Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 4 có đáp án

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 4 có đáp án gồm các dạng bài tập , bài ôn luyện tuần 4 cơ bản và nâng cao giúp học sinh củng cố kiến thức hơn.Mời các bạn cùng theo dõi bộ đề Tiếng Việt 5 dưới đây.

1416
  Tải tài liệu

Phiếu Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 4 

Thời gian: 45 phút

I – Bài tập về đọc hiểu

Bâng khuâng vào thu

Chớm thu, lúa trổ đòng thơm ngát cánh đồng. Nghe ngòn ngọt vị hạt thóc non căng tràn hương sữa. Ven bờ cỏ xăm xắp nước, đám cá thia lia đang nhảy loi choi. Nắng sớm. Gió nhẹ. Hương đồng ruộng quyện vào không gian trong ngần của buổi sớm mai…

Chớm thu, con đường đất chạy quanh co khắp ngõ xóm như tươi tắn hơn trong bộ áo màu nâu đỏ vừa được khoác lên sau những ngày công lao động của dân làng. Thấp thoáng đầu ngõ những gánh rau xanh non rập rờn theo bước chân của các mẹ, các chị gấp gáp đến kịp phiên chợ sớm.

Chớm thu, con mương đón nước từ đập thượng nguồn về tưới mát cho những vườn cây đang mùa chín rộ. Con mương uốn lượn hiền hòa in dấu bao kỉ niệm ấu thơ đẹp như trong cổ tích, ghim sâu vào dòng kí ức của lũ trẻ chúng tôi. Dường như trong dòng nước mát lành kia có chứa cả những giọt nước mắt tủi hờn của tôi ngày nào bị mẹ mắng vì có tội, giữa trưa nắng chang chang, đầu trần, chân đất chạy khắp xóm, rồi vẫy vùng hả hê trong dòng mương cùng đám bạn…

Chớm thu, khóm hoa trước thềm nhà chúm chím sắc hồng tươi trong nắng tháng tám hanh vàng. Chợt nhớ nôn nao lũ bạn nghịch ngợm, nhớ nôn nao tiếng bài giảng trầm ấm của cô giáo và nhớ nôn nao lớp học với bồn hoa cũng rực rỡ sắc hồng đang vẫy chào các bạn học trò vui tới lớp…

Thu đến rồi! Ôi mùa thu yêu dấu! …

(Theo Nguyễn Thị Duyên)

Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng

Câu 1 : Nội dung chính của bài văn trên là gì?

a- Tả cảnh đồng quê mùa thu

b- Kể về kỉ niệm những ngày thu khai trường

c- Cảm xúc của tác giả trước cảnh làng quê khi mùa thu đến

Câu 2 : Dòng nào nêu đúng những cảnh vật được tác giả miêu tả qua từng đoạn văn trong bài?

a- Cánh đồng thơm hương lúa, con đường làng quanh co, con mương in dấu tuổi thơ, khóm hoa trước thềm nhà, lũ bạn cùng cô giáo

b- Cánh đồng thơm hương lúa, con đường làng quanh co, cái đập thượng nguồn, khóm hoa trước thềm nhà, lũ bạn cùng cô giáo

c- Cánh đồng thơm hương lúa, con đường làng quanh co, giọt nước mắt nhớ thương, khóm hoa trước thềm nhà, lũ bạn cùng cô giáo

Câu 3 : Tác giả đã quan sát các sự vật bằng những giác quan nào để miêu tả?

a- Thị giác, khứu giác, vị giác, xúc giác

b- Thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác

c- Thính giác, khứu giác, xúc giác, thị giác

Câu 4 : Điệp từ chớm thu được nhắc nhiều lần trong bài nhằm nhấn mạnh điều gì ?

a- Mùa thu đến sớm hơn lệ thường hằng năm

b- Mùa thu có nhiều vẻ đẹp và gợi nhiều cảm xúc

c- Mùa thu làm cho cảnh vật trở nên đẹp đẽ hẳn lên

II – Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn

Câu 1 : a) Chép vần của các tiếng in đậm ở hai dòng thơ sau vào mô hình cấu tạo vần:

Việt Nam đẹp khắp trăm miền

Bốn mùa một sắc trời riêng đất này

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 4 có đáp án | Đề kiểm tra cuối tuần Tiếng Việt 5 có đáp án

b) Tìm những chữ ghi thiếu dấu thanh trong dãy từ sau và viết lại cho đúng:

via than, kiến thiêt, tiên bộ, cốc nước mia

........................................................................................................................................................

