Trắc nghiệm Địa Lí 6 Bài 8 có đáp án năm 2021
Bộ câu hỏi trắc nghiệm Địa Lí lớp 6 bài 8 Sự chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời có đáp án, chọn lọc năm 2021 – 2022 mới nhất gồm các câu hỏi trắc nghiệm đầy đủ các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dung cao. Hy vọng với tài liệu trắc nghiệm Địa Lí lớp 6 sẽ giúp học sinh củng cố kiến thức, ôn tập và đạt điểm cao trong các bài thi trắc nghiệm môn Địa Lí 6.
SỰ CHUYỂN ĐỘNG CỦA TRÁI ĐẤT QUANH MẶT TRỜI
Câu 1: Vì sao trên Trái Đất lại có hiện tượng mùa?
A. Trái Đất tự quay từ Tây sang Đông
B. Trái Đất chuyển động quanh Mặt Trời theo hướng từ Tây sang Đông
C. Trái Đất chuyển động quanh Mặt Trời theo một trục nghiêng với góc nghiêng không đổi
D. Trái Đất chuyển động tịnh tiến quanh trục
Lời giải
Nguyên nhân sinh ra hiện tượng mùa trên Trái Đất là do Trái Đất chuyển động quanh Mặt Trời theo một trục nghiêng với góc nghiêng không đổi trong quá trình chuyển động. Nên Trái Đất có lúc ngả nửa cầu Bắc, có lúc ngả nửa cầu Nam về phía Mặt Trời.
- Nửa cầu nào ngả về phía Mặt Trời thì nhận được lượng nhiệt và ánh sáng lớn, lúc ấy là thời kì mùa nóng.
- Ngược lại nửa cầu nào không ngả về phía Mặt Trời thì nhận được lượng ánh sáng và nhiệt ít hơn. Lúc ấy là thời kì mùa lạnh của nửa cầu đó.
=> Như vậy trên Trái Đất có các mùa trong năm
Đáp án cần chọn là: C
Câu 2: Nhận xét nào sau đây không đúng về hiện tượng các mùa trong năm
A. Do trục Trái Đất nghiêng và không đổi hướng trong khi chuyển động trên quỹ đạo nên sinh ra các mùa.
B. Các mùa đối lập nhau ở 2 nửa cầu trong một năm.
C. Một năm có 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
D. Các mùa tính theo dương lịch và âm dương lịch giống nhau về thời gian bắt đầu và kết thúc.
Lời giải
- Do Trục Trái Đất nghiêng và không đổi hướng trong khi chuyển động trên quỹ đạo nên sinh ra các mùa.
- Nửa cầu nào ngả về phía Mặt Trời thì nhận được lượng nhiệt và ánh sáng lớn, lúc đấy là thời kì mùa nóng và ngược lại. Hai bán cầu Bắc và Nam lần lượt ngả về phía Mặt Trời nên sẽ có các mùa đối lập nhau hoàn toàn. Trong một năm có 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông.
=> Nhận xét A, B, C đúng.
- Các mùa tính theo dương lịch và âm dương lịch khác nhau về thời gian bắt đầu và kết thúc.
Ví dụ: Mùa xuân: theo dương lịch từ 21/3 (xuân phân) đến 22/6 (hạ chí) ; theo âm dương lịch từ 4-5/2 (lập xuân) đến 5-6/5 (lập hạ)
=> Nhận xét: Các mùa tính theo dương lịch và âm dương lịch giống nhau về thời gian bắt đầu và kết thúc là không đúng
Đáp án cần chọn là: D
Câu 3: Cho bản đồ hành chính các nước trên thế giới:
Thời gian diễn ra mùa nóng và mùa lạnh của nước ta hoàn toàn trái ngược quốc gia nào sau đây?
A. Ô-xtrây-li-a
B. Nhật Bản.
C. Ấn Độ
D. Mê – hi – cô.
Lời giải
Các mùa trong năm trái ngược nhau ở hai bán cầu:
- Nước ta có vị trí thuộc bán cầu Bắc. Các quốc gia cũng có vị trí địa lí nằm ở bán cầu Bắc cùng với nước ta là Nhật Bản, Ấn Độ, Mê-hi-cô (có vị trí ở phía bắc đường xích đạo) nên có thời kì diễn ra mùa nóng, lạnh giống nhau.
- Riêng Ô-xtrây-li-a thuộc bán cầu Nam (vị trí ở phía nam đường xích đạo) nên có thời kì diễn ra mùa nóng lạnh trái ngược hoàn toàn với nước ta và các quốc gia còn lại ở bán cầu Bắc.
Đáp án cần chọn là: A
Câu 4:
"Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng
Ngày tháng mười chưa cười đã tối“.
