Đề thi giữa học kì 1 Ngữ văn lớp 10 năm 2021 - 2022 có đáp án (4 đề)

Tài liệu 4 Đề thi giữa học kì 1 Ngữ văn lớp 10 năm học 2021 - 2022 được tổng hợp, cập nhật mới nhất từ đề thi môn Ngữ văn 10 của các trường THPT trên cả nước. Thông qua việc luyện tập với đề thi Ngữ văn lớp 10 giữa học kì 1 này sẽ giúp các em học sinh hệ thống kiến thức đã học, ôn luyện để đạt điểm cao trong các bài thi môn Ngữ văn 10. Chúc các em học tốt!

2124
  Tải tài liệu

Đề thi giữa học kì 1 Ngữ văn lớp 10 năm 2021 - 2022 có đáp án (4 đề)

 

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa Học kì 1

Năm học 2021 - 2022

Môn: Ngữ văn lớp 10

Thời gian làm bài: 45 phút

(Đề thi số 1)

Phần I. Đọc hiểu (5 điểm)

Đọc bài thơ sau của Nguyễn Khoa Điềm và trả lời các câu hỏi :

      MẸ VÀ QUẢ

   Những mùa quả mẹ tôi hái được

   Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng

   Những mùa quả lặn rồi lại mọc

   Như mặt trời, khi như mặt trăng

   Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên

   Còn những bí và bầu thì lớn xuống

   Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn

   Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.

   Và chúng tôi, một thứ quả trên đời

   Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái

   Tôi hoảng sợ, ngày bàn tay mẹ mỏi

   Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.

      (Thơ Việt Nam 1945 - 1985, NXB Văn học, Hà Nội, 1985)

Câu 1: Nêu chủ đề của bài thơ?

Hỏi đáp VietJack

Câu 2: Tìm phép điệp trong khổ thơ đầu và phép đối trong khổ thơ thứ hai.

Câu 3: Trong nhan đề và bài thơ, chữ “quả” xuất hiện nhiều lần. Chữ “quả” ở dòng nào mang ý nghĩa tả thực? Chữ “quả” ở dòng nào mang ý nghĩa biểu tượng?

Câu 4: Nghĩa của cụm từ in đậm trong hai dòng cuối của bài thơ “Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi - Mình vẫn còn một thứ quả non xanh”.

Câu 5: Viết một đoạn văn (khoảng 15 đến 20 dòng), trình bày suy nghĩ của Anh/ chị về tình mẫu tử.

Phần II. Làm văn (5 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài) của Phạm Ngũ Lão.

Đáp án và thang điểm

Phần I: Đọc hiểu (5.0 điểm)

Câu 1: Chủ đề của bài thơ là sự nhận thức của người con về công ơn của mẹ.

Câu 2:

* Phép điệp: Những mùa quả.

* Phép đối: Lũ chúng tôi lớn lên – Bí và bầu lớn xuống.

Câu 3:

* Chữ “quả” mang ý nghĩa tả thực: dòng 1 và dòng 3 của khổ đầu.

* Chữ “quả” mang ý nghĩa biểu tượng: dòng 1 và dòng 4 của khổ cuối.

Câu 4: Nghĩa của cụm từ quả non xanh: Chưa đến độ chín, chưa trưởng thành; chưa làm được những điều xứng đáng với sự mong đợi của mẹ, chưa trở thành người tốt,...

Câu 5: Đoạn văn cần đáp ứng yêu cầu cả về hình thức và nội dung. Cụ thể nêu được những ý sau:

- Vai trò to lớn của người mẹ đối với con:

+ Có công sinh thành, nuôi dưỡng chăm sóc, dạy dỗ con cái nên người.

+ Luôn bao bọc, chở che, hi sinh tất cả vì con.

- Phê phán những người mẹ sống thiếu trách nhiệm, thương con một cách mù quáng.

- Trách nhiệm làm con: Phải biết vâng lời mẹ, chăm sóc mẹ khi ốm đau, làm những điều tốt để mẹ vui lòng,…

Phần II: Làm văn (5đ)

MB

- Giới thiệu tác giả Phạm Ngũ Lão; giới thiệu tác phẩm: Tỏ lòng (Thuật hoài).

