Giải Lịch sử lớp 6 Kết nối tri thức Bài 2: Các nhà sử học dựa vào đâu để biết và phục hưng lại Lịch sử

Hoidap.vietjack.com trân trọng giới thiệu: lời giải bài tập Lịch sử lớp 6 Bài 2: Các nhà sử học dựa vào đâu để biết và phục hưng lại Lịch sử sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Lịch sử 6 Bài 2. Mời các bạn đón xem:

423


Mục lục Giải Lịch sử 6 Bài 2: Các nhà sử học dựa vào đâu để biết và phục hưng lại Lịch sử

Video giải Lịch sử 6 Bài 2: Các nhà sử học dựa vào đâu để biết và phục hưng lại Lịch sử

Câu hỏi mở đầu trang 11 SGK Lịch sử 6: Các nhà sử học làm công việc tương tự như những thám tử. Muốn dựng lại lịch sử, họ phải đi tìm các bằng chứng, tức là các tư liệu lịch sử. Hình ảnh dưới đây là một dạng tư liệu lịch sử. Quan sát hình ảnh, em nhận thấy những hoa văn trên mặt trống miêu tả những gì? Qua đó, em có thể biết được gì về đời sống của người Việt cổ?

Tài liệu VietJack

Đáp án:

- Hoa văn trên mặt trống đồng Ngọc Lũ miêu tả một phần đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Việt cổ, ví dụ như:

+ Lương thực chính của người Việt cổ là lúa gạo (hình ảnh giã gạo).

+ Thuyền là phương tiện đi lại chủ yếu của cư dân Việt cổ trên sông.

+ Cư dân Việt cổ có tập quán ở nhà sàn, thích múa hát.

- Qua các hình ảnh trên mặt trống đồng chúng ta có thể suy đoán một phần về cuộc sống của người Việt cổ. Đây cũng là nguồn tư liệu quý khi tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc sống của cư dân Việt cổ và nền văn minh Việt cổ.

A. CÂU HỎI GIỮA BÀI

Câu hỏi trang 12 SGK Lịch sử 6: Thế nào là tư liệu hiện vật? Từ hình 2 và 3, em hãy kể thêm một số tư liệu hiện vật mà em biết.

Tài liệu VietJack

Trả lời:

- Tư liệu hiện vật là những di tích, đồ vật… của người xưa còn lưu giữ lại trong lòng đất hay trên mặt đất.

- Một số ví dụ về tư liệu hiện vật:

+ Khu di tích: Hoàng thành Thăng Long; Thánh địa Mỹ Sơn, Kinh đô Huế; thành nhà Hồ…

+ Thạp đồng Đào Thịnh; trống đồng Đông Sơn; công cụ đồ đá Núi Đọ…

Câu hỏi trang 12 SGK Lịch sử 6: Đoạn tư liệu trên cho em biết thông tin gì về thời đại Hùng Vương?

Tài liệu VietJack

Trả lời:

- Các thông tin về thời đại Hùng Vương có thể khai thác được từ đoạn tư liệu trên:

+ Tên gọi của một số chức vụ trong bộ máy nhà nước thời Văn Lang:

§  “Tướng văn gọi là Lạc hầu”.

§  “Tướng võ gọi là Lạc tướng”.

§  “Quan coi việc gọi là Bồ chính”.

+ Danh xưng của con trai/ con gái vua Hùng:

§  “Con trai vua gọi là Quan lang.

§  Con giái vua gọi là Mị Nương”.

+ Thông tin sơ lược về tổ chức hành chính thời Văn Lang: “cả nước chia là 15 bộ”

Câu hỏi trang 12 SGK Lịch sử 6: Em hiểu thế nào là tư liệu chữ viết? Vì sao bia Tiến sĩ ở Văn Miếu (hình 4) cũng được coi là tư liệu chữ viết?

Tài liệu VietJack

Trả lời:

- Tư liệu chữ viết là những bản ghi, tài liệu chép tay hay sách được in, khắc chữ. Các nguồn tài liệu này kể cho ta biết tương đối đầy đủ về các mặt của đời sống con người. Tuy nhiên, tư liệu chữ viết thường mang ý thức chủ quan của tác giả tư liệu. 

