Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 13 có đáp án

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 13 có đáp án gồm các dạng bài tập , bài ôn luyện tuần 13 cơ bản và nâng cao giúp học sinh củng cố kiến thức hơn.Mời các bạn cùng theo dõi bộ đề Tiếng Việt 5 dưới đây.

1210
  Tải tài liệu

Phiếu Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 13

Thời gian: 45 phút

I – Bài tập về đọc hiểu

Trà Vinh “Đô thị xanh”

Trà Vinh có nét dịu dàng riêng của một tỉnh thuộc đồng bằng ven biển, với thị xã yên bình nằm êm đềm dưới những tán cây cổ thụ xanh biếc, mỗi cây với một cái tên là những con số. “Trà Vinh – Đô thị xanh” với những con đường nhỏ hẹp mang những cái tên rất đỗi tự nhiên, quen thuộc: “Đường Hàng Sao”, “Đường Cây Dầu”…

Ai đã từng có lần đặt chân đến vùng đất Trà Vinh, lòng không khỏi bâng khuâng, xao xuyến với cảm giác dịu êm khi dạo bước dưới những bóng cây xanh mát, với hương thơm thoang thoảng của hoa sao, hoa dầu rơi lất phất, xoay tít bay bay trong gió. Phong cảnh nơi đây thật hữu tình, nơi mà cộng đồng người Kinh, Khmer, Hoa đã sống gắn bó từ bao đời góp phần làm phong phú cho nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc… Tất cả những điều đó sẽ mang lại cho du khách cảm giác dễ chịu, một ấn tượng khó phai khi đến với Trà Vinh.

Trà Vinh hiện có 140 chùa Khmer ẩn hiện thấp thoáng sau màu xanh thẫm của hàng trăm hàng ngàn cây cổ thụ. Đẹp nhất, cổ kính nhất là chùa Âng với nhiều tháp nhọn cao vút, dựng trên một nghìn năm (năm 990). Hình ảnh những nhà sư đủ lứa tuổi, mặc áo vàng đi khất thực là hình ảnh quen thuộc ở nơi đây. Mỗi ngôi chùa là một trung tâm văn hóa phum sóc của đồng bào Khmer, của những con người hiền lành chất phác.

Sau khi đến ngắm hàng nghìn cánh cò dập dờn trong nắng chiều ở chùa Cò, Giồng Lớn, bạn sẽ đến dạo quanh Ao Bà Om. Dọc theo Quốc lộ 53 đi khoảng 7km sẽ tới thắng cảnh này. Mặt hồ thật trong và thật xanh trải rộng trước mặt du khách. Xung quanh hồ là những hàng, những dãy cây sao, cây dầu cổ thụ tỏa bóng mát rượi. Ngồi trên những gò cát quanh hồ, ngắm nhìn mặt hồ lăn tăn gợn sóng mà cảm thấy mát rượi cả tâm hồn. Thả đèn trên Ao Bà Om là một lễ hội truyền thống của đồng bào Trà Vinh, đã lôi cuốn hàng vạn người gần xa về dự.

Mời bạn uống một cốc nước trái Quách – món giải khát được đặc biệt yêu thích ở Trà Vinh rồi lên xe đến thăm biển Ba Động, một điểm du lịch nổi tiếng của miền Tây Nam Bộ đã được truyền tụng bao đời này :

Biển Ba Động nước xanh cát trắng

Ao Bà Om thắng cảnh miền Tây.

