Giải Kinh tế pháp luật 10 (Kết nối tri thức) Bài 20: Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Hoidapvietjack.com trân trọng giới thiệu: Lời giải bài tập Giáo dục Kinh tế pháp luật 10 Bài 20: Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Kinh tế pháp luật 10 Bài 20.

619
  Tải tài liệu

Giải Kinh tế pháp luật 10 Bài 20: Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Mở đầu trang 123 KTPL 10: Em hãy kể tên các cơ quan trong bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chia sẻ hiểu biết của mình về một trong các cơ quan đó.

Trả lời:

- Bộ máy Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm: Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, Tòa án, Viện kiểm sát, chính quyền địa phương.

- Chia sẻ hiểu biết về Quốc hội:

+ Là cơ quan quyền lực cao nhất, do nhân dân bầu ra.

+ Quốc hội có chức năng: lập hiến, lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước…

Quốc hội tổ chức các kì họp công khai, làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Trong trường hợp cần thiết. Quốc hội quyết định họp kín.

1. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Câu hỏi trang 124 KTPL 10:

1/ Theo em, Đảng lãnh đạo bộ máy nhà nước trên những phương diện nào? Hãy nêu ví dụ minh hoạ.

2/ Nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước được thể hiện như thế nào trong thông tin 2?

Trả lời:

Yêu cầu số 1:

Đảng lãnh đạo bộ máy nhà nước trên các phương diện:

+ Đảng đề ra đường lối, chủ trương, phương hướng lớn cho Nhà nước

+ Đảng chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát hoạt động của Nhà nước;

+ Đảng đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, giới thiệu nhân sự vào các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước....

- Ví dụ: Đảng đề ra đường lối. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (1-202) đã chỉ rõ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 như sau:

Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỉ lệ đô thị hóa khoảng 45%; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.

Về xã hội: Đến năm 2025, tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tỉ lệ lao động qua đào tạo là 70%; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị năm 2025 dưới 4%; tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5% hằng năm; có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh/1 vạn dân; tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tuổi thọ trung bình đạt khoảng 74,5 tuổi; tỉ lệ xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới tối thiểu 80%, trong đó ít nhất 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Về môi trường: Đến năm 2025, tỉ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95 - 100%, nông thôn là 93 - 95%; tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 92%; tỉ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; giữ tỉ lệ che phủ rừng ổn định 42%.

Yêu cầu số 2: Nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng thể hiện trong thông tin 2:

+ Ban Chấp hành Trung ương đề xuất, giới thiệu nhân sự đảm nhiệm chức danh lãnh đạo Nhà nước thể hiện việc Đảng lãnh đạo trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước trên phương diện công tác cán bộ.

+ Đảng giới thiệu Đảng viên có đủ năng lực, phẩm chất vào các cương vị chủ chốt của bộ máy nhà nước để nhân dân hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền bầu, bổ nhiệm.

Câu hỏi trang 124 KTPL 10:

1/ Em hãy cho biết, các luật, nghị quyết, pháp lệnh sau khi được Quốc hội thông qua sẽ do những cơ quan nào tổ chức thi hành, thực hiện?

2/ Em hiểu như thế nào về nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp, kiểm soát? Thực hiện nguyên tắc này có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

Yêu cầu số 1: Các luật, nghị quyết, pháp lệnh sau khi được Quốc hội thông qua sẽ được Chính phủ, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân,... và các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước tổ chức thi hành, thực hiện. Ví dụ, để luật, nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống, Chính phủ triển khai thực hiện bằng cách ban hành các nghị định hướng dẫn chi tiết.

Yêu cầu số 2:

- Nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan:

+ Quyền lực nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được xác định bởi chính chủ thể duy nhất và tối cao là nhân dân.

+ Quyền lực nhà nước được phân chia thành quyển lập pháp, hành pháp, tư pháp và được giao cho các cơ quan tương ứng thực hiện một cách độc lập.