- Văn bia Tiến sĩ ở Văn Miếu cũng được coi là tư liệu chữ viết, vì:

+ Trên mỗi tấm bia đều có các bài văn thể hiện triết lí về dựng nước và giữ nước; bảo tồn văn hóa; triết lí phát triển giáo dục; quan điểm đào tạo nhân tài… của các triệu đại phong kiến Việt Nam => qua đó cung cấp nhiều tư liệu lịch sử quý giá và phong phú.

+ Bia đề danh tiến sĩ là nguồn sử liệu quí giá, giúp cho việc nghiên cứu  về tiểu sử, hành trang của nhiều danh nhân Việt Nam, như Nguyễn Trãi - người được UNESCO công nhận là Danh nhân Văn hóa thế giới, Lê Quí Đôn, Lương Thế Vinh…

+ Chữ Hán khắc trên các bia, có niên đại rất cụ thể, phản ánh về thư pháp (cách viết chữ) của các thời liên quan. Vì vậy, có thể coi đây là căn cứ quan trọng để nhận diện tiến trình phát triển thư pháp chữ Hán của người Việt từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII.

Câu hỏi trang 13 SGK Lịch sử 6: Thế nào là tư liệu truyền miệng?

Trả lời:

- Tư liệu truyền miệng là những câu chuyện dân gian, truyền thuyết được kể truyền miệng từ đời này qua đời khác gọi là tư liệu truyền miệng. Loại tư liệu này thường không cho biết chính xác về thời gian và địa điểm, nhưng phần nào phản ánh hiện thực lịch sử.

Câu hỏi trang 13 SGK Lịch sử 6: Em hiểu thế nào là tư liệu gốc? Cho ví dụ cụ thể?

Trả lời:

- Tư liệu gốc là tư liệu cung cấp những thông tin đầu tiên và trực tiếp về sự kiện lịch sử. Xét về hình thức và nội dung phản ánh, tư liệu lịch sử gốc được chia làm 4 loại chính, là: tư liệu vật chất, tư liệu chữ viết, tư liệu hình ảnh và tư liệu ghi âm, ghi hình. Đây là nguồn tư liệu đáng tin cậy nhất khi tìm hiểu lịch sử.

- Ví dụ:

+ Tư liệu hiện vật: trống đồng Đông Sơn; Thạp đồng Đào Thịnh…

+ Tư liệu chữ viết: Đại Việt sử kí Toàn thư (sách); các bài văn kí trên Bia Tiến sĩ ở Văn Miếu…

+ Tư liệu hình ảnh: Hồng Đức Bản đồ; An Nam Đại quốc họa đồ…

+ Tư liệu ghi âm, ghi hình: các thước phim tài liệu về chiến dịch Điện Biên Phủ; bản ghi âm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp…

B. CÂU HỎI CUỐI BÀI

Câu 1 trang 13 SGK Lịch sử 6: Theo em, tư liệu hiện vật, tư liệu chữ viết, tư liệu truyền miệng và tư liệu gốc có ý nghĩa và giá trị gì?

Trả lời:

Loại tư liệu

Ý nghĩa

Giá trị

Tư liệu

hiện vật

- Gồm những di tích, công trình hay đồ vật (văn bia, trống đồng, đồ gốm…).

- Nếu biết cách khai thác, các tư liệu hiện vật có thể cung cấp những thông tin khá cụ thể và trung thực về đời sống vật chất và phần nào đời sống tinh thần của người xưa.

Tư liệu

chữ viết

- Tư liệu chữ viết là những bản ghi, tài liệu chép tay hay sách được in, khắc chữ.

- Các nguồn tài liệu này kể cho ta biết tương đối đầy đủ về các mặt của đời sống con người. Tuy nhiên, tư liệu chữ viết thường mang ý thức chủ quan của tác giả tư liệu. 

Tư liệu

truyền miệng

- Là những câu chuyện (truyền thuyết, cổ tích, thần thoại…) được truyền từ đời này sang đời khác.

- Nếu khai thác đúng cách, các tư liệu truyền miệng có thể giúp chúng ta biết nhiều sự kiện lịch sử có giá trị.

