Đề thi Học kì 1 Sinh lớp 8 năm 2021 - 2022 có đáp án (4 đề)
Tài liệu 4 Đề thi Học kì 1 Sinh học lớp 8 năm học 2021 - 2022 được tổng hợp, cập nhật mới nhất từ đề thi môn Sinh của các trường THCS trên cả nước. Thông qua việc luyện tập với đề thi Sinh học lớp 8 Học kì 1 này sẽ giúp các em học sinh hệ thống kiến thức đã học, ôn luyện để đạt điểm cao trong các bài thi Sinh 8. Chúc các em học tốt!
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề thi Học kì 1
Năm học 2021 - 2022
Bài thi môn: Sinh học lớp 8
Thời gian làm bài: phút
(Đề thi số 1)
A. Trắc nghiệm (Mỗi câu trả lời đúng được 0,4 điểm)
Câu 1 : Loại nơron nào có thân nằm trong trung ương thần kinh?
a. Nơron hướng tâm và nơron trung gian
b. Nơron li tâm, nơron hướng tâm và nơron trung gian
c. Nơron hướng tâm và nơron li tâm
d. Nơron li tâm và nơron trung gian
Câu 2 : Ví dụ nào dưới đây minh họa cho miễn dịch tập nhiễm?
a. Con người không bao giờ mắc bệnh lở mồm long móng ở trâu bò
b. Người tiêm vacxin phòng lao không bị bệnh lao
c. Người đã từng bị thủy đậu thì sau này sẽ không mắc lại bệnh này.
d. Người mắc á sừng thì không lây cho người khác
Câu 3 : Bạch huyết có thành phần gần giống máu, chỉ khác là
a. ít hồng cầu, không có bạch cầu.
b. không có hồng cầu, ít tiểu cầu.
c. ít hồng cầu, không có tiểu cầu.
d. ít bạch cầu, không có tiểu cầu
Câu 4 : Cơ quan nào trong hệ hô hấp đảm nhiệm vai trò phát âm?
a. Thanh quản
b. Khí quản
c. Phế quản
d. Hầu
Câu 5 : Sự trao đổi khí ở tế bào và phổi có được là nhờ đâu?
a. Sự khuếch tán của khí O2 và khí CO2 từ nơi có nồng độ cao đến nơi có nồng độ thấp.
b. Sự khuếch tán của khí O2 và khí CO2 từ nơi có nồng độ thấp đến nơi có nồng độ cao.
c. Hồng cầu thẩm thấu qua màng mao mạch, vận chuyển khí vào tế bào/phế nang và ngược lại
d. Áp suất chênh lệch cực lớn giữa màng tế bào và màng mao mạch
Câu 6 : Loại khí nào dưới đây có ái lực với huyết sắc tố rất mạnh, nhanh chóng chiếm chỗ của O2 trong máu, làm giảm nhanh hiệu quả hô hấp và có thể dẫn đến tử vong?
a. Tất cả các phương án còn lại
b. Khí CO
c. Khí N2
d. Khí H2
Câu 7 : Trong quá trình tiêu hóa, sự co bóp của các cơ ở dạ dày có vai trò chính là gì?
a. Phân cắt các chất đạm thành chuỗi axit amin
b. Làm ướt và hòa loãng thức ăn
c. Nghiền nhỏ và đảo trộn để thức ăn ngấm đều dịch vị
d. Đẩy thức ăn xuống ruột non
Câu 8 : Dịch tụy và dịch mật đổ vào bộ phận nào trong đường tiêu hóa?
a. Manh tràng
b. Dạ dày
c. Tá tràng
d. Đại tràng
Câu 9 : Ở người trưởng thành có cơ thể khỏe mạnh bình thường, thân nhiệt ổn định ở mức
a. 39oC
b. 37oC
c. 36oC
d. 38oC
Câu 10 : Vì sao trong những ngày giá rét, da chúng ta thường bị thâm tái?
a. Tất cả các phương án còn lại
b. Vì nhiệt độ thấp tiêu hủy một lượng lớn các mao mạch máu dưới da, khiến da không còn giữ được màu sắc hồng hào
c. Vì nhiệt độ hạ thấp khiến máu dưới da bị đông lại, chuyển màu thâm tái
d. Vì để giảm thiểu sự thất thoát nhiệt ra môi trường ngoài, các mạch máu dưới da co lại đồng thời lưu lượng máu qua da ít nên da bị thâm tái.