+ Các cơ quan trong bộ máy nhà nước không tách rời nhau mà có sự phối hợp, kiểm soát, giám sát lẫn nhau để thực hiện quyền lực nhà nước, đảm bảo mục tiêu chung phục vụ nhân dân và phục vụ dân tộc.

Nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp, kiểm soát đảm bảo hiệu quả và sự đồng bộ, xuyên suốt, đúng đắn trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; hạn chế các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân,...

Câu hỏi trang 125 KTPL 10:

1/ Luật Trưng cầu ý dân của Nhà nước Việt Nam thể hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân như thế nào? Em hãy cho biết nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng phương thức và qua cơ quan, tổ chức nào.

2/ Em hãy nêu biểu hiện của nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Việt Nam.

Trả lời:

Yêu cầu số 1:

- Luật Trưng cầu ý dân của Nhà nước Việt Nam thể hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân khi cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu để quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như:

+ Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp;

+ Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia... bảo đảm để nhân dân trực tiếp thể hiện ý chi của mình trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước;

+ Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội.

- Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.

Yêu cầu số 2: Biểu hiện của nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân:

- Tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân và bộ máy nhà nước là công cụ để nhân dân thực thi những quyền lực đó.

- Các cơ quan quyền lực nhà nước như: Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp phải do nhân dân bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín trên cơ sở dân chủ.

- Các đại biểu dân cử thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, nói lên tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân, chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân dân, và khi không còn được sự tín nhiệm của nhân dân thì đại biểu dân cử có thể bị bãi nhiệm.

- Những vấn đề quan trọng nhất của đất nước trước khi quyết định phải lấy ý kiến của nhân dân hoặc phải do nhân dân trực tiếp quyết định thông qua việc trưng cầu ý kiến của nhân dân.

- Nhân dân giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, có quyền tố cáo, khiếu nại, góp ý,... nếu phát hiện sai phạm.

Câu hỏi trang 126 KTPL 10:

1/ Qua lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, em hiểu thể nào là tập trung dân chủ?

2/ Trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên tắc tập trung dân chủ được biểu hiện như thế nào?

Trả lời:

Yêu cầu số 1: Tập trung dân chủ nghĩa là tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung. Những vấn đề quan trọng nhất thường được bàn bạc, quyết định bởi tập thể. Khi mọi việc đã được tập thể xác định rõ sẽ giao cho cá nhân phụ trách thực thi để đảm bảo hiệu quả.

Yêu cầu số 2:

Trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam một mặt phải đảm bảo sự chỉ đạo, lãnh đạo tập trung, thống nhất của trung ương với địa phương, của cấp trên với cấp dưới nhưng mặt khác phải mở rộng dân chủ, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của địa phương và cấp dưới; phải coi trọng vai trò của tập thể nhưng mặt khác phải để cao vai trò, trách nhiệm cá nhân của người lãnh đạo.

- Các cơ quan, tổ chức cấp dưới có trách nhiệm thực hiện những chủ trương, chính sách, quy định của cơ quan, tổ chức cấp trên.

- Trong quá trình hoạt động, những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương sẽ được quyết định thông qua hình thức biểu quyết lấy ý kiến của tập thể.

Câu hỏi trang 127 KTPL 10:

1/ Các văn bản pháp luật trong hình ảnh trên quy định tổ chức và hoạt động của cơ quan nào trong bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam?

2/ Theo em, nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được biểu hiện như thế nào?

Trả lời:

Yêu cầu số 1: Các văn bản pháp luật trong hình ảnh trên quy định tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân.

Yêu cầu số 2:

Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được biểu hiện:

+ Bộ máy nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật.

+ Pháp luật quy định rõ, cụ thể, minh bạch việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, hình thức hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước và việc tổ chức bộ máy nhà nước phải tuân theo các quy định đó.

Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lí.

2. Đặc điểm của bộ mát nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Câu hỏi trang 127 KTPL 10:

1/ Việc thực hiện chủ trương xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được thể hiện như thế nào trong bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam?

