Sinh học Bài 58: Đa dạng sinh học (tiếp theo)
Lý thuyết tổng hợp Sinh học lớp 7 Bài 58: Đa dạng sinh học (tiếp theo), chọn lọc năm 2021 – 2022 mới nhất gồm tóm tắt lý thuyết và hơn 500 bài tập ôn luyện Sinh 7. Hy vọng bộ tổng hợp lý thuyết Sinh học lớp 7 sẽ giúp học sinh củng cố kiến thức, ôn tập và đạt điểm cao trong các bài thi trắc nghiệm môn Sinh học 7.
Bài 58: Đa dạng sinh học (tiếp theo)
I. ĐA DẠNG SINH HỌC ĐỘNG VẬT Ở MÔI TRƯỜNG NHIỆT ĐỚI GIÓ MÙA
Số loài động vật ở môi trường nhiệt đới gió mùa cao hơn hẳn so với tất cả những môi trường địa lí khác trên Trái Đất, là do môi trường nhiệt đới gió mùa có khí hậu nóng, ẩm tương đối ổn định, thích hợp với sự sống của mọi loài sinh vật. Điều này đã tạo điều kiện cho các loài động vật ở vùng nhiệt đới gió mùa thích nghi và chuyên hóa cao đối với những điều kiện sống rất đa dạng của môi trường.
Ví dụ về sự chuyên hóa tập tính dinh dưỡng của các loài rắn trên đồng ruộng, ở đồng bằng Bắc Bộ : có những loài chuyên ăn rắn, có những loài chủ yếu ăn chuột, hoặc chủ yếu ăn ếch nhái hay sâu bọ. Có loài bắt chuột về ban ngày (bắt trong hang), có loài về ban đêm (bắt ở ngoài hang)… Do vậy, trên cùng một nơi có thể có nhiều loài cùng sống bên nhau, tận dụng được nguồn sống của môi trường mà không cạnh tranh với nhau, làm cho số lượng loài động vật ở nơi đó tăng lên rõ rệt.
II. NHỮNG LỢI ÍCH CỦA ĐA DẠNG SINH HỌC
- Đa dạng sinh học động vật ở Việt Nam đã được biểu hiện cụ thể ở các nguồn tài nguyên về động vật.
- Nguồn tài nguyên động vật đã cung cấp cho nhân dân ta thực phẩm, sức kéo, dược liệu, sản xuất công nghiệp (da, lông, sáp ong, cánh kiến...), nông nghiệp (thức ăn gia súc, phân bón), có những loài có tác dụng tiêu diệt các loài sinh vật có hại, có giá trị văn hóa (cá cảnh, chim cảnh), giống vật nuôi (gia cầm, gia súc và những động vật nuôi khác...)
- Tài nguyên động vật là tài nguyên chung, có vai trò quyết định tới sự phát triển bền vững của đất nước chúng ta.
III. NGUY CƠ SUY GIẢM VÀ VIỆC BẢO VỆ ĐA DẠNG SINH HỌC
Hiện nay trên Trái Đất được biết khoảng 1,5 triệu loài động vật. Tỉ lệ diệt vong những loài động, thực vật gây ra do con người gấp nghìn lần so với tỉ lệ diệt vong tự nhiên. Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự giảm sút độ đa dạng sinh học là:
- Nạn phá rừng, khai thác gỗ và các lâm sản khác, du canh, di dân khai hoang, nuôi trồng thủy sản, xây dựng đô thị, làm mất môi trường sống của động vật.
Nạn phá rừng
- Sự săn bắn buôn bán động vật hoang dại cộng với việc sử dụng tràn lan thuốc trừ sâu, việc thải các chất thải của các nhà máy, đặc biệt là khai thác dầu khí hoặc giao thông trên biển.
Nạn săn bắt, buôn bán động vật
- Để bảo vệ đa dạng sinh học cần có biện pháp cấm đốt, phá, khai thác rừng bừa bãi, săn bắt buôn bán động vật, đẩy mạnh các biện pháp chống ô nhiễm môi trường.
IV. BÀI TẬP
Câu 1: Số loài động vật ở … cao hơn hẳn so với tất cả những môi trường địa lí khác trên Trái Đất.
a. Môi trường đới lạnh
b. Môi trường hoang mạc đới nóng
c. Môi trường nhiệt đới gió mùa
d. Môi trường ôn đới
Số loài động vật ở môi trường nhiệt đới gió mùa cao hơn hẳn so với tất cả những môi trường địa lí khác trên Trái Đất, là do môi trường nhiệt đới gió mùa có khí hậu nóng, ẩm tương đối ổn định, thích hợp với sự sống của mọi loài sinh vật.
