Quảng cáo
1 câu trả lời 256
Phong trào Đồng khởi miền Nam 1960 - Bước ngoặt chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Geneve, lập lại hòa bình ở Đông Dương, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, mở ra một thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam.
Tuy nhiên, do mưu đồ của các thế lực phản động quốc tế cũng như tương quan lực lượng và tình hình chính trị phức tạp của thế giới lúc đó, nên nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị-xã hội khác nhau. Ở miền Nam, lợi dụng thất bại và những khó khăn của Pháp, đế quốc Mỹ đã nhanh chóng dựng lên chính quyền tay sai, ngang nhiên phá bỏ Hiệp định Geneve hòng chia cắt lâu dài nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, tạo phòng tuyến ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội (CNXH) và phong trào cách mạng tràn xuống Đông Nam Á.
Tình thế cách mạng miền Nam đặt ra cho Đảng ta một yêu cầu bức thiết là phải vạch ra đường lối lãnh đạo đúng, phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế thời đại để đưa cách mạng cả nước tiến lên. Trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng tình hình quốc tế và trong nước, kết hợp với kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân miền Nam tiến hành phong trào Đồng khởi giành thắng lợi, tạo ra bước ngoặt chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
1. Phong trào Đồng khởi miền Nam-hiện thực hóa bước chuyển chiến lược được xác định trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Đảng
Sau khi thiết lập được chính quyền tay sai ở miền Nam Việt Nam, Mỹ-Diệm thi hành chính sách “tố Cộng, diệt Cộng”, Luật 10/59, lập “khu trù mật”, “khu dinh điền”, dồn dân vào các trại tập trung để đàn áp phong trào yêu nước, xóa bỏ các cơ sở cách mạng của nhân dân ta. Cách mạng miền Nam bị đẩy vào tình thế khó khăn chưa từng thấy. Hành động tàn bạo của kẻ thù đã thổi bùng ngọn lửa căm thù khắp hai miền Nam-Bắc. Các cuộc đấu tranh chống “tố Cộng, diệt Cộng”, đòi dân sinh, dân chủ, thống nhất Tổ quốc ở miền Nam diễn ra liên tục với số lượt người tham gia ngày càng tăng, làm lung lay chế độ độc tài, tay sai Ngô Đình Diệm. Tuy nhiên, do những khó khăn của miền Bắc sau giải phóng, cùng với xu thế “tâm lý hòa bình chủ nghĩa”, không muốn đối đầu với Mỹ của các nước lớn trong hệ thống xã hội chủ nghĩa nên việc hoạch định đường lối cách mạng miền Nam gặp nhiều khó khăn.
Phó tư lệnh các Lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Định thăm một đơn vị nữ du kích năm 1961. Ảnh: baotanglichsu.vn
Sau một thời gian nghiên cứu tình hình và kế thừa các quan điểm về đường lối cách mạng miền Nam trong các kỳ hội nghị trước đó, tháng 1-1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II đã vạch ra đường lối, phương pháp cách mạng miền Nam. Nghị quyết xác định: Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là “giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”(1). Về phương pháp cách mạng, nghị quyết chỉ rõ: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”(2). Hội nghị lần thứ 15 của Đảng cũng nhận định khả năng phát triển của tình hình: “Đế quốc Mỹ là đế quốc hiếu chiến nhất, cho nên trong những điều kiện nào đó, cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ… và thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”(3).
Những quan điểm của Nghị quyết 15 tạo ra bước ngoặt chiến lược về đường lối, phương pháp cách mạng miền Nam. Được ánh sáng Nghị quyết 15 soi đường, phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam vốn đã âm ỉ, dồn nén, nay bùng nổ dữ dội và ngày càng lan rộng, dâng cao bằng nhiều hình thức, diễn ra mạnh mẽ theo phương châm “hai chân, ba mũi”, với sự phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang (LLVT), giữa chính trị, quân sự và binh vận, đập tan từng mảng lớn bộ máy chính quyền tay sai ở cơ sở, giành quyền làm chủ hàng nghìn xã, thôn, giải phóng khoảng 5,6 triệu dân khỏi ách áp bức, kìm kẹp của địch.