2/ Theo em, tính thống nhất của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được biểu hiện như thế nào?

Trả lời:

Yêu cầu số 1:

Việc thực hiện chủ trương xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thể hiện trong bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

+ Đảng để ra đường lối, chủ trương phát triển nền kinh tế.

+ Các cơ quan trong bộ máy nhà nước hiện thực hoá chủ trương, đường lối của Đảng bằng việc phối hợp chặt chẽ trong xây dựng, ban hành, triển khai các chính sách, chương trình, kế hoạch, công việc cụ thể trên nhiều mặt để phát triển toàn diện nền kinh tế.

Yêu cầu số 2: Tính thống nhất của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được biểu hiện:

+ Tất cả các cơ quan trong bộ máy nhà nước đều chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc chung, tạo thành một thể thống nhất từ trung ương xuống địa phương.

+ Những cơ quan này đều hoạt động vì mục tiêu chung là xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Câu hỏi trang 128 KTPL 10:

1/ Việc đẩy mạnh cải cách hành chính thể hiện tính nhân dân của bộ máy hành chính nhà nước ta như thế nào? Nhân dân thực hiện quyền gì để tham gia thành lập bộ máy nhà nước?

2/ Em hãy nêu biểu hiện của tính nhân dân trong bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trả lời:

Yêu cầu số 1:

Việc đẩy mạnh cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi, giúp nhân dân tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc khi thực hiện các thủ tục hành chính.

- Nhân dân thực hiện quyền bầu cử, ứng cử để tham gia thành lập bộ máy nhà nước.

Yêu cầu số 2: Biểu hiện của tỉnh nhân dân trong bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

- Các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước được nhân dân thành lập nên và hoạt động để phục vụ cho lợi ích của nhân dân.

- Người dân có quyền tham gia quản lí nhà nước, nếu các cơ quan, cá nhân trong bộ máy nhà nước hoạt động không hiệu quả thì nhấn dân có quyền khiếu nại, tố cáo.

- Hoạt động của bộ máy nhà nước hướng tới việc chăm lo cho nhân dân, bảo đảm, bảo vệ lợi ích cho nhân dân.

- Mọi cán bộ, nhân viên nhà nước đều xuất phát từ nhân dân, tham gia vào bộ máy nhà nước là để phục vụ, phụng sự nhân dân. Họ có trách nhiệm phải giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, phải gần gũi nhân dân, lắng nghe và thấu hiểu nhân dân, đồng thời phải chịu sự giám sát của nhân dân, họ có thể bị bãi miễn nếu không còn được nhân dân tín nhiệm.

Câu hỏi trang 129 KTPL 10:

1/ Việc Chính phủ phải báo cáo và chịu sự giám sát của Quốc hội về các công việc của mình thể hiện điều gì?

2/ Theo em, vì sao các cơ quan trọng bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân công quyền lực để thực hiện các nhiệm vụ riêng nhưng vẫn phải có sự phối hợp, giám sát lẫn nhau?

3/ Tính quyền lực của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được biểu hiện như thế nào?

Trả lời:

Yêu cầu số 1: Việc Chính phủ phải báo cáo và chịu sự giám sát của Quốc hội về các công việc của minh thể hiện vai trò của Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất trong bộ máy nhà nước, Chính phủ là cơ quan cấp dưới nên phải có trách nhiệm bảo cáo công việc và chịu sự giám sát của Quốc hội.

Yêu cầu số 2:

- Các Cơ quan trong bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân chia quyền lực để thực hiện các nhiệm vụ riêng nhưng vẫn phải có sự phối hợp, giám sát lẫn nhau vì bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một thể thống nhất, được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc chung và hướng đến những mục tiêu giống nhau.

- Các cơ quan phải có sự phối hợp, giám sát lẫn nhau để đảm bảo tất cả các lĩnh vực hoạt động của bộ máy nhà nước đều được thực hiện đúng, tránh các sai phạm làm ảnh hưởng đến hiệu quả chung trong hoạt động của bộ máy nhà nước.

