Đề thi giữa học kì 1 Ngữ Văn lớp 6 năm 2021 - 2022 có đáp án (4 đề)

Phần dưới là Đề thi giữa học kì 1 Ngữ Văn lớp 6 năm 2021 - 2022 có đáp án (4 đề). Hi vọng bộ đề thi này sẽ giúp bạn ôn tập & đạt điểm cao trong các bài thi môn Ngữ văn lớp 6.

5748
  Tải tài liệu

Đề thi giữa học kì 1 Ngữ Văn lớp 6 năm 2021 - 2022 có đáp án (4 đề)

 

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa Học kì 1

Năm học 2021 - 2022

Bài thi môn: Ngữ văn lớp 6

Thời gian làm bài: 90 phút

(Đề số 1)

 

PHẦN I: TRẮC NGHIỆM (2 điểm)

Đọc kĩ đoạn văn sau và trả lời câu hỏi bằng cách chọn chữ cái trước câu trả lời đúng:

Giặc đã đến chân núi Trâu. Thế nước rất nguy, người người hoảng hốt. Vừa lúc đó, sứ giả đem ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt đến. Chú bé vùng dậy vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong, lẫm liệt. Tráng sĩ bước lên vỗ vào mông ngựa. Ngựa hí dài mấy tiếng vang dội. Tráng sĩ mặc áo giáp, cầm roi, nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun lửa, tráng sĩ thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc, đón đầu chúng đánh giết hết lớp này đến lớp khác, giặc chết như rạ. Bỗng roi sắt gãy. Tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc. Giặc tan vỡ. Đám tàn quân giẫm đạp lên nhau chạy trốn, tráng sĩ đuổi đến chân núi Sóc (Sóc Sơn). Đến đấy, một mình một ngựa, tráng sĩ lên đỉnh núi, cởi giáp sắt bỏ lại, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời.

Câu 1 : Đoạn văn trên trích từ văn bản nào?

A. Em bé thông minh.

B. Sơn Tinh, Thủy Tinh.

C. Thạch Sanh.

D. Thánh Gióng.

Câu 2 : Phương thức biểu đạt của đoạn văn trên là gì?

A. Tự sự.

B. Miêu tả.

C. Biểu cảm.

D. Nghị luận.

Câu 3 : Cụm từ nào trong câu văn sau là cụm danh từ?

“Tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc.”

A. Tráng sĩ bèn nhổ

B. những cụm tre cạnh đường

C. quật vào giặc.

D. những cụm tre cạnh đường quật vào giặc.

Câu 4 : Chi tiết sau đây có ý nghĩa gì?

“Đến đấy, một mình một ngựa, tráng sĩ lên đỉnh núi, cởi giáp sắt bỏ lại, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời.”

A. Hình ảnh Gióng bất tử trong lòng nhân dân.

B. Gióng xả thân vì nghĩa lớn, không hề đòi hỏi công danh, phú quý.

C. Dấu tích của chiến công, Gióng để lại cho quê hương, xứ sở.

D. Cả A, B và C

II. PHÀN TỰ LUẬN (8 điểm)

Câu 1 : Thế nào là truyện ngụ ngôn? Kể tên các truyện ngụ ngôn mà em đã học và đọc thêm trong chương trình Ngữ văn 6 (Tập 1) ?

 

Câu 2 : Hãy giải nghĩa của các từ “xuân” trong câu thơ sau và cho biết từ “xuân” nào được dùng theo nghĩa gốc, từ “xuân” nào được dùng theo nghĩa chuyển?

Mùa xuân là tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

(Hồ Chí Minh)

Câu 3 : Mẹ là người đã sinh ra em, là người dìu dắt, che chở cho em trong cuộc sống. Hãy viết một bài văn kể về mẹ của em?

Đáp án và Hướng dẫn làm bài

PHẦN I: TRẮC NGHIỆM (2 điểm)

Câu 1 2 3 4
Đáp án D A B D

 

 

 

Phần II. TỰ LUẬN (8 điểm)

Câu 1 : (1.5 điểm)

- Truyện ngụ ngôn là loại truyện kể, bằng văn xuôi hoặc văn vần, mượn chuyện về loài vật, đồ vật hoặc về chính con người để nói bóng gió, kín đáo chuyện con người, nhằm khuyên nhủ, răn dạy người ta bài học nào đó trong cuộc sống. (0,5 điểm)

- Các truyện ngụ ngôn đã học và đọc thêm: (1 điểm)

+ Ếch ngồi đáy giếng.