B. Tự luận
1. Trình bày quá trình tiêu hóa ở ruột non (3 điểm)
2. Nêu những đặc điểm giúp ruột non tăng khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng (2 điểm)
3. Giải thích nghĩa đen của câu: “Trời nóng chóng khát, trời mát chóng đói” (1 điểm)
Đáp án và Hướng dẫn làm bài
A. Trắc nghiệm
Câu 1 : d. Nơron li tâm và nơron trung gian
Câu 2 : c. Người đã từng bị thủy đậu thì sau này sẽ không mắc lại bệnh này.
Câu 3 : b. không có hồng cầu, ít tiểu cầu.
Câu 4 : a. Thanh quản
Câu 5 : a. Sự khuếch tán của khí O2 và khí CO2 từ nơi có nồng độ cao đến nơi có nồng độ thấp
Câu 6 : b. Khí CO
Câu 7 : c. Nghiền nhỏ và đảo trộn để thức ăn ngấm đều dịch vị
Câu 8 : c. Tá tràng (đoạn đầu của ruột non)
Câu 9 : b. 37oC
Câu 10 : d. Vì để giảm thiểu sự thất thoát nhiệt ra môi trường ngoài, các mạch máu dưới da co lại đồng thời lưu lượng máu qua da ít nên da bị thâm tái.
B. Tự luận
1. Quá trình tiêu hóa ở ruột non:
- Tại ruột non, quá trình tiêu hóa thức ăn chủ yếu diễn ra theo con đường hóa học, dưới tác dụng của ba loại dịch tiêu hóa: dịch tụy (do tụy tiết ra), dịch mật (do gan tiết ra) và dịch ruột (do niêm mạc ruột tiết ra).(1 điểm)
- 4 thành phần chính của thức ăn: gluxit, lipit, prôtêin và axit nuclêic đều được tiêu hóa ở ruột non:
+ Gluxit → Đường đôi → Đường đơn (dưới xúc tác của các enzim tiêu hóa) (0,5 điểm)
+ Prôtêin → Chuỗi peptit ngắn → Axit amin (dưới xúc tác của các enzim tiêu hóa) (0,5 điểm)
+ Lipit (dưới tác dụng của dịch mật) → Các giọt lipit nhỏ → Axit béo và Glixêrin (dưới xúc tác của các enzim tiêu hóa) (0,5 điểm)
+ Axit nuclêic → Nuclêôtit → Các thành phần của nuclêôtit (dưới xúc tác của các enzim tiêu hóa) (0,5 điểm)
2. Những đặc điểm giúp ruột non tăng khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng:
- Lớp niêm mạc ruột non gồ ghề, nhăn nheo với nhiều nếp gấp giúp gia tăng diện tích tiếp xúc với nguồn dinh dưỡng có trong lòng ruột sau quá trình tiêu hóa. (0,5 điểm)
- Trên bề mặt ruột non có vô số các lông ruột và lông cực nhỏ để tiếp cận sâu, hấp thụ được lượng dưỡng chất tối đa. (0,5 điểm)
- Hệ thống mao mạch máu và mạch bạch huyết dày đặc bao quanh ruột non giúp tiếp nhận và vận chuyển triệt để dưỡng chất có được sau quá trình tiêu hóa trở về tim và phân phối tới các cơ quan trong cơ thể. (1 điểm)
3. Khi trời nóng, để hạ nhiệt cơ thể, mồ hôi sẽ thoát ra nhiều hơn, cơ thể bị hao nước nhiều nên sinh cảm giác khát nước. Khi trời mát, nền nhiệt cơ thể chênh lệch nhiều so với nền nhiệt môi trường nên sẽ dẫn đến sự thất thoát nhiệt ra ngoài môi trường. Sự thất thoát này khiến cơ thể phải tự điều hòa bằng cách tăng sinh nhiệt, tức là đẩy nhanh quá trình dị hóa – phân giải các chất để cung cấp năng lượng nên cơ thể nhanh có cảm giác đói (1 điểm).