Yêu cầu số 3: Biểu hiện của tính quyền lực của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

+ Tất cả các cơ quan trong hệ thống bộ máy nhà nước đều được Nhà nước trao các quyền cụ thể để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình.

+ Các cơ quan sử dụng quyền lực nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ riêng, tuy nhiên giữa các cơ quan luôn có mối quan hệ, hỗ trợ nhau trong việc giải quyết công việc, cơ quan này giảm sát cơ quan khác.

+ Các cơ quan cấp dưới phải phục tùng, thực hiện các quyết định của cơ quan cấp trên.

Câu hỏi trang 129 KTPL 10:

1/ Trong thông tin 2, vì sao các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều phải tuân thủ các quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy?

2/ Tính pháp quyền xã hội chủ nghĩa được biểu hiện như thế nào trong bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam?

Trả lời:

Yêu cầu số 1: Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cả nhân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều phải tuân thủ Luật Phòng cháy, chữa cháy vì tất cả mọi người sinh sống, làm việc trên lãnh thổ Việt Nam đều có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật.

Yêu cầu số 2: Tính pháp quyền xã hội chủ nghĩa của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được biểu hiện:

- Tất cả các cơ quan trong bộ máy nhà nước đều được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật;

- Các cơ quan trong bộ máy nhà nước sử dụng pháp luật để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm quản lý nhà nước và xã hội.

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 130 KTPL 10: Em hãy cho biết các ý kiến sau đúng hay sai. Vì sao?

a. Tất cả các cá nhân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều có quyền ứng cử tham gia vào bộ máy nhà nước.

b. Khi không đồng tình với quyết định, việc làm trái pháp luật của các cơ quan trọng bộ máy nhà nước, người dân có quyền gửi đơn khiếu nại, tố cáo.

c. Cơ quan nhà nước cấp dưới phải thực hiện tất cả các chủ trương, quyết định cơ quan nhà nước cấp trên.

d. Người đứng đầu, lãnh đạo các cơ quan trong bộ máy nhà nước có quyền quyết định tắt cả các vấn đề liên quan đến hoạt động của cơ quan đó.

Trả lời:

a. Sai, vì chỉ có công dân Việt Nam, không bị giới hạn về năng lực xã hội (ví dụ: không bị giam giữ do vi phạm pháp luật) và đủ 21 tuổi trở lên mới có quyền ứng cử vào bộ máy nhà nước.

b. Đúng, vì tất cả cơ quan trong bộ máy nhà nước Việt Nam đều hoạt động vì mục đích chung là lợi ích của nhân dân, hoạt động theo quy định của pháp luật. Vì vậy, nhân dân có quyền khiếu nại, tố cáo nếu không đồng tình với các quyết định của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.

c. Đúng, vì bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức phân cấp. Các cơ quan trong bộ máy nhà nước sử dụng quyền lực nhà nước được phân chia để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, cơ quan cấp dưới phải thực hiện chủ trương, quyết định của cơ quan cấp trên.

d. Sai, vì những vấn đề quan trọng trong hoạt động của các cơ quan nhà nước được quyết định bởi tập thể, người lãnh đạo không được quyền tự ý quyết định.

Luyện tập 2 trang 130 KTPL 10: Em đồng tình hay không đồng tình với những hành vi nào sau đây? Vì sao?

a. N luôn tìm hiểu và bày tỏ quan điểm ủng hộ các bài viết có nội dung về hoạt động mang tính thời sự của các cơ quan trong bộ máy nhà nước đối với nhân dân và xã hội.

b. D kiên quyết từ chối in tài liệu có nội dung tiêu cực về bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

c. Là cán bộ một cơ quan nhà nước, ông A phát hiện quyết định của lãnh đạo có nhiều sai phạm nhưng vẫn giữ im lặng.

d. Chính quyền địa phương C đến trường học để lấy ý kiến đóng góp của học sinh về việc xây dựng một dự án cho trẻ em trên địa bàn.