+ Thầy bói xem voi.

+ Đeo nhạc cho mèo.

+ Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng.

Câu 2 : (1.5 điểm)

- Từ “xuân” trong câu 1 được dùng theo nghĩa gốc (0,25 điểm): Chỉ một mùa trong năm, mùa chuyển tiếp từ đông sang hạ, thời tiết ấm dần lên, thường được coi là mở đầu của một năm.(0,5 điểm)

- Từ “xuân” trong câu 2 được dùng theo nghĩa chuyển ( 0,25 điểm): Chỉ sự tươi đẹp, giàu có, tươi mới của đất nước.(0,5 điểm)

Câu 3 : (5 điểm)

* Yêu cầu chung: HS biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về văn kể chuyện để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng, kể phải phù hợp với đời sống thực tế. Văn viết có cảm xúc, chân thực, diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết, không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể :

a. Mở bài: (0,5 điểm)

- Giới thiệu chung về mẹ em.

b. Thân bài: ( 4 điểm )

- Giới thiệu về mẹ qua hình dáng, tuổi tác, tính tình, công việc.

- Kể về sở thích của mẹ.

- Kể về sự quan tâm, chăm sóc của mẹ đối với cả nhà.

- Kể về tình yêu thương đặc biệt mà mẹ dành cho em (có thể kể một kỉ niệm sâu sắc giữa em và mẹ)

c. Kết bài: (05 điểm)

- Nêu tình cảm, ý nghĩ của em đối với mẹ.

Hỏi đáp VietJack

____________________________________________________________________________

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa Học kì 1

Năm học 2021 - 2022

Bài thi môn: Ngữ văn lớp 6

Thời gian làm bài: 90 phút

(Đề số 2)

 

Câu 1 : (2 điểm) Hãy đọc kĩ đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

“ Ôi sức trẻ ! Xưa trai Phù Đổng

Vươn vai, lớn bổng dậy nghìn cân

Cưỡi lưng ngựa sắt bay phun lửa

Nhổ bụi tre làng, đuổi giặc Ân”

(Tố Hữu)

a. Đoạn thơ gợi em nhớ tới truyện dân gian nào đã được học? Nhân vật chính trong truyện là ai?

b. Đoạn thơ kể lại những việc nào của nhân vật trong truyện em đã nêu trên?

c. Viết câu văn nêu cảm nghĩ của em về việc “nhổ bụi tre làng đánh giặc” của nhân vật trong truyện?

Câu 2 : (3 điểm)

Đọc câu văn sau và thực hiện các yêu cầu:

Chỉ mấy vạt cỏ xanh biếc là rực lên giữa cái giang sơn vàng rọi”.

(Kỉ niệm rừng xanh - Nguyễn Phan Hách)

a. Trong câu văn có dùng mấy cụm danh từ, hãy ghi lại?

b. Hãy kẻ mô hình cụm danh từ và điền các cụm danh từ tìm được vào đó?

c. Trong cụm danh từ “mấy vạt cỏ xanh biếc”, có thể thay từ “vạt” bằng những từ nào, đó là từ loại gì?

d. Làm thế nào để nhận biết một cụm danh từ trong câu văn?

Câu 3 : (5 điểm)

Học sinh được chọn 01 đề trong 02 đề sau để viết bài văn ngắn khoảng 01 trang giấy thi.

Đề 1 : Kể lại một việc tốt em đó làm trên đường đi học.

Đề 2 : Hãy là Bác Tai trong truyện “Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng” kể lại nội dung câu chuyện.

Đáp án và Hướng dẫn làm bài

Câu 1 :

a.

- Nêu được truyện, nhân vật được 0,5 điểm:

+ Truyện “Tháng Gióng

+ nhân vật chính: Thánh Gióng

b.

- Nêu các sự việc được 1 điểm

+ Gióng vươn vai lớn dậy

+ Gióng cưỡi ngựa sắt xông trận

+ Gióng nhổ tre đánh giặc

(Nếu chỉ nêu được 2 việc được 0,75 điểm. Nếu chỉ nêu được 1 việc được 0,25 điểm)

c.

