Phân tích khổ thơ thứ 3 trong bài thơ Tràng Giang của Huy Cận.
Bộ tài liệu Văn mẫu lớp 11 gồm 500 bài văn mẫu hay nhất, đầy đủ nhất. Dưới đây là bài văn mẫu Cảm nhận về bài: Phân tích khổ thơ thứ 3 trong bài thơ Tràng Giang của Huy Cận. ngữ văn lớp 11 được biên soạn mới nhất giúp các bạn học sinh học tốt môn văn 11 hơn.
Phân tích khổ thơ thứ 3 trong bài thơ Tràng Giang của Huy Cận.
A/ Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
- Giới thiệu về tác giả Huy Cận và bài thơ Tràng giang
- Dẫn dắt vào vấn đề: khổ thơ thứ ba trong bài Tràng giang
2. Thân bài
a. Khái quát chung
- Với nhan đề, nhà thơ đã khéo gợi lên một vẻ đẹp cổ điển lại hiện đại:
+ “Tràng giang” gợi hình ảnh một con sông dài, rộng lớn.
+ Tác giả đã sử dụng từ Hán Việt để gợi không khí cổ kính trang nghiêm. Tác giả còn sử dụng từ biến âm “tràng giang” thay cho “trường giang”, hai âm "ang" đi liền nhau đã gợi lên trong người đọc cảm giác về con sông, không chỉ dài vô cùng mà còn rộng mênh mông, bát ngát.
+ Câu thơ đề từ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” gợi nỗi buồn sâu lắng trong lòng người đọc. Đồng thời cho người đọc thấy rõ hơn cảm xúc chủ đạo của tác giả xuyên suốt tác phẩm. Đó là tâm trạng “bâng khuâng”; nỗi buồn mênh mang, không rõ nguyên cớ nhưng da diết, khôn nguôi. Đó còn là không gian rộng lớn “trời rộng sông dài” khiến hình ảnh con người càng trở nên nhỏ bé, lẻ loi, tội nghiệp.
→ Bài thơ diễn tả tâm trạng, cảm xúc của thi nhân khi đứng trước cảnh sông nước bao la trong một buổi chiều đầy tâm sự.
b. Phân tích khổ thơ thứ 3 trong bài Tràng giang
- “Bèo dạt về đâu hàng nối hàng”: phải chăng hình ảnh thơ ngoài ý nghĩa tả thực còn có ý nghĩa ẩn dụ tượng trưng: Nhà thơ đang sống trong cảnh mất nước, nô lệ, nên đã cảm nhận được cả thế hệ thanh niên lúc đó cũng như mình đang vật vờ, lênh đênh, trôi dạt, bị cuộc đời cuốn đi mà không biết trôi về đâu?
- Câu 2, 3: Cảnh mênh mông, buồn bã, trống vắng quạnh hiu của “Tràng giang” càng được nhân lên bắng mấy lần phủ định: “Không đò… không cầu...”. Chiếc cầu, con đò bắc nối đôi bờ là biểu hiện của sự giao nối của con người và cuộc sống, thường gợi về cuộc sống tấp nập, gần gũi và gợi nhớ quê hương. Nhưng ở đây, tất cả bị phủ định: không một cái gì đó gợi về tình người, lòng người muốn gặp gỡ lại qua nơi đôi bờ hoang vắng. Hai bờ sông cứ thế chạy dài vô tận như hai thế giới cô đơn, không chút “niềm thân mật” của những tâm hồn đồng điệu.
- Câu 4: Cảnh “tràng giang” chỉ còn “lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”. Câu thơ đã vẽ lên được một bức tranh thật đẹp, tĩnh lặng nhưng rất buồn.
c. Tiểu kết
- Bốn câu thơ, bốn hình ảnh, tất cả đều gợi buồn. Chúng “cộng hưởng” với nhau tạo thành bức tranh gợi về số phận nổi trôi, bơ vơ, bất hạnh, cô đơn của kiếp người trong xã hội cũ.
- Nghệ thuật sử dụng thủ pháp quen thuộc của thơ cổ điển: lấy “không” để nói “có”.