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề thi Học kì 1
Năm học 2021 - 2022
Bài thi môn: Sinh học lớp 8
Thời gian làm bài: phút
(Đề thi số 2)
A. Trắc nghiệm (Mỗi câu trả lời đúng được 0,4 điểm)
Câu 1 : Loại xung thần kinh nào dưới đây chỉ có ở vòng phản xạ mà không có ở cung phản xạ?
a. Xung thần kinh li tâm
b. Xung thần kinh hướng tâm
c. Xung thần kinh liên hệ ngược
d. Tất cả các phương án còn lại
Câu 2 : Huyết sắc tố trong hồng cầu người khi kết hợp với loại khí nào sẽ có màu đỏ tươi?
a. Khí nitơ
b. Khí ôxi
c. Khí cacbônic
d. Khí heli
Câu 3 : Trong hệ miễn dịch người, tế bào limphô T có nhiệm vụ gì?
a. Phá hủy tế bào cơ thể đã bị nhiễm bệnh
b. Tham gia vào quá trình thực bào
c. Tiết ra kháng thể chống lại các kháng nguyên lạ
d. Tất cả các phương án còn lại
Câu 4 : Ion khoáng nào đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình đông máu?
a. Ion magiê
b. Ion natri
c. Ion kali
d. Ion canxi
Câu 5 : Thói quen nào dưới đây đặc biệt có hại cho hệ hô hấp?
a. Ăn đồ chiên rán
b. Không rửa tay trước khi ăn
c. Hút thuốc lá
d. Uống nước ngọt có gas
Câu 6 : Trong cử động hít vào, cơ liên sườn ngoài và cơ hoành có trạng thái như thế nào?
a. Cơ liên sườn ngoài dãn, cơ hoành co
b. Cơ liên sườn ngoài và cơ hoành đều co
c. Cơ liên sườn ngoài và cơ hoành đều dãn
d. Cơ liên sườn ngoài co, cơ hoành dãn
Câu 7 : Trong tuyến nước bọt có chứa enzim tiêu hóa nào?
a. Enzim lipaza
b. Enzim mantaza
c. Enzim amilaza
d. Enzim prôtêaza
Câu 8 : Biện pháp nào dưới đây giúp chúng ta chống nóng trong mùa hè?
a. Thường xuyên rèn luyện thân thể để tăng sức chịu đựng của cơ thể trong mùa nắng nóng
b. Trồng nhiều cây xanh để lấy bóng mát và làm dịu nhiệt ngoài trời
c. Dùng đồ bảo hộ khi đi nắng: mũ, nón, áo chống nắng….
d. Tất cả các phương án còn lại đều đúng
Câu 9 : Khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi hoàn toàn thì
a. quá trình đồng hóa diễn ra mạnh hơn quá trình dị hóa.
b. quá trình dị hóa diễn ra mạnh hơn quá trình đồng hóa.
c. quá trình đồng hóa cân bằng với quá trình dị hóa.
d. quá trình đồng hóa và dị hóa có giá trị bằng 0.
Câu 10 : HCl trong dịch vị có vai trò gì?
