Đại học Văn Hiến hỗ trợ 70% học phí cho thí sinh vùng cao năm 2022

Đại học Văn Hiến hỗ trợ 70% học phí cho thí sinh vùng cao năm 2022, mời các bạn đón xem:

218


Đại học Văn Hiến hỗ trợ 70% học phí cho thí sinh vùng cao năm 2022

Đại học Văn Hiến trao học bổng 70% học phí toàn khóa, tặng laptop cho Hầu Thị Pàng (H'Mông) và Rcom H'Hương (Gia Rai).

Hai thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào ngành Đông phương học, chuyên ngành Hàn Quốc học. Hai nữ sinh chia sẻ, ở độ tuổi của mình, các bạn nữ trong vùng đã lấy chồng sinh con. Tuy nhiên, Pàng và H'Hương khát khao được học, đi tìm chân trời mới. Một năm trước, hai em quen biết nhau qua lớp học kỹ năng online. Từ đó, đôi bạn trở nên thân thiết và cùng hẹn nhau theo đuổi đam mê với Hàn Quốc Học.

Đại diện Đại học Văn Hiến, PGS.TS. Nguyễn Minh Đức - Phó hiệu trưởng Nhà trường cho biết, sau khi trao đổi và biết được hoàn cảnh gia đình của Hầu Thị Pàng, nhà trường đã liên hệ và trao học bổng để em và gia đình yên tâm cho chặng đường phía trước. Sau đó, thông qua Pàng, trường biết thêm về H'Hương.

"Đại học Văn Hiến đặt mục tiêu không để em nào phải dừng lại ước mơ về nỗi lo học phí. Khó khăn trước mắt có thể vượt qua nếu có quyết tâm và niềm tin nhưng ước mơ sẽ mất đi khi chúng ta từ bỏ", ông nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Minh Đức - Phó hiệu trưởng Đại học Văn Hiến trao tặng laptop cho Hầu Thị Pàng (bên phải) và em Rcom H’ Hương (bên trái)

Sinh sống tại bản Mào Phô, xã Giang Ma, huyện Tam Đường, Lai Châu, bố mẹ Pàng quanh năm gắn chặt với cánh đồng để nuôi con ăn học. Gia đình khó khăn, em gái Pàng (17 tuổi) đã nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ, em trai (13 tuổi) đang theo học lớp bảy.

Trước nguyện vọng vào TP HCM học đại học của con gái, ban đầu, bố mẹ Pàng khá ái ngại và khuyên con nghĩ lại. Tuy nhiên, với niềm khát khao học tập, giấc mơ về tương lai thoát nghèo, Pàng đã thành công thuyết phục phụ huynh.

"Em muốn thay đổi cuộc sống hiện tại để giúp đỡ bố mẹ. Bên cạnh đó, em cũng muốn tạo điều kiện cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn như em sau này có cơ hội học tập", nữ sinh nói thêm.

Vùng quê hẻo lánh của Pàng chưa có sóng wifi. Khi muốn gọi về nhà, em phải tranh thủ nạp tiền điện thoại nói chuyện vài phút cho vơi nỗi nhớ những ngày đầu đặt chân đến thành phố. Sau đó, em tiếp tục công việc làm thêm để trang trải tiền trọ, sinh hoạt phí trong cuộc sống sinh viên.

PGS.TS Nguyễn Minh Đức trò chuyện cùng hai em.

Hẹn với Pàng, Rcom H' Hương (buôn Rưng Ma Rai, Xã IaRbol, Thị Xã AyunPa, Gia Lai) cũng khăn gói vào TP HCM chuẩn bị hành trang trước khi trở thành sinh viên đại học. Ngày em đi, ba mẹ đưa con đến tận nơi, xem chỗ ăn học trong suốt thời gian xa nhà.

"Ba mẹ em trước nay chưa đi đâu xa, lần này đưa em xuống TP.HCM. Họ phải hỏi rất nhiều người để yên tâm dẫn em đi lại", H' Hương kể lại.

Gia đình H'Hương có 5 người. Bố làm nông, thu nhập bấp bênh, cả nhà trông chờ vào đồng lương giáo viên ít ỏi của mẹ. Tương tự Pàng, bạn bè trong buôn của H'Hương đa phần đã nghỉ học, lập gia đình từ rất sớm. Ba mẹ em sợ con thất học, phải đi núi, đi rừng vất vả nên cũng xoay sở cho ba chị em ăn học đàng hoàng.

"Lúc biết em muốn học Đại học Văn Hiến, ba mẹ em vừa mừng vừa lo làm sao xoay sở số tiền lớn cho chị hai em đi học", nữ sinh kể lại.

H'Hương tự nhủ quyết tâm học tập tốt để không phụ lòng ba mẹ và thực hiện giấc mơ trở thành phiên dịch viên tiếng Hàn.

Trường trao tặng laptop cho hai nữ sinh.

Pàng và H'Hương chia sẻ thêm, hai may mắn có thầy Phan Lê Nghĩa - thầy giáo dạy môn Kỹ năng tư duy trong khóa học online đã hỗ trợ kết nối với nhau. Những ngày hai bạn chưa có công việc làm thêm, thầy hỗ trợ tiền ăn để các em giảm thiểu chi phí. Thầy Nghĩa cũng là người định hướng, khích lệ các em lựa chọn theo học Hàn Quốc học tại Đại học Văn Hiến.

Bài viết liên quan

218