Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt có đáp án (Đề 8)

Tổng hợp Top 10 Đề thi tuyển sinh vào lớp 6 môn Tiếng Việt chọn lọc, có đáp án, cực sát đề chính thức bám sát cấu trúc ra đề thi vào lớp 6 của các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, .... giúp bạn ôn luyện tốt và đạt điểm cao trong bài thi môn Tiếng Việt vào lớp 6.

1427
  Tải tài liệu

Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt có đáp án (Đề 8) 

 

Đề tuyển sinh vào lớp 6

    Môn: Tiếng Việt

    Thời gian làm bài: 45 phút

Câu 1. (4,0 điểm)

Tìm và nêu tác dụng của (các) biện pháp tu từ có trong các ví dụ sau:

a.

Mạ non bầm cấy mấy đon

Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.

	Mưa phùn ướt áo tứ thân

Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!

				( Bầm ơi, Tố Hữu )

b.

Bầy ong giữ hộ cho người

			Những mùa hoa đã tàn phai tháng ngày.

				        (Hành trình của bầy ong, Nguyễn Đức Mậu)

Câu 2.

Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu:

...Đêm xuống, lúc chia tay, Ma-ri-ô định chúc bạn ngủ ngon thì một ngọn sóng lớn ập tới, xô cậu ngã dúi. Giu-li-ét-ta hoảng hốt chạy lại. Cô quỳ xuống bên Ma-ri-ô, lau máu trên trán bạn, rồi dịu dàng gỡ chiếc khăn đỏ trên mái tóc băng cho bạn.

Cơn bão dữ dội bất ngờ nổi lên. Những đợt sóng khủng khiếp phá thủng thân tàu, nước phun vào khoang như vòi rồng. Hai tiếng đồng hồ trôi qua...Con tàu chìm dần, nước ngập các bao lơn. Quang cảnh thật hỗn loạn.

Ma-ri-ô và Giu-li-ét-ta, hai tay ôm chặt cột buồm, khiếp sợ nhìn mặt biển. Mặt biển đã yên hơn. Nhưng con tàu vẫn tiếp tục chìm.

Chiếc xuồng cuối cùng được thả xuống. Ai đó kêu lên: “Còn chỗ cho một đứa bé.” Hai đứa trẻ sực tỉnh, lao ra.

- Đứa nhỏ thôi! Nặng lắm rồi. – Một người nói.

Nghe thế, Giu-li-ét-ta sững sờ, buông thõng hai tay, đôi mắt thẫn thờ tuyệt vọng.

Một ý nghĩ vụt đến, Ma-ri-ô hét to: “Giu-li-ét-ta, xuống đi! Bạn còn bố mẹ...”

Nói rồi, cậu ôm ngang lưng Giu-li-ét-ta thả xuống nước. Người ta nắm tay cô lôi lên xuồng.

Chiếc xuồng bơi ra xa. Giu-li-ét-ta bàng hoàng nhìn Ma-ri-ô đang đứng bên mạn tàu, đầu ngửng cao, tóc bay trước gió. Cô bật khóc nức nở, giơ tay về phía cậu: “Vĩnh biệt Ma-ri-ô!”

(Trích Một vụ đắm tàu, theo A-mi-xi, Tiếng Việt 5, tập hai, NXB Giáo dục,2007,tr )

a. Giải nghĩa từ “tuyệt vọng”. Trong các từ sau, từ nào có yếu tố “tuyệt” đồng nghĩa với yếu tố “tuyệt” trong từ “tuyệt vọng”: tuyệt trần, tuyệt chủng, tuyệt diệu ?

b. Sắp xếp các từ sau theo hai nhóm và gọi tên các nhóm đó: ngọn sóng, chiếc xuồng, cột buồm, mặt biển.

c. Xác định thành phần chính của các câu sau:

- Những đợt sóng khủng khiếp phá thủng thân tàu, nước phun vào khoang như vòi rồng.

- Giu-li-ét-ta bàng hoàng nhìn Ma-ri-ô đang đứng bên mạn tàu, đầu ngửng cao, tóc bay trước gió.

d. Viết đoạn văn (hoặc bài văn ngắn) bày tỏ cảm nhận của em về đoạn trích trên.

Câu 3.

Đèn khoe đèn tỏ hơn trăng

	  Đèn ra trước gió còn chăng, hỡi đèn?

Trăng khoe trăng tỏ hơn đèn

	  Cớ sao trăng phải chịu luồn đám mây?

(Ca dao, Tiếng Việt 5, tập một, NXB Giáo dục,2006, tr94)

Từ bài ca dao trên, hãy tưởng tượng và kể lại cuộc tranh luận giữa Đèn và Trăng.