3. Kết bài
- Nêu nhận xét, cảm nhận khái quát về khổ thơ thứ ba
- Mở rộng vấn đề bằng suy nghĩ và liên tưởng của mỗi cá nhân
B/ Sơ đồ tư duy
C/ Bài văn mẫu
Kho tàng văn học Việt Nam đã ghi danh của bao nhà thơ, nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm tiêu biểu. Một trong số đó không thể không nhắc đến nhà thơ Huy Cận với bài thơ Tràng Giang. Khổ thơ thứ ba trong bài đã khắc họa bức tranh thiên nhiên đượm buồn và làm nổi bật tâm trạng của người nghệ sĩ.
Tràng Giang là một bài thơ nổi tiếng vì không chỉ có nội dung hay, đặc sắc mà còn có nhan đề độc đáo. “Tràng giang” đã khéo gợi lên một vẻ đẹp cổ điển lại hiện đại của một con sông dài, rộng lớn. Vốn dĩ, từ “Trường giang” dùng để chỉ con sông rộng lớn nhưng dưới ngòi bút tài tình của tác giả, ông đã biến tấu thành “Tràng giang” hai âm "ang" đi liền nhau đã gợi lên trong người đọc cảm giác về con sông, không chỉ dài vô cùng mà còn rộng mênh mông, bát ngát.
Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Đoạn thơ không chỉ lột tả vẻ đẹp buồn man mác, bâng khuâng của dòng sông mà còn khéo léo gửi gắm tâm tư, nỗi lòng của người nghệ sĩ trước cảnh đẹp bình dị đó.
“Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng”
Hình ảnh những đám bèo nối tiếp nhau lững thững trôi dạt trên dòng sông, “hàng nối hàng” gợi cảm giác trải dài miên man vô tận. Phải chăng hình ảnh thơ ngoài ý nghĩa tả thực còn có ý nghĩa ẩn dụ tượng trưng: Nhà thơ đang sống trong cảnh mất nước, nô lệ, nên đã cảm nhận được cả thế hệ thanh niên lúc đó cũng như mình đang vật vờ, lênh đênh, trôi dạt, bị cuộc đời cuốn đi mà không biết trôi về đâu?
Không chỉ đám bèo lênh đênh trên mặt nước mà khung cảnh thiên nhiên nơi đây vẫn đầy hoang sơ:
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Cảnh mênh mông, buồn bã, trống vắng quạnh hiu của “Tràng giang” càng được nhân lên bắng mấy lần phủ định: “Không đò… không cầu...”. Chiếc cầu, con đò bắc nối đôi bờ là biểu hiện của sự giao nối của con người và cuộc sống, thường gợi về cuộc sống tấp nập, gần gũi và gợi nhớ quê hương. Nhưng ở đây, tất cả bị phủ định: không một cái gì đó gợi về tình người, lòng người muốn gặp gỡ lại qua nơi đôi bờ hoang vắng. Hai bờ sông cứ thế chạy dài vô tận như hai thế giới cô đơn, không chút “niềm thân mật” của những tâm hồn đồng điệu.
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Khung cảnh buồn càng thêm buồn khi “tràng giang” chỉ còn “lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”. Câu thơ đã vẽ lên được một bức tranh thật đẹp, tĩnh lặng nhưng đượm buồn. Đoạn thơ chỉ có khung cảnh thiên nhiên đượm buồn, lặng lẽ mà không có một âm thanh dù chỉ là xơ xác. Bức tranh hoàn toàn tĩnh lặng, đằng sau vẻ tĩnh lặng ấy là nỗi lòng, tâm sự trong lòng người thi sĩ. Trước không gian buồn man mác là một lòng người đau đáu trước cảnh đất nước đang bị xâm lược chìm trong đau khổ, tương lai của con người không biết sẽ đi đâu về đâu.
Đoạn thơ đã vẽ ra trước mắt bạn đọc bức tranh khung cảnh thiên nhiên đượm buồn trước con sông rộng lớn và tâm trạng buồn bã của người thi sĩ trước khung cảnh đó. Nhiều năm tháng qua đi nhưng tác phẩm vẫn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp ban đầu của nó và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc.
Bài viết liên quan
- Phân tích khổ thứ nhất trong bài thơ Tràng Giang của Huy Cận.
- "Phân tích khổ thơ thứ hai trong bài "Tràng giang": "Lơ thơ cồn...
- "Phân tích bốn câu kết trong bài thơ "Trang giang" của Huy Cận: "Lớp lớp
- TOP 30 bài Phân tích bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử 2022 SIÊU HAY
- Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử.