Giải Tin học 7 Bài 1: Ứng xử có văn hoá khi giao tiếp qua mạng - Cánh diều
Hoidap.vietjack.com trân trọng giới thiệu: lời giải bài tập Tin học lớp 7 Bài 1: Ứng xử có văn hoá khi giao tiếp qua mạng sách Cánh diều hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tin học 7 Bài 1. Mời các bạn đón xem:
Giải bài tập Tin học 7 Bài 1: Ứng xử có văn hoá khi giao tiếp qua mạng
Video giải bài tập Tin học 7 Bài 1: Ứng xử có văn hoá khi giao tiếp qua mạng
Khởi động
Khởi động trang 30 Tin học lớp 7: Theo em, mỗi người khi giao tiếp qua mạng có thể hiện văn hóa ứng xử của mình hay không?
Trả lời:
Mỗi người khi giao tiếp qua mạng đều thể hiện văn hóa ứng xử của mình. Văn hóa ứng xử tác động đến sự phát triển xã hội thể hiện qua cách con người thể hiện thái độ, hành vi trong đời sống thực và cả trong mạng xã hội ảo.
1. Ứng xử có văn hóa nơi công cộng
Hoạt động
Hoạt động 1 trang 30 Tin học lớp 7: Hãy kể những gì em cho là thiếu văn hóa khi ở nơi công cộng:
- Về ngôn từ, nói và viết;
- Về quần áo, vẻ ngoài;
- Về thái độ, hành vi.
Trả lời:
Một số việc làm, biểu hiện được cho là thiếu văn hóa khi ở nơi công cộng:
- Về ngôn từ, nói và viết: văng tục, chửi bậy, viết bậy, phát ngôn xúc phạm người khác, …
- Về quần áo, vẻ ngoài: trang phục lôi thôi, bẩn thỉu, đầu tóc bù xù, …
- Về thái độ, hành vi: thái độ không tôn trọng người khác, đặc biệt người lớn tuổi, nhổ bọt bừa bãi gây mất vệ sinh, vứt rác bừa bãi, …
3. Ứng xử có văn hóa khi dùng email, tin nhắn
Hoạt động
Hoạt động 2 trang 31 Tin học lớp 7: Trả lời các câu hỏi sau:
1. Khi nào thì nên dùng email, tin nhắn mà không viết lên trang mạng?
2. Thế nào là phép lịch sự khi trao đổi email, tin nhắn?
3. Em đã từng có những trải nghiệm đáng nhớ khi dùng email, tin nhắn hay chưa?
Trả lời:
1. Khi cần trao đổi thông tin về công việc thì nên dùng email; khi muốn trao đổi, trò chuyện nhanh thì nên dùng tin nhắn; khi muốn chia sẻ cảm xúc, tâm trạng, video, hình ảnh cho người khác thì nên dùng trang mạng cá nhân.
2. Phép lịch sự khi trao đổi email, tin nhắn là:
- Trả lời nhanh chóng mỗi khi nhận được email, tin nhắn đích danh mình.
- Nếu bận, nên hẹn trả lời sau, nhưng đừng để quá lâu.
- Nếu không muốn trả lời, nên gửi mail từ chối nhã nhặn.
- Văn phong trả lời nên lịch sự, tôn trọng đối phương.
- Bạn em chia sẻ những chuyện riêng tư, nên giữ bí mật, không tự ý chia sẻ, chuyển tiếp nội dung khi chưa được sự đồng ý của bạn.
3. Em đã từng có những trải nghiệm đáng nhớ khi dùng email, tin nhắn như:
- Khi em gửi thư cho bạn, em quên gửi tệp đính kèm.
- Em gửi nhầm địa chỉ email.
- Bạn em nhắn tin, em xem xong quên không trả lời.
- Em quên mật khẩu email.
Luyện tập
Luyện tập 1 trang 32 Tin học 7: Tại sao nói quy tắc ứng xử trên mạng cũng như quy tắc ứng xử nơi công cộng?
Trả lời:
Nói quy tắc ứng xử trên mạng cũng như quy tắc ứng xử nơi công cộng tại vì: mạng xã hội là môi trường công cộng. Mạng xã hội có trăm hàng triệu người tham gia, mỗi thông tin trên đó ai cũng có thể xem được.
Luyện tập 2 trang 32 Tin học 7: Câu nói “Đừng làm với người khác những gì mà chính mình không muốn phải nhận” nhắc nhở ta điều gì?
Trả lời:
Câu nói “Đừng làm với người khác những gì mà chính mình không muốn phải nhận” nhắc nhở ta phải biết tôn trọng người khác. Ai cũng muốn nhận được những điều may mắn, những điều bất ngờ từ cuộc sống. Và vô cùng ghét bỏ những người làm tổn hại đến mình. Thứ mà mình không muốn là những việc bản thân không muốn làm, những điều mà mình không muốn nó xảy ra với người thân hay những người mình yêu quý. Đừng bắt người khác phải làm, phải gánh chịu những thứ bạn không muốn làm, những điều không muốn xảy ra với mình. Câu nói trên khuyên ta coi trọng người khác như chính bản thân mình.