a. Biến đổi chất đạm thành các chuỗi axit amin ngắn
b. Tạo môi trường lý tưởng (pH trong khoảng 2-3) cho tiền enzim pepsin biến đổi thành enzim pepsin
c. Nghiền nát và phân cắt thức ăn, giúp chúng thấm đều enzim tiêu hóa
d. Làm loãng thức ăn có trong dạ dày
B. Tự luận
1. Trình bày các nhóm máu ở người (Theo nghiên cứu của Các Lanstâynơ) và nguyên tắc truyền máu. (5 điểm)
2. Vì sao prôtêin trong thức ăn bị dịch vị tiêu hóa nhưng prôtêin của niêm mạc dạ dày thì không? (1 điểm)
Đáp án và Hướng dẫn làm bài
A. Trắc nghiệm
Câu 1 : c. Xung thần kinh liên hệ ngược
Câu 2 : b. Khí ôxi
Câu 3 : a. Phá hủy tế bào cơ thể đã bị nhiễm bệnh
Câu 4 : d. Ion canxi (cùng với enzim trong tiểu cầu giúp biến đổi chất sinh tơ máu thành tơ máu vây lấy các tế bào máu)
Câu 5 : c. Hút thuốc lá (vì trong khói thuốc lá có rất nhiều thành phần độc hại, đặc biệt là nicôtin có thể gây ung thư phổi)
Câu 6 : b. Cơ liên sườn ngoài và cơ hoành đều co
Câu 7 : c. Enzim amilaza
Câu 8 : d. Tất cả các phương án còn lại đều đúng
Câu 9 : a. quá trình đồng hóa diễn ra mạnh hơn quá trình dị hóa. (vì khi nghỉ ngơi, chúng ta tiêu tốn rất ít năng lượng nên dị hóa – quá trình phân giải các chất để sản sinh năng lượng cung cấp cho các hoạt động của cơ thể - cũng chạm mức tối thiểu)
Câu 10 : b. Tạo môi trường lý tưởng (pH trong khoảng 2-3) cho tiền enzim pepsin biến đổi thành enzim pepsin
B. Tự luận
1. Các nhóm máu:
Theo nghiên cứu của Các Lanstâynơ, trên hồng cầu người có 2 loại kháng nguyên là A và B; trong huyết tương có hai kháng thể tương ứng là anpha và bêta (kháng nguyên gặp kháng thể tương ứng sẽ gây ngưng kết). (0,5 điểm)
Tương ứng với 2 cặp kháng nguyên – kháng thể này là 4 nhóm máu:
- Nhóm máu AB: có kháng nguyên A và B trên hồng cầu, không có kháng thể trong huyết tương (0,5 điểm)
- Nhóm máu A: có kháng nguyên A trên hồng cầu, có kháng thể bêta trong huyết tương (0,5 điểm)
- Nhóm máu B: có kháng nguyên B trên hồng cầu, có kháng thể anpha trong huyết tương (0,5 điểm)
- Nhóm máu O: không có kháng nguyên trên hồng cầu, có kháng thể anpha và bêta trong huyết tương. (0,5 điểm)
Nguyên tắc truyền máu: kháng nguyên trên hồng cầu của người cho phải phù hợp với kháng thể có trong huyết tương của người nhận (đảm bảo không phải là cặp kháng nguyên – kháng thể tương ứng để gây ngưng kết hồng cầu) (0,5 điểm). Theo đó:
- Nhóm máu AB: chỉ truyền được cho nhóm máu AB, có thể nhận từ tất cả các nhóm máu khác (0,5 điểm)
- Nhóm máu A: truyền được cho nhóm máu A, AB, có thể nhận từ nhóm máu A và O (0,5 điểm)
- Nhóm máu B: truyền được cho nhóm máu B, AB, có thể nhận từ nhóm máu B và O (0,5 điểm)
- Nhóm máu O: có thể truyền cho tất cả các nhóm máu khác và chỉ có thể nhận máu từ nhóm máu O (0,5 điểm)
(Học sinh có thể vẽ sơ đồ tương tự sách giáo khoa đều cho điểm tuyệt đối)
2. Prôtêin trong thức ăn bị dịch vị tiêu hóa nhưng prôtêin của niêm mạc dạ dày lại được bảo vệ bởi vì chất nhày phủ ngoài lớp niêm mạc của dạ dày đã giúp ngăn cách lớp niêm mạc với enzim tiêu hóa có trong dịch vị (enzim pepsin). ( 1 điểm)
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề thi Học kì 1
Năm học 2021 - 2022
Bài thi môn: Sinh học lớp 8
Thời gian làm bài: phút
(Đề thi số 3)
A. Trắc nghiệm (Mỗi câu trả lời đúng được 0,4 điểm)
Câu 1 : Lớp mao mạch mỏng và dày đặc ở mũi có vai trò
a. loại trừ vi khuẩn trong luồng khí đi vào.
b. làm ấm không khí trước khi đi vào phổi.
c. lọc bỏ bụi hạt to trong không khí trước khi đi vào phổi.
d. tham gia vào quá trình trao đổi khí ở mũi.
