Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long liên kết đào tạo chương trình quốc tế năm 2019

Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long liên kết đào tạo chương trình quốc tế năm 2019, mời các bạn đón xem:

162


Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long liên kết đào tạo chương trình quốc tế năm 2019

Sinh viên ngành kỹ thuật ôtô, công nghệ thông tin có 2 năm đầu học tại Việt Nam và 2 năm cuối ở Đại học Tongmyong (Hàn Quốc).

Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long (VLUTE) vừa được Bộ Giáo dục và đào tạo cấp phép đào tạo chương trình liên kết quốc tế 2+2 với Đại học Tongmyong (TU) Hàn Quốc.

Cụ thể, có 2 ngành trình độ đại học được phép đào tạo là Công nghệ thông tin và Công nghệ kỹ thuật ôtô với tổng chỉ tiêu 600 sinh viên. Trong chương trình đào tạo liên kết, sinh viên sẽ trải qua giai đoạn một tại VLUTE, thời gian 2 năm và phải hoàn thành 70 tín chỉ khoa học cơ bản; văn hóa và tiếng Hàn đạt trình độ TOPIK 3. Giai đoạn 2 cũng có thời gian 2 năm; sinh viên sẽ học tại TU với 65 tín chỉ cơ sở ngành, chuyên ngành và khóa luận tốt nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ nhận bằng kỹ sư do VLUTE và TU cấp, có giá trị trên toàn cầu. Sinh viên cũng được tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa, giáo dục, kinh tế xã hội, khoa học công nghệ của Việt Nam và Hàn Quốc; ưu đãi về học phí và học bổng của đối tác dành cho sinh viên VLUTE. Nhờ đó, sau khi ra trường, các em được trang bị kiến thức và kỹ năng có thể hội nhập tốt với thị trường lao động trong khu vực lẫn thế giới.

Với việc tuyển sinh chương trình liên kết đào tạo quốc tế, VLUTE đã tạo nên môi trường học tập hiện đại, giúp sinh viên lựa chọn ngành nghề dễ dàng và thông minh hơn. Chương trình đào tạo có bản quyền và được kiểm định chất lượng bởi tổ chức uy tín.

Việc giảng dạy thực hiện hoàn toàn bằng ngôn ngữ quốc tế; có sự tham gia của giảng viên nước ngoài và các giảng viên hàng đầu của Việt Nam cùng cơ sở vật chất hiện đại; hệ thống hỗ trợ học tập và hoạt động phong phú...

Buổi làm việc giữa Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long và Đại học Tongmyong (TU) Hàn Quốc.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Cao Hùng Phi - Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long cho biết đây là một sự kiện quan trọng, khẳng định triết lý giáo dục "không có ranh giới giữa nhà trường và thực tế".

"Từ nay, học sinh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả khu vực phía Nam sẽ có điều kiện du học với tính kinh tế và hiệu quả cao nhất. Mức học phí gần như tương đương một số đại học tại TP HCM", ông nói.

Việc theo học chương trình liên kết đào tạo đạt chuẩn quốc tế tại các đại học Việt Nam đang thu hút nhiều sự quan tâm của học sinh, sinh viên. Đây chính là môi trường rèn luyện và đào tạo tốt, giúp các em được học tập theo chuẩn quốc tế hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, tham gia nhiều hoạt động tích lũy kiến thức, kỹ năng. Sau tốt nghiệp, các em có thể gây ấn tượng với nhà tuyển dụng nhờ bằng cấp được công nhận toàn cầu, ngoại ngữ tốt, khả năng thích ứng và làm việc nhóm...

Đại diện 2 đơn vị trong buổi lễ liên kết đào tạo đại học.

Nhiều hoạt động liên kết với tổ chức quốc tế khác

Trước đó, trường đã được tổ chức Skill International - SI (New Zealand) chứng nhận chương trình đạt chuẩn quốc tế cho ngành Công nghệ thông tin và Điện - điện tử. Từ năm học 2018 - 2019, các chuyên gia của SI sẽ trực tiếp đánh giá và cấp chứng chỉ Kỹ năng nghề, mang đến cơ hội cho sinh viên có thể làm việc tại nhiều quốc gia khác nhau khi sở hữu trình độ đạt chuẩn thế giới.

Cùng với đầu tư nhiều hạng mục cơ sở vật chất cho ngành du lịch, trong tháng 5, đoàn công tác của VLUTE sẽ đến làm việc với trường Seneca (Canada) để cụ thể hóa các hoạt động trao đổi, liên kết đào tạo sinh viên. Trong năm 2018, hai đơn vị cũng thiết lập mối quan hệ và Seneca đã có khóa huấn luyện kỹ năng quản lý chuẩn quốc tế cho đội ngũ giảng viên của VLUTE.

Trong quý III/2019, VLUTE sẽ hợp tác cùng Đại học AIX-Marseille (Pháp) xây dựng chương trình 2+2 cho một số ngành, liên kết đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ. Hiện nay, nhiều giảng viên của trường thực hiện nghiên cứu sinh, tham gia các khóa học ngắn và trung hạn tại Đại học AIX-Marseille

Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long cũng nhận được khoản viện trợ 7,2 triệu USD để đầu tư trang thiết bị học tập từ Ngân hàng phát triển châu Á - ADB trong "Chương trình kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện" (SKIEG). Nhờ đó, các sinh viên Việt Nam tham gia chương trình liên kết đào tạo với nhiều đại học quốc tế uy tín đã góp mặt trong các kỳ thi tay nghề thế giới (2017, 2019).

Bài viết liên quan

162