Hỏi đáp VietJack

Đáp án & Thang điểm

Câu 1.

a. So sánh: thể hiện tình cảm mẹ con thắm thiết, sâu nặng trong những năm tháng kháng chiến. (2,0 điểm)

b. Nhân hóa: ca ngợi công việc tìm hoa làm mật của bầy ong – một hành trình gian lao nhưng cần cù, sáng tạo, đem lại hương thơm, vị ngọt cho đời. (2,0 điểm)

Câu 2.

a. (1,0 điểm) Mỗi vế đúng cho 0,5 điểm

- “Tuyệt vọng”: mất hết hi vọng

- Đó là từ: “tuyệt chủng”

b. (1,5 điểm) Sắp xếp đúng cho 1,0 điểm, gọi tên đúng cho 0,5 điểm

- Nhóm các từ có yếu tố mang nghĩa chuyển: ngọn sóng, mặt biển

- Nhóm các từ không có yếu tố mang nghĩa chuyển: chiếc xuồng, cột buồm

c. (2,0 điểm) Mỗi câu đúng cho 1,0 điểm

- Những đợt sóng khủng khiếp (CN1) // phá thủng thân tàu (VN1), nước (CN2) // phun vào khoang như vòi rồng (VN2).

- Giu-li-ét-ta (CN) // bàng hoàng nhìn Ma-ri-ô đang đứng bên mạn tàu, đầu ngửng cao, tóc bay trước gió (VN).

d. (3,5 điểm)

Thí sinh có thể trình bày bài viết bằng một đoạn văn hoặc bài văn ngắn, tuy nhiên cần đặt đoạn trích trong tính chỉnh thể của toàn câu chuyện để bày tỏ những cảm nhận của mình. Sau đây là một số gợi ý mang tính định hướng:

- Đoạn trích ca ngợi tình bạn cao đẹp của Giu-li-ét-ta và Ma-ri-ô trong một tình huống đầy gian nguy, thử thách.

- Trong hoàn cảnh ấy, cả hai bạn đều bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp:

+ Giu-li-ét-ta: dịu dàng, nhân hậu, giàu tình cảm, chăm sóc bạn tận tình, chu đáo

+ Ma-ri-ô: mạnh mẽ, hi sinh cao thượng, nhường sự sống cho bạn

- Bài học cho con người về tình bạn, đức hi sinh...

- Cách kể chuyện hấp dẫn, lôi cuốn, cảm động...

Câu 3.

a. Yêu cầu về kĩ năng:

- Xác định đúng kiểu bài: văn kể chuyện, tuy nhiên cần kết hợp với yếu tố miêu tả, biểu cảm và các biện pháp tu từ.

- Bố cục rõ ràng, cách kể sinh động, văn giàu hình ảnh, cảm xúc, diễn đạt trong sáng, chữ viết đẹp, ít mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

b. Yêu cầu về kiến thức:

Thí sinh có thể sáng tạo theo nhiều cách khác nhau nhưng cần bám vào bài ca dao, biết tổ chức, sắp xếp theo một trật tự hợp lí để làm nổi bật nội dung cơ bản của câu chuyện. Sau đây là một số gợi ý mang tính định hướng:

- Nhân vật chính trong câu chuyện là Đèn và Trăng, ngoài ra có thể xây dựng thêm các nhân vật phụ khác.

- Nội dung, diễn biến câu chuyện là cuộc tranh luận của Đèn và Trăng:

+ Mỗi nhân vật đều tự hào về ánh sáng, vẻ đẹp, sự cần thiết… của mình. (Ánh sáng của trăng là ánh sáng của thiên nhiên thơ mộng, vĩnh hằng. Ánh sáng của đèn là thứ ánh sáng gần gũi được thắp lên bằng chính đôi bàn tay lao động của con người…)

+ Lời nói, cử chỉ, thái độ… của Đèn và Trăng trong cuộc tranh luận.

- Ý nghĩa câu chuyện:

+ Đèn và Trăng đều mang thứ ánh sáng cần thiết đối với cuộc sống của con người, cần biết yêu quý, nâng niu, trân trọng…

+ Mỗi người, mỗi vật đều có những mặt mạnh và hạn chế riêng của mình, vì vậy không nên kiêu ngạo, khinh thường người khác…

+ Câu chuyện muốn nhắn nhủ tới chúng ta bài học về lòng khiêm tốn, sống có tình nghĩa…

c. Cách cho điểm:

* Điểm 7 - 8: Đáp ứng phần lớn các yêu cầu của đề; văn viết có hình ảnh, biểu cảm; còn mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt.

* Điểm 5 - 6: Đáp ứng được cơ bản yêu cầu của đề; còn mắc lỗi về diễn đạt.

* Điểm 3 - 4: Đáp ứng khoảng một nửa yêu cầu của đề; mắc nhiều lỗi về diễn đạt.

* Điểm 1 - 2: Chưa đúng kiểu bài; mắc nhiều lỗi diễn đat.

Bài viết liên quan

1427
  Tải tài liệu