Trả lời:

- Trường hợp a. Đồng tình. Đây là một hành vi nên được mọi người học tập. Việc tìm hiểu, quan tâm các bài viết có nội dung về hoạt động mang tính thời sự của các cơ quan trong bộ máy nhà nước đối với nhân dân và xã hội sẽ giúp chúng ta có thêm nhiều thông tin, hiểu biết về bộ máy Nhà nước cũng như cách hoạt động của nó. Điều này giúp chúng ta thực hiện đúng quyền lợi của bản thân trong xã hội.

- Trường hợp b. Đồng tình. Hành vi này là hành vi thích hợp. Bởi với những nội dung tiêu cực sẽ ảnh hưởng xấu đến lòng tin của người dân. Những tiêu cực này có thể được phản ánh trong những cuộc Trưng cầu ý dân.

- Trường hợp c. Không đồng ý. Hành vi của ông A ảnh hưởng đến nhiều người nên vi phạm nguyên tắc phân công, phối hợp kiểm soát giữa các tổ chức, cơ quan

- Trường hợp d. Đồng tình. Hành động thể hiện tính nhân dân trong bộ máy quyền lực nhà nước.

Luyện tập 3 trang 130 KTPL 10: Em hãy xử lí các tình huống sau:

- Tình huống a. Giờ ra chơi, K tỉnh cờ thấy một số bạn trong lớp đọc những tin tức có nội dung sai lệch về cán bộ lãnh đạo cơ quan nhà nước trên mạng xã hội.

Nếu là K, em sẽ làm gì?

- Tình huống b. Khi tới Uỷ ban nhân dân xã để làm thủ tục xác nhận một số giấy tờ cá nhân, T thấy một bác đã cao tuổi đang muốn được giải đáp một số thủ tục hành chính chưa rõ nhưng các cán bộ tiếp dân đều tỏ ra đang bận việc, không nhiệt tình trả lời.

Nếu là T, em sẽ làm gì?

- Tình huống c. Bác tổ trưởng khu phố nhà H đến từng hộ gia đình phát tài liệu hướng dẫn phòng chảy chữa cháy và yêu cầu mối gia đình cam kết việc ra soát các thiết bị để để phỏng các trường hợp cháy nổ trong gia đình mình nhưng có một số hộ không kí bản cam kết.

Nếu chứng kiến tình huống trên, em sẽ làm gì?

Trả lời:

- Tình huống a. Nếu là K, em sẽ khuyên các bạn không nên đọc những tin tức có nội dung sai lệch về cán bộ lãnh đạo cơ quan nhà nước trên mạng xã hội. Đó là những thông tin sai, không chính xác, làm ảnh hưởng đến sự tin tưởng vào bộ máy cơ quan nhà nước.

- Tình huống b. Nếu là T, em sẽ lên tiếng yêu cầu các cán bộ tiếp dân cần thay đổi thái độ. Vì trong Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có Nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân

- Tình huống c. Em sẽ yêu cầu mọi người kí cam kết. Vì mọi tổ chức, cơ quan, hộ gia đình, cá nhân đều phải tuần thủ Hiến pháp và luật của nhà nước.

Vận dụng

Vận dụng 1 trang 130 KTPL 10: Em hãy viết một bài luận thể hiện vai trò của người dân trong việc góp phần xây dựng bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam vững mạnh.

Trả lời:

(*) Bài tham khảo

Hiện nay, đất nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, yêu cầu, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đặt ra rất cấp bách. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh việc cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Từ tinh thần Nghị quyết Đại hội, có thể rút ra những điểm chính cần vận dụng vào quá trình tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam như sau:

Thứ nhất, cần quán triệt nhận thức tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là phương hướng cơ bản để phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ cương, siết chặt kỷ luật; quyền đi đôi với trách nhiệm, nghĩa vụ; dân chủ được thể chế hóa thành pháp luật, dân chủ trong khuôn khổ pháp luật.