Phong trào Đồng khởi chính là biểu hiện cụ thể, sinh động của sự vận dụng sáng tạo nghị quyết vào thực tiễn đấu tranh của các cấp ủy Đảng và nhân dân miền Nam. Thắng lợi của phong trào làm xoay chuyển tình thế, đưa cách mạng thoát khỏi thế hiểm nghèo, mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên, tạo tiền đề quan trọng cho quân và dân ta đánh bại các chiến lược quân sự của Mỹ trong những năm tiếp theo của cuộc kháng chiến.
Thắng lợi của phong trào Đồng khởi chứng minh sự chuyển hướng về đường lối, phương pháp cách mạng được xác định trong Nghị quyết 15 của Đảng là hoàn toàn đúng, để lại bài học quý trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) hiện nay. Đó là, phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quan điểm, phương châm chỉ đạo của Đảng về BVTQ, công tác quân sự, quốc phòng, làm định hướng thực hiện “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội và môi trường hòa bình để xây dựng, bảo vệ đất nước”(4). Các địa phương và đơn vị trong toàn quân cần tập trung quán triệt và thực hiện thắng lợi Chiến lược BVTQ trong tình hình mới; Chiến lược Quốc phòng Việt Nam; Chiến lược Quân sự Việt Nam… Trong quá trình thực hiện, cần thống nhất nhận thức về một số quan điểm chỉ đạo cơ bản, xuyên suốt của Đảng là: Giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp BVTQ; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với CNXH; kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và BVTQ; xây dựng sức mạnh tổng hợp của đất nước về chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; quán triệt đường lối độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; vận dụng đúng đắn quan điểm về đối tác, đối tượng... làm định hướng xây dựng quân đội, từng đơn vị vững mạnh toàn diện, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống.
2. Phong trào Đồng khởi thể hiện nghệ thuật mở đầu chiến tranh giải phóng của Đảng, chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công
Trong điều kiện cách mạng miền Nam gặp nhiều khó khăn, lực lượng bị tổn thất do chính quyền tay sai Sài Gòn khủng bố, đàn áp khắp nơi; các nước xã hội chủ nghĩa (nhất là Liên Xô, Trung Quốc) chưa đồng thuận ủng hộ nước ta tiến lên khởi nghĩa, thì việc chỉ đạo cách mạng miền Nam mở đầu chiến tranh bằng phong trào Đồng khởi giành chính quyền về tay nhân dân là một quyết định hết sức sáng suốt của Đảng ta. Quyết định đó bảo đảm phù hợp với đường lối cách mạng Việt Nam được xác định trong Nghị quyết 15, đáp ứng được nguyện vọng cháy bỏng giành độc lập, thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam nói chung, nguyện vọng của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ miền Nam nói riêng. Đồng thời, bảo đảm cho Đảng ta giữ vững tự chủ, tránh được sự áp đặt từ bên ngoài, nhất là đối với chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng miền Nam, ngăn chặn không để kẻ thù tạo cớ leo thang chiến tranh, bảo vệ được thành quả cách mạng ở miền Bắc và tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Trong lãnh đạo nhân dân nổi dậy, Đảng ta đã có chủ trương, đường lối đúng, sách lược mềm dẻo, tích cực chuẩn bị xây dựng cơ sở và lực lượng ở các địa bàn xa miền Bắc, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị của quần chúng có sự hỗ trợ đắc lực của các LLVT địa phương với hình thức đấu tranh vừa bí mật vừa hợp pháp công khai, bảo đảm cho phong trào Đồng khởi giành thắng lợi. Trên cơ sở đó, tạo đà phát huy sức mạnh tổng hợp, từng bước đánh bại địch, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
Quán triệt chủ trương, phương pháp khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng được xác định trong Nghị quyết 15, nhân dân miền Nam tiến hành Đồng khởi giành thắng lợi, đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công. Với sự sáng tạo, chủ động của các cấp ủy đảng địa phương, phong trào Đồng khởi ở miền Nam thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, phá tan một mảng lớn chính quyền tay sai ở cấp cơ sở, thiết lập và củng cố chính quyền cách mạng của nhân dân. Thắng lợi đó tạo tiền đề quan trọng cho phong trào cách mạng miền Nam phát triển lên tầm cao mới, từ khởi nghĩa từng phần thành chiến tranh cách mạng, chiến tranh giải phóng. Kẻ địch từ thế chủ động chuyển thành bị động về chiến lược, lúng túng đối phó với phong trào cách mạng. Đây là mốc quan trọng của cách mạng miền Nam, tạo ra điều kiện và cơ sở vững chắc để quân và dân ta tiến lên đánh thắng chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của cách mạng miền Nam-thời kỳ tiến công liên tục, mạnh mẽ vào các chiến lược, chiến thuật của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn-nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, phát triển lực lượng của ta, đưa cách mạng miền Nam từng bước tiến lên. Đánh giá bước chuyển mình của cách mạng miền Nam sau phong trào Đồng khởi, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) khẳng định: “Những cuộc “Đồng khởi” nổ ra trong thời gian này đánh dấu một bước nhảy vọt quan trọng, chuyển cách mạng miền Nam sang thế tiến công, phát triển cao trào cách mạng ra khắp miền, với sự kết hợp cả hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự”(5).