Viết được câu văn nêu cảm nghĩ (Thích, cảm phục, tự hào, muốn học tập,.... về việc làm của nhân vật) đảm bảo ngữ pháp, nội dung được 0,5 điểm)

 

Ví dụ:

+ Việc nhổ tre đánh giặc của Thánh Gióng thể hiện sự linh hoạt (thông minh, nhanh nhạy,...) của người anh hùng.

+ Vũ khí đánh giặc của người anh hùng có ở ngay trong cuộc sống.

+ Em muốn có được sự thông minh như Thánh Gióng.

+......

Câu 2 :

a.

- Nhận diện được 2 cụm danh và ghi lại chính xác, được 0,5 điểm:

+ mấy vạt cỏ xanh biếc

+ cái giang sơn vàng rọi

b.

- Kẻ đúng mô hình cụm danh từ được 0,5 điểm. (Học sinh kẻ mô hình cụm danh từ chi gồm ba cột TT, PT, PS cho 0,25 điểm)

- Điền đúng vị trí các từ trong từng cụm danh từ vào vị trí trong mô hình, được 0,5 điểm.

Đề thi Giữa kì 1 Ngữ Văn lớp 6 có đáp án (Đề 4)

c.

Tìm được các danh từ đơn vị tương đương thay cho từ “vạt” được 0,75 điểm (ít nhất 3 từ), nêu đúng tên từ loại – là danh từ đơn vị được 0,25 điểm

+ Các từ thay cho từ “vạt”: đám, mảnh, miếng, cụm,…

+ Các từ đó là danh từ đơn vị (đơn vị ước chừng)

d.

Nêu được cách nhận biết một cụm danh từ, được 0,5 điểm. Cần thực hiện các bước:

+ Đọc kĩ câu văn để hiểu nội dung.

+ Xác định danh từ trong câu (xem danh từ đó làm thành phần nào trong câu: chủ hay vị…)

+ Tìm các từ ngữ phụ thuộc danh từ ở trước hoặc sau nó để tạo thành cụm danh từ.

⇒ Đó là cụm danh từ.

Câu 3 :

Đề 1:

a. Mở Bài:

- Nêu sự việc được 0,25 điểm

- Nêu được nhận xét, đánh giá khái quát của người viết về việc, được 0,25 điểm

b. Thân Bài:

Trình bày cốt truyện đảm bảo 6 yếu tố (các ý): Sự việc, nhân vật, thời gian, không gian, diễn biến (thắt nút, cao trào, mở nút), kết quả, ý nghĩa. Ngôi kể, thứ tự kể hợp lí. Các yếu tố tham gia tạo thành cốt truyện. Có thể theo diễn biến sau: (Học sinh có thể sắp xếp theo thứ tự kể khác, hợp lí vẫn tình điểm theo hướng dẫn):

* Kể được sự việc, nguyên nhân (lí do, tình huống trong không gian, thời gian): được 0,5 điểm

* Các sự việc phát triển: được 3 điểm

- Sự việc thắt nút

- Sự việc cao trào

- Sự việc mở nút

* Kết quả, ý nghĩa: được 0,5 điểm

c. Kết Bài:

- Đáng giá về việc, rút ra bài học được 0,25 điểm

- Đưa ra lời khuyên,.... được 0,25 điểm

Đề 2:

a. Mở Bài:

- Nêu tình huống tiếp xúc truyện, nhân vật được 0,25 điểm

- Nêu nhận xét khái quát của ngườii kể về nội dung việc sẽ kể. được 0,25 điểm

b. Thân Bài:

Lần lượt kể nội dung câu chuyện ở vị trí người kể là Bác Tai. Khi kể có thể thêm những lời nhận xét, đánh giá bộc lộ điệu bộ, thái độ của người kể và sắp xếp hợp lí các việc. Cụ thể:

* Kể (tình huống), nguyên nhân sự việc: được 0,5 điểm

* Diễn biến các sự việc: được 3 điểm

- Sự việc thắt nút

- Sự việc cao trào

- Sự việc mở nút

* Kết quả, ý nghĩa: được 0,5 điểm

c. Kết Bài:

- Khẳng định việc được kể: được 0,25 điểm

- Bày tỏ thái độ của người kể: được 0,25 điểm

____________________________________________________________________________

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa Học kì 1

Năm học 2021 - 2022

Bài thi môn: Ngữ văn lớp 6

Thời gian làm bài: 90 phút

(Đề số 3)

 

PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (3 điểm)

Câu 1 : Dòng nào nêu đúng nhất các truyện cổ tích đã được học và đọc thêm?