Tư liệu gốc

- Tư liệu gốc là tư liệu cung cấp những thông tin đầu tiên và trực tiếp về sự kiện lịch sử.

-Xét về hình thức và nội dung phản ánh, tư liệu lịch sử gốc được chia làm 4 loại chính, là: tư liệu vật chất, tư liệu chữ viết, tư liệu hình ảnh và tư liệu ghi âm, ghi hình.

- Đây là nguồn tư liệu đáng tin cậy nhất khi tìm hiểu lịch sử.

Câu 2 trang 13 SGK Lịch sử 6: Khai thác hình 2, 3, 4 và 5 trong bài học, hãy cho biết hình ảnh nào thuộc tư liệu gốc?

Tài liệu VietJack

Trả lời:

- Các hình ảnh: 2, 3, 4 là tư liệu gốc.

- Hình 5 (truyền thuyết Thánh Gióng) là tư liệu truyền miệng.

Câu 3 trang 13 SGK Lịch sử 6: Hãy kể tên một số truyền thuyết có liên quan đến lịch sử mà em biết.

Trả lời:

- Một số truyền thuyết có liên quan đến Lịch sử là:

+ Truyền thuyết Thánh Gióng.

+ Truyền thuyết bánh chưng – bánh giày.

+ Truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy.

+ Sự tích Hồ Gươm.

Câu 4 trang 13 SGK Lịch sử 6Ở nhà hoặc nơi em sinh sống có những hiện vật nào có thể giúp tìm hiểu lịch sử? Hãy giới thiệu ngắn gọn một hiện vật mà em thích nhất.

Trả lời:

- Gần nơi em sống có khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám (số 58 Quốc Tử Giám, Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội) có thể giúp tìm hiểu về Lịch sử.

- Giới thiệu về: Bia tiến sĩ trong Văn Miếu

+ Bia tiến sĩ Văn Miếu gồm 82 tấm bia đá khắc các bài văn bia đề danh tiến sĩ Nho học Việt Nam của các khoa thi Đình thời nhà Hậu Lê và nhà Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội. Bia được đặt trên lưng rùa đá để biểu thị sự trường tồn của tinh hoa dân tộc, phản ánh được giá trị văn hóa, lịch sử của đất nước trong suốt 300 năm.

+ Năm 1484, với chủ trương đề cao Nho học và tôn vinh bậc tri thức Nho học đỗ đại khoa, vua Lê Thánh Tông đã cho dựng 7 tấm bia tiến sĩ đầu tiên tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho các khoa thi năm 1442, 1448, 1463, 1466, 1475, 1478 và 1481 thời Lê Sơ. Trong những năm tiếp theo, nhà Lê Sơ đã cho dựng thêm 5 tấm bia tiến sĩ các khoa thi năm 1487, 1496, 1502, 1511 và 1514. Đến thời nhà Mạc, do tiến hành nội chiến với nhà Lê Trung Hưng nên chỉ dựng được 2 bia tiến sĩ cho khoa thi năm 1518 (thời nhà Lê Sơ) và năm 1529. Như vậy, trong suốt thời kỳ nhà Mạc nắm giữ kinh thành Thăng Long, đã có 22 khoa thi tiến sĩ được tổ chức nhưng chỉ có duy nhất một khoa thi được dựng bia tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám là khoa thi năm 1529. Sang triều đại Lê Trung Hưng, các khoa thi tiến sĩ Nho học được khôi phục ngay từ thời vua Lê Trung Tông còn đóng đô ở Thanh Hóa. Sau khi chiếm lại được Thăng Long, các khoa thi được tổ chức đều đặn hơn nhưng cũng phải đến năm 1653 thì nhà Lê Trung Hưng mới tiến hành một đợt dựng bia tiến sĩ lớn nhất tại Văn Miếu với 25 bia tiến sĩ cho các khoa thi từ năm 1554 đến năm 1652. Sau đó, tới năm 1717 lại có một đợt dựng bia lớn thứ 2 dưới triều đại nhà Lê Trung Hưng với 21 bia tiến sĩ cho các khoa thi từ năm 1656 đến năm 1715. Với hai đợt dựng bia tiến sĩ lớn và sau đó là các lần dựng bia thường xuyên sau mỗi khoa thi cho tới khoa thi năm 1779 thì nhà Lê Trung Hưng đã dựng phần lớn trong tổng số 82 bia tiến sĩ (68/82). Sang triều đại nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn, kinh đô được chuyển vào Phú Xuân – Huế nên các bia tiến sĩ không còn được dựng tại Văn Miếu (Hà Nội) nữa. Nhà Nguyễn bắt đầu cho dựng bia tiến sĩ tại Văn Miếu Huế từ khoa thi năm 1822.

