Giải Sinh học 10 (Chân trời sáng tạo) Ôn tập Chương 1
Hoidap.vietjack.com trân trọng giới thiệu: lời giải bài tập Sinh học lớp 10 Ôn tập Chương 1 sách Chân trời sáng tạo hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Sinh học 10 Ôn tập Chương 1. Mời các bạn đón xem:
Giải bài tập Sinh học lớp 10 Ôn tập Chương 1
Bài 1 trang 37 Sinh học 10: Vào mùa lạnh, thời tiết hanh, khô người ta thường bôi kem chống nẻ vào môi, gót chân để tránh bị nứt nẻ. Hãy giải thích cơ sở cho hiện tượng trên.
Trả lời:
- Vào mùa lạnh, thời tiết hanh, khô, độ ẩm không khí thấp khiến cho cơ thể chúng ta dễ bị thoát hơi nước qua các tế bào da dẫn đến tình trạng bị nứt nẻ, đặc biệt là ở môi, gót chân.
- Việc bôi kem chống nẻ có thể hạn chế được tình trạng trên vì kem chống nẻ có bản chất là lipid, không tan trong nước nên có thể ngăn nước thoát ra từ các tế bào da. Nhờ đó, tình trạng da khô, nứt nẻ được cải thiện.
Bài 2 trang 37 Sinh học 10: Một bạn học sinh phát biểu rằng: “Nếu không có nước sẽ không có sự sống”. Em có đồng tình với ý kiến của bạn đó không? Tại sao?
Trả lời:
- Đồng ý với ý kiến của bạn rằng “Nếu không có nước sẽ không có sự sống”.
- Sở dĩ có thể khẳng định nếu không có nước thì sẽ không có sự sống vì nước có vai trò vô cùng quan trọng và không thể thay thế đối với sự sống:
+ Là thành phần chính cấu tạo nên tế bào.
+ Vừa là nguyên liệu vừa là môi trường cho nhiều phản ứng sinh hóa xảy ra trong tế bào để duy trì sự sống.
+ Là dung môi hòa tan nhiều chất cần thiết.
+ Đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự cân bằng và ổn định nhiệt độ của tế bào và cơ thể.
+ Là môi trường sống của nhiều loài sinh vật.
Bài 3 trang 37 Sinh học 10: Một nông dân nói rằng: “Khi nuôi lợn, nếu cho chúng ăn bã đậu hoặc khô dầu đậu tương thì tỉ lệ nạc sẽ cao hơn so với các loại thức ăn thông thường”. Hãy giải thích hiện tượng trên.
Trả lời:
- Bã đậu nành là phụ phẩm còn lại sau quá trình chế biến sữa đậu nành, đậu phụ hay váng đậu,…
- Khô dầu đậu tương là sản phẩm thu được khi đã loại bớt dầu của hạt đậu tương.
→ Như vậy, bã đậu nành và khô dầu đậu tương là những sản phẩm giàu protein nhưng có hàm lượng chất béo thấp. Vì vậy, khi lợn ăn vào chỉ hấp thu các protein và các chất khác chứ không có các chất béo dẫn đến tỉ lệ nạc của gia súc cao hơn so với ăn các loại thức ăn thông thường.
Bài 4 trang 37 Sinh học 10: Đối với các bệnh nhân bị tiêu chảy nặng, bác sĩ thường chỉ định truyền dịch cho họ. Dịch được truyền cho các bệnh nhân này có thành phần chủ yếu là gì? Việc truyền dịch có vai trò gì?
Trả lời:
- Thành phần chủ yếu của dịch được truyền cho bệnh nhân bị tiêu chảy nặng: Có thành phần chủ yếu là nước và các chất điện giải (chất khoáng).
- Vai trò có việc truyền dịch gồm nước và các chất điện giải cho bệnh nhân bị tiêu chảy nặng: Khi bị tiêu chảy nặng, cơ thể bệnh nhân bị mất rất nhiều nước và các chất điện giải dẫn đến môi trường trong cơ thể bị mất cân bằng, cơ thể mệt mỏi. Việc truyền dịch giúp bù đắp lượng nước, các chất điện giải đã mất giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục trạng thái bình thường.
Bài 5 trang 37 Sinh học 10: Hãy sưu tầm tranh ảnh về một số loại tế bào ở người (tế bào biểu mô ruột non, tế bào hồng cầu, tế bào cơ,…). Nhận xét và giải thích về sự khác nhau giữa các tế bào đó.
Trả lời:
- Tranh ảnh về một số loại tế bào ở người:
- Nhận xét về các tế bào trong cơ thể người: Trong cơ thể người, có rất nhiều loại tế bào khác nhau; các tế bào có thể khác nhau về kích thước, hình dạng, cấu tạo.
- Giải thích về sự khác nhau giữa các tế bào: Do mỗi tế bào trong cơ thể đảm nhiệm những chức năng khác nhau nên tế bào sẽ có kích thước, hình dạng, cấu tạo phù hợp với chức năng đó. Ví dụ: Tế bào hồng cầu có hình đĩa lõm, mất nhân nhằm giúp tăng diện tích vận chuyển khí oxygen và carbonic, đáp ứng nhu cầu trao đổi khí của cơ thể.
Bài viết liên quan
- Giải Sinh học 10 (Chân trời sáng tạo) Bài 4: Khái quát về tế bào
- Giải Sinh học 10 (Chân trời sáng tạo) Bài 5: Các nguyên tố hóa học và nước
- Giải Sinh học 10 (Chân trời sáng tạo) Bài 6: Các phân tử sinh học trong tế bào
- Giải Sinh học 10 (Chân trời sáng tạo) Bài 7: Thực hành: Xác định một số thành phần hóa học của tế bào