A. Thánh Gióng; Em bé thông minh; Thạch Sanh; Sọ Dừa.

B. Cây bút thần; Thánh Gióng; Ông lão đánh cá và con cá vàng; Sọ Dừa.

C. Thạch Sanh; Sọ Dừa; Em bé thông minh; Cây bút thần; Ông lão đánh cá và con cá vàng.

D. Ông lão đánh cá và con cá vàng; Sọ Dừa; Thạch Sanh; Sự tích Hồ Gươm.

Câu 2 : Trong các nhận định sau, nhận định nào nói đúng nội dung truyện “Treo biển”?

A. Đề cao ân nghĩa trong đạo làm người.

B. Ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của con người.

C. Phê phán những người thiếu chủ kiến, ba phải.

D. Phê phán sự tham lam bội bạc của con người.

Câu 3 : Thạch Sanh thuộc kiểu nhân vật nào?

A. Dũng sĩ có tài năng kì lạ

B. Ngốc nghếch

C. Bất hạnh

D. Động vật

Câu 4 : Câu sau mắc lỗi gì?

“Ông họa sĩ già nhấp nháy bộ ria mép quen thuộc”.

A. Lặp từ

B. Lẫn lộn các từ gần âm

C. Sai chính tả

D. Cả 3 đáp án trên đều đúng

Câu 5 : Dòng nào sau đây là cụm danh từ ?

A. Đang học bài

B. Những học sinh chăm ngoan ấy

C. Rất xinh đẹp

D. Đùng đùng nổi giận

Câu 6 : Phần thân bài của một bài văn tự sự thường làm gì?

A. Giới thiệu chung về nhân vật và sự việc

B. Kể diễn viến sự việc

C. Kể kết cục sự việc

D. Nêu suy nghĩ của bản thân

PHẦN II. TỰ LUẬN ( 7 điểm)

Câu 1 : (1,5 điểm) Từ “mắt” trong câu sau được dùng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển? Nghĩa của nó là gì?

“Mắt na hé mở nhìn trời trong veo”

(Trần Đăng Khoa)

Câu 2 : (1,5 điểm) Trong chương trình Ngữ văn 6 kì I, em đã được học những câu chuyện sâu sắc về nội dung và giàu giá trị nghệ thuật. Hãy viết đoạn văn ngắn (khoảng 5 đến 7 câu) nêu cảm nhận của con về truyện ngụ ngôn “Thầy bói xem voi”.

 

Câu 3 : (4 điểm) Chọn một trong hai đề sau:

Đề 1 : Kể về một người gần gũi, thân quen với em ở trường lớp (bạn bè, thầy cô giáo, cô phụ trách bán trú, bác bảo vệ, bác lao công…).

Đề 2 : Nhập vai một nhân vật trong truyện “Thánh Gióng” và kể lại câu chuyện.

Đáp án và Hướng dẫn làm bài

PHẦN I: TRẮC NGHIỆM (3 điểm)

Câu 1 2 3 4 5 6
Đáp án C C A B B B

PHẦN II. TỰ LUẬN ( 7 điểm)

Câu 1 :

- Từ “mắt” được dùng theo nghĩa chuyển.

- Chỉ bộ phận giống hình những con mắt ở ngoài vỏ một số quả.

Câu 2 : Yêu cầu HS viết đúng theo mô hình đoạn cảm nhận, đủ số câu:

- Câu đầu: Giới thiệu tác phẩm (Truyện ngụ ngôn “Thầy bói xem voi”) và ấn tượng khái quát của mình về tác phẩm. ( 0,25 điểm)

- Các câu tiếp theo: Trình bày cảm nhận về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm

+ Nghệ thuật : Tình huống truyện độc đáo, lời kể ngắn gọn, dễ nhớ, chi tiết chọn lọc gây cười. (0,5 điểm)

+ Nội dung : Từ câu chuyện chế giễu cách xem voi và phán về voi của năm ông thầy bói, truyện khuyên người ta: muốn hiểu biết sự vật, sự việc phải xem xét chúng một cách toàn diện, không được bảo thủ, chủ quan, đoán mò. Truyện cho ta bài học về cách nhận thức, đánh giá sự vật, con người. (0,5 điểm)

- Câu cuối: Khẳng định cảm nghĩ của mình về tác phẩm. (0,25 điểm)

Câu 3 :

Yêu cầu chung:

- Bố cục rõ ràng, mạch lạc.