Tăng cường tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra, coi đó là công cụ quan trọng và hữu hiệu để bảo đảm hiệu lực quản lý nhà nước, thiết lập kỷ cương xã hội. Đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra trong nội bộ các cơ quan, tổ chức nhà nước; đề cao trách nhiệm kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới, của các cấp chính quyền đối với mọi cơ quan, tổ chức trên địa bàn, lãnh thổ. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự, khắc phục tình trạng vô kỷ luật, dân chủ cực đoan; làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch với những âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá chế độ ta.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu của nhà nước pháp quyền XHCN trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế sâu rộng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử để các cơ quan này thực sự là cơ quan đại diện của nhân dân và là cơ quan quyền lực nhà nước trong việc xem xét và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương.

Hoàn thiện và phân định rõ mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo luật định. Tăng cường hơn nữa sự gắn kết giữa giám sát của Quốc hội với kiểm tra, giám sát của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và sự giám sát của nhân dân.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách đối với cán bộ, công chức theo hướng khuyến khích cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ; chú trọng tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực, hiệu quả thực thi nhiệm vụ để đánh giá, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút, trọng dụng nhân tài nhằm có đội ngũ cán bộ hội đủ đức và tài phục vụ nhân dân.

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và đời sống nhân dân; xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, quản lý nhà nước có hiệu quả, giảm mạnh, bãi bỏ các thủ tục hành chính gây phiền hà, đáp ứng tốt nhất yêu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Phân định rõ hơn vai trò và hoàn thiện cơ chế giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Quy định rõ trách nhiệm và cơ chế giải trình của các cơ quan nhà nước, đề cao đạo đức công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Thông qua các công cụ quản lý vĩ mô và vai trò của kinh tế nhà nước để quản lý thị trường, điều tiết thu nhập, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội, thúc đẩy sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền và các tầng lớp dân cư. Kiểm soát việc phân bổ, quản lý và sử dụng vốn, tài sản công, khắc phục tình trạng vô chủ, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thứ tư, tăng cường pháp chế XHCN trên cả ba lĩnh vực: xây dựng pháp luật, chấp hành pháp luật và bảo vệ pháp luật. Tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, hiện đại với tính công khai, minh bạch cao, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng. Chỉ đạo chặt chẽ quá trình chuẩn bị và thông qua các dự án luật, bảo đảm quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, tổng kết thực tiễn, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp tiên tiến của nước ngoài; tập hợp trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia, ý kiến đóng góp của nhân dân, nhất là các đối tượng có liên quan đến việc thi hành pháp luật. Đề cao tinh thần “thượng tôn pháp luật” gắn với coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, văn hóa, kết hợp sức mạnh của pháp luật với sức mạnh của đạo đức, văn hóa và dư luận xã hội...

Vận dụng 2 trang 130 KTPL 10: Em hãy viết bài chia sẻ tác dụng tích cực của việc cải cách hành chính ở địa phương em.

Trả lời:

(*) Tham khảo: Những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

- Xác định cải cách hành chính có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội địa phương, thời gian qua, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Chợ Gạo đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình cải cách hành chính một cách đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các ngành, các lĩnh vực từ huyện đến cơ sở.

- Đặc biệt, trong năm 2019, những kết quả nổi bật trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến đã trở thành điểm nhấn quan trọng trong công tác cải cách hành chính của huyện.

Pháp luật 10 Bài 20: Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Kết nối tri thức (ảnh 1)

- Để công tác cải cách hành chính trên địa bàn huyện đạt hiệu quả thiết thực, trong năm qua, UBND huyện Chợ Gạo tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai, tuyên truyền các văn bản về cải cách hành chính cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân am hiểu thực hiện và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp tại huyện được xem là bộ phận rất quan trọng thể hiện rõ nét nhiệm vụ cải cách hành chính; chính vì vậy, trong năm 2019, UBND huyện đã chỉ đạo bộ phận này thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Theo đó, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện và các xã, thị trấn được kiện toàn, bố trí công chức theo quy định để giải quyết kịp thời hồ sơ hành chính cho tổ chức, công dân đúng hạn, niêm yết công khai mức thu và thực hiện phí, lệ phí đầy đủ, đúng quy định tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp; mở sổ, hòm thư góp ý, biển tên chức danh công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đầy đủ.

