng an điền vào chỗ trống cho thích hợp:
a)………….là nghỉ ngơi yên tĩnh và ăn uống theo một chế độ nhất định để bồi dưỡng sức khỏe
b)……….là thong thả và được yên ổn, không phải khó nhọc, vất vả
c)……….là yên ổn về chính trị và trật tự xã hội
Câu 3 : Chọn một hoặc hai cặp từ hô ứng trong ngoặc đơn điền vào chỗ trống cho thích hợp:
a) Trời……nắng không khí……trở nên oi bức
b) Thủy Tinh dâng nước lên cao……….., Sơn Tinh lại dâng núi lên cao……….
c) Tôi …..cầm sách để đọc, cô giáo……….nhận ra là mắt tôi không bình thường
d) Người ta…………..biết cho nhiều………..thì họ…………nhận lại được nhiều……
(vừa…..đã…., càng…bao nhiêu….càng…bấy nhiêu, bao nhiêu…..bấy nhiêu)
Câu 4 : Lập dàn ý bài văn tả một đồ vật trong nhà mà em thích, theo gợi ý dưới đây:
a) Mở bài (Giới thiệu đồ vật chọn tả) . VD: Đó là đồ vật gì trong nhà, có từ bao giờ? Vì sao em thích?....
b) Thân bài
- Tả bao quát (một vài nét về hình dáng, kích thước, màu sắc, chất liệu của đồ vật…)
- Tả chi tiết từng bộ phận có đặc điểm nổi bật, đáng chú ý,làm cho em thích thú
(Kết hợp tả và nêu cảm xúc, suy nghĩ hoặc kỉ niệm của em về đồ vật đó)
c) Kết bài: Nêu nhận xét hoặc cảm nghĩ của em về đồ vật được tả
........................................................................................................................................................
........................................................................................................................................................
........................................................................................................................................................
........................................................................................................................................................
........................................................................................................................................................
........................................................................................................................................................
Câu 5 : Tuổi thơ của em có nhiều đồ chơi yêu thích và chứa đầy kỉ niệm. Hãy tả lại một thứ đồ chơi mà em yêu thích đó.
........................................................................................................................................................
........................................................................................................................................................
........................................................................................................................................................
........................................................................................................................................................
........................................................................................................................................................
........................................................................................................................................................
Đáp án và Hướng dẫn làm bài
Phần I – 1.d 2.c 3.d 4.b 5.a
Phần II –
Câu 1 :
a) Nông Văn Dền, Vừ A Dính, Kơ-pa Kơ-lơng
b) Pác Bó, Kông Hoa, Y-rơ-pao
Câu 2 :
a) An dưỡng
b) An nhàn
c) An ninh
Câu 3 :
a) vừa…đã….
b) bao nhiêu… bấy nhiêu
c) vừa….đã….
d) càng….bao nhiêu…càng…bấy nhiêu
Câu 4 : Tham khảo (dàn ý bài văn tả chiếc đồng hồ trong nhà):
a) Mở bài
Giới thiệu chiếc đồng hồ: Đó là loại đồng hồ chạy bằng điện do ba em mua từ hôm đi Hà Nội; đặt ở phòng khách để mọi người tiện xem giờ giấc hằng ngày; em rất thích vì nó có điệu nhạc chuông rất hay
b) Thân bài
- Tả bao quát: hình chữ nhật, kích thước khoảng 1,2m x 0,4m; màu sắc bức tranh trên mặt đồng hồ thật rực rỡ; đèn sáng nhấp nháy…
- Tả chi tiết từng bộ phận có đặc điểm nổi bật:
+ Mặt đồng hồ có ô ghi lịch ngày, tháng: có đèn sáng, nổi bật hình vẽ thác nước trắng xóa; màu đỏ của mặt trời, màu xanh của cây và màu nâu của những cánh chim đang bay…
+ Kim đồng hồ chuyển động không phát ra âm thanh nhưng lại nghe như có tiếng nước chảy róc rách vui tai…
+ Mỗi khi ba má để báo thức, em rất thích nghe tiếng nhạc ngân nga vang lên từ đồng hồ…
c) Kết bài
Đồng hồ là thước đo thời gian: đồng hồ nhắc em đi học, vui chơi, làm việc theo kế hoạc đã định; đồng hồ là mọt trong những đồ vật mà em yêu quý nhất trong nhà vì nó luôn nhắc em: hãy sử dụng thời gian có ích, đừng để phí hoài,…
Câu 5 : Tham khảo (bài văn tả chú gấu bông)
Trong số những món đồ chơi, em thích nhất là chú gấu bông. Đây là món quà bố mẹ tặng nhân ngày sinh nhật lần thứ mười của em.
Chú gấu bông được thu nhỏ cỡ như mèo con thật, nhưng hình dáng thì tròn trịa, mập mạp hơn. Chú trong tư thế chễm chệ ngồi, hai tay chắp về phía trước trông giống như một con búp bê hơn loài vật. Toàn thân chú gần như khoác lên mình một bộ lông màu nâu sáng, chỉ ở tai, mõm, bàn chân và cái bụng phệ là pha những mảng màu hồng nhạt.
Gương mặt gấu bông toát lên vẻ hiền hậu và vui vẻ. Hai mắt chú đen láy như mắt thật, lộ nét tinh nghịch và thông minh. Cái mũi chú nhỏ,nhàn nhạt hồng trông khá buồn cười. Trên cổ lại thắt cái nơ đỏ chói, còn thêm một bông hoa màu trắng trên đôi tay,trông chú thật bảnh bao, duyên dáng.
Em rất yêu chú gấu bông. Em thường hay đặt chú trên bàn học, ngắm chú mà nghe lòng vui vui.
(Theo báo Điện tử)