- Nêu vấn đề nghị luận: Bài thơ Tỏ lòng.

TB

- Sơ lược về nhà Trần

   + Trong các triều đại phong kiến nhà Trần là triều đại để lại nhiều dấu ấn lịch sử đáng ghi nhớ nhất.

   + Thời đại ấy hun đúc nên những con người vĩ đại và trở lại, con người lại làm vẻ vang cho thời đại sản sinh ra mình.

- Nội dung:

+ Vẻ đẹp con người:

• Hình tượng con người kì vĩ (Hai câu đầu).

• Vẻ đẹp tư tưởng nhân cách (Hai câu sau).

+ Vẻ đẹp thời đại (HS có thể trình bày lồng vào vẻ đẹp con người)

• Chân dung thời đại được phản ánh qua hình tượng con người trung tâm.

• Hình ảnh con người trầm tư suy nghĩ về ý chí lí tưởng, hoài bão của mình là sự khúc xạ tuyệt đẹp của chân dung thời đại.

- Nghệ thuật:

   + Thể thơ thất ngôn tư tuyệt Đường luật ngắn gọn, đạt tới độ súc tích cao.

   + Từ ngữ hình ảnh to lớn để miêu tả tầm vóc của con người thời đại nhà Trần.

KB: Nhận xét đánh giá: Con người và thời đại nhà Trần (Thời đại Đông A) thật gần gũi, đẹp đẽ.

 

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa Học kì 1

Năm học 2021 - 2022

Môn: Ngữ văn lớp 10

Thời gian làm bài: 45 phút

(Đề thi số 2)

Phần I. Đọc hiểu (3 điểm)

Đọc đoạn văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

"8/3/69

Đi thăm bệnh nhân về giữa đêm khuya. Trở về phòng, nằm thao thức không ngủ được. Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hoặc một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây. Nghĩ gì đấy Th. ơi?. Nghĩ gì mà đôi mắt đăm đăm nhìn qua bóng đêm. Qua ánh trăng mờ Th. thấy biết bao là viễn cảnh tươi đẹp, cả những cận cảnh êm đềm của những ngày sống giữa tình thương trên mảnh đất Đức Phổ này. Rồi cảnh chia li, cảnh đau buồn cũng đến nữa ... Đáng trách quá Th. ơi! Th. có nghe tiếng người thương binh khẽ rên và tiếng súng vẫn nổ nơi xa. Chiến trường vẫn mùa chiến thắng."

(Nhật kí Đặng Thùy Trâm, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2005)

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên?

Câu 2: Văn bản trên tồn tại dưới dạng nào?

Câu 3: Chỉ ra dấu hiệu của phong cách ngôn ngữ đó trong văn bản trên?

Phần II. Làm văn (7 điểm)

Câu 1: Viết bài văn khoảng một trang giấy thi trình bày suy nghĩ của em về hiện tượng xả rác bừa bãi ở nơi công cộng hiện nay?

Câu 2: Phân tích bài thơ “Cảnh ngày hè ” của Nguyễn Trãi.

Đáp án và thang điểm

Phần I: Đọc hiểu (3đ)

Câu 1: Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

Câu 2: Dạng viết: Nhật kí.

Câu 3: Dấu hiệu của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt:

- Tính cụ thể:

   + Con người: Th – nhân vật phân thân đối thoại.

   + Thời gian: Đêm khuya.

   + Không gian: Rừng núi.

- Tính cảm xúc: Thể hiện ở giọng điệu thân mật, câu nghi vấn, câu cảm thán, những từ ngữ: Viễn cảnh, cận cảnh, cảnh chia li, cảnh đau buồn được viết theo dòng tâm tư.

- Tính cá thể: Nét cá thể trong ngôn ngữ của nhật kí là ngôn ngữ của một người giàu cảm xúc, có đời sống nội tâm phong phú ("...nằm thao thức không ngủ được", "Nghĩ gì đấy Th. ơi?", "Th. thấy...", "Đáng trách quá Th.ơi!", "Th. có nghe...?")

