Một hôm, Lợn bố và Lợn mẹ có việc phải đi ra ngoài. Trước khi đi Lợn mẹ căn dặn Lợn con rất cẩn thận: “Con ở nhà một mình phải ngoan nhé. Thấy có ai lạ muốn vào con cũng không được mở cửa”. Lợn bố và Lợn mẹ vừa đi được một lúc thì bên ngoài có tiếng gõ cửa: “Nhà có ai không, tôi là thợ sửa đồng hồ nước. Đồng hồ nước nhà bác bị hỏng, tôi muốn vào sửa”. Lợn con nghe vậy, từ trong nhà nói vọng ra: “Bố mẹ cháu đi vắng hết rồi, bố mẹ dặn không được mở cửa cho người lạ”. Người khách lạ nghe vậy liền đi luôn.
Một lúc sau, bên ngoài lại có tiếng gõ cửa: “Đồng hồ điện nhà bác bị hỏng, tôi đến sửa”. Lợn con lại đáp: “Bố mẹ cháu đi vắng hết rồi, bố mẹ dặn không được mở cửa cho người lạ”. “Tôi là người vận chuyện đồ. Lợn con, cháu có quà này”, lại có tiếng nói ngoài cửa
Lợn con nghe thấy có quà là vui mừng khôn xiết. Trong đầu nghĩ mẹ chỉ dặn không được mở cửa cho người lạ chứ không dặn là không được mở cửa lấy quà. Nghĩ vậy, Lợn con bèn chạy ra mở cửa. Vừa lúc đó, Sói nhanh tay vồ lấy Lợn con và cười hả hê: “Đúng là con lợn ngốc nghếch. Cuối cùng thì ngươi cũng chịu ra mở cửa. Giờ thì ta sẽ ăn thịt ngươi”. Bố mẹ lúc này vẫn chưa về, hàng xóm cũng không thấy ai qua lại. Lợn con vừa khóc lóc sợ hãi vừa hối hận vì không cảnh giác.
Câu 1: Thể loại của văn bản trên là:
A. Truyện cổ tích B. Truyện đồng thoại
C. Truyện truyền thuyết D. Truyện ngắn
Câu 2: Nhân vật chính trong văn bản trên là nhân vật nào?
A. Lợn con B. Lợn bố
C. Sói D. Lợn mẹ
Câu 3: Văn bản trên sử dụng ngôi kể thứ mấy?
A. Ngôi kể thứ nhất
B. Ngôi kể thứ hai
C. Ngôi kể thứ ba
D. Ngôi kể chưa xác định được
Câu 4: Nhận xét nào nêu lên đặc điểm của nhân vật trong văn bản trên?
A. Nhân vật là loài vật, sự vật được nhân cách hóa như con người.
B. Nhân vật là loài vật, sự vật có liên quan đến lịch sử.
C. Nhân vật là loài vật, sự vật có những đặc điểm kì lạ.
D. Nhân vật là loài vật, sự vật gắn bó thân thiết với con người như bạn.
Câu 5: Em hiểu nghĩa của từ “khôn xiết” trong câu “Lợn con nghe thấy có quà là vui mừng khôn xiết” là gì?
A. Không lường trước được
B. Thận trọng, tránh sơ suất
C. Mức độ cao, khó kể hết
D. Thông minh, nhanh nhẹn
Câu 6: Có bao nhiêu từ láy trong đoạn văn sau?
“Vừa lúc đó, Sói nhanh tay vồ lấy Lợn con và cười hả hê: “Đúng là con lợn ngốc nghếch. Cuối cùng thì ngươi cũng chịu ra mở cửa. Giờ thì ta sẽ ăn thịt ngươi”
A. Một từ B. Hai từ C. Ba từ D. Bốn từ
Câu 7: Tại sao Lợn con mở cửa khi nghe Sói gọi?
A. Vì nghe lời mẹ
B. Vì ham nhận quà
C. Vì sợ Sói
D. Vì mải chơi
Câu 8: Câu nào thể hiện được ý nghĩ của Lợn con?
A. Lợn con nghe thấy có quà là vui mừng khôn xiết.
B. Lợn con lại đáp: “Bố mẹ cháu đi vắng hết rồi, bố mẹ dặn không được mở cửa cho người lạ”.
C. Trong đầu nghĩ mẹ chỉ dặn không được mở cửa cho người lạ chứ không dặn là không được mở cửa lấy quà
D. Lợn con vừa khóc lóc sợ hãi vừa hối hận vì không cảnh giác.
Trả lời câu hỏi / Thực hiện yêu cầu:
Câu 9: Hãy chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng trong câu văn sau “Lợn con vừa khóc lóc sợ hãi vừa hối hận vì không cảnh giác.”.
Câu 10 : Qua câu chuyện trên em rút ra được những bài học đáng quý nào?