Câu 2 : Cặp cơ nào dưới đây tham gia vào cử động hô hấp ở người?
a. Cơ liên sườn trong và cơ liên sườn ngoài
b. Cơ liên sườn ngoài và cơ hoành
c. Cơ liên sườn ngoài và cơ nhị đầu
d. Cơ hoành và cơ liên sườn trong
Câu 3 : Thói quen nào dưới đây giúp bảo vệ đường hô hấp?
a. Ngồi điều hòa 24/24
b. Giăng màn khi đi ngủ
c. Hút thuốc lá
d. Đeo khẩu trang khi đến khu công cộng
Câu 4 : Dung tích sống là gì?
a. Là thể tích không khí lớn nhất có thể tích đọng trong phổi.
b. Là thể tích không khí lớn nhất mà một cơ thể có thể hít vào hay thở ra.
c. Là thể tích không khí bé nhất còn lại trong phổi sau khi thở ra.
d. Là thể tích không khí bé nhất nằm trên đường thở.
Câu 5 : Thành phần nào dưới đây không bị biến đổi qua quá trình tiêu hóa?
a. Gluxit
b. Lipit
c. Vitamin
d. Prôtêin
Câu 6 : Vì sao khi nhai kỹ bánh mì, chúng ta lại cảm nhận thấy vị ngọt?
a. Vì enzim amilaza trong nước bọt đã phân giải một phần tinh bột chín trong bánh mì thành đường glucôzơ (có vị ngọt).
b. Vì enzim mantaza trong nước bọt đã phân giải một phần vitamin trong bánh mì thành đường mantôzơ (có vị ngọt).
c. Vì enzim amilaza trong nước bọt đã phân giải một phần lipit trong bánh mì thành axit béo (có vị ngọt).
d. Vì enzim amilaza trong nước bọt đã phân giải một phần tinh bột chín trong bánh mì thành đường mantôzơ (có vị ngọt).
Câu 7 : Loại dịch tiêu hóa nào đóng vai trò quan trọng nhất trong tiêu hóa hóa học ở ruột non?
a. Dịch tụy
b. Dịch mật
c. Dịch ruột
d. Dịch vị
Câu 8 : Ở người, các vitamin tan trong dầu và 70% lipit đã được nhũ tương hóa được hấp thụ và vận chuyển theo con đường bạch huyết sau đó chúng sẽ được vận chuyển trong loại mạch nào để trở về tim?
a. Tĩnh mạch phổi
b. Tĩnh mạch cảnh
c. Tĩnh mạch chủ trên
d. Tĩnh mạch chủ dưới
Câu 9 : Mối liên hệ mật thiết giữa quá trình trao đổi chất ở cấp độ tế bào và trao đổi chất ở cấp độ cơ thể cho thấy điều gì?
a. Tính chu kỳ của quá trình trao đổi chất
b. Tính toàn vẹn và thống nhất của cơ thể
c. Tính thứ bậc trong mỗi cá thể
d. Tính đa dạng của sinh giới
Câu 10 : Hệ cơ quan nào dưới đây tham gia trực tiếp vào quá trình trao đổi chất giữa cơ thể với môi trường bên ngoài ?
a. Hệ tiêu hóa
b. Hệ bài tiết
c. Hệ hô hấp
d. Tất cả các phương án còn lại đều đúng
B. Tự luận
1. Trình bày các hoạt động biến đổi thức ăn ở dạ dày. (3 điểm)
2. Trình bày những biện pháp làm tăng hiệu quả tiêu hóa và giúp bảo vệ đường tiêu hóa trước tác nhân gây hại. (2 điểm)
3. Vì sao vừa ăn vừa nói chuyện lại dễ bị sặc? (1 điểm)
Đáp án và Hướng dẫn làm bài
A. Trắc nghiệm
Câu 1 : b. làm ấm không khí trước khi đi vào phổi.