- Xây dựng nhân vật, tình huống truyện hợp lí, hấp dẫn.

- Diễn đạt sáng rõ, biểu cảm.

- Không mắc lỗi diễn đạt, lỗi chính tả.

Đề 1 :

1. Mở bài (0.5 điểm): Giới thiệu người định kể: Là ai ? Người được kể có quan hệ gì với em? Ấn tượng chung ?

2. Thân bài (3 điểm):

a. Ngoại hình : Tuổi tác? Tầm vóc? Dáng người? Khuôn mặt? Mái tóc? Mắt? Mũi? Miệng? Làn da? Trang phục?...( Biết kể vào một chi tiết ngoại hình ấn tượng nhất)

b. Kể chi tiết : ( Tùy từng người mà kể cho phù hợp)

* Nghề nghiệp, việc làm (những động tác, cử chỉ, hành động, việc làm hằng ngày...)

* Sở thích, sự đam mê

* Tính tình : Biểu hiện? Lời nói? Cử chỉ? Hành động với em, với những người xung quanh?

* Kỉ niệm đáng nhớ với người ấy?

3. Kết bài (0.5 điểm): Tình cảm, cảm nghĩ về người em đã kể? Yêu thích, tự hào, ước nguyện?...

Đề 2 :

* HS có thể nhập vai: Thánh Gióng, bà mẹ Gióng, ngựa sắt … để kể lại câu chuyện.

* Dàn ý tham khảo:

1. Mở bài (0,5 điểm) : Tạo tình huống tự nhiên để nhân vật giới thiệu mình và lí do kể lại câu chuyện:

- Giới thiệu tên, nơi ở…

- Lí do kể lại truyền thuyết

2. Thân bài (3 điểm) : Kể lần lượt diễn biến của truyền thuyết một cách hợp lí khi nhập vai nhân vật.

– Bà mẹ Gióng ướm chân lên vết chân to mang thai và đẻ ra Gióng.

– Gióng lên ba không nói không cười.

– Sứ giả đến Gióng xung phong đi giết giặc.

– Gióng lớn nhanh như thổi.

– Gióng vươn vai thành tráng sĩ xung trận giết giặc.

– Gióng bay về trời.

3. Kết bài (0,5 điểm) : Nêu kết thúc phù hợp với tình huống đã xây dựng ở mở bài

Hỏi đáp VietJack

____________________________________________________________________________

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa Học kì 1

Năm học 2021 - 2022

Bài thi môn: Ngữ văn lớp 6

Thời gian làm bài: 90 phút

(Đề số 4)

 

PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc kỹ đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

“Nhà vua lấy làm lạ, cho đưa Thạch Sanh đến. Trước mặt mọi người, chàng kể hết đầu đuôi chuyện của mình, từ chuyện kết bạn với Lí Thông đến chuyện chém chằn tinh, giết đại bàng, cứu công chúa, bị Lí Thông lấp cửa hang và cuối cùng bị bắt oan vào ngục thất. Mọi người bấy giờ mới hiểu ra mọi sự. Vua sai bắt giam hai mẹ con Lí Thông, lại giao cho Thạch Sanh xét xử. Chàng không giết mà cho chúng về quê làm ăn. Nhưng về đến nửa đường thì chúng bị sét đánh chết, rồi bị hóa kiếp thành bọ hung.”

(Sách Ngữ văn 6, tập một - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)

Câu 1 : (0,5 điểm) Đoạn văn trên được trích từ văn bản nào? Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn là gì ?

Câu 2 : (0,5 điểm) Chỉ ra 1 danh từ chung, 1 danh từ riêng trong câu: “Nhà vua lấy làm lạ, cho đưa Thạch Sanh đến” ?