→ Đáp án c
Câu 2: Tại sao trên đồng ruộng đồng bằng miền Bắc Việt Nam có thể bắt gặp 7 loài rắn cùng chung sống với nhau mà không hề cạnh tranh với nhau?
a. Vì mỗi loài rắn sống trong một điều kiện sống nhất định khác nhau
b. Vì mỗi loài rắn có nguồn sống nhất định khác nhau
c. Vì mỗi loài rắn có tập tính hoạt động nhất định khác nhau
d. Tất cả a, b, c đều đúng
Các loài rắn trên đồng ruộng, ở đồng bằng Bắc Bộ : có những loài chuyên ăn rắn, có những loài chủ yếu ăn chuột, hoặc chủ yếu ăn ếch nhái hay sâu bọ. Có loài bắt chuột về ban ngày (bắt trong hang), có loài về ban đêm (bắt ở ngoài hang)… Do vậy, trên cùng một nơi có thể có nhiều loài cùng sống bên nhau, tận dụng được nguồn sống của môi trường mà không cạnh tranh với nhau, làm cho số lượng loài động vật ở nơi đó tăng lên rõ rệt.
→ Đáp án d
Câu 3: Thức ăn của rắn giun là
a. Giun đất
b. Giun đũa
c. Sâu bọ
d. Chuột
Rắn giun sống chui luồn trong đất, thức ăn là sâu bọ.
→ Đáp án c
Câu 4: Tài nguyên động vật được sử dụng trong sản xuất công nghiệp là
a. Da động vật
b. Lông động vật
c. Sáp ong, cánh kiến
d. Tất cả các tài nguyên động vật trên
Nguồn tài nguyên động vật đã cung cấp vật liệu sản xuất công nghiệp da, lông, sáp ong, cánh kiến… cho hoạt động của con người.
→ Đáp án d
Câu 5: Đặc điểm nào KHÔNG phải là lợi ích của nguồn tài nguyên động vật?
a. Gây ô nhiễm môi trường
b. Cung cấp thực phẩm, dược liệu
c. Tiêu diệt các loài sinh vật có hại
d. Làm giống vật nuôi
Nguồn tài nguyên động vật đã cung cấp cho nhân dân ta thực phẩm, sức kéo, dược liệu, sản xuất công nghiệp (da, lông, sáp ong, cánh kiến...), nông nghiệp (thức ăn gia súc, phân bón), có những loài có tác dụng tiêu diệt các loài sinh vật có hại, có giá trị văn hóa (cá cảnh, chim cảnh), giống vật nuôi (gia cầm, gia súc và những động vật nuôi khác...)
→ Đáp án a
Câu 6: Đặc điểm nào dưới đây có ở rắn hổ mang?
a. Hoạt động vào ban ngày
b. Sống chui luồn trong đất
c. Vừa sống ở nước vừa ở cạn
d. Thức ăn chủ yếu là chuột
Rắn hổ mang sống trên cạn, bắt mồi vào ban đêm và thức ăn chủ yếu là chuột.
→ Đáp án d
Câu 7: Loài rắn nào là loài có ích cho con người
a. Rắn nước
b. Rắn săn chuột
c. Rắn cạp nong
d. Rắn ráo
Rắn săn chuột sống trên cạn, có thức ăn chủ yếu là chuột, nên là loài có ích với con người.
→ Đáp án b
Câu 8: Rắn ráo sống trong môi trường nào?
a. Trên cạn
b. Trên cây
c. Chui luồn trong đất
d. Trên cạn và trên cây
Rắn ráo sống trên cạn và leo cây, chúng ăn ếch nhái và chim non.
→ Đáp án d
Câu 9: Đâu là nguyên nhân chính gây nên sự diệt vong của các loài động thực vật?
a. Do các loài thiên tai xảy ra
b. Do các loại dịch bệnh bất thường
c. Do khả năng thích nghi của sinh vật kém đi
d. Do các hoạt động của con người
Tỉ lệ diệt vong những loài động, thực vật gây ra do con người gấp nghìn lần so với tỉ lệ diệt vong tự nhiên.
→ Đáp án d
Câu 10: Các hoạt động của con người làm giảm sút độ đa dạng sinh học là
a. Phá rừng, khai thác gỗ, du canh, di dân khai hoang, nuôi trồng thủy sản, xây dựng đô thị, làm mất môi trường sống của động vật
b. Sử dụng tràn lan thuốc trừ sâu, việc thải các chất thải của các nhà máy gây ô nhiễm môi trường
c. Sự săn bắn động vật hoang dã
d. Tất cả các hoạt động trên
Các hoạt động của con người dần làm giảm sút độ đa dạng sinh học:
- Nạn phá rừng, khai thác gỗ và các lâm sản khác, du canh, di dân khai hoang, nuôi trồng thủy sản, xây dựng đô thị, làm mất môi trường sống của động vật.
- Sự săn bắn buôn bán động vật hoang dại cộng với việc sử dụng tràn lan thuốc trừ sâu, việc thải các chất thải của các nhà máy, đặc biệt là khai thác dầu khí hoặc giao thông trên biển.
→ Đáp án d