Vận dụng
Vận dụng 1 trang 32 Tin học lớp 7: Em hãy cho biết những quy tắc với mỗi cá nhân được nêu trong Điều 4 của bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội mà Bộ thông tin và truyền thông ban ngày 17/6/20212?
Trả lời:
Những quy tắc với mỗi cá nhân được nêu trong bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ thông tin và truyền thông ban hành tháng 6 năm 2021 như sau:
1. Tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội.
2. Nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội.
3. Thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản tổ chức, cá nhân bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
4. Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy.
5. Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.
6. Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mĩ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
7. Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt.
8. Vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.
Vận dụng 2 trang 32 Tin học lớp 7: Nếu bạn em đăng lên mạng một tấm ảnh có hình em nhắm mắt, biểu cảm khuôn mặt rất khó coi thì em nghĩ gì và sẽ làm gì?
Trả lời:
Ai cũng muốn hình ảnh của mình thật đẹp trong mắt người khác. Nếu bạn em đăng lên mạng một tấm ảnh có hình em nhắm mắt, biểu cảm thật khó coi thì em sẽ thấy phiền lòng. Em sẽ góp ý nhẹ nhàng với bạn bằng cách nói chuyện trực tiếp hoặc nhắn tin để bạn rút kinh nghiệm.
Câu hỏi tự kiểm tra
Câu 1 trang 32 Tin học lớp 7: Cần lưu ý điều gì khi sử dụng phương tiện truyền thông số nơi công cộng?
Trả lời:
Một số điều cần lưu ý khi sử dụng phương tiện truyền thông số nơi công cộng:
- Em sẽ bị cho là thiếu tôn trọng những người xung quanh nếu như nhìn vào điện thoại không rời mắt khi đang giao tiếp với ai đó.
- Đang ở cùng người thân, thầy cô, bạn bè mà em nhận cuộc gọi thoại, chat, hay tin nhắn và muốn trả lời ngày, hãy nói xin lỗi vì đã tách ra làm việc riêng.
- Hãy chú ý không làm phiền người xung quanh ở những nơi công cộng. Em nói vào máy, vào điện thoại không có nghĩa là người xung quanh không nghe thấy. Đừng to tiếng khi bình phẩm hay phá lên cười khi trò chuyện, xem mạng xã hội hay nhận từ tin nhắn, email.
- Chúng ta thật đánh trách nếu chúng ta dành nhiều thời gian để kết thân với những người trên mạng xã hội, nhưng lại không có thời gian để quan tâm đến người thân bên cạnh.
Câu 2 trang 32 Tin học lớp 7: Cần lưu ý điều gì khi sử dụng mạng xã hội: đối với chính mình, đối với người khác?
Trả lời:
- Cần lưu ý khi sử dụng mạng xã hội đối với chính mình: phải giữ gìn hình ảnh trên không gian mạng. Mạng xã hội là nơi dễ bộc lộ suy nghĩ, hành vi nhất. Mọi phát ngôn, chia sẻ của bản thân trên không gian mạng không phải là “lời nói gió bay”. Những gì đã đưa lên rất khó thu hồi, tốc độ lan truyên rất nhanh, ai cũng có thể đọc được. Vậy hãy cư xử có văn hóa trên không gian mạng, cũng chính là bạn đang giữ gìn hình ảnh của bạn trên mạng.
- Cần lưu ý khi sử dụng mạng xã hội đối với người khác: Quy tắc chung trong ứng xử là: đừng làm với người khác những gì mà chính mình không muốn phải nhận. Không nói lời thô lỗ, thiếu văn hóa, không xúc phạm người khác. Không bêu xấu người khác.
Câu 3 trang 32 Tin học lớp 7: Khi sử dụng email, tin nhắn cần lưu ý gì về sự riêng tư, về phép lịch sự?
Trả lời:
Lưu ý khi sử dụng email, tin nhắn về sự riêng tư, về phép lịch sự:
- Trả lời nhanh chóng mỗi khi nhân được email, tin nhắn đích danh mình.
- Nếu bận, nên hẹn trả lời sau, nhưng đừng để quá lâu.
- Nếu không muốn trả lời, nên gửi mail từ chối nhã nhặn.
- Văn phong trả lời nên lịch sự, tôn trọng đối phương.
- Bạn em chia sẻ những chuyện riêng tư, nên giữ bí mật, không tự ý chia sẻ, chuyển tiếp nội dung khi chưa được sự đồng ý của bạn.