Phần II: Làm văn (7đ)

Câu 1:

Mở bài Giới thiệu vấn đề nghị luận.

Thân bài:

a/ Giải thích đề bài: Xả rác bừa bãi là hiện tượng xả rác không đúng nơi quy định, không vứt rác vào thùng mà bỏ lung tung, thậm chí vứt ngay xuống đường phố.

b/ Thực trạng.

• Một người ngang nhiên vứt rác bừa bãi ra đường.

• Rác bay từ trên gác xuống đường bất chấp ai ở bên dưới.

• Vứt rác xuống hồ.

• Những nơi nhiều khách tham quan du lịch rác ở khắp nơi...

c/ Nguyên nhân

- Chủ quan

• Do thói quen đã có từ lâu đời.

• Do thiếu hiểu biết.

• Do thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, ích kỉ, lười nhác, thiếu lòng tự tôn dân tộc, thiếu một tấm lòng...

- Khách quan

• Do đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu – giờ thu gom rác không đáp ứng được với tất cả người dân.

• Không có chế tài xử phạt nghiêm khắc.

d/ Hậu quả.

• Tạo ra một thói quen xấu trong đời sống văn minh hiện đại.

• Gây ô nhiễm môi trường.

• Bệnh tật phát sinh bạc...

• Ảnh hưởng đến cảnh quan, thẩm mĩ, mất đi vẻ xanh - sạch - đẹp vốn có.

• Ngành du lịch gặp khó khăn, hình ảnh dân tộc, đất nước bị giảm đi ấn tượng tốt đẹp.

e/ Bài học: Nêu được bài học cho riêng mình.

Kết bài: Suy nghĩ về vấn đề cần nghị luận.

Câu 2:

- Giới thiệu vài nét về tác giả và tác phẩm (có thể tích hợp trong phần mở bài)

- Vẻ đẹp rực rỡ của bức tranh thiên nhiên

   + Mọi hình ảnh đều sống động: hoè lục đùn đùn, rợp mát như giương ô che rợp; thạch lựu phun trào sắc đỏ, sen hồng đang độ ngát mùi hương.

   + Mọi màu sắc đều đậm đà: hoè lục, lựu đỏ, sen hồng.

- Vẻ đẹp thanh bình của bức tranh đời sống con người: nơi chợ cá dân dã thì "lao xao", tấp nập; chốn lầu gác thì "dắng dỏi" tiếng ve như một bản đàn.

Cả thiên nhiên và cuộc sống con người đều tràn đầy sức sống. Điều đó cho thấy một tâm hồn khao khát cuộc sống, yêu đời mãnh liệt và tinh tế, giàu chất nghệ sĩ của tác giả.

- Niềm khát khao cao đẹp

   + Đắm mình trong cảnh ngày hè, nhà thơ ước có cây đàn của vua Thuấn, gảy khúc Nam phong cầu mưa thuận gió hòa để "Dân giàu đủ khắp đòi phương".

   + Lấy Nghiêu, Thuấn làm "gương báu răn mình", Nguyễn Trãi đã bộc lộ chí hướng cao cả: luôn khao khát đem tài trí để thực hiện tư tưởng nhân nghĩa yêu nước thương dân.

Nghệ thuật

- Hệ thống ngôn từ giản dị, tinh tế xen lẫn từ Hán và điển tích.

- Thể thơ thất ngôn xen lục ngôn.

Sử dụng từ láy độc đáo: đùn đùn, lao xao, dắng dỏi,...

Đánh giá chung

Tư tưởng lớn xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Trãi - tư tưởng nhân nghĩa yêu nước thương dân - được thể hiện qua những rung động trữ tình dạt dào trước cảnh thiên nhiên ngày hè .

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa Học kì 1

Năm học 2021 - 2022

Môn: Ngữ văn lớp 10

Thời gian làm bài: 45 phút

(Đề thi số 3)

Phần I. Đọc hiểu (5 điểm)

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

   Chẳng ai muốn làm hành khất,

   Tội trời đày ở nhân gian.