Câu 2 : b. Cơ liên sườn ngoài và cơ hoành
Câu 3 : d. Đeo khẩu trang khi đến khu công cộng (ngăn ngừa bụi và các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, chất tiết)
Câu 4 : b. Là thể tích không khí lớn nhất mà một cơ thể có thể hít vào hay thở ra.
Câu 5 : c. Vitamin
Câu 6 : d. Vì enzim amilaza trong nước bọt đã phân giải một phần tinh bột chín trong bánh mì thành đường mantôzơ (có vị ngọt).
Câu 7 : a. Dịch tụy (vì trong dịch tụy chứa hầu hết các enzim phân giải hiệu quả và triệt để các thành phần có trong thức ăn)
Câu 8 : c. Tĩnh mạch chủ trên
Câu 9 : b. Tính toàn vẹn và thống nhất của cơ thể. (trao đổi khí ở tế bào là tiền đề cho trao đổi khí ở phổi và ngược lại, chúng đi theo một chu trình nhất quán và hỗ trợ lẫn nhau)
Câu 10 : d. Tất cả các phương án còn lại đều đúng (hệ tiêu hóa tiếp nhận thức ăn, loại chất cặn bã; hệ bài tiết loại chất thải qua da và nước tiểu, hệ hô hấp thu nhận O2, loại thải khí CO2 thông qua hoạt động hít vào, thở ra)
B. Tự luận
1. Các hoạt động biến đổi thức ăn ở dạ dày:
(Đầy đủ mỗi ý biến đổi lý học được 1 điểm (có 2 ý); đầy đủ ý biến đổi hóa học được 1 điểm)
2. Các biện pháp làm tăng hiệu quả tiêu hóa và giúp bảo vệ đường tiêu hóa trước tác nhân gây hại:
- Ăn uống hợp vệ sinh: không ăn đồ tái sống, đồ chế biến sẵn, đồ chiên rán… để ngăn ngừa tác nhân gây hại (0,5 điểm)
- Thiết lập khẩu phần ăn hợp lý: đủ chất, không thừa, không thiếu để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cơ thể và tránh cho hệ tiêu hóa phải làm việc quá sức (0,5 điểm)
- Ăn chậm, nhai kỹ, ăn đúng giờ, đúng bữa và hợp khẩu vị. Sau khi ăn cần có thời gian nghỉ ngơi để hệ tiêu hóa làm việc được hiệu quả (0,5 điểm)
- Tạo bầu không khí vui vẻ, bài trí món ăn sinh động, nơi dùng bữa đẹp mắt, hợp vệ sinh để tăng cảm giác ngon miệng, giúp tiêu hóa được tốt hơn (0,5 điểm)
3. Đường hô hấp và đường tiêu hóa ở người nằm sát nhau, có một ngã tư chung là vùng hầu họng và để phòng ngừa nguy cơ thức ăn rơi vào đường hô hấp, tại gần vùng ngã tư này có một cấu trúc gọi là nắp thanh quản (sụn thanh nhiệt) đảm nhiệm vai trò đậy kín đường hô hấp khi nuốt thức ăn và mở ra khi thở. Nếu chúng ta vừa ăn vừa nói chuyện có nghĩa là vừa nuốt, vừa thở, khi đó nắp thanh quản sẽ không đậy kín được đường hô hấp (vì nói chuyện thì cần có sử dụng đến thanh quản), chính vì vậy, thức ăn dễ rơi vào đường thở và gây nên hiện tượng sặc. (1 điểm)
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề thi Học kì 1
Năm học 2021 - 2022
Bài thi môn: Sinh học lớp 8
Thời gian làm bài: phút
(Đề thi số 4)
A. Trắc nghiệm (Mỗi câu trả lời đúng được 0,4 điểm)
Câu 1 : Theo chiều từ trên xuống dưới, các bộ phận trong đường tiêu hóa của người được sắp xếp theo trình tự sau:
a. miệng – hầu – thực quản – dạ dày – ruột non – ruột thẳng – ruột già – hậu môn.
b. miệng – hầu – dạ dày – thực quản – ruột non – ruột già – ruột thẳng – hậu môn.
c. miệng – hầu – thực quản – dạ dày – ruột non – ruột già – ruột thẳng – hậu môn.
d. miệng – hầu – thực quản – dạ dày – ruột già – ruột non – ruột thẳng – hậu môn.