- Trong thực hiện cơ chế "Một cửa", "Một cửa liên thông", huyện có 367 thủ tục được thực hiện, trong đó số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết tại Bộ phận tiếp nhận huyện thực hiện theo cơ chế "Một cửa", "Một cửa liên thông" là 251 thủ tục. Số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết tại Bộ phận tiếp nhận cấp xã thực hiện theo cơ chế "Một cửa" tại 19 đơn vị là 116 thủ tục.

- Xác định việc triển khai, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu thực tế cho tổ chức, công dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử mọi lúc, mọi nơi, tạo ra một phương thức giao dịch hiện đại, minh bạch giữa cơ quan Nhà nước và các tổ chức, cá nhân, phục vụ hiệu quả công tác cải cách hành chính. Trong năm 2019, tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết là 48.524 hồ sơ, số hồ sơ giải quyết đúng, trước hạn đạt 100%, trong đó cấp huyện tiếp nhận và giải quyết 2.187 hồ sơ, nộp trực tuyến mức độ 3, 4 là 1.729 hồ sơ, giải quyết đúng, trước hạn đạt 100%. Cấp xã tiếp nhận và giải quyết 46.337 hồ sơ, kết quả giải quyết đúng, trước hạn 46.337 hồ sơ, đạt tỷ lệ 100%; trong đó hồ sơ nộp trực tuyến mức độ 3, 4 là 25.422 hồ sơ, đạt 54,86%.

- Đạt được kết quả nổi bật trong công tác cải cách hành chính của huyện Chợ Gạo trong năm vừa qua là nhờ UBND huyện đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành cho các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn, trường học, Trung tâm Y tế huyện, xã, thị trấn; quản lý và sử dụng tốt hộp thư điện tử, đồng thời tiếp tục vận hành và thực hiện tốt trang thông tin điện tử của huyện; công khai thủ tục hành chính đầy đủ, đúng quy định, thông tin cho người dân và doanh nghiệp về việc toàn bộ thủ tục hành chính được công khai trên Website của huyện qua địa chỉ http://www.chogao.tiengiang.gov.vn; tiếp tục ứng dụng chữ ký số có 12 cơ quan chuyên môn và 19 UBND các xã, thị trấn.

- Để kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của người dân, nhất là việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính công để bộ máy chính quyền các cấp huyện Chợ Gạo phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, trong năm 2019, huyện Chợ Gạo đã tổ chức các buổi gặp gỡ nhân dân của lãnh đạo UBND huyện về các nội dung liên quan đến Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công năm 2019 tại tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Bên cạnh, Chủ tịch UBND 18 xã, thị trấn cũng tổ chức gặp gỡ người dân tại 135 ấp, khu phố. Qua các ý kiến đóng góp của người dân, chính quyền địa phương, cán bộ, công chức, viên chức tiếp thu, khắc phục những hạn chế, nâng cao tinh thần, trách nhiệm thực thi công vụ phục vụ nhân dân. Ngoài ra, UBND huyện còn tổ chức 02 cuộc đối thoại doanh nghiệp về thủ tục hành chính, từ đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng.

- Với sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện, tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức về thực hiện chuyên đề cải cách hành chính được nâng cao, thông qua hoạt động cải cách hành chính tại địa phương đã góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng, người dân thật sự hài lòng khi đến liên hệ công việc tại chính quyền địa phương các cấp. Đây cũng là nhiệm vụ đột phá trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh", góp phần xây dựng chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân, đáp ứng niềm tin của nhân dân.

Bài viết liên quan

619
  Tải tài liệu