(Theo Du lịch Trà Vinh)

Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng

Câu 1 : Trà Vinh có nét dịu dàng riêng của vùng nào?

a- Vùng văn hóa cổ kính

b- Vùng miền Tây Nam Bộ

c- Vùng đồng bằng ven biển

Câu 2 : Đến Trà Vinh, điều gì khiến ta bâng khuâng, xao xuyến với cảm giác dịu êm?

a- Được dạo bước dưới những bóng cây xanh mát, với hương thơm thoang thoảng của hoa sao, hoa dầu

b- Được đi trên những con đường nhỏ hẹp mang những cái tên “Đường Hàng Sao”, “Đường Cây Dầu”

c- Được ngắm hàng nghìn cánh cò dập dờn trong nắng chiều, ngắm nhìn mặt hồ lăn tăn gợn sóng

Câu 3 : Dòng nào nêu đúng những địa danh nổi tiếng của Trà Vinh được nhắc trong bài ?

a- Hàng Sao, Cây Dầu, chùa Khmer, Ao Bà Om

b- Chùa Âng, chùa Cò, Giống Lớn, biển Ba Động

c- Chùa Âng, chùa Cò, Ao Bà Om, biển Ba Động

Câu 4 : Vì sao Trà Vinh được gọi là đô thị xanh?

a- Vì đó là đô thị có nhiều đường cây xanh

b- Vì đó là nơi có nhiều cảnh thiên nhiên đẹp

c- Vì đó là khu đô thị đang tràn đầy sức trẻ

II – Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn

Câu 1 : Điền vào chỗ trống

a) s hoặc x:

- nhường cơm…ẻ áo

- kéo cưa lừa…ẻ

-…ẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

- Bát cơm…ẻ nửa chăn sui đắp cùng

b) iêt hoặc iêc : xanh b…,nhận b…, ch… nón, ch… cây

c) ươn hoặc ương : v…vai, v… vãi, bay l…, độ l…

Câu 2 : Dựa vào nghĩa của tiếng bảo và tiếng sinh, hãy gạch bỏ từ không thuộc nhóm và điền tiếp vào chỗ trống để nêu nghĩa của bảo và sinh :

a) bảo vệ, bảo tồn, bảo quản, bảo kiếm, bảo trợ là nhóm từ có tiếng “bảo” với nghĩa là …………………………………………………………………………………

b) sinh vật, sinh động, sinh hoạt, sinh viên, sinh thái, sinh tồn là nhóm từ có tiếng “sinh” với nghĩa là ……………………………………………………………….

Câu 3 : a) Gạch dưới cặp quan hệ từ ở mỗi câu và cho biết chúng biểu thị quan hệ gì giữa các bộ phận của câu (Điền từ ngữ thích hợp vào chỗ trống trong ngoặc đơn )

(1) Do bảo vệ tốt những cánh rừng đầu nguồn nên quê tôi không bị những trận lũ lớn tràn về ( Biểu thị quan hệ .........................)

(2) Cây xanh không chỉ giúp con người có không khí trong lành để thở mà còn làm cho môi trường thêm tươi đẹp. (Biểu thị quan hệ ...............)

(3) Mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng nhiều thiếu nhi Việt Nam đã có ý thức tham gia bảo vệ môi trường (Biểu thị quan hệ ...................................)

b) Điền vào những chỗ trống các cặp quan hệ từ thích hợp :

(1) ..........khu vườn được chăm sóc chu đáo.........những đàn chim cứ lần lượt kéo nhau về làm tổ.

(2)...........ai cũng vứt rác bừa bãi ngoài đường..........môi trường sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng.

(3)...........tuổi đã cao............ông tôi vẫn tích cực tham gia Tết trồng cây.

(4) Anh Thanh ..........là một người chăn nuôi giỏi ...............là một thanh niên đi đầu trong việc trồng cây gây rừng.

Câu 4 : Dựa vào gợi ý, hãy viết đoạn văn (khoảng 5 câu) tả ngoại hình của một người mà em thường gặp ở trường hay ở nhà, hoặc nơi em ở:

Gợi ý : Viết câu mở đoạn để nêu ý chung (sẽ tả một hay vài đặc điểm tiêu biểu về ngoại hình, VD: tả kĩ về dáng người hay mái tóc, đôi mắt,.... hoặc tả vài đặc điểm nổi bật về cả nước da, vóc người, cách ăn mặc,...)