Câu 2 : Trong tế bào người, bào quan nào là nơi tổng hợp prôtêin?
a. Ribôxôm
b. Lizôxôm
c. Bộ máy Gôngi
d. Tất cả các phương án còn lại
Câu 3 : Nơron thần kinh có 2 chức năng cơ bản là
a. xử lý thông tin và phản xạ.
b. cảm ứng và dẫn truyền xung thần kinh.
c. phản xạ và dẫn truyền xung thần kinh.
d. phản xạ và cảm ứng.
Câu 4 : Lồng ngực ở người được hợp thành từ mấy loại xương?
a. 5
b. 4
c. 2
d. 3
Câu 5 : Vì sao người trưởng thành không thể cao thêm?
a. Vì tế bào màng xương bị hủy hoại
b. Vì sụn tăng trưởng không còn khả năng hóa xương
c. Vì người trưởng thành không còn khả năng dung nạp canxi
d. Vì đầu xương dài ở người trưởng thành bị thoái hóa
Câu 6 : Người mang nhóm máu B có thể truyền máu cho người mang nhóm máu nào dưới đây?
a. Nhóm máu AB
b. Nhóm máu A
c. Nhóm máu O
d. Tất cả các phương án còn lại
Câu 7 : Ở hệ tuần hoàn người, máu trong loại mạch nào dưới đây là máu đỏ thẫm?
a. Động mạch vành
b. Động mạch phổi
c. Tĩnh mạch phổi
d. Động mạch chủ
Câu 8 : Nhịp hô hấp là
a. số cử động hô hấp trong một phút.
b. số cử động hô hấp trong một giờ.
c. số lần hít vào trong một phút.
d. số lần thở ra trong một giờ.
Câu 9 : Đoạn đầu của ruột non có tên gọi là gì?
a. Hỗng tràng
b. Hồi tràng
c. Đại tràng
d. Tá tràng
Câu 10 : Khi nói về đồng hóa và dị hóa, nhận định nào dưới đây là đúng?
a. Đồng hóa và dị hóa là hai mặt của quá trình trao đổi chất, chúng không phụ thuộc lẫn nhau
b. Đồng hóa và dị hóa là hai quá trình diễn ra kế tiếp nhau, không lặp lại
c. Trong tế bào, các chất được tổng hợp từ đồng hóa có thể là nguyên liệu cho dị hóa
d. Đồng hóa là quá trình phân giải các chất, ngược lại dị hóa là quá trình tổng hợp các chất.
B. Tự luận
1. Mô tả đường đi của máu trong vòng tuần hoàn nhỏ và vòng tuần hoàn lớn ở người. (3 điểm)
2. Trình bày các đặc điểm cấu tạo chủ yếu của dạ dày. (2 điểm)
3. Giải thích nghĩa đen của câu nói: “Nhai kỹ no lâu”. (1 điểm)
Đáp án và Hướng dẫn làm bài
A. Trắc nghiệm
Câu 1 : c. miệng – hầu – thực quản – dạ dày – ruột non – ruột già – ruột thẳng – hậu môn.
Câu 2 : a. Ribôxôm
Câu 3 : b. cảm ứng và dẫn truyền xung thần kinh.