Câu ca dao này chỉ đúng trong trường hợp ở
A. Bắc bán cầu
B. Nam bán cầu
C. Cả hai bán cầu
D. Khu vực nhiệt đới
Lời giải
Do trục Trái Đất nghiêng và không đổi hướng trong khi chuyển động trên quỹ đạo nên Trái Đất có lúc ngả nửa cầu Bắc, có lúc ngả nửa cầu Nam về phía Mặt Trời.
- Từ ngày 21/3 – 22/6: bán cầu Bắc ngả về phía Mặt Trời nên góc chiếu lớn, nhận được nhiều ánh sáng. Do vậy thời kì này, các địa điểm ở bán cầu Bắc sẽ có thời gian chiếu sáng lớn hơn (ngày dài hơn đêm)
=> “Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng” phù hợp với thời kì mùa nóng ở bán cầu Bắc.
- Ngược lại từ ngày 23/9 – 22/12 : là thời kì bán cầu Nam ngả về phía Mặt Trời, nửa cầu Bắc không ngả về phía Mặt Trời nên có góc chiếu nhỏ, nhận được ít ánh sáng. Do vậy thời kì này các địa điểm ở bán cầu Bắc có thời gian chiếu sáng ngắn hơn (ngày ngắn hơn đêm)
=> “Ngày tháng mười chưa cười đã tối” phù hợp với thời kì mùa lạnh ở Bắc bán cầu.
=> Câu ca dao “Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng / Ngày tháng mươi chưa cười đã tối“ là câu ca dao chỉ đúng ở bán cầu Bắc.
Đáp án cần chọn là: A
Câu 5: Trong khi chuyển động quanh Mặt Trời, Trái Đất luôn
A. giữ nguyên độ nghiêng và thay đổi hướng nghiêng của trục.
B. giữ nguyên độ nghiêng và hướng nghiêng của trục không thay đổi.
C. thay đổi độ nghiêng và hướng nghiêng của trục.
D. thay đổi độ nghiêng và giữ nguyên hướng nghiêng của trục
Lời giải
Trong khi chuyển động quanh Mặt Trời, Trái Đất luôn giữ nguyên độ nghiêng và hướng nghiêng của trục không thay đổi.
Đáp án cần chọn là: B
Câu 6: Chu kì để Trái Đất quay hết một vòng quanh Mặt Trời là
A. 1 tháng.
B. 1 năm
C. 6 tháng.
D. 24 giờ.
Lời giải
Chu kì để Trái Đất quay hết một vòng quanh Mặt Trời là 365 ngày 6 giờ (1 năm)
Đáp án cần chọn là: B
Câu 7: Quỹ đạo chuyển động xung quanh Mặt Trời của Trái Đất là
A. Tròn
B. Elip gần tròn
C. Hình thoi
D. Cầu.
Lời giải
Quỹ đạo chuyển động xung quanh Mặt Trời của Trái Đất có dạng elip gần tròn
Đáp án cần chọn là: B
Câu 8: Nửa cầu Bắc ngả về phía Mặt Trời vào ngày
A. 22/6 (hạ chí)
B. 22/12 (đông chí)
C. 21/3 (xuân phân)
D. 23/9 (thu phân)
Lời giải
Vào ngày 22/6 (hạ chí), nửa cầu Bắc ngả về phía Mặt Trời, đây là thời kì mùa hạ ở bán cầu Bắc.
Đáp án cần chọn là: A
Câu 9: Vào ngày 21/3 và 23/9, lúc 12 giờ trưa ánh sáng Mặt Trời chiếu thẳng góc tại nơi nào sau đây?
A. chí tuyến Bắc.
B. chí tuyến Nam.
C. vòng cực
D. xích đạo.
Lời giải
Vào ngày 21/3 và 23/9, lúc 12 giờ trưa ánh sáng Mặt Trời chiếu thẳng góc tại xích đạo.
Đáp án cần chọn là: D
Câu 10: Vào ngày nào trong năm ở hai nửa bán cầu đều nhận được một lượng ánh sáng và nhiệt như nhau
A. Ngày 22 tháng 6 và ngày 22 tháng 12
B. Ngày 21 tháng 3 và ngày 23 tháng 9
C. Ngày 21 tháng 6 và ngày 23 tháng 12
D. Ngày 22 tháng 3 và ngày 22 tháng 9
Lời giải
Vào ngày 21/3 và 23/9, tia sáng Mặt Trời chiếu vuông góc với bề mặt Trái Đất tại xích đạo nên ở hai nửa bán cầu đều nhận được một lượng ánh sáng và nhiệt như nhau.
Đáp án cần chọn là: B