Trong điều kiện hiện nay, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch vẫn đang ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, kích động chia rẽ dân tộc, tôn giáo, cổ vũ, hậu thuẫn ly khai, tự trị, khi có điều kiện, chúng có thể can thiệp trực tiếp bằng quân sự để lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Bài học về nghệ thuật mở đầu chiến tranh cách mạng, chuyển cách mạng sang thế tiến công rút ra từ phong trào Đồng khởi vẫn còn nguyên giá trị. Nếu phải tiến hành chiến tranh chính nghĩa BVTQ, quân đội cần nghiên cứu nắm chắc tình hình, tham mưu cho Đảng, Nhà nước về chủ trương, đường lối, sách lược lãnh đạo, chỉ đạo mở đầu chiến tranh ở thế có lợi nhất; kết hợp chặt chẽ các phương pháp, lực lượng đấu tranh, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đồng thời, quán triệt sâu sắc tư tưởng tiến công không ngừng, giành quyền chủ động ở các cấp chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, kết hợp vận dụng linh hoạt, hiệu quả các yếu tố “thế, lực, thời, mưu”, thực hiện lấy “nhỏ thắng lớn, ít địch nhiều”, đánh bại từng bộ phận địch, giành thắng lợi từng bước tiến tới đánh bại hoàn toàn quân địch, giành thắng lợi quyết định.
3. Phong trào Đồng khởi miền Nam làm thất bại một hình thức thống trị điển hình của chủ nghĩa thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ, đẩy chính quyền Sài Gòn vào cuộc khủng hoảng sâu sắc, toàn diện
Dưới sự lãnh đạo của các đảng bộ địa phương, nhân dân miền Nam có sự hỗ trợ của LLVT đồng loạt nổi dậy đấu tranh diệt ác, phá kìm, phá khu trù mật, giành quyền làm chủ nhiều xã, ấp, chống địch càn quét, dồn dân... Bằng những hình thức và quy mô lực lượng đấu tranh phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, phong trào Đồng khởi năm 1960 mở đầu bằng cuộc đấu tranh chính trị quy mô lớn ở Bến Tre, sau đó là cuộc tiến công quân sự tiêu diệt căn cứ Tua Hai của địch trên địa bàn Tây Ninh, nhanh chóng lan rộng ra khắp các tỉnh Nam Bộ. Bộ máy chính quyền của địch ở xã, ấp-cơ sở của chế độ thống trị thực dân mới, nơi yếu nhất trong hệ thống chính quyền địch-bị tan rã hoặc mất hiệu lực. Chính quyền tự quản của nhân dân ra đời, tự giải quyết những công việc ở nông thôn, nhưng vẫn sử dụng thế hợp pháp để đấu tranh với địch, bảo vệ quyền làm chủ, hỗ trợ cho đấu tranh vũ trang. Đến cuối năm 1960, chính quyền tự quản của nhân dân được thành lập ở gần 1.400 xã, chiếm tỷ lệ hơn 50% số xã do chính quyền tay sai Sài Gòn dựng lên ở cơ sở. Vùng giải phóng hình thành và ngày càng mở rộng, nối liền từ Tây Nguyên đến miền Tây Nam Bộ và đồng bằng Liên khu 5. Chính sách “cải cách điền địa” của chính quyền tay sai bị thất bại, 2/3 số ruộng đất (khoảng 170.000ha) bị Mỹ và chính quyền Sài Gòn cướp, nay trở về tay nhân dân. Thắng lợi vĩ đại của phong trào Đồng khởi phá vỡ từng mảng lớn ở vùng nông thôn, “giáng một đòn bất ngờ vào chiến lược Aixenhao, làm thất bại một hình thức thống trị điển hình của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ”(6) đã hao tiền, tốn của để dựng lên ở miền Nam Việt Nam.