+ Tất cả 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu (Hà Nội) đều được chế tác theo cùng một phong cách: bia dẹt, trán cong, hình vòm. Các tấm bia được đặt trên lưng rùa, rùa được tạo dáng theo một phong cách chung: to, đậm và chắc khỏe. Cách thức dựng bia cũng rất độc đáo: đá dựng bia được lựa chọn kỹ càng, sau đó được thiết kế, trang trí, chạm khắc các hoa văn và khắc bài văn ký. Vì được làm hoàn toàn bằng tay nên công việc này đòi hỏi sự nhẫn nại và khéo léo rất lớn của những người thợ.

+ 82 bia đá tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) là những tấm bia tiến sĩ duy nhất trên thế giới có bài ký (văn bia) không chỉ lưu danh những tiến sĩ đã thi đỗ trong các kỳ thi trải dài suốt gần 300 năm (từ 1442 đến 1779) mà còn ghi lại lịch sử các khoa thi và triết lý của triều đại về nền giáo dục và đào tạo, sử dụng nhân tài, do đó có tác động to lớn đối với xã hội đương thời và hậu thế. Các bài văn bia còn ghi rõ ngày tháng dựng bia, tên của người soạn văn bia, người dựng bia. Điều này khẳng định tính xác thực, nguyên bản và duy nhất của tư liệu. Các văn bia đều do những danh nhân văn hóa, trí thức lớn của đất nước biên soạn nên về cơ bản chúng là những tác phẩm văn học vô giá. Những văn bia này được viết bằng chữ Hán với cách viết khác nhau khiến cho mỗi tấm bia như một bức tranh chữ, một tác phẩm thư pháp. Mỗi dòng chữ trên 82 tấm bia đá là nguồn sử liệu vô cùng quý giá giúp chúng ta nghiên cứu về con người và sự nghiệp của nhiều danh nhân đất Việt như Nguyễn Trãi, Ngô Sĩ Liên, Nguyễn Quý Đức, Đặng Đình Tướng…

+ Bên cạnh đó, mỗi tấm bia còn là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tinh tế và độc đáo với những hoa văn trang trí cầu kỳ mang tính cách điệu cao như hoa lá, mây, trăng, long, ly, quy, phượng. Chữ viết trên bia, các hoa văn trang trí cùng phong cách tạo dáng bia, rùa đều mang dấu ấn của thời đại sản sinh ra chúng. Nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật đã coi đây như một tư liệu quan trọng trong quá trình nghiên cứu về lịch sử mỹ thuật và điêu khắc Việt Nam từ thế kỷ XV đến XVIII.

+ Đến nay, bia tiến sĩ Văn Miếu vẫn là những bản gốc duy nhất được lưu giữ tại chỗ, liên tục kể từ khi dựng. Phần lớn các hoa văn và văn tự còn rõ, có khả năng đọc được. Tính hiếm có và không thể thay thế ở nội dung và cách thức dựng bia, giá trị lịch sử – mỹ thuật và ảnh hưởng xã hội của tấm bia khiến cho 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) trở nên vô cùng đặc sắc.

+ Chiều ngày 9/3/2010 tại Ma Cao, Trung Quốc, Ủy ban ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã công nhận 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Hậu Lê và Mạc ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) là di sản tư liệu thế giới thuộc chương trình ký ức thế giới của UNESCO.

 

Bài giảng Lịch sử lớp 6 sách Kết nối tri thức

Bài viết liên quan

423