Câu 3 : (1 điểm) Vì sao mẹ con Lí Thông được Thạch Sanh tha tội chết nhưng vẫn bị trời trừng trị?

Câu 4 : (1 điểm) Việc tha tội chết cho mẹ con Lí Thông của Thạch Sanh thể hiện phẩm chất đẹp đẽ nào ở nhân vật này, đồng thời gửi gắm ước mơ gì của nhân dân ta?

PHẦN II. KIỂM TRA KIẾN THỨC (2,0 điểm)

Câu 1 : (0.5 điểm) Thế nào là động từ? Cho 1 ví dụ về động từ?

Câu 2 : (0.5 điểm) Kể tên các truyền thuyết đã được học trong chương trình Ngữ văn 6?

Câu 3 : (1 điểm) Trình bày ý nghĩa của truyện ngụ ngôn “Ếch ngồi đáy giếng”? (Sách Ngữ văn 6, tập một - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).

PHẦN III. LÀM VĂN (5,0 điểm)

Hãy kể về người mẹ của em.

Đáp án và Hướng dẫn làm bài

PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Câu 1 :

- Đoạn văn trên được trích từ văn bản “Thạch Sanh”.

- Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn là: Tự sự.

Câu 2 :

- Danh từ chung: nhà vua.

- Danh từ riêng: Thạch Sanh.

Câu 3 :

Mẹ con Lí Thông được Thạch Sanh tha tội chết nhưng vẫn bị trời trừng trị là vì:

- Mẹ con Lí Thông là kẻ ác, tham lam, nhiều lần hãm hại Thạch Sanh.

- Thể hiện ước mơ của nhân dân ta: Kẻ ác sẽ bị trừng trị.

Câu 4 :

- Việc Thạch Sanh tha tội chết cho Lí Thông thể hiện Thạch Sanh là người nhân nghĩa, phúc hậu, khoan dung, độ lượng và giàu lòng vị tha.

- Thể hiện ước mơ của nhân dân ta: Ở hiền gặp lành.

PHẦN II. KIỂM TRA KIẾN THỨC (2,0 điểm)

Câu 1 :

- Động từ là những từ chỉ hoạt động, trạng thái của sự vật.

- Ví dụ về động từ: đi, đứng, hát,...

Câu 2 :

Các truyền thuyết đã được học trong chương trình Ngữ văn 6:

- Con Rồng cháu Tiên

- Bánh chưng, bánh giầy

- Sơn Tinh, Thủy Tinh.

- Thánh Gióng.

- Sự tích Hồ Gươm.

Câu 3 :

Ý nghĩa của truyện ngụ ngôn “Ếch ngồi đáy giếng”:

- Phê phán những kẻ hiểu biết hạn hẹp mà lại huênh hoang.

- Khuyên nhủ người ta phải cố gắng mở rộng tầm hiểu biết của mình, không được chủ quan, kiêu ngạo.

PHẦN III. LÀM VĂN (5,0 điểm)

Mở bài:

Dẫn dắt, giới thiệu khái quát về người mẹ và những ấn tượng, cảm xúc của em khi nghĩ về mẹ.

Thân bài:

- Kể, tả về ngoại hình, tính cách, sở thích, công việc hằng ngày của mẹ.

- Kể về vai trò của mẹ trong gia đình em:

+ Mẹ là người phụ nữ tần tảo, đảm đang: Cùng cha quán xuyến mọi công việc gia đình.

+ Mẹ thương yêu, lo lắng cho các con hết mực: Từng bữa ăn, giấc ngủ, chăm lo việc học, dạy dỗ các con nên người…

+ Khi mẹ vắng nhà: thiếu đi tất cả những gì mẹ dành cho gia đình, bố con vụng về trong mọi công việc…

- Kể về cách ứng xử, quan hệ của mẹ đối với mọi người:

+ Cởi mở, hoà nhã với xóm làng...

+ Thương yêu, giúp đỡ mọi người khi gặp khó khăn.

- Cảm xúc của em như thế nào khi nhắc đến mẹ. Tình cảm mà em dành cho mẹ.

Kết bài

Cảm nghĩ của em về mẹ. Em sẽ làm gì để xứng đáng là con của mẹ.

Bài viết liên quan

5748
  Tải tài liệu