Câu 2 : Gạch dưới các cặp từ trái nghĩa trong những câu thơ sau :

a) Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.

(Hồ Chí Minh)

b) Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay

Ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm.

(Tố Hữu)

Có gì đâu, có gì đâu

Mỡ màu ít, chắc dồn lâu hóa nhiều.

(Nguyễn Duy)

Câu 3 : a) Viết 3 từ trái nghĩa với từ nhạt

................ ...................... .................

b) Đặt 1 câu có từ nhạt và 1 câu có từ trái nghĩa với nhạt :

........................................................................................................................................................

........................................................................................................................................................

Câu 4 : Lập dàn ý cho bài văn miêu tả ngôi trường của em

Gợi ý

a) Mở bài (Giới thiệu): Trường em nằm ở vị trí nào? Đặc điểm gì nổi bật giúp mọi người dễ nhận ra ngôi trường đó ?... (Hoặc : Lí do em muốn tả cảnh ngôi trường đang học)

b) Thân bài

- Cảnh bên ngoài của trường: Lối đi vào có gì nổi bật? Cổng trường thế nào? Biển trường ra sao ? Hoạt động trước cửa trường vào thời điểm miêu tả có điểm gì đáng nói ?...

- Cảnh bên trong khu trường:

+ Sân trường rộng hay hẹp? Cây cối thế nào? Trân sân trường có những cảnh gì nổi bật ( về âm thanh, màu sắc … )

+ Khu vực lớp học (trước mặt em, bên phải, bên trái) được bố trí ra sao? Các phòng học có những điểm gì làm em chú ý (cửa ra vào, cửa sổ, hành lang,mái hiên…) ?

+ Các khu vực khác ở trường em (văn phòng, nhà hiệu bộ, thư viện, phòng thiết bị dạy học, vườn trường, bồn hoa cây cảnh…) có gì nổi bật ?

c) Kết bài : cảnh trường (vào lúc miêu tả) gợi cho em những cảm nghĩ gì ? (hoặc : Em có suy nghĩ gì về ngôi trường thân yêu của mình ?...)

........................................................................................................................................................

........................................................................................................................................................

Câu 5 : Dựa vào dàn ý (phần thân bài) đã lập ở trên, hãy viết một đoạn văn tả ngôi trường của em

Gợi ý

- Có thể chọn viết đoạn văn tả sân trường hoặc dãy lớp học / khu vực văn phòng..

- Nêu có câu mở đầu đoạn văn nêu ý chung, tiếp theo là các câu miêu tả cụ thể cảnh vật. Chú ý lựa chọn những từ ngữ, hình ảnh gợi tả, chi tiết tiêu biểu, sinh động (thể hiện sự quan sát tinh tế, bằng nhiều giác quan)

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 4 có đáp án | Đề kiểm tra cuối tuần Tiếng Việt 5 có đáp án

b) vỉa, thiết, tiến, mía

Đáp án và Hướng dẫn làm bài

I – 1.c 2.a 3.b 4.b

II – 1.a)