Thân đoạn cần nêu cụ thể, đầy đủ và đúng những nét tiêu biểu về ngoại hình đã chọn tả; bộc lộ tình cảm của em đối với người được tả (qua cách lựa chọn và sử dụng từ ngữ, cách diễn đạt,...)

Câu kết đoạn có thể nêu nhận xét hay cảm nghĩ của em về ngoại hình của người được tả.

..................................................................................................................................................................

..................................................................................................................................................................

..................................................................................................................................................................

..................................................................................................................................................................

..................................................................................................................................................................

Đáp án và Hướng dẫn làm bài

Phần I – 1.c 2.a 3.c 4.a

Phần II –

Câu 1 : a)

- nhường cơm sẻ áo

- kéo cưa lừa xẻ

- Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

- Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng

b) xanh biếc, nhận biết, chiếc nón, chiết cây

c) vươnvai, vương vãi, bay lượn, độ lượng

Câu 2 : a) Gạch bỏ “bảo kiếm” – điền “giữ, giữ gìn”

b) Gạch bỏ “sinh viên” – điền “sống”

Câu 3 : a) (1) Do bảo vệ tốt những cánh rừng đầu nguồn nên quê tôi không bị những trận lũ lớn tràn về (Biểu thị quan hệ nguyên nhân – kết quả )

(2) Cây xanh không chỉ giúp con người có không khí trong lành để thở mà còn làm cho môi trường thêm tươi đẹp. (Biểu thị quan hệ tăng tiến)

(3) Mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng nhiều thiếu nhi Việt Nam đã có ý thức tham gia bảo vệ môi trường (Biểu thị quan hệ tương phản)

b) Vì khu vườn được chăm sóc chu đáo nên những đàn chim cứ lần lượt kéo nhau về làm tổ (Hoặc: Do...nên, Nhờ...mà...)

(2) Nếu ai cũng vứt rác bừa bãi ngoài đường thì môi trường sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng Hoặc:Hễ...thì...)

(3) Tuy tuổi đã cao nhưng ông tôi vẫn tích cực tham gia Tết trồng cây. (Hoặc: Mặc dù...nhưng...)

(4) Anh Thanh không những là một người chăn nuôi giỏi mà còn là một thanh niên đi đầu trong việc trồng cây gây rừng

Câu 4 : Tham khảo (1) Tả ngoại hình của người bạn

Thanh Bình có gương mặt thật đáng mến. Mái tíc cắt ngắn gọn gàng. Khuôn mặt chữ điền, sống mũi thẳng và cao. Trên khuôn mặt bạn, thích nhất là đôi mắt sáng và đen. Nơi đó có nét gì thông minh khó tả.

(2) Tả ngoại hình của người bà

Gương mặt của bà tôi thật hiền. Da mặt bà nhăn nheo, lác đác vài chấm tàn hương. Hàm răng bà đen nhánh. Tôi nghe mẹ kể: hồi còn trẻ, bà nhuộm răng nên bây giờ răng bà mới chắc và đẹp như thế. Mỗi khi tôi được điểm 10, về khoe với bà, bà lại khen: “Cháu bà giỏi quá!”. Lúc ấy, trông gương mặt của bà tươi hiền lạ lùng. Những nếp nhăn bên khóe miệng, những vết chân chim ở hai đuôi mắt như lặn đi, chỉ còn vành môi thơm đỏ nước cốt trầu.

(3) Tả ngoại hình của em bé

Đầu bé Thu Phương thon nhỏ như trái dừa xiêm. Đôi mắt đen tròn như hai hạt nhãn. Mũi bé hơi cao và cái miệng chúm chím trông thật dễ thương. Chân mày dài, mờ mờ, cong cong, đôi môi đỏ hồng như có ai thoa son. Nhìn bé, ai cũng muốn ôm vào lòng mà hôn lên đôi má phúng phính của bé.

 

Bài viết liên quan

1210
  Tải tài liệu