Câu 4 : d. 3 (xương sườn, xương đốt sống và xương ức)
Câu 5 : b. Vì sụn tăng trưởng không còn khả năng hóa xương
Câu 6 : a. Nhóm máu AB (người mang nhóm máu B chứa kháng nguyên B trên hồng cầu, người mang nhóm máu A và nhóm máu O đều có kháng thể bêta trong huyết tương nên sẽ gây ngưng kết hồng cầu khi truyền máu. Trong khi đó người mang nhóm máu AB lại không có 2 kháng thể anpha và bêta trong huyết tương nên có thể nhận bất kỳ nhóm máu nào, kể cả nhóm máu B)
Câu 7 : b. Động mạch phổi (máu giàu CO2 đi từ tâm thất phải lên phổi để thực hiện trao đổi khí)
Câu 8 : a. số cử động hô hấp trong một phút.
Câu 9 : d. Tá tràng
Câu 10 : c. Trong tế bào, các chất được tổng hợp từ đồng hóa có thể là nguyên liệu cho dị hóa
B. Tự luận
1. Đường đi của máu trong vòng tuần hoàn nhỏ: Máu giàu CO2 (đỏ thẫm) từ tâm thất phải sẽ theo động mạch phổi về các động mạch nhỏ hơn rồi về các mao mạch ở phế nang, tại đây xảy ra quá trình trao đổi khí: CO2 từ máu khuếch tán vào phế nang và O2 từ phế nang khuếch tán vào máu. Sau trao đổi khí, máu giàu O2 (máu đỏ tươi) sẽ đi theo các tĩnh mạch nhỏ rồi về tĩnh mạch phổi trở về tâm nhĩ trái. (1,5 điểm)
- Đường đi của máu trong vòng tuần hoàn lớn: Máu giàu O2 (máu đỏ tươi) sẽ từ tâm thất trái lên động mạch chủ rồi đi đến các động mạch nhỏ hơn và mao mạch ở các cơ quan. Tại đây sẽ xảy ra quá trình trao đổi khí: O2 từ máu khuếch tán vào tế bào và ngược lại, CO2 từ tế bào sẽ khuếch tán vào máu, máu giàu CO2 (máu đỏ thẫm) sẽ đi theo các tĩnh mạnh nhỏ về tĩnh mạch chủ trên/tĩnh mạch chủ dưới rồi đổ vào tâm nhĩ phải. (1,5 điểm)
2. Các đặc điểm cấu tạo chủ yếu của dạ dày:
- Dạ dày là một bộ phận có dạng túi, phía trên nối với thực quản qua tâm vị, phía dưới nối với tá tràng qua môn vị (0,5 điểm).
- Thành dạ dày được cấu tạo gồm 4 lớp: lớp màng bọc, lớp cơ, lớp dưới niêm mạc và lớp niêm mạc. Trong đó lớp cơ dày, rất khỏe và được hợp thành từ ba loại cơ: cơ vòng, cơ dọc và cơ chéo (1 điểm)
- Lớp niêm mạc là nơi có nhiều tuyến tiết dịch vị (chứa enzim tiêu hóa) (0,5 điểm)
3. Khi nhai kỹ, thức ăn sẽ được nghiền nát, phân cắt thành dạng nhỏ mịn, nhờ vậy mà tăng bề mặt tiếp xúc với dịch tiêu hóa, làm tăng hiệu suất tiêu hóa, giúp cơ thể hấp thu được nhiều dưỡng chất hơn, đáp ứng được nhu cầu sử dụng chất dinh dưỡng của cơ thể trong thời gian dài hơn (no lâu hơn) (1 điểm).
Mời quí vị độc giả tải bộ đề thi Sinh học Lớp 8 Học kì 1 năm 2021 để xem đầy đủ và chi tiết!
Bài viết liên quan
- [Năm 2021] Đề thi Sinh lớp 8 Giữa học kì 1 chọn lọc ( 21 đề)
- [Năm 2021] Đề thi Giữa kì 1 Sinh lớp 8 có ma trận chi tiết (15 đề)
- Đề thi giữa Học kì 1 Sinh lớp 8 năm 2021 - 2022 có đáp án (4 đề)
- Đề thi Học kì 2 Sinh lớp 8 năm 2021 - 2022 có đáp án (8 đề)
- Đề thi giữa Học kì 2 Sinh lớp 8 năm 2021 - 2022 có đáp án (8 đề)