Cuộc nổi dậy tại chỗ, mạnh mẽ, đồng loạt của nhân dân ta ở miền Nam đã làm cho đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn hết sức bất ngờ (chúng đề phòng một cuộc tiến công quân sự từ miền Bắc). Chính quyền Sài Gòn bị đẩy vào cuộc khủng hoảng sâu sắc, toàn diện với những mâu thuẫn nội bộ ngày càng gay gắt. Chỉ trong một thời gian ngắn, 60 tỉnh trưởng, tỉnh phó, 100 quận trưởng bị thay thế hoặc chuyển vùng. Những cuộc đảo chính, phản đảo chính thanh trừng lẫn nhau diễn ra liên tục làm cho chính quyền trung ương Sài Gòn luôn trong trạng thái mất ổn định. Sau Đồng khởi, thế chiến lược của Mỹ, chính quyền Sài Gòn ở miền Nam bị đảo lộn, từ chỗ tập trung lực lượng chủ động mở các cuộc càn quét, đánh phá quyết liệt, thậm chí có lúc hô hào “Lấp sông Bến Hải”, “Bắc tiến”, nay bị đẩy vào thế lúng túng, bị động đối phó, phải dồn lực lượng về chống đỡ, bảo vệ chính quyền cơ sở ở khắp mọi nơi.
Thất bại của đế quốc Mỹ và chế độ độc tài Ngô Đình Diệm trong thiết lập bộ máy cai trị điển hình của chủ nghĩa thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam, cùng với những mâu thuẫn nghiêm trọng trong giới chóp bu của chính quyền tay sai Sài Gòn làm bộc lộ mặt yếu cơ bản của Mỹ-Diệm về chính trị, tinh thần, báo hiệu sự sụp đổ tất yếu của chế độ chính trị Sài Gòn, là nguyên nhân trực tiếp buộc địch phải chuyển chiến lược sang “chiến tranh đặc biệt” trong thế bị động. Những thất bại của địch trong và sau phong trào Đồng khởi làm thay đổi chiến lược về tương quan, so sánh lực lượng giữa ta-địch theo hướng có lợi cho ta, đồng thời cung cấp thêm luận chứng thực tiễn khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, là điều kiện, cơ sở quan trọng để Đảng ta tiếp tục lãnh đạo thực hiện phương châm kết hợp chính trị, quân sự với binh vận trong đấu tranh, đưa cách mạng miền Nam đến toàn thắng.
Thắng lợi của phong trào Đồng khởi đã chứng minh khả năng đánh giá tình hình nhạy bén, sáng suốt của Đảng, từ đó phát huy được sức mạnh của cuộc chiến tranh cách mạng chính nghĩa, sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân đánh đúng chỗ yếu nhất của địch (về chính trị, tinh thần; hệ thống chính quyền của địch ở vùng nông thôn), đánh bại hình thức thống trị kiểu mới của Mỹ ở miền Nam. Trong điều kiện mới, bài học rút ra từ phong trào Đồng khởi vẫn còn nguyên giá trị. Đó là, phải đánh giá đúng tình hình mọi mặt, phát huy được điểm mạnh của ta, khoét sâu điểm yếu của địch để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ BVTQ. Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và BVTQ có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, nhất là việc đối tượng tác chiến của Quân đội ta có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh. Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, cấp chiến lược cần quan tâm làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt ngay từ thời bình; khi có tình huống chiến tranh xảy ra phải giương cao ngọn cờ chính nghĩa, phát huy ưu thế tuyệt đối về chính trị tinh thần, bình tĩnh, sáng suốt đánh giá đúng tình hình, nhận định rõ thuận lợi, khó khăn của tình thế cách mạng để có những quyết sách phù hợp. Đối với quân đội, phải căn cứ tình hình cụ thể để tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, chủ động xử lý hiệu quả các tình huống bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên bộ, trên biển, trên không và không gian mạng, bảo đảm giữ vững chủ quyền quốc gia, phù hợp luật pháp quốc tế. Quá trình tác chiến, phải phát huy tối đa khả năng, sở trường của ta, khai thác khó khăn, bất lợi của địch để thực hiện những đòn tiến công vào mặt (nơi) yếu nhất, đẩy chúng vào thế bị động, giành thắng lợi từng bước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
Quảng cáo