   Con không được cười giễu họ,

   Dù họ hôi hám úa tàn.

 

   Nhà mình sát đường, họ đến,

   Có cho thì có là bao.

   Con không bao giờ được hỏi,

   Quê hương họ ở nơi nào.

   (...)

   Mình tạm gọi là no ấm,

   Ai biết cơ trời vần xoay,

  Lòng tốt gửi vào thiên hạ,

   Biết đâu nuôi bố sau này.

   (Trần Nhuận Minh, Dặn con, Nhà thơ và hoa cỏ, NXB Văn học, 1993)

Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích?

Câu 2: Hãy nêu nội dung chính của đoạn trích trên?

Câu 3: Hãy tìm trong vốn từ tiếng Việt từ đồng nghĩa với từ hành khất? Theo em, vì sao tác giả dùng từ hành khất thay vì các từ đồng nghĩa khác?

Câu 4: Từ đoạn trích trên, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề cho và nhận ở đời (cho đi và nhận lại).

Phần II. Làm văn (5 điểm)

Cảm nghĩ về những ngày đầu tiên bước vào trường trung học phổ thông.

Đáp án và thang điểm

Phần I. Đọc hiểu (5,0 điểm):

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm.

Câu 2: Nội dung chính của đoạn trích: Lời dặn của người cha với con:

- Lời dặn thể hiện tinh thần nhân văn: thương yêu, giúp đỡ con người, tôn trọng con người.

- Lời dặn đầy sự chiêm nghiệm sâu sắc về lẽ đời như: cơ trời vần xoay, lòng tốt, cho và nhận... khiến con người phải suy nghĩ về cách sống.

Câu 3:

- Từ đồng nghĩa với từ hành khất: ăn xin, ăn mày.

- Tác giả dùng từ hành khất vì:

   + Tác dụng phối thanh.

   + Hành khất là từ Hán Việt có sắc thái trang trọng, khác với sắc thái trung tính của các từ thuần Việt ăn xin, ăn mày, do đó phù hợp với cảm xúc của nhân vật trữ tình trong lời dặn con (phải tôn trọng, giữ thể diện cho những người hành khất).

Câu 4: Triển khai vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận.

- Từ nội dung đoạn thơ: Lời dặn con của người cha phải biết giúp đỡ và tôn trọng những người hành khất. Giúp người, đến khi gặp hoạn nạn, người khác sẽ giúp mình.

- Nêu vấn đề: cho và nhận ở đời.

* Phân tích vấn đề:

- Giải thích:

   + Cho là cho đi (vật chất, tinh thần, kinh nghiệm, …).

   + Nhận là nhận về niềm vui, sự thanh thản và kể cả vật chất.

* Phân tích biểu hiện:

- Cuộc sống còn rất nhiều mảnh đời khốn khổ, cần sự giúp đỡ của cộng đồng.

- Khi giúp đỡ người khác, con người cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc. Và khi lỡ sa chân vào khốn khó, có thể sẽ nhận được sự sẻ chia từ cộng đồng.

* Bình luận:

- Cho và nhận làm cho cuộc sống có ý nghĩa, nó cũng là quy luật của cuộc sống, giúp cho xã hội nhân văn và phát triển hơn, đáng được ca ngợi.

- Nhưng cuộc sống cũng còn lắm kẻ chỉ biết nhận mà không biết cho, hoặc cho đi và đòi phải nhận lại. Điều ấy cần phải phê phán.

* Kết luận:

Cuộc đời sẽ giàu ý nghĩa khi ta biết cho và nhận.

Phần II: Làm văn (5đ)

Dàn ý

1. Mở bài:

Nêu cảm nghĩ chung về sự hồi hộp, niềm vui và hạnh phúc khi được trở thành một học sinh THPT.

2. Thân bài:

- Cảm nghĩ trước khi nhập học:

    + Nhớ lại lần đầu tới trường, hay những lần khai giảng năm học trước

    + Bước vào trường THPT có gì khác biệt: hồi hộp, tự hào(bản thân trải qua kì thi đầy thử thách, thấy mình đã lớn và trưởng thành hơn).