Câu 2 : a) Sáng ra bờ suối, tối vào hang

b) Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay

c) Mỡ màu ít, chắt dồn lâu hóa nhiều

Câu 3 : a) ngọt, mặn, đậm

b) VD: Chè nhạt quá, mẹ cho thêm ít đường cho đủ ngọt mẹ ạ

Canh hơi mặn, lần sau em thêm nêm ít nước mắm thôi nhé

Câu 4 : Tham khảo:

a) Mở bài: Trường em cách nhà khoảng 2km, sát con đường nhựa thẳng lên thị trấn Yên Bình

b) Thân bài

- Cảnh bên ngoài: Cổng trường rộng khoảng 5m, làm bằng sắt ; biển trường nổi bật cái tên rất đỗi thân thương: Trường Tiểu học Yên Bình. Từ khoảng 6 giờ 30 sáng đã có học sinh được bố mẹ đưa đến trường; đến 7 giờ thì cổng trường nhộn nhịp tấp nập học trò…

- Cảnh bên trong:

+ Sân trường không rộng lắm nhưng sum sê cây cối ; bốn cây phượng vĩ ở bốn góc sân cứ đến hè lại nở hoa đỏ thắm, những cây bàng xanh um che mát gần nửa sân trường ; sáng sớm, thỉnh thoảng em được nghe tiếng chim chích trên cành…

+ Từ cổng vào, trước mặt em là khu nhà 2 tầng với hai dãy lớp có 12 phòng học; bên phải là dãy nhà có các phòng: thiết bị dạy học, thư viện nghệ thuật, y tế; bên trái là dãy nhà có phòng Hiệu trưởng, Hiệu phó và phòng Hội đồng để các thầy cô ngồi họp, làm việc và nghỉ ngơi. Các phòng học đều có cửa ra vào, cửa sổ thoáng mát, hành lang rộng rãi nên buổi sáng có thể ngồi truy bài theo nhóm… Bên trong, ảnh Bác Hồ treo ngay ngắn trên bảng lớp; quạt trần, đèn điện đầy đủ cả.

+ Các khu vực khác: hai bên sân trường có bồn hoa cây cảnh đẹp mắt; khu vườn trường có nhiều loại thực vật giúp chúng em được học các tiết Tự nhiên và Xã hội ở ngoài trời,…

c) Kết bài: Cảnh trường em thật đẹp; đây là môi trường thân thiện mà em yêu thích; dù đi đâu em cũng nhớ mãi màu xanh hiền dịu, màu đỏ vui tươi và những nụ cười đầy ắp cả khu trường.

Câu 5 : Tham khảo (1) Đoạn văn tả sân trường

Sân trường không rộng lắm nhưng dẫu sao cũng là khu vực thoáng đãng nhất của trường tôi. Hàng cây xà cừ trồng quanh sân như những chiếc ô che nắng cho chúng tôi vui đùa lúc ra chơi. Nhóm này nhảy dây, nhóm kia chơi cầu,… tiếng nói cười xôn xao trong nắng. Bốn góc sân trường sừng sững bốn cây phượng vĩ trồng đã lâu năm. Mùa hè, hoa phượng nở đỏ như những chùm lửa lập lòe trong vòm lá. Nếu chú ý lắng nghe, bạn sẽ thấy tiếng chim hót líu lo như dạo khúc nhạc vui.

(Theo Vũ Hoàng Linh)

(2) Đoạn văn tả dãy lớp học

Dãy lớp học lợp ngói đỏ nay đã ngả màu nâu thẫm. Chạy dọc phía ngoài là dãy hành lang đủ chỗ cho chúng em xếp hàng vào lớp trong những ngày mưa. Tường hành lang thấp ngang thắt lưng, bên trên đặt những chậu hoa nhỏ trông thật thích mắt. Cửa lớp khá rộng, đủ cho ba bốn người cùng vào một lúc. Lớp học nào cũng có những cửa sổ chấn song luôn sẵn sàng chào đón những tia nắng và làn gió mát rượi. Cứ mỗi buổi lên lớp, hàng cây xanh bên ngoài như muốn nhìn qua cửa sổ xem chúng em học bài.

(Theo Trần Văn Nam – Dẫn theo Thực hành Tập làn văn 4, 2002)

Bài viết liên quan

1416
  Tải tài liệu