Trong đề án tuyển sinh công bố ngày 26/4, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tuyển 1.310 chỉ tiêu, 50% cho thí sinh TP HCM, còn lại là các tỉnh thành khác. Trong đó, ngành Y khoa có chỉ tiêu lớn nhất 660, tiếp đó là Điều dưỡng 200.
Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sử dụng phương thức chính là xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh). Điều kiện đăng ký xét tuyển chung cho tất cả ngành là xếp loại hạnh kiểm từ khá trở lên trong năm học lớp 12.
Riêng ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt, thí sinh phải có điểm trung bình cộng năm học kỳ THPT (trừ học kỳ II lớp 12) từ 7 trở lên. Với ngành Khúc xạ nhãn khoa, điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ là Tiếng Anh từ 7 trở lên.
Trong trường hợp thí sinh có tổng điểm xét tuyển bằng nhau, trường sử dụng các tiêu chí phụ theo thứ tự: điểm thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ; điểm trung bình lớp 12; điểm thi tốt nghiệp THPT môn Văn.
Năm nay, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến mức học phí cao nhất là 44,3 triệu đồng/năm học với ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt. Tất cả ngành còn lại, học phí cao nhất không quá 41 triệu đồng/năm học.
Theo giải thích của nhà trường, học phí tăng dựa theo Nghị định 81 năm 2021; mức thu các năm sau có thể được điều chỉnh trượt giá theo quy định. Học phí được dùng để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, thực hành và năng lực ngoại ngữ. Mức thu này cũng căn cứ trên tổng chi phí đào tạo trung bình của một sinh viên năm ngoái là 41 triệu đồng.
Đây là năm thứ hai, học phí Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tăng mạnh. Năm 2020, sinh viên có hộ khẩu tại TP HCM đóng 14,3 triệu đồng; hộ khẩu ngoài TP HCM đóng 28,6 triệu đồng.
Tuy vậy, so với các trường đào tạo khối ngành Y Dược, học phí trường này vẫn mức thấp nhất. Cùng ở TP HCM, Đại học Y Dược thu 30-70 triệu đồng, mỗi năm tăng 10%; các trường tư thu 55-180 triệu đồng.
Năm ngoái, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch lấy điểm chuẩn dao động 21,35-27,35, cao nhất là ngành Y khoa và Răng Hàm Mặt.