- Cảm nghĩ khi mới đặt chân đến trường:

    + Miêu tả khái quát khung cảnh trường (mới lạ, rộng rãi, sạch đẹp, có nhiều bồn hoa, cây cảnh đẹp…).

    + Gặp gỡ, làm quen với thầy cô và các bạn mới (thầy cô, bạn bè đều là những người chưa quen ; cảm giác ban đầu xa lạ nhưng lại như có một sợi dây gắn kết vô hình, tạo sự gần gũi).

    + Phân chia lớp, phòng học và các bạn mới

- Cảm nghĩ về buổi chào cờ đầu tiên:

    + Lời thầy Hiệu trưởng (dõng dạc, nghiêm trang, đầy giục giã).

    + Lời phát biểu cảm nghĩ của một học sinh mới (gây ra niềm đồng cảm, xúc động ra sao?).

- Cảm nghĩ về buổi học đầu tiên:

    + Mới đầu còn đôi chút lạ lẫm, ngượng ngùng

    + Về sau, cả lớp hào hứng hòa nhập nhanh chóng

    + Buổi học qua nhanh nhưng để lại nhiều ấn tượng.

(chú ý miêu tả tiết học môn gì, thầy/cô giáo và bài giảng có sự hấp dẫn lôi cuốn như thế nào?)

3. Kết bài:

- Cảm giác vui vẻ, có chút gì đó khó tả.

- Trong lòng có sự tin tưởng sẽ sớm gần gũi, hòa nhập với việc học tập và tham gia phong trào của lớp, gắn bó với các bạn và môi trường học tập mới.

 

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa Học kì 1

Năm học 2021 - 2022

Môn: Ngữ văn lớp 10

Thời gian làm bài: 45 phút

(Đề thi số 4)

 Phần I. Đọc hiểu (3 điểm)

Đọc văn bản sau đây và trả lời các câu hỏi:

   Vị vua và những bông hoa

Một ông vua nọ rất có tài chăm sóc những cây hoa và ông đang muốn tìm một người kế vị mình. Ông quyết định để những bông hoa quyết định, vì thế ông đưa cho tất cả mọi người mỗi người một hạt giống. Người nào trồng được những bông hoa đẹp nhất từ hạt giống này sẽ được lên ngôi.

Một cô gái tên là Serena cũng muốn tham gia vào cuộc cạnh tranh để trồng được bông hoa đẹp nhất. Cô gieo hạt giống trong một cái chậu rất đẹp, chăm sóc nó rất kỹ càng, nhưng đợi mãi mà chẳng thấy hạt giống nảy mầm.

Năm sau, cô thấy mọi người tụ tập tại cung điện với những chậu hoa rất đẹp. Serena rất thất vọng, nhưng vẫn tới cuộc tụ họp với chậu hoa trống rỗng. Nhà vua kiểm tra tất cả chậu hoa, rồi dừng lại ở chậu hoa của Serena.

Ngài hỏi : “tại sao chậu hoa của cô không có gì?”

Serena thành thật trả lời: “Thưa điện hạ, tôi đã làm mọi thứ để nó lớn lên nhưng tôi đã thất bại”

Nhà vua liền trả lời: “Không, cô không thất bại. Những hạt giống mà ta đưa cho mọi người đều đã được nướng chín, vì thế chúng không thể nảy mầm. Ta không biết tất cả những bông hoa đẹp này ở đâu ra. Cô đã rất trung thực, vì thế cô xứng đáng có được vương miện. Cô sẽ là nữ hoàng của vương quốc này”.

      (Dẫn theo “Quà tặng cuộc sống”)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?

Câu 2: Nêu nội dung chính của văn bản trên?

Câu 3: Hãy giải thích vì sao cô Serena lại được nhà vua phong làm nữ hoàng?

Phần II. Làm văn (7 điểm)

Sau khi tự tử ở giếng Loa Thành, xuống thủy cung, Trọng Thủy đã tìm gặp lại Mị Châu. Hãy tưởng tượng và kể lại phần kết câu chuyện.

Đáp án và thang điểm

Phần I: Đọc hiểu (3đ)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính là tự sự.

Câu 2: Nội dung chính của văn bản trên:

Kể về việc một vị vua muốn lựa chọn người kế vị bằng cách thử lòng trung thực của mọi người từ những hạt giống hoa đã được nướng chín. Có duy nhất cô gái tên Serena là người chiến thắng nhờ lòng trung thực của mình . Thông qua câu chuyện để khẳng định tính trung thực sẽ đem lại cho chúng ta những món quà bất ngờ.

Câu 3: Cô Serena được nhà vua phong làm nữ hoàng vì cô đã rất trung thực ki trồng đúng hạt giống hoa mà nhà vua ban. Cô không tìm mọi cách để có chậu hoa đẹp như người khác mà chỉ chăm sóc hạt giống nhà vua đã ban.

Phần II: Làm văn (7đ)

Dàn ý:

1. Mở bài

- Sau khi an táng cho vợ, Trọng Thuỷ ngày đêm buồn rầu khổ não.

- Một hôm đang tắm, Trọng Thuỷ nhìn thấy bóng Mị Châu ở dưới nước bèn nhảy xuống giếng ôm nàng mà chết.

2. Thân bài

- Trọng Thuỷ lạc xuống Thuỷ cung.

   + Vì trong lòng luôn ôm nỗi nhớ Mị Châu nên sau khi chết, linh hồn Trọng Thuỷ tự tìm đến thuỷ cung.

   + Miêu tả cảnh cảnh ở dưới thuỷ cung (cung điện nguy nga lộng lẫy, người hầu đi lại rất dông…).

- Trọng Thuỷ gặp lại Mị Châu.

   + Đang ngơ ngác thì Trọng Thuỷ bị quân lính bắt vào đại điện.

   + Trọng Thuỷ được đưa đến quỳ trước mặt một người mà lính hầu gọi là công chúa.

    + Sau một hồi lục vấn, Trọng Thuỷ kể rõ mọi sự tình. Lúc ấy Mị Châu cũng rưng rưng nước mắt.

- Mị Châu kể lại chuyện mình và trách Trọng Thuỷ.

   + Mị Châu chết, được vua Thuỷ Tề nhận làm con nuôi.

   + Mị châu cứng rắn nặng lời phê phán oán trách Trọng Thuỷ: Trách chàng là người phản bội; Trách chàng gieo bao đớn đau cho hai cha con nàng và đất nước.

   + Mị Châu nhất quyết cự tuyệt Trọng Thuỷ rồi cả cung điện tự nhiên biến mất.

- TrọngThuỷ còn lại một mình: Buồn rầu, khổ não, Trọng Thuỷ mong ước nước biển ngàn năm sẽ xoá sạch lầm lỗi của mình.

3. Kết bài

Trọng Thuỷ hoá thành một bức tượng đá vĩnh viễn nằm lại dưới đáy đại dương.

* Lưu ý: Người viết có thể vẫn dựa vào dàn ý nêu trên nhưng có thể chọn nội dung câu chuyện khác, ví dụ:

   + Trọng Thuỷ và Mị Châu gặp gỡ nhau. Hai người tỏ ra ân hận. Nhưng rồi họ quyết định từ bỏ mọi chuyện ở dương gian để sống cuộc sống vợ chồng hạnh phúc nơi đáy nước.

   + Mị Châu gặp Trọng Thuỷ. Nàng phân rõ lí tình về những chuyện lúc hai người còn sống. Hiểu lời vợ, Trọng Thuỷ tỏ ra ân hận, nhận tất cả lầm lỗi về mình. Hai người hứa hẹn sẽ làm những điều tốt đẹp để bù đắp những lầm lỗi trước đây.

---------------------------------------------------------

Mời quí vị độc giả tải bộ đề thi Ngữ văn lớp 10 giữa học kì 1 năm 2021 để xem đầy đủ và chi tiết!

 

Bài viết liên